Mẹ&Con - 30 tuổi, tôi được xếp vào nhóm phụ nữ hiện đại, độc lập và thành đạt. Tự tin ở mình, không chấp nhận kiểu nhún nhường kể cả khi chồng sai lè ra của những đứa bạn, tôi quyết định… lấy chồng Tây, vì cho rằng sẽ chẳng anh chồng Việt nào chịu nổi tôi, cũng như tôi chẳng thể nào chịu nổi tính gia trưởng, dễ tự ái của những anh chồng Việt. Những cô gái xinh đẹp thành đạt không muốn lấy chồng Gian nan lấy chồng Hàn Nỗi khổ khi lấy chồng trẻ

Chồng Tây rất… khác!

Nói chính xác hơn thì người mà tôi gọi là “chồng” chỉ mới đính hôn chứ chưa cưới. Cách sống của người phương Tây khá thoáng nên sau ngày đính hôn, khi tôi đề nghị anh về ở cùng nhà thì anh đồng ý ngay. Cuộc sống của chúng tôi suốt quá trình yêu nhau và những  tháng đầu sống chung phải nói là ắp đầy hạnh phúc. Mọi mong muốn của tôi ở một người chồng ga-lăng, lịch thiệp và chiều chuộng phụ nữ đều thành hiện thực. Hình như đã được uốn nắn từ nhỏ và tạo thành một nếp nghĩ chảy trong “máu”, anh chiều chuộng tôi một cách tự nhiên đến mức… đáng yêu!

Không bao giờ anh để tôi xách nặng. Không bao giờ anh bước ra cửa trước mà quên mở cửa và nhường lối cho tôi. Không bao giờ anh có cái kiểu gia trưởng hay cố tỏ ra khinh thường phụ nữ giỏi bằng những câu dè bĩu sau lưng mà tôi vốn đã rất quen, kiểu như: “Ối giời, giỏi cho lắm vào rồi cũng… ế chỏng chơ ra!”.

Lấy chồng Tây 5

Với anh, khi tôi hớn hở khoe rằng mình vừa làm được gì đấy, vừa được tăng lương, vừa ký thành công một hợp đồng…, bao giờ cũng là một nụ hôn và câu chúc mừng: “Em thật tuyệt!”. Người chồng Tây dường như chẳng bao giờ so đo với phụ nữ về chuyện lương ai cao hơn, chẳng bao giờ cho rằng nếu thu nhập thua kém vợ thì nghĩa là mình đã đứng đằng sau vợ. Khi biết tôi thu nhập cao hơn cả anh, anh chỉ tròn mắt ra vẻ bất ngờ rồi trầm trồ: “Em giỏi quá! Anh phải cố gắng để bằng em mới được…”.

Với công việc nhà, tôi càng hạnh phúc. Đã được rèn từ nhỏ nên chẳng khi nào anh xem việc nhà là việc riêng của… đàn bà. Tôi nấu ăn thì anh dọn bàn. Tôi rửa chén thì anh cũng loanh quanh lau dọn trên nhà. Khi tôi than mệt vì vừa nấu ăn hay dọn dẹp xong, anh đều ôm lấy tôi và thì thầm: “Em muốn… bù đắp bằng cái gì?”. Và khi ấy, tôi có thể tha hồ nghĩ ra một thứ gì đó để “bắt” anh làm, đại loại như: Cho em một ly nước, hôn em, massage cho em… và sẽ được anh phì cười, đáp ứng ngay không ngần ngại.

Có cuộc sống gia đình với một người đàn ông phương Tây đã đính hôn quả là một điều tuyệt vời – ít nhất với tôi. Anh không tò mò với chuyện tôi “đã từng” với ai chưa, không đòi hỏi tôi phải “e ấp thục nữ” kiểu các anh bạn trai người Việt mà tôi từng có. Với chuyện gối chăn, chàng-trai-Tây của tôi vô cùng thoải mái và quan tâm đến cảm xúc của vợ mình. Anh luôn tìm cách để tạo ra những điều bất ngờ khiến tôi thích thú.

Nhưng cuộc sống đúng là không bao giờ bằng phẳng. Việc lấy một người chồng Tây bắt đầu trở ngại khi tôi không muốn chỉ dừng lại ở đính hôn và sống thử. Khi nhìn thấy que thử lên “hai vạch”, tôi chia sẻ với anh rằng tôi muốn có một tờ giấy đăng ký kết hôn thật sự và bước vào đời nhau với tất cả những mối quan hệ ràng buộc, họ hàng… Anh đồng ý. Chỉ có điều, chúng tôi không hề biết rằng một cuộc hôn nhân của hai con người khác biệt hẳn nhau về văn hóa, ngôn ngữ sẽ không phải là việc dễ dàng.

Gia đình tôi không chấp nhận anh…

Khi tôi bàn với anh rằng chúng mình sẽ về quê để ra mắt, gặp gỡ gia đình tôi, để xin phép được… làm quen tôi (và tất nhiên là giấu hẳn chuyện chúng tôi đang chung sống với nhau, đã đính hôn nhau mà không cần đến sự đồng ý của hai gia đình), anh có vẻ rất ngạc nhiên!

Anh không hiểu tại sao chúng tôi phải giấu những sự thật ấy. Song sau khi tôi nói đi nói lại nhiều lần rằng đây là Việt Nam, gia đình tôi vẫn theo phong cách “cổ truyền” thì cuối cùng anh đồng ý chiều theo tôi chuyện ấy.

Lấy chồng Tây 6

Tôi gọi điện về nhà, báo với gia đình sẽ đưa bạn trai về “ra mắt”. Cả nhà tôi mừng lắm. Thế nhưng, khi tôi đưa anh vào nhà, bố mẹ tôi lập tức tròn mắt sững sờ, hỏi đi hỏi lại rằng có thật đây là… bạn trai mà tôi muốn giới thiệu không. Những ngày tiếp theo là một chuỗi dài hàng loạt khó khăn của chúng tôi. Anh không thể “quen” được với cuộc sống ở quê, với những cái cười khúc khích của những người hàng xóm khi thấy anh mà chẳng hiểu lý do vì sao. Sự khác biệt văn hóa khiến anh không thích nghi được với vô số thứ, nên hầu như anh chỉ ngồi im lặng mỗi khi nói chuyện. Bố mẹ tôi cũng trong tình thế tương tự. Ông bà đợi lúc không có anh, phản đối kịch liệt với tôi. Mãi đến khi tôi nói thẳng với mẹ rằng tôi đang mang trong mình giọt máu của anh, mẹ tôi mới kêu trời và… đồng ý.

Đám cưới của chúng tôi diễn ra với đầy ắp sự… gian nan. Chỉ riêng chuyện để anh hiểu các “lễ nghi” của đám cưới Việt đã là chuyện khó. Một mớ thứ “đòi hỏi” theo phong tục, đám dạm ngõ, đám hỏi, đám cưới… mà anh không thể hiểu được tại sao lại có quá nhiều bà con được… “góp ý kiến” vào, rồi thì trưởng tộc yêu cầu đủ thứ này kia, trong khi theo anh, chỉ cần cô dâu – chú rể sẵn sàng cưới nhau và bố mẹ hai bên đồng ý thôi là đủ!

Tôi chằm chặp bênh anh, bực bội với chính bố mẹ mình khi bố mẹ yêu cầu những thứ lễ nghi quá chi tiết theo phong tục. Mẹ tôi cứ những lần như vậy thì lại nói lẫy: “Vậy thì kệ con! Con muốn đi đâu với người ta thì đi, cần gì về đây xin cưới hỏi…”. Mẹ bỏ ra hàng hiên sau nhà ngồi khóc không biết bao nhiêu lần. Tôi rối bời giữa hai bên. Một bên là con người hiện đại của tôi, mong muốn được sống thật đơn giản với người đàn ông mình yêu, chỉ cần làm một chút lễ nghi trong nhà thờ và tiệc gọn gàng là đủ. Một bên là đứa con vẫn mang trọn vẹn dòng máu phương Đông, cảm thấy áy náy với bố mẹ về những thứ nghi lễ mà bố mẹ đòi – xem như sự “nở mặt nở mày” với hàng xóm (theo kiểu mẹ tôi thường nói).

Rồi thì chúng tôi cũng vượt qua đám cưới một cách đầy căng thẳng và gian nan. Cưới nhau xong, cuộc sống của chúng tôi cũng thêm không ít phần căng thẳng. Lúc sống thử với nhau ở thành phố, dù cũng là cùng một mái nhà, ăn ngủ mọi thứ đều chung nhưng chúng tôi đều không phải “dính” đến họ hàng. Giờ thì mọi thứ khác hẳn!

Bố mẹ tôi lấy cớ lên “thăm nhà”, lên ở cùng chúng tôi khiến nhịp sinh hoạt của hai vợ chồng hoàn toàn đảo lộn. Rồi thì lúc giỗ chạp, mẹ tôi lại gọi điện, nằng nặc bảo tôi phải đưa chồng về quê vì “các cụ nhắc”. Khổ sở cho cả anh và tôi. Anh không thể hiểu chuyện tại sao phải kiên nhẫn ngồi yên ở mâm cơm cả 3-4 tiếng đồng hồ dù anh không uống được rượu và cũng chẳng hiểu người khác nói gì, trong khi những người khác khề khà say xỉn nói đủ thứ trên trời dưới đất. Anh đứng dậy ngay sau bữa ăn giỗ, đi ra ngoài thì những người khác lại trách cứ bố mẹ tôi, bảo: “Ham rể tây làm gì để cho giờ ra thế…”.

Lấy chồng Tây, dễ mà… không dễ!

Sau nhiều lần như thế, anh chồng Tây của tôi đâm… bực. Anh không muốn về quê nữa. Tôi đành chiều ý anh dù biết ở nhà bố mẹ tôi giận không ít. Đỉnh điểm căng thẳng nảy sinh vào thời điểm tôi sinh con. Chồng gay gắt phản đối tất cả những phương pháp dân gian mẹ tôi muốn làm cho bé và cho tôi. Mẹ tôi thì cau có, cho rằng anh không biết gì cả thì cứ để cho mẹ tôi chăm sóc. Anh thì khăng khăng việc chăm bé là trách nhiệm của anh và tôi, rằng anh không đồng ý cho bất kỳ ai chăm sóc bé theo phương pháp thiếu khoa học như thế cả.

Lấy chồng Tây 7

Mọi thứ căng thẳng đến mức, thậm chí có lúc, bố mẹ tôi bảo nhất quyết không “nhìn” đến anh nữa. May mà thời điểm đó, nhiều người bạn của tôi nói vào, khuyên nhủ, tìm mọi cách để hòa giải “các bên”.

Giờ, con tôi đã 2 tuổi, được ông bà cả nội lẫn ngoại rất yêu thương. Con giống như sợi dây gắn kết, khiến những xung đột do khác biệt văn hóa, ngôn ngữ giữa “các bên” mới giảm xuống dần dần (dù vẫn còn không ít). Chỉ có điều, từ những gì mình thật sự đã trải nghiệm, tôi mới biết khác biệt văn hóa là một thứ không dễ dung hòa. Và nếu như không có được sự yêu thương chân thành, những nỗ lực kết nối, mối dây vợ chồng “khác xứ” ấy rất dễ… đứt lúc nào không hay!

Lấy chồng Tây không khó. Cái khó nằm ở chỗ giữ cho mối quan hệ giữa hai con người với quá nhiều khác biệt ấy vững bền! 

Tags:

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?