Cách hít thở khi sinh con góp phần quan trọng trong việc giúp mẹ giảm đau do co thắt và cung cấp oxy cần thiết cho con. Hơn nữa, đây cũng là liệu pháp làm giảm căng thẳng và giúp mẹ bầu duy trì sức bền để có ca sinh nở suôn sẻ.
Các chuyên gia khuyên mẹ bầu nên tập luyện cách hít thở khi sinh con vào khoảng 8 tuần trước ngày dự sinh. Ngay cả khi mẹ quyết định dùng các biện pháp giảm đau để can thiệp thì luyện kĩ thuật hít thở đúng cách cũng mang lại những lợi ích nhất định khi chuẩn bị lên bàn sinh. Dưới đây là cách hít thở khi sinh con, mẹ bầu nào cũng nên nắm vững.
Giai đoạn đầu: Thở chậm, sâu
Khởi đầu quá trình sinh nở, mẹ cần thở chậm, sâu. (Ảnh minh họa)
Khởi đầu quá trình sinh nở, mẹ sẽ nhận thấy những cơn co thắt ở phần bụng dưới xuất hiện. Đó là lúc mẹ phải bắt đầu thở điều độ, cụ thể các bước thở như sau:
– Hít sâu cho không khí tràn vào phổi rồi thở hết ra.
– Tập trung nhịp thở đều đặn bằng cách nhìn lên một điểm trên trần nhà, sàn nhà hoặc tường… Thực hiện 5-10lần/ phút.
– Khi hít vào, dùng bàn tay úp vào bụng dưới rồi vuốt nhẹ ra phía sườn. Khi thở ra, mẹ lại dùng tay vuốt nhẹ từ sườn xuôi xuống bụng dưới. Động tác này tương tự như việc masage để xoa dịu cơn co thắt ở tử cung.
Mẹ nên đếm nhịp thở trên đây sau mỗi 15 giây trôi qua, khi cơn co thắt chấm dứt mẹ mới thở bình thường. Mẹ bầu cũng có thể thử các động tác hít thở này với những tư thế khác nhau như ngồi trên ghế, nằm nghiêng trên giường hay quỳ chống tay lên nệm…
Giai đoạn 2: Thở nhanh, nông
Đây là giai đoạn các cơn gò đau mạnh dần, cổ tử cung đã mở ra khoảng 5 cm. Lúc này, mẹ cũng cần thay đổi nhịp thở nhanh và nông hơn để “đuổi” kịp cường độ cũng như tốc độ của những cơn gò.
– Khi mới bắt đầu, mẹ hít thở sâu một lần.
– Khi cơn gò mạnh hơn, mẹ chuyển sang nhịp thở nhanh và nông. Sau thời điểm này hoặc lúc mẹ cảm thấy mệt thì có thể giảm dần nhịp thở về mức bình thường, rồi massage lưng, đùi thư giãn.
Giai đoạn 3: Thở như thổi nến
Thở như thổi nến ở giai đoạn 3 giúp mẹ tránh rặn sớm. (Ảnh minh họa)
Thở như thổi nến khi cổ tử cung mở được 7-8cm. Khoảng thời gian này các cơn co tử cung sẽ xuất hiện với cường độ mạnh hơn, khoảng cách giữa các cơn co rút ngắn lại khiến mẹ chỉ muốn rặn vì có cảm giác thai nhi đè vào trực tràng. Tuy nhiên, việc rặn trong giai đoạn này vô cùng nguy hiểm, vì tử cung của mẹ chưa mở hoàn toàn có thể gây rách tầng sinh môn, làm tổn thương cổ tử cung. Áp dụng cách thở thổi nến sẽ làm giảm áp lực vào tử cung và giúp mẹ tránh rặn sớm. Thở thổi nến được thực hiện như sau:
– Khi cơn co bắt đầu, mẹ hít một hơi rồi thực hiện 4 nhịp thở ngắn và cạn, giống như cách phù phù thổi một cây nến.
– Lặp lại cách thở này cho đến khi cơn co chấm dứt và kết thúc giai đoạn này bằng một hơi thở sâu.
Giai đoạn 4: Thở rặn
Kiểu thở này thực hiện khi cổ tử cung đã mở trọn vẹn và mẹ bầu sẵn sàng rặn đẻ.
– Mẹ thở bằng cách thở 2 hơi sâu khi xuất hiện cơn co và hít vào một hơi dài, giữ hơi rồi bắt đầu rặn. Khi hết hơi, mẹ lặp lại chu kỳ hít thở và tiếp tục rặn cho đến khi em bé chào đời và các cơn co tử cung chấm dứt.
– Cùng với thở rặn, mẹ cũng cần nằm ngửa, cong người hình chữ C, cằm đặt lên ngực và giữ tầm nhìn xuống rốn để tạo lực đẩy em bé ra ngoài.
– Cuối cùng, sau khi sinh em bé xong, mẹ không cần gắng sức để thở nữa mà chỉ cần hà hơi, thả lỏng cơ thể và nghỉ ngơi.
Hy vọng với những kiểu thở riêng biệt cho từng giai đoạn mà Mẹ&Con đã chia sẻ trên đây sẽ giúp các bà mẹ sinh nở nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn.
Chúc các bà mẹ vượt cạn an toàn, mẹ tròn con vuông như mong đợi!