Ngay những tuần đầu tiên của thai kỳ, khi bác sĩ vừa báo tin cho bạn biết bạn sắp sửa lên chức mẹ thì ngực cũng trải qua những thay đổi đầu tiên: to lên, căng dần.

Bạn nên chăm sóc ngực thật chu đáo ngay từ giai đoạn này, vì đó sẽ là nơi cung cấp nguồn sữa cho bé yêu của bạn. Thêm vào đó, việc chăm sóc ngực đúng cách khi mang thai sẽ giúp bạn tránh được chuyện bị chảy xệ hay ngực xấu hẳn đi sau khi sinh bé đầu tiên.

Chăm sao cho đúng?

Việc đầu tiên cần nhắc bạn là tuy cảm giác đau nhức có thể xảy ra và tuy bạn rất sốt ruột khi thấy bộ ngực ngày nào của mình bỗng trở nên… đồ sộ hẳn, nhưng đừng vội vàng dùng đến những loại mỹ phẩm được quảng cáo là giúp ngực săn chắc, giảm đau, không chảy xệ… Tất cả mọi loại mỹ phẩm muốn sử dụng trong giai đoạn này, nhất là các loại kem, gel trực tiếp bôi lên ngực cần phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Thay vì vội nghĩ đến mỹ phẩm, bạn nên nghĩ đến một thứ khác an toàn hơn và quan trọng hơn: Đó chính là những chiếc áo ngực đặc biệt dành cho thai phụ. Đừng cố dùng những chiếc áo ngực cũ của thời son rỗi nữa. Bạn cần tìm những chiếc áo ngực với kích cỡ lớn hơn và chịu khó tốn kém để thay đổi dần kích thước áo ngực trong suốt chín tháng thai kỳ, theo độ phát triển của ngực.

Áo ngực dành cho bà bầu không nên dùng những loại có ren, cầu kỳ rườm rà. Bạn nên chọn loại thấm hút mồ hôi dễ dàng, mềm mại, không có gọng càng tốt, kích thước vừa vặn để nhẹ nhàng nâng được ngực. Dây của áo ngực nên chọn loại bản rộng để có thể nâng ngực dễ dàng.

Bạn cũng có thể áp dụng các bài tập thể dục hoặc massage ngực theo hình vòng tròn, giúp cơ ngực phát triển để giữ cho ngực sau này không bị chảy xệ. Nhưng chú ý các bài tập này cũng phải theo hướng dẫn của bác sĩ và tránh kích thích vùng đầu ti, vì sẽ có thể gây ra những cơn co tử cung, dễ dọa sẩy thai.

Mỗi ngày, bạn cũng cần tắm rửa, vệ sinh cho vùng ngực của mình thật sạch sẽ. Đừng coi thường vì có không ít bà mẹ không biết cách giữ gìn, khiến mới sinh xong thì viêm tuyến vú, tắc sữa, áp xe vú… Khi bạn mang thai, đầu ti của bạn sẽ lớn dần và chuyển sang màu đen. Quầng vú có màu đậm, chung quanh quầng vú có những đốm lồi nho nhỏ. Đây là những thay đổi bắt buộc phải có nên bạn đừng vì thế mà hoang mang. Vào giai đoạn cuối thai kỳ, bạn có thể thấy hai bầu ngực tiết ra vài giọt sữa màu vàng, việc này cũng hoàn toàn bình thường như “chạy thử máy” vậy. Bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, đừng nặn bóp cho sữa ra có thể gây đau và viêm nhiễm.

Giữ gìn bầu ngực trong thời gian "bầu bí" 24

Ảnh minh họa

Cùng với thời gian mang thai, hai bầu ngực lớn dần. Đó là do sự đồng kích thích của tuyến yên, nhau thai, các hormone… làm tăng ống tuyến sữa và tiểu thùy.

Xử trí với những biến đổi nơi bầu ngực

Bên cạnh việc kích thích ngực lớn lên, quầng vú sẫm màu, đầu ti to và chuyển sang màu đen chứ không giữ được vẻ hồng hào như xưa nữa, bầu ngực của bạn cũng có thể xuất hiện một số dấu hiệu thay đổi mà bạn phải có kiến thức để xử trí kịp thời hoặc báo với bác sĩ trong lúc khám thai.

Thường gặp nhất là một số thai phụ xuất hiện hiện tượng đầu ti chơi trò… cút bắt, lõm vào, thụt xuống bên dưới. Việc lõm đầu ti này sẽ ảnh hưởng đến việc bú sữa của bé sơ sinh, khiến bé bú chật vật hơn. Vì thế, suốt giai đoạn mang thai và bắt đầu nuôi con bằng sữa mẹ, nếu thấy đầu ti của mình cứ “lẩn tránh”, muốn giấu mặt thế này, bạn phải thường xuyên thực hiện việc rửa sạch đầu ti và bầu ngực, sau đó nhẹ nhàng kéo đầu ti lên xuống, qua trái qua phải, kéo cho da quầng vú bên ngoài xuống dưới để đầu ti được “nổi” lên trên. Cần làm điều này nhiều lần, kiên trì từ ngày này sang ngày khác để đầu ti có thể nhô ra. Đừng thờ ơ chủ quan cho rằng đến lúc sinh con, đầu ti tự khắc sẽ… trồi lên, vì chúng không thể tự trồi nếu thiếu sự giúp sức của bạn được.

Một số thai phụ, giai đoạn những tháng cuối thai kỳ, hai bầu ngực trở nên nặng nề một cách đặc biệt, khiến bạn luôn cảm giác đau và nặng. Lúc này, ngoài những loại áo ngực mặc khi ra đường, đi làm, bạn có thể chọn những kích cỡ áo ngực tương đối rộng rãi hơn để mặc ở nhà và mặc cả khi ngủ cũng được. Đừng giữ thói quen về đến nhà là bỏ áo ngực để dễ thở, tự do như khi bạn còn con gái. Khi có chiếc áo ngực nâng đỡ, ngực bạn sau khi sinh sẽ ít gặp hiện tượng chảy xệ quá mức hơn.

Nên kiểm tra ngực thường xuyên để phát hiện những dấu hiệu lạ. Khi thấy những dấu hiệu như bạn tiết sữa non có lẫn chút máu, trong bầu ngực có u cục cứng, phải báo ngay cho bác sĩ theo dõi của bạn biết.

Vài ngày sau khi sinh, bạn sẽ thấy ngực tiếp tục có vẻ… to ra hơn nữa, thậm chí giờ đây nó có thể gấp đến 3 lần kích thước “ngày xưa”. Kèm theo đó là sự căng cứng vì đầy sữa bên trong. Bạn nên học cách vuốt bầu ngực nhẹ nhàng, chườm ngực bằng khăn ấm. Hiện tượng căng cứng này sẽ giảm bớt khi cơ thể bạn bắt đầu quen với nhu cầu sữa bé cần để tạo ra một lượng sữa đủ cho bé chứ không quá dư thừa nữa.

Nếu như ngực của bạn sưng, bạn có thể dùng dụng cụ hút sữa để hút bớt sữa ra. Trường hợp làm mọi cách mà vẫn đau nhức, ngực căng cưng, bạn có dấu hiếu sốt, phải liên hệ ngay với bác sĩ vì có thể bạn gặp một vài chứng viêm nhiễm, tắc sữa…, cần điều trị kịp thời để giữ được nguồn sữa mẹ cho bé yêu của bạn.

Tags:

Bài viết liên quan

bà bầu bị khô môi

“Giải cứu” cho đôi môi khô và nứt nẻ của bầu khi đông về

Mẹ&Con - Phụ nữ khi mang thai cơ thể có nhiều thay đổi và càng khổ sở hơn khi bờ môi quyến rũ ngày nào của mẹ đang bị khô và nứt nẻ không những gây khó chịu mà còn làm gương mặt mẹ bầu kém sắc. Mẹ&Con sẽ bật mí vài bí quyết nhỏ để đôi môi bầu luôn quyến rũ và tươi trẻ. Chì trong son môi có đáng lo? 7 xu hướng màu môi trong năm 2015 Bí quyết giữ son môi cả ngày không trôi