Dịch bệnh khiến chúng ta thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Và không hẳn mọi thay đổi đều tích cực. Việc nghỉ việc bất chấp dịch bệnh, từ chối yêu cầu trở lại văn phòng liệu có phải một xu hướng sống đúng?
Từ khoảng thời gian “dính liền” với công việc…
Trước khi Covid-19 xuất hiện, không khó để thấy những văn phòng làm việc vẫn sáng đèn dù đã sau 18 giờ. Đặc biệt, hình ảnh một người “ôm” chiếc máy tính bất kể ngày hay đêm đã trở nên vô cùng quen thuộc, đặc biệt là giới trẻ. Hay những người sáng vội vã đến công ty, chiều tan làm chẳng kịp ăn tối đã phải lao vào các buổi ăn uống, gặp gỡ khách hàng, đối tác.
Chúng ta miệt mài làm việc, hăng say cống hiến, lao động và kiếm tiền. Đ.T – nhân viên tại một công ty quảng cáo cho biết: “Việc thức đến 4-5 giờ sáng để làm cho kịp deadline là chuyện bình thường với người làm thiết kế như mình. Thậm chí cuối tuần khách hàng vẫn gọi và yêu cầu điều chỉnh thiết kế sản phẩm. Nhiều lúc đi chơi mình vẫn phải mang laptop theo để “phòng hờ”, vì chẳng biết khách hàng gọi lúc nào.”
Cũng như M.T, bạn N.A chia sẻ: “Mình vừa làm việc ở công ty vừa tranh thủ kinh doanh online để kiếm thêm. Nhiều người thường nói con gái không cần phải làm nhiều vậy hay làm quá sức không sợ bệnh hay sao. Nhưng mà mình đang còn trẻ nên phải tranh thủ kiếm thêm để mau chóng ổn định cuộc sống.”
…đến xu hướng nghỉ việc bất chấp dịch bệnh
Nếu như ngày trước, chúng ta luôn toàn tâm toàn ý cho công việc thì kể từ khi Covid-19 xuất hiện, xu hướng nghỉ việc lại trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Không phải là những người bị buộc nghỉ việc do công ty đóng cửa tạm thời hay giải thể mà chính những người vẫn đang có việc làm ổn định lại lựa chọn nghỉ việc hoặc từ chối lên văn phòng bất chấp những lời cảnh cáo từ sếp và bộ phận nhân sự.
K., một bạn trẻ sau khi đi du học về và đang làm phó phòng tại một tập đoàn có tiếng đã quyết định nghỉ việc để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình của mình. K cho biết, mình vẫn nhận các công việc freelance (làm việc tự do) để có thể chủ động thời gian và địa điểm làm việc, từ đó được ở bên cạnh người thân nhiều hơn. Sau khoảng thời gian xa cách, không được về quê do lệnh giãn cách xã hội, giờ đây thời gian ở bên cạnh người thân với K là điều quan trọng nhất.
“Từng là F0 và đã khỏi bệnh, mình nhận ra sức khỏe quan trọng hơn công việc, tiền bạc rất nhiều. Vì thế, mình chọn cách nghỉ việc. Bỏ qua lối sống chỉ biết công việc 10-12 tiếng mỗi ngày để dành thời gian quan tâm đến sức khỏe và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Tiền có thể kiếm lại nhưng sức khỏe thì không” – D, một nhân viên văn phòng tâm sự.
Điều gì đang xảy ra?
Có thể thấy, nghỉ việc bất chấp dịch bệnh như một cơn sóng ngầm đã lan tỏa khắp nhiều nơi trên thế giới. Dịch bệnh đã khiến nhiều người nhận ra rằng, cuộc sống thật mong manh và chúng ta thì có nhiều ưu tiên hơn là việc kiếm tiền. Chúng ta cần phải đảm bảo sức khỏe, cần phải dành nhiều thời gian cho bố mẹ và gia đình, cần phải làm những điều mình thích thay vì dành thời gian để gắn liền với bàn làm việc, với 1.001 thứ deadline, với những cuộc họp qua Zoom hay Google Meet không hồi kết.
Hơn nữa, vì tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát cùng với thói quen làm việc ở nhà trong nhiều tháng liền, nhiều người đã quyết định từ chối quay trở lại văn phòng với nhiều lý do khác nhau: việc ra ngoài và đến công ty không an toàn và có thể khiến tăng nguy cơ nhiễm bệnh, làm việc ở nhà thoải mái hơn, tiết kiệm thời gian di chuyển hơn… Bất chấp sự đe dọa thanh lý hợp đồng từ công ty, nhiều người vẫn lựa chọn cách ở nhà mà không có chút hối tiếc nào.
Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội, các gói hỗ trợ thất nghiệp từ Chính phủ các nước… cũng phần nào thúc đẩy, củng cố ý định nghỉ việc nhen nhóm trong lòng một bộ phận người dân hiện nay.
Đứng trước làn sóng nghỉ việc này, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã cải thiện các chính sách phúc lợi cho nhân viên, chẳng hạn như LinkedIn cho hầu hết nhân viên nghỉ một tuần phép có lương hay Twitter thực hiện chiến dịch #DayofRest (ngày nghỉ ngơi), bổ sung thêm 1 ngày nghỉ phép hằng tháng, Credit Suisse trợ cấp cho nhân viên thêm một khoản dưới 20.000 USD và gọi là “trợ cấp sinh hoạt”.
Tuy nhiên, tất cả các quyết định được đưa ra này đều chỉ có thể giữ chân một bộ phận nhỏ nhân viên muốn nghỉ việc mà thôi. Bởi về cơ bản chỉ có thay đổi toàn bộ chính sách, cách làm việc, chẳng hạn như cho phép nhân viên làm việc tại nhà vĩnh viễn, không áp lực về thời gian làm việc,… mới có thể đáp ứng được nhu cầu của bộ phận lựa chọn nghỉ việc hiện nay.
“Tất cả chúng ta đều đã có 1 năm để đánh giá xem cuộc sống hiện tại có phải là cuộc sống mà chúng ta mong muốn hay không, đặc biệt là những người trẻ suốt ngày phải nghe điệp khúc cố gắng làm việc, trả nợ và một ngày nào đó bạn sẽ được hưởng trái ngọt. Rất nhiều người trong số họ đã đặt câu hỏi về phương trình này. Vậy nếu họ muốn hạnh phúc ngay lúc này thì sao?”. – Christina Wallace, giảng viên cao cấp tại trường kinh doanh Harvard (Harvard Business School), cho biết.
Chúng ta đang chơi một trò chơi mạo hiểm
Khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, nền kinh tế vẫn chưa được phục hồi, hàng ngàn công ty vẫn phải phá sản hoặc đứng trước bờ vực phá sản khiến không ít công nhân viên phải lao đao vì thất nghiệp, việc lựa chọn nghỉ việc có thể là một quyết định vô cùng mạo hiểm.
Nếu đến một ngày, số tiền tiết kiệm dần cạn kiệt, bạn liệu có lựa chọn quay trở lại công việc mà trước kia mình từng từ bỏ hay vẫn chấp nhận ở nhà, để “trời sinh voi sinh cỏ, không ai đói mà em lo”?
Nếu dịch bệnh vẫn kéo dài, nếu số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa nhiều hơn, nếu nhu cầu tuyển dụng trên thị trường ngày một thấp hay nếu không thể tìm được một công ty đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của bạn, chẳng hạn như được làm việc tại nhà, không cần lên văn phòng… liệu giải pháp của bạn sẽ là gì?
Khi làm việc không chỉ là để kiếm tiền…
Trước khi nghỉ việc, hãy nhớ rằng từ bỏ công việc việc ở thời điểm hiện tại đồng nghĩa với việc bạn đang đánh cược với nhiều cơ hội hơn và cũng nhiều rủi ro hơn trong tương lai. Và nếu bạn may mắn hơn, không có những gánh nặng kinh tế và đang cân nhắc đến việc nghỉ việc, hãy nhớ rằng, làm việc không phải chỉ để đáp ứng các nhu cầu về tài chính.
Làm việc là một cách để bạn có thể khẳng định bản thân, chứng minh được giá trị của mình. Hơn nữa, lao động là một cách để bạn có thể tạo ra giá trị cho xã hội, mang đến lợi ích cho cộng đồng. Làm việc là một cách để chúng ta cống hiến và có một cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn.
Trải qua liên tiếp nhiều đợt dịch, tư tưởng sống YOLO ngày càng được hưởng ứng nhiều hơn. Khi bạn phải trải qua những ngày mà sự sống và cái chết trở nên mong manh, việc dành nhiều thời gian cho bản thân và những người xung quanh chẳng có gì sai. Tuy nhiên, thay vì nghỉ việc và đặt bản thân mình vào cuộc sống mạo hiểm với nhiều rủi ro đang chờ phía trước, tại sao không làm hết sức, chơi hết mình và cân bằng giữa công việc với cuộc sống, bạn nhỉ?