Tôi đã mong sóng bước cùng “người trong mộng”…
Tôi gặp anh lần đầu tiên trong đợt thực tập tốt nghiệp. Năm đó, tôi mới vừa 22 tuổi, chuẩn bị ra trường, và theo quy định được sắp xếp về thực tập ở công ty trong vòng hai tháng để tích lũy thêm kinh nghiệm. Anh là sếp của phòng, cũng là người hướng dẫn trực tiếp cho tôi.
Thật sự, tôi quá dại dột, quá non nớt vào thời điểm ấy. Tôi cứ nghĩ mình “khôn” lắm khi có thể khéo léo dùng vẻ ngoài xinh xắn, đáng yêu, sự ngây thơ, trong lành và ngoan ngoãn của mình để “tạo mối quan hệ” thuận tiện cho công việc. Tôi cố tình tỏ vẻ ngưỡng mộ và thần tượng anh một cách đặc biệt. Tôi vâng theo mọi lời anh bảo, cố gắng làm tốt nhất những việc anh giao cho với sự khiêm tốn lẫn chút ít “yếu đuối, rụt rè” cố ý như mong được anh… chở che, giúp đỡ.
Như một chuyện tất nhiên phải đến, anh dành mọi sự ưu ái cho tôi. Điểm thực tập cao gần ở mức tối đa, lời mời làm việc chính thức cho công ty ngay khi còn chưa kịp cầm tấm bằng tốt nghiệp. Rồi những buổi đón đưa, hết ăn sáng đến ăn trưa, ăn tối. Rồi những chuyến công tác tỉnh cùng với “sếp”. Cảnh vật thơ mộng, khách sạn xinh đẹp, đồ ăn thức uống ngon lành… Tất cả, như một sự hiển nhiên, đã đẩy tôi vào cái “thế”: Tôi thuộc về anh!
Nói một cách thật lòng, tôi không hề “lợi dụng” mà rất yêu anh. Một người đàn ông từng trải, đẹp trai, phong độ, thành đạt, có quá nhiều những ưu điểm để cho một cô sinh viên mới ra trường như tôi mê mẩn. Tình yêu của tôi với anh ban đầu quả thật có chút “tính toán”, vì tôi nhận ra anh là một đối tượng quá tốt cho mình. Nhưng dần dần, thật sự đó trở thành tình cảm chân thành. Khi đã trao hết mọi thứ cho anh, khi đã có được bên anh những phút giây hạnh phúc, tôi càng ngày càng yêu, càng cảm thấy anh như cả cuộc đời mình. Tôi hồi hộp mong chờ đến ngày anh cầu hôn, để chúng tôi có thể chính thức nên vợ nên chồng, để tôi có thể ngẩng cao đầu tự hào với bạn bè rằng mọi thứ như trải thảm dưới chân mình: Công việc ổn định, chồng lại là “sếp”, nhà cao cửa rộng đủ đầy…
Nhưng…
Đời đúng là bao giờ cũng luôn chực chờ sẵn những chữ “nhưng”. Chưa đến cái ngày mà tôi mong kia, thì tôi đột ngột phát hiện ra mình “dính” thai. Hai vạch! Tôi vừa mừng rỡ vừa có chút hoang mang. Tôi báo ngay với anh, song anh chỉ dịu dàng vuốt tóc tôi: “Chưa nên có con thời điểm này đâu em ạ. Em còn trẻ quá! Anh đang cố sắp xếp lo cho em một chuyến tập huấn nước ngoài 6 tháng. Cả tương lai em sẽ rộng mở theo chuyến tập huấn này. Chứ bây giờ mà bầu bì, con cái, chỉ vài năm nữa thôi, em sẽ thành giống như mấy bà mẹ lu bu cả ngày với tã, với bỉm, với bình sữa và chuyện ăn chuyện ị của con. Em hiểu ý anh không?”.
Lời nói quá ân cần. Cử chỉ quá yêu thương. Tôi nhìn lại mẹ mình, nhìn lại chị mình, nhìn lại những người phụ nữ giống như anh nói. Đúng là như thế! Tuổi 22, tôi quá trẻ để gián đoạn hết mọi thứ cho việc làm mẹ. Tôi muốn mình là một người phụ nữ tươi tắn, thành đạt, có học thức, có địa vị để sóng bước bên cạnh anh. Vậy đó! Tôi cắn răng bỏ con lần đầu. Những giọt nước mắt rơi, kín đáo, âm thầm… Nhưng rồi sự ân cần và vòng tay của anh, những lời hứa hẹn của anh đã khiến tôi nhanh chóng quên đi tất cả.
Yêu quặn lòng. Và cũng đau quặn lòng…
Bỏ con rồi, tôi chờ mãi vẫn không thấy chuyến tập huấn như anh đã nói. Thay vào đó chỉ là hai chuyến công tác 3-5 ngày. Lòng tôi lúc này đã thoáng lên một vết gợn, một chút lo âu. Tuy nhiên, lời giải thích của anh khá hợp lý, rằng dù anh đã cố hết sức đề cử, nhưng Ban lãnh đạo công ty cho rằng tôi còn “non nớt” quá, tạm thời là đi cùng anh trong vài chuyến công tác nước ngoài thôi, sau một năm nữa, nhất định sẽ tính đến chuyện đi học kia.
Tôi nghe theo, lại chăm chỉ làm việc, lại chăm chút cho bản thân mình và thật chiều chuộng, thương yêu anh. Một cách xa gần, cũng có lúc tôi nhắc anh đến chuyện cưới xin, nhưng anh chỉ gạt đi và bảo: “Ừ, đợi anh thu xếp ít nữa. Em còn trẻ lắm, chưa gì đã vội lấy chồng sao? Anh và em đã là tuy hai mà một rồi, còn sợ anh thay lòng đổi dạ hả?”.
Quả thật, ngoài chuyện chưa chịu cưới xin, anh không làm gì để tôi phải nghi ngờ hay băn khoăn cả. Anh không tán tỉnh đong đưa ai, rất nghiêm chỉnh và chú tâm đến công việc, lại thuê hẳn một ngôi nhà nhỏ xíu nhưng đủ tiện nghi và xinh xắn, kín đáo cho tôi. Anh về nhà với tôi buổi trưa rất thường xuyên, tối cũng thỉnh thoảng ở lại. Ở công ty, anh kín đáo, ít để lộ ra những chăm sóc nọ kia và cũng yêu cầu tôi làm thế để tôn trọng mọi người, nhưng vẫn không quên vài tiếng đồng hồ lại nhảy vào Yahoo! Messenger để hỏi han tôi có mệt không, có nhớ anh không.
Sau lần bỏ thai đầu, tôi đã biết “khôn”, biết dùng đến thuốc tránh thai. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 7 tháng, trong một lần quên dùng thuốc mấy ngày rồi tạm ngưng chờ đến kỳ “đèn đỏ” kế tiếp lại uống, tôi bất chợt… “dính” lần thứ hai. Lần này, tôi hớn hở bàn ngay với anh chuyện cưới xin, nhưng anh chỉ nghiêm mặt trách tôi: “Sao anh nói với em rồi, em lại không nghe anh, không cẩn thận để dính bầu hoài vậy? Anh muốn mọi thứ theo kế hoạch của mình, có sắp xếp, có chuẩn bị chu đáo. Chuyện cưới xin và có con là tất nhiên, nhưng không phải lúc này. Nó phải được sắp xếp đâu vào đó, để chuẩn bị tốt nhất cho con, em có hiểu không? Con của anh phải được lớn lên trong sự đầy đủ, phải học trường quốc tế. Không thể như kiểu trời sinh voi sinh cỏ trước kia được!”.
Tôi quýnh quáng không biết tính sao, nhưng anh lập tức đưa tôi đến một bác sĩ sản khoa mà anh quen. Thai còn rất nhỏ, có thể phá thai bằng thuốc. Anh thở phào nhẹ nhõm trước kết luận của bác sĩ và gần như ép tôi thực hiện ngay hôm đó. Ban đầu tôi không chịu. Tôi yêu anh thật lòng và rất mong có đứa con này. Tại sao lại không thể có con sớm hơn, thay đổi đi vài thứ trong dự tính của anh?
Song, anh tỏ ra rất cương quyết. Anh bảo: “Nếu em không chịu nghe lời anh, mình chia tay. Em muốn làm gì thì làm, anh không thể duy trì một tình yêu với người phụ nữ của mình mà lúc nào cũng khăng khăng trái ý anh, không muốn làm theo anh. Chẳng phải tất cả những điều anh đang làm đều vì chúng ta, vì hạnh phúc của gia đình tương lai sao?”. Tôi khóc nức nở ngày hôm đó, rồi dịu đi dần với những dỗ dành của anh. Hôm sau, tôi đành đồng ý…
Lần phá thai bằng thuốc quật tôi nằm bẹp cả tuần. Thể xác là một phần thôi, phần còn lại nặng nề hơn, chính là sự suy sụp tinh thần. Tôi bắt đầu hoang mang và sợ hãi. Tìm đọc các tài liệu khoa học, người tôi cứ lạnh dần khi thấy các thông tin như có thể vô sinh vĩnh viễn. Anh thì vẫn tỉnh như không. Anh vẫn đi về với tôi, nhưng thưa thớt hơn, và sau này luôn luôn cẩn thận dùng đến condom, chứ không “tin tưởng” ở việc tự tránh thai của tôi nữa.
Một năm sau, những lời hứa của anh vẫn không thấy đến đâu…
Thêm vài tháng nữa, anh bất ngờ đến công ty với một… xấp thiệp cưới trên tay. Cô dâu là một thạc sĩ mới từ nước ngoài về, cháu ruột của sếp tổng ở công ty!
Chuyện gì đến tất nhiên phải đến. Tôi đau vật vã, nhưng chẳng thể nói gì, cũng chẳng thể “làm gì” anh. Trả thù ư? Tôi có thể làm gì chứ, khi mà chỉ là một cô nhân viên quá trẻ, mọi thứ đều thua sút? Trước ngày cưới của anh 5 ngày, cô dâu bất ngờ hẹn cà phê riêng với tôi. Người phụ nữ thành đạt, xinh đẹp, từng trải ấy nhìn tôi ra vẻ tội nghiệp nhưng đầy nghiêm khắc, bảo rằng chị đã được nghe anh “thú nhận” tất cả mọi điều về “mối tình… xưa cũ” của anh và tôi. Chị yêu cầu tôi kết thúc mọi thứ ở đây và để yên cho anh “lật sang trang cuộc đời”, đừng làm phiền anh nữa.
Tôi xa anh… Tìm một công việc mới và cật lực bắt tay vào công việc mới, để quên!
Ít năm sau, tôi bắt đầu tìm kiếm được những thành công nhất định của mình, đồng thời tìm được một người đàn ông “bình thường”, chỉ là nhân viên, chẳng tài cao học rộng nhưng thương tôi và muốn nên chồng nên vợ với tôi.
Tôi có một cuộc sống mới, một hạnh phúc mới, kể cả một căn nhà nho nhỏ và những thứ cơ bản tạm gọi là “viên mãn” của tuổi 30.
Thế nhưng, có một cái giá phải trả mà chồng tôi không hề biết. Đã nhiều năm từ sau khi cưới, chúng tôi vẫn hoàn toàn không thể có con được với nhau. Âm thầm đi khám một mình, tôi chết điếng người khi được biết đó là hậu quả từ hai lần phá thai ngày còn trẻ. Tình yêu đã chết. Nhưng vết thương để lại từ tình yêu ấy mãi mãi không liền sẹo được, khi mà mỗi lần chỉ cần nhìn thấy hình ảnh một người mẹ bên một đứa trẻ, tôi lại quặn thắt đau với cảm giác đầy tội lỗi, rằng con đã “chết” – vì mình…