Thế nhưng, gái có công, chồng vẫn phụ. Cái câu cải biên trái ngang ấy lại vận vào Yên. Chồng Yên lén lút nối lại tình xưa với người yêu cũ lúc nào chẳng rõ. Đến khi Yên phát hiện, thì anh mới thú nhận, “từ lúc lấy vợ vẫn thấy tội người ta”. Yên rơi từ thiên đường xuống địa ngục.

Bà ngoại mang mấy cái áo ấm mới qua cho hai đứa cháu, càu nhàu rằng, mẹ thì ăn diện ngút trời mà để cho con cái như vầy… Yên thản nhiên cười, buông một câu nhẹ như không: Chúng muốn gì thì kêu ba nó mua cho, còn không thì lớn lên gắng làm mà sắm sửa, chứ sao.

Mẹ Yên vờ như đang bận bịu ướm đồ cho hai đứa nhỏ, để không phải nhìn xem nét mặt con rể, cũng đang ngồi gần đấy, trông như thế nào…

Hơn mười năm trước, Yên kết hôn khi vừa mới ra trường. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ bắt đầu từ tay trắng, lại nặng gánh bên chồng, vốn chẳng phải dễ dàng gì. Được cái, Yên chăm chỉ, lại căn cơ, vén khéo. Có được tám đồng, Yên tằn tiện ráng kiếm thêm hai đồng nữa, cho chẵn chục, mang gửi tiết kiệm. Những địa điểm lui tới của Yên quanh quẩn từ nhà đến công ty, nhà trẻ của con, cái chợ nhỏ ngay đầu hẻm. Hết. Khi cơ quan nới lỏng việc ăn mặc, đồng nghiệp đua nhau váy áo là lượt, Yên vẫn trung thành với mấy bộ đồng phục được phát miễn phí. Cô phẩy tay vào các khái niệm như mỹ phẩm, ăn tiệm, điệu đà, làm đẹp. Mấy cuộc vui bạn bè kiểu tụ tập cà phê, dạo siêu thị, đi xem phim, với Yên vô cùng xa lạ và xa xỉ.

Lúc đó, chỉ gia đình mới là mối bận tâm lớn nhất và duy nhất của Yên. Nhiều năm ròng rã cúc cung lo đám xá, giỗ quảy cho phía bên chồng, thậm chí cho chị chồng vay tiền làm ăn không lấy lãi, phụ bố chồng xây mồ mả cho họ hàng ngoài quê, Yên đều chẳng nề hà tính toán. Chồng Yên được vợ chăm chút từ bộ áo quần tới đôi giày, nặn kem đánh răng mỗi sáng, pha nước mát đưa tận tay mỗi chiều… Quan trọng nhất, là Yên luôn thấy hạnh phúc.

Thế nhưng, gái có công, chồng vẫn phụ. Cái câu cải biên trái ngang ấy lại vận vào Yên. Chồng Yên lén lút nối lại tình xưa với người yêu cũ lúc nào chẳng rõ. Đến khi Yên phát hiện, thì anh mới thú nhận, “từ lúc lấy vợ vẫn thấy tội người ta”. Yên rơi từ thiên đường xuống địa ngục. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ ba người kèm lời hứa chấm dứt của anh mới thực sự khiến Yên như người vừa ngủ mê bừng tỉnh dậy.

Khi người vợ tỉnh ngộ 3

Coi, người ấy xa xưa của anh vẫn còn tươi mới quá chứ! Da trắng, thân hình thon gọn, mặc chiếc áo đầm may bằng chất liệu gì đó, mà không cần chạm tay vào, Yên cũng có thể cảm nhận được sự mềm mượt của nó. Mặt mũi chị ta không đẹp sắc sảo, nhưng nhờ trang điểm cẩn thận nên khá dễ coi, mịn màng. Từ đi đứng đến ăn nói đều chậm rãi, nhẹ nhàng, khác hẳn Yên làm gì cũng “nhanh lên chứ, vội vàng lên đi chứ”. Thử nhìn cái giỏ xách của chị ta mà xem, nó thanh lịch đẹp đẽ, một trời một vực với chiếc túi hàng chợ Yên tha theo bên mình. Khi Yên ngồi gần, mùi hương ngọt ngào từ người chị ta toát ra làm Yên dù lòng đầy căm ghét vẫn không thoát khỏi cảm giác dễ chịu. Hỏi sao mà chồng mình chẳng mê!

Hôm đó về nhà, Yên soi mình trong giương, rơi nước mắt vì cay đắng. Mới ngoài ba mươi, mà sao Yên tàn tạ, xập xệ đến vậy! Khuôn mặt đã lấm tấm có nốt tàn nhang, vài ba cái sẹo nhỏ vì Yên sẵn tay hay đưa lên da nặn nặn, vùng mũi thì đen đặc li ti mụn cám. Yên không quá mập, nhưng da thịt nhìn nhẽo nhoẹt, đặc biệt là vùng bụng sau sinh nở. Đôi bàn tay toàn những gân là gân, cứng quèo, móng lam nham vì năm thì mười họa Yên mới đi tiệm làm một lần. Yên tần ngần mở tủ áo, buồn bã nhận ra mình chẳng có được một bộ áo quần nào coi được.

Toàn mấy thứ rẻ tiền, quấy quá. Phụ kiện hay đồ lót thì càng không có gì đáng giá. Đồ làm đẹp duy nhất là cây son môi loại dành cho tuổi mới lớn mà Yên quen xài từ thời sinh viên, cùng với một chai lăn “cánh”. Vậy thôi. Mọi thứ tốt đẹp, tươm tất nhất, Yên bấy lâu vẫn để cho con, dành cho chồng…

Cũng hôm đó, lần đầu tiên Yên mặc kệ chồng chở con về, loay hoay cho chúng ăn tối, tắm rửa dọn dẹp. Yên không tất bật quát đứa lớn, dỗ đứa nhỏ, hớt hải lo lắng là mớ áo quần chưa kịp ủi để cất lên cho gọn nữa. Yên nằm lì trong phòng, tự thưởng cho mình một giấc ngủ có máy lạnh, chứ không tiết kiệm chịu nóng như thói quen hàng ngày. Yên đã khổ lâu quá rồi, cuối cùng gặt hái được gì đâu, nên giờ nuông chiều bản thân một chút cũng là điều nên làm.

Sau nhiều vật vã, dằn hắt, cuộc hôn nhân của vợ chồng Yên vẫn tiếp diễn, khoác lên một vẻ ấm êm, no đủ mà người ngoài nhìn vào ngưỡng mộ. Nhưng chỉ riêng Yên biết, đã có một sự thay đổi âm thầm mà ghê gớm đang xảy ra trong gia đình. Những hy sinh, tằn tiện ngày xưa, Yên tung hê hết. Mỗi lần chần chừ trước chiếc váy đẹp mắc tiền, hay tiêng tiếc vì lọ nước hoa hàng hiệu trị giá bằng tiền ăn của cả tuần, Yên đều thấy hiện lên trong đầu hình ảnh cô nhân tình cũ của chồng. Chị ta có gì hơn Yên, mà lại được hưởng những thứ hảo hạng, thơm tho như thế kia chứ! Hà cớ gì Yên phải ép mình ép xác, biết đâu cốc mò cò xơi, phí hoài!

Bây giờ, nhìn vào vợ chồng Yên, sẽ thấy một sự đổi ngôi rõ rệt. Yên sành điệu, thanh lịch, tinh tươm, đi bên cạnh anh chồng có phần nhếch nhác. Không ai yêu ta bằng chính mình trở thành câu cửa miệng của Yên. Cô đi tập gym mỗi tối, buông hai đứa con cho chồng đưa đón, kèm học. Cô giao căn bếp cho người giúp việc. Cô có quỹ đen rủng rỉnh, thừa sức để tụ tập bạn bè bất cứ lúc nào. Yên rành rẽ mọi thương hiệu có liên quan tới phụ nữ, và thường dành cho mình lựa chọn tốt nhất. Việc gì mà phải thắt lưng buộc bụng, chịu khổ sở thiếu thốn, đời biết được bao lâu mà hững hờ…

Tất nhiên, chồng Yên cũng mơ hồ nhận ra sự dần dà đổi khác của vợ. Nhưng anh không tiện nói ra, bởi Yên đã phủ đầu cái nhìn dò hỏi của chồng bằng một tuyên bố rằng, “Tôi đầu tư tút lại để chồng khỏi đèo bòng, mèo mỡ, thì có gì sai nào!”. Anh cũng chẳng dám ý kiến lúc Yên tỏ ra khó chịu với đồng lương có tăng nhưng không đáng kể mà anh hàng tháng đưa cho vợ. Người đàn bà đang sống bên cạnh anh đây, không còn là hình ảnh cô vợ luôn vui sướng vì được phục vụ chồng con nữa rồi.

Một cách không cố ý, Yên từ từ khoán hai đứa trẻ cho chồng, đến nỗi chúng cái gì cũng hỏi ba, ngại ngần nếu phải giao tiếp với mẹ. Đặc biệt, việc sắm sửa cho con, Yên cũng đẩy cho chồng. Mà đàn ông thì dẫu sao vẫn vụng, con Yên thiếu trước hụt sau là chuyện thường. Có dịp cùng con đi đâu đó, Yên hay nổi cáu, la lũ trẻ “quê mùa khiến mẹ mất mặt”…

Giờ thì, mỗi khi ra ngoài “xả xì-trét” về, Yên vừa tẩy trang vừa mắng con xối xả, kèm theo những lời giận dữ vì con cái ở dơ, bề bộn, lười học này nọ; là những câu than thân kiểu như “sao mà số tôi vô phước, vất vả thế không biết”, “sao tôi lại bước nhầm vô cái nhà này để bây giờ phải khổ vầy nè trời”… Chồng Yên nghe và hiểu hết ẩn ý trong đấy. Nhưng anh biết làm gì hơn ngoài một tiếng thở dài…

Tags:

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?