Mẹ&Con – Khi nghe bác sĩ chỉ định phải giục sinh, nhiều “bầu” hoảng hốt và lo lắng. Vậy bạn đã biết gì về giục sinh? Giục sinh có gây ảnh hưởng đến quá trình vượt cạn và bé không?

Tại sao phải giục sinh ?

Bất cứ “bầu” nào cũng muốn việc sinh nở được diễn ra tự nhiên, bình thường. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến việc này không suôn sẻ. Bác sĩ phải can thiệp để giúp bạn được “mẹ tròn con vuông”. Và một trong số những can thiệp đó chính là việc tiêm thuốc giục sinh.

Khi nào cần thiết phải giục sinh ?

Câu trả lời là khi bạn gặp phải một trong số những bất thường sau đây:

  • Thai phụ bị tiền sản giật hay cao huyết áp mãn tính đã điều trị ổn định.
  • Thai kỳ kéo dài quá lâu (hơn 40 tuần).
  • Thai phụ mắc tiểu đường cần giục sinh để tránh bé bị suy hô hấp.
  • Vỡ ối sớm nhưng không có cơn co tử cung.
  • Các vấn đề nghiêm trọng khác như thai nhi bất thường, dư ối hay tử cung có vấn đề.

Tìm hiểu cụ thể hơn, bạn hãy hình dung khi thai đủ ngày (thông thường là 40 tuần), theo sinh lý sẽ có quá trình chuyển dạ tự nhiên để thai nhi được tống xuất ra ngoài (cuộc đẻ tự nhiên).

Quá trình đó khởi đầu bằng việc xuất hiện những cơn co của cơ tử cung gây đau bụng và tạo áp lực để đẩy thai nhi đi xuống, co rút để mở cổ tử cung… Nếu vì một lý do nào đó mà không có cuộc chuyển dạ khởi phát tự nhiên hoặc do tình trạng bệnh lý của mẹ, thai nhi thì đây là lúc bác sĩ phải chủ động gây cuộc đẻ bằng phương pháp giục sinh, thực chất là dùng thuốc gây cơn co tương tự cuộc chuyển dạ (được chỉ huy sao cho giống sinh lý nhất), do vậy phương pháp này còn được gọi là “đẻ chỉ huy”.

Bạn lưu ý, giục sinh chỉ có thể thực hiện tại bệnh viện phụ sản, có bác sĩ chuyên khoa giỏi. Khi sức khỏe của mẹ và thai nhi có vấn đề hay gặp nguy hiểm về tính mạng bác sỹ mới tiến hành giục sinh.

Biện pháp này phải thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Hiện nay giục sinh được xem là biện pháp an toàn, song không nên quyết định thực hiện giục sinh quá sớm. Bạn cũng không nên quá lo lắng vì biện pháp này không gây đau đớn hơn so với việc sinh thường.

giục sinh

(Ảnh minh họa)

Việc giục sinh được thực hiện thế nào?

Để thực hiện việc giục sinh, bác sĩ sẽ kích thích màng nhầy tử cung bằng cách tác động vào cổ tử cung và màng nhầy tử cung khi khám bên trong.

Chuẩn bị cho cổ tử cung, bác sĩ sẽ đưa một viên thuốc hay gel có chứa chất prostaglandin vào âm đạo một đêm trước khi tiến hành giục sinh để giúp cổ tử cung mềm ra và sẵn sàng cho việc sinh nở.

Kế đến, bạn sẽ được truyền thuốc syntocinon trong vòng vài giờ qua đường tĩnh mạch. Cuối cùng là bấm vỡ ối, quá trình này gần như không đau, thực hiện trước hay trong khi các cơn gò tử cung đã đến để làm vỡ bọc nước ối.

Cũng như các biện pháp can thiệp khác, giục sinh có thể gây rủi ro như khiến em bé phải ra đời sớm hơn bình thường và khi giục sinh không thành công, bạn sẽ phải sinh mổ.

Tuy nhiên, giục sinh không quá nguy hiểm và là biện pháp cần thiết trong trường hợp sức khỏe của bạn và thai nhi có vấn đề. Giục sinh cũng chỉ là biện pháp nhân tạo khiến các cơn co tử cung xuất hiện, thúc đẩy quá trình sinh bắt đầu.

Vì vậy, không có lý do gì mà phương pháp giục sinh làm con bạn yếu hay kém thông minh hơn những trẻ sinh bình thường khác.

Một chi tiết quan trọng cần biết, đã có nhiều trường hợp, tuổi thai bị tính chênh lệch hơn vài tuần so với tuổi thai thật.

Ví dụ đến cuối thai kỳ, theo siêu âm, thai được chẩn đoán đạt 40 tuần (tức là đã đến thời điểm chuyển dạ), nhưng trên thực tế thai chỉ mới ở vào tuần tuổi thứ 36 – 37. Do đó, việc bé chào đời muộn hoặc sớm hơn ngày dự sinh khoảng 1 – 2 tuần vẫn là bình thường.

Bạn không cần đề nghị được “giục sinh” khi đã đến ngày dự sinh. Chỉ có bác sĩ mới có thể quyết định chính xác dựa trên nhiều yếu tố của quá trình kiểm tra để xem có cần thực hiện việc giục sinh hay không.

Ngược lại, khi bác sĩ đã yêu cầu thực hiện việc giục sinh, bạn cũng không nên trì hoãn hay lo lắng. Vì việc mang thai quá ngày (trên 40 tuần) và thai già tháng (trên 42 tuần) có thể gây ảnh hưởng như thiếu ối (lượng nước ối thường giảm dần từ tuần thứ 36 trở đi), nhau thai bị vôi hóa, thai nhi suy dinh dưỡng…

Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, thai có thể chết lưu. Bé ở trong bụng mẹ quá lâu cũng có thể mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng, bạn nhé!

Những giải pháp cho thai quá ngày

Khi xác định thai quá ngày và thai nhi đã cứng cáp, “bầu” sẽ được bác sĩ chỉ định nhập viện. Sau đó, bạn có thể sinh bằng phương pháp tự nhiên sau khi được tiêm thuốc giục sinh để kích thích tử cung mở hoặc đặt thuốc làm mềm tử cung.

Giải pháp khác là đặt túi nước để kích thích tử cung mở để quá trình sinh nở diễn ra như tự nhiên.

Trong trường hợp sức khỏe người mẹ và thai nhi không đủ để thích ứng với quá trình sinh tự nhiên, thai phụ sẽ được chỉ định sinh mổ.

Tốt nhất, để hạn chế nguy cơ thai quá ngày, bạn cần ghi lại ngày đầu tiên của các kỳ kinh. Như vậy, khi có thai bạn có thể cung cấp cho bác sĩ thông tin chính xác để tính ngày dự sinh.

Trường hợp chưa thấy dấu hiệu chuyển dạ dù đã quá ngày dự sinh, bạn cần gặp bác sĩ ngay để tìm hiểu nguyên nhân. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách xử lý phù hợp nhất với tình trạng của bạn.

Tags:

Bài viết liên quan