Mẹ tôi là một người phụ nữ tần tảo, ba tôi mất sớm nên mẹ làm nhiều nghề lắm để nuôi tôi.
Kí ức về mùi lúa chín vàng ươm, len vào từng hốc mũi năm nào giờ vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim tôi bởi ngày ấy mẹ đi cấy, cứ nghỉ hè là tôi lại được ra đồng xem mẹ gặt lúa.
Tôi cùng vài đứa trẻ con cũng theo mẹ đi cấy, thả sức chạy quanh cánh đồng bắt nào là cào cào, châu chấu rồi muồm muỗm… Thành quả của chúng tôi sau khi đem về sẽ được mẹ rang thơm phức, tha hồ ngấu nghiến nhai.
Hết mùa lúa chín, mẹ tôi đi bán kem. Mẹ cột chiếc thùng xốp bằng dây co đằng sau xe, bên trong nào là các loại kem xanh đỏ tím vàng thơm nức mũi. Ngày mẹ đi bán kem, buổi chiều về chẳng cần lạch cạch mở cổng. Mẹ chỉ cần bóp chiếc còi, đồ nghề đồng hành bên thùng kem kêu bíp bíp là tôi từ trong nhà sẽ “phóng như bay” ra ngoài mở cổng cho mẹ.
Ngày nào mẹ bán ế, còn nguyên nửa thùng kem mang về là ngày đó tôi mừng lắm. Tôi sẽ được ăn kem thỏa thích, thậm chí còn mang cho chị Mai, chị Tuyết hàng xóm bên cạnh nhà. Bây giờ nghĩ lại mới thấy hồi ấy đúng là trẻ con, niềm vui lớn lao cực chẳng đành là khi mẹ bán ế…
Sau bán kem, nghề nghiệp lâu nhất của mẹ là đi thu mua sắt vụn. Mẹ làm cái nghề mà người ta vẫn thường gọi chung chung là “mấy bà bán đồng nát”.
Dù mẹ không làm ông nọ bà kia, không quyền cao chức trọng nhưng nghề nghiệp nào của mẹ dù thấp hèn, dù vất vả… đứa con gái đầy mơ mộng là tôi cũng tìm được niềm vui trong đó.
Ngày mẹ đi thu mua sắt vụn, tôi thích lắm những lần mẹ mang về khi thì con búp bê, khi thì con gấu bông của “bọn con nhà giàu”. Mẹ bảo: “Mấy đứa trẻ con ở xóm trên nhiều đồ chơi lắm, thấy chúng có vài món đồ chơi đã cũ mẹ xin mang về cho con”.
Người ta gọi tôi là “Con nhà bà bán đồng nát”…. (Ảnh minh họa)
Cũ người mới ta, bấy nhiêu thôi cũng đủ thế giới của tôi trở nên thi vị lắm rồi. Tuổi thơ của tôi không đầm váy công chúa xúng xính, không nơ cài tóc rực rỡ như bạn bè cùng trang lứa. Tuổi thơ của tôi chỉ gắn liền với những con búp bê nhựa mẹ “sưu tầm” tứ phương.
Theo năm tháng tôi dần lớn lên, chẳng còn là cô bé quanh quẩn trường làng ngày nào. Lớn lên, tự dưng cảm thấy ngại khi có ai đó hỏi “Mẹ bạn làm nghề gì?”, “Mẹ cháu làm việc ở đâu?”… Chẳng lẽ lại mở miệng ra nói rằng “Mẹ tôi bán đồng nát“? Chắc chắn thay vì thông cảm, mọi người sẽ cười ồ lên coi thường mình mà thôi. Nghĩ vậy, suốt 4 năm học trung học và 3 năm học phổ thông, tôi giấu biệt chuyện mẹ mình chỉ là bà bán đồng nát.
Nhiều khi trên đường đi chơi với bạn bè, tôi bắt gặp mẹ ì ạch đạp xe chở bao hàng công kềnh cao ngất nhưng cũng mặc kệ. Thậm chí, đôi lần tôi còn giả vờ chẳng nhìn thấy mẹ, quay lưng đi thẳng vì sợ bạn bè cười chê. Thế nhưng một số đứa vẫn phát hiện ra đó là mẹ tôi. Kể từ đó, bạn bè không gọi tôi bằng cái tên Vân Anh xinh đẹp, chúng gọi tôi với cái biệt danh “Con nhà bà bán đồng nát”.
Rồi cũng chính những chuyến xe đồng nát của mẹ đã chu cấp cho tôi suốt 4 năm đại học. Tôi tốt nghiệp rồi thất nghiệp, những gánh đồng nát của mẹ vẫn nuôi dưỡng tôi tới tận khi học lên thạc sĩ rồi lấy chồng.
Người đời nói quả thật không sai, có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Có con rồi, phải lăn lộn mưu sinh bên ngoài vì con, vì gia đình tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả suốt bao nhiêu năm mẹ gồng gánh một mình.
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 30 năm. Mẹ tôi bây giờ tóc bạc nhiều hơn tóc xanh. Nếu ngày còn nhỏ thích nhất là mỗi lần nhổ tóc bạc cho mẹ, một trăm đồng một sợi thì bây giờ, lần nào về cũng nhuộm phủ màu đen, hòng níu kéo tuổi xuân của bà dài thêm chút nữa. Là con của bà bán đồng nát thì sao? Chẳng phải nhờ những gánh đồng nát ấy tôi mới trưởng thành được đến ngày hôm nay?
Tuổi trẻ nông nổi, tuổi trẻ bồng bột, tuổi trẻ hời hợt… Trải qua tuổi trẻ, người ta mới cảm nhận được tình nghĩa gia đình là thứ luôn vẹn mãi với thời gian.
Mẹ chúng ta chẳng còn trẻ đâu, bạn ạ. Còn ngày nào có mẹ thì nhớ dành thời gian báo hiếu, phụng dưỡng mẹ. Đừng để mất mẹ rồi mới biết trân trọng, nghe không!