Mẹ&Con - Thấy chị Nghi một mình dọn hàng, một mình buôn tảo bán tần, nhiều người trong xóm ái ngại hỏi han: 'Anh nhà làm giám đốc công ty kia mà, ai lại để chị buôn bán vất vả thế này?'... 5 lý do tạo ra khoảng cách vợ chồng Khi chồng mê chơi game Khi vợ chồng ít có thời gian bên nhau

Đáp lời mọi người, chị chỉ cười buồn ngậm ngùi: “Vâng, anh giám đốc nhà em tháng tháng đều mang về cho vợ thêm cục nợ mới. Bảo ngưng đi, phụ vợ bán buôn hàng ăn nhỏ thì không chịu. Chỉ thích làm chuyện đại sự, thích làm sếp chứ không muốn làm lính của ai. Nhưng sếp gì mà đụng vào cái gì cũng thua lỗ triền miên. Nợ thì vứt đấy cho vợ gánh…”. 

Những giấc mơ… hoang đường!

Đồng cảnh ngộ với chị Nghi là chị Hoàn Trúc (Quận Tân Bình). Chị kể, vợ chồng cưới nhau đã 6 năm, có một con nhỏ năm nay lên 4 tuổi. Thế nhưng, suốt 6 năm đó, chưa bao giờ anh mang về được cho vợ lấy một đồng.

khi-chong-co-nhung-mong-uoc-xa-voi

“Ảnh rất lạ! Trình độ học vấn thì chỉ trung cấp, nhưng không bao giờ chịu thực tế dùm cho mình nhờ cả. Mình nói ảnh xin làm một công việc gì đó công nhân, thì ảnh gắt ầm lên bảo ảnh không phải là người đi làm công nhân để kiếm đồng lương quèn. Mình xin người quen giới thiệu cho ảnh được một chân việc văn phòng, đi làm 2 tuần là ảnh nghỉ ngang, với lý do vào đấy chỉ toàn là bị sai làm này làm kia, bị la mắng. Ảnh chỉ muốn làm ông chủ, chứ không thích làm mấy thứ “vớ vẩn” – theo cách dùng từ của ảnh. Tiền bạc trong nhà không có, mà ảnh cứ vay mượn cả trăm triệu của gia đình làm vốn. Rồi đương nhiên là làm ăn thua lỗ, sạch tiền. Hết lại mượn, và lại mộng ước toàn chuyện cao siêu!”, chị thở dài cho biết.

Những câu chuyện như của chị Nghi, chị Trúc hoàn toàn không… hiếm! Đang làm văn phòng ở một công ty nhỏ, tuy lương không cao nhưng mỗi tháng cũng được 4 triệu đồng, anh Phúc (Quận 11) bỗng dưng về bảo vợ là mình… nghỉ ngang rồi. Vợ nhảy dựng lên thì anh thản nhiên bảo: “Có chí làm quan, có gan làm giàu! Đi làm kiểu đó hoài thì đời nào mới khá. Giờ anh lấy tiền, hợp tác với bạn làm ăn!”.

Cái làm ăn gì đó mà anh nói là việc… mở quán cà phê lớn. Không có vốn, anh bắt chị đưa tiền bán nữ trang cưới và vay mượn thêm bên nội một số. Làm một thời gian thì quán càng ngày càng thua lỗ. Nhưng chị nói cỡ nào anh cũng không chịu đi làm ăn lương một cách bình thường, còn mắng chị là lúc nào cũng chỉ biết có “tiền tiền”, không bao giờ ủng hộ chồng làm chuyện đại sự. Mệt mỏi, chị mặc kệ anh muốn làm gì thì làm và chỉ biết âm thầm thở dài khi trong những chầu nhậu anh lại nổ vung trời với bạn bè rằng mình đang “làm ăn lớn”, rằng tiền chỉ tính đến chuyện “trăm triệu mới đáng nói” mà thôi.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Phương Duy nhận định: “Phần lớn những người đàn ông có mộng tưởng huyễn hoặc này đều không có cái nền chắc chắn về bản thân, không hiểu rõ mình là ai, có thể làm được những gì. Họ cũng không thích làm giàu bằng sức lao động bình thường mà thích được vèo một cái thành ông nọ bà kia. Cái nền không chắc nên khi bị đặt vào những vị trí không phù hợp, tất nhiên họ nhanh chóng thất bại vì làm giàu một cách minh bạch không hề dễ. Lúc này, mặc cảm xấu hổ càng khiến họ muốn khoác lên người nhiều vỏ bọc, không dám sống thật với bản thân mình và năng lực của mình, chỉ muốn ra sức bảo vệ lớp vỏ ấy và ngày càng xa hơn với con đường thực!”.

Chồng ơi, “tỉnh” lại đi chồng!

Tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý một sáng đầu tháng 9, chị Hồng Phượng – một phụ nữ hiền lành tuổi mới trạc 30 tâm sự: “Bạn bè giới thiệu nên em đến đây thử, để xem có thể có được lời khuyên nào không. Hai vợ chồng trước giờ giàu thì không giàu, nhưng lương cộng lại hết cũng được hơn chục triệu. Tiêu xài tằn tiện, mỗi tháng em cũng dư ra được 2 triệu đồng. Em chẳng mong gì hơn, chỉ muốn mọi việc êm đềm như thế. Nhưng rồi mọi thử thách ập đến…”.

khi-chong-co-nhung-mong-uoc-xa-voi

Thử thách mà chị nói bắt nguồn từ việc chị có được vị trí công việc mới tốt hơn. Nhờ chăm chỉ học hỏi không ngừng, lại tỉ mỉ, tận tâm, chị càng lúc càng được ban lãnh đạo công ty tin cẩn. Lương bổng của chị cũng theo đó tăng đều đều. Thấy vợ vượt mặt, thay vì mừng cho vợ và chí thú làm ăn để tìm sự thăng tiến cho chính mình, chồng chị lại đâm nản. Anh bảo đi làm hoài thì cả đời cũng chỉ làm thuê, lương quanh quẩn mãi ở 4-5 triệu đồng. Anh chọn giải pháp… nghỉ việc, đi “mở công ty” để được thành giám đốc giống người ta.

Chị cản thế nào cũng không được. Mà từ ngày thành “giám đốc”, anh đi sớm về muộn, nhậu nhẹt suốt. Tiền kiếm ra không được đồng nào thì thôi, tệ hơn là anh vay mượn ngày càng nhiều, lãi mẹ đẻ lãi con khiến gia đình căng như sợi dây đàn. “Em nói gì ảnh cũng cho là em không tin tưởng ảnh, chế giễu ảnh. Nhưng thời buổi khó khăn, nhiều công ty đã thành lập 4-5 năm trời còn thua lỗ đóng cửa, chứ nói chi mới chập chững mở ra như ảnh. Nhưng giờ ảnh như… bị gì vậy đó, lúc nào cũng cho rằng mình có thể làm giám đốc, có thể giàu. Chẳng qua chỉ là chưa gặp thời thôi!”, chị nói trong tiếng nức nở.

Với những trường hợp chồng mang mộng ước “trên mây” như vậy, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho biết, người vợ cần hết sức kiên trì. “Cái khéo của vợ chính là giúp chồng trở nên tự tin với năng lực thực sự của mình. Có thể nhờ đến người thân phân tích, thậm chí có thể nhờ đến chuyên gia tâm lý. Người chồng có mộng ước huyễn hoặc thường phát sinh từ chuyện không hài lòng với chính mình trong đời thực, nên muốn mình nhanh chóng nổi tiếng, thành đạt, đúng như những hình bóng mà mình vẫn mơ. Lúc này, tốt nhất là đừng giật dây kéo xuống mạnh quá kẻo các ông chồng sẽ càng phản kháng. Nên thật nhẹ nhàng khuyên bảo, phân tích, tạo điều kiện cho họ thể hiện bản thân mình một cách phù hợp, và giúp đỡ họ vượt qua tâm lý mặc cảm của người đàn ông chưa làm nên chuyện!”.

Từng trải qua những tháng ngày chồng “phá” không dưới 700 triệu đồng chỉ cho những chuyện kinh doanh “vớ vẩn”, chị Ngọc Thảo (Quận Tân Bình) cười nhớ lại: “Mình đã giận đến mức muốn mặc kệ cho ảnh ra sao thì ra, nhưng nghĩ kỹ thì thấy cũng tội. Có thể chỉ vì ảnh cảm thấy thua sút vợ, muốn ráng chứng minh với bên gia đình vợ rằng mình không hề kém cỏi. Thật sự mình thấy giận thì giận mà thương thì vẫn thương. Mình đã phải nỗ lực rất nhiều, để kéo ảnh trở về… dưới đất, thay vì cứ bay mãi với những mộng tưởng trên trời!”.

Cách của chị khá đơn giản, chị phát hiện thấy trong mọi cái dở của chồng vẫn có một cái “giỏi”, đó là anh rất khéo tay trong việc… nấu ăn. Chị bàn với anh, mình sẽ mở một cái quán, nhưng lần này mở thật nhỏ thôi. Anh sẽ phải học lại từ đầu. Được vợ đánh trúng vào điểm mà mình mạnh nhất, anh tự tin bắt đầu. Cùng với sự giúp đỡ của chị, từ một cái quán bé tí ngay trước cửa nhà, giờ anh chị đã có một quán ăn to, với 7 người phục vụ.

Chị chia sẻ: “Thật ra, mỗi người đều có một điểm mạnh. Cái cơ bản là một người vợ như mình thay vì phản đối tất cả và đẩy chồng vào ngõ cụt, khiến anh ấy cố làm đủ thứ rối nùi với mộng tưởng của mình thì nên nhẹ nhàng kéo anh ấy ra, cho anh ấy biết anh ấy thật sự phù hợp với cái gì, có thể làm được gì. Lúc đó, chồng sẽ tự tin hơn và đánh giá đúng thực lực của mình!”.   

Tags:

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?