Mẹ và Con - Tháng cuối thai kỳ là một giai đoạn rất căng thẳng cho mẹ. Vì thế, việc ăn uống đầy đủ sẽ giúp mẹ phần nào an tâm hơn khi vượt cạn và cũng góp phần giữ dáng sau sinh thật hiệu quả.

Tháng cuối thai kỳ thường khiến các mẹ bầu căng thẳng bởi chỉ còn ít ngày nữa là mẹ đã “vượt cạn”, đón bé yêu chào đời. Trong những ngày này, mẹ cần phải chuẩn bị đồ đi sinh sao cho đầy đủ, lại còn chú ý đến chế độ dinh dưỡng để con tăng cân và khỏe mạnh trước khi chào đời. Hiểu được tâm lý của mẹ, Tạp chí Mẹ và Con sẽ bật mí đến mẹ cẩm nang dinh dưỡng trong tháng cuối thai kỳ để bé yêu tăng cân vù vù nhưng mẹ vẫn giữ dáng gọn gàng. Cùng xem ngay bí quyết của Mẹ và Con là gì nhé!

mang thai tháng cuối

Mẹ ơi, nhớ bổ sung các dưỡng chất này ở tháng cuối nhé!

Khi xây dựng thực đơn ăn uống cho tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cần chú ý để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết tốt cho con và giúp mẹ vượt cạn dễ dàng hơn. Một số dưỡng chất đó gồm có:

  • Chất béo: Mẹ có biết, tháng cuối cùng trong 9 tháng 10 ngày mang thai là giai đoạn hệ thần kinh của bé yêu phát triển mạnh mẽ nhất? Vì thế, trong giai đoạn này, mẹ cần bổ sung chất béo từ các loại thực phẩm như cá hồi, hạt óc chó, hạt hướng dương, cháo mè đen, dầu ô-liu… để giúp con có thể phát triển tốt nhất.
  • Canxi: Một trong những dưỡng chất cần thiết trong cả thai kỳ chính là canxi. Đặc biệt trong tháng cuối cùng, thai nhi cần rất nhiều canxi để xương khớp của bé có thể chắc khỏe hơn. Nếu mẹ không bổ sung canxi, thai nhi có thể “hút” canxi từ chính cơ thể người mẹ và gây nên tình trạng loãng xương sau sinh. Do đó, mẹ nên ăn thêm tôm, cá, cam, các loại rau xanh, sữa chua, uống thêm nước cam và sữa tươi để có thể cung cấp hàm lượng canxi cần thiết cho con.
  • Magie: Canxi sẽ được hấp thụ tốt hơn khi có sự “giúp đỡ” của magie. Vì thế, khi lên thực đơn ăn uống trong tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu nên chú ý bổ sung thêm bơ, hạnh nhân, bí đỏ, yến mạch, atiso… Đây là những loại thực phẩm có thể cung cấp magie cho cơ thể của mẹ và bé.
  • Sắt: Trước ngày sinh, mẹ cần chú ý để bổ sung sắt cho cơ thể, tránh tình trạng thiếu máu trong và sau khi sinh. Để bổ sung sắt, mẹ có thể ăn thịt bò, chuối, bí ngô, các loại hạt…
  • Vitamin: Để có thể giúp con yêu phát triển tốt nhất, mẹ đừng quên ăn những món ăn có chứa nhiều vitamin mẹ nhé! Vitamin B6, vitamin B12, vitamin C… đều rất quan trọng đối với sự phát triển của bé, đặc biệt là trong tháng mang thai cuối cùng và chúng có trong các loại trái cây, nước cam, các loại rau củ quả…
  • Tinh bột: Nhiều mẹ bầu thường có tâm lý sợ tăng cân quá nhanh và bị tiểu đường thai kỳ nên e dè hơn trong việc ăn tinh bột. Tuy nhiên, tinh bột chính là yếu tố giúp duy trì năng lượng cho mẹ và bé, đặc biệt là trong tháng cuối thai kỳ. Vì thế, mẹ cần bổ sung tinh bột qua các món ăn hàng ngày của mình. Nếu sợ ăn quá nhiều tinh bột sẽ khiến mẹ tăng cân và mất dáng sau sinh, mẹ có thể ăn bột ngũ cốc, khoai lang, cơm gạo lứt, bánh mì nguyên cám… Đây là các loại thực phẩm có nhiều tinh bột nhưng không gây tăng cân hay tiểu đường cho mẹ.
  • Chất đạm (Protein): Một dưỡng chất vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của bé yêu chính là chất đạm hay còn được biết đến với tên gọi khác là protein. Chất đạm có thể giúp con tăng cân nhanh chóng trong tháng cuối cùng, hạn chế tình trạng bé vừa sinh ra đã còi cọc thiếu dưỡng chất. Muốn cung cấp chất đạm cho con, mẹ có thể ăn các thực phẩm như trứng, cá, hải sản, thịt gà,…

mang thai

“Điểm danh” các thực phẩm tốt cho tháng cuối thai kỳ

Sữa tươi

Khi mang thai, các mẹ bầu thường chọn mua sữa bầu để có thể cung cấp đầy đủ nhóm dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, vào tháng cuối, mẹ có thể không cần uống sữa bầu mà chuyển sang uống sữa tươi để đảm bảo thai nhi không bị thiếu dinh dưỡng mà mẹ cũng không tăng cân.

Các loại hạt

Nếu muốn bổ sung chất xơ, chất đạm, chất béo cho bé, mẹ có thể bổ sung thêm các loại hạt như hạt hạnh nhân, óc chó… Các loại hạt giàu dưỡng chất này sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh trước khi chào đời.

các loại hạt

Khoai lang

Trong những ngày cuối cùng của thai kỳ, mẹ có thể thường xuyên ăn khoai lang để vừa bổ sung tinh bột, vừa có thêm vitamin A,C và cả canxi cho bé yêu. Đặc biệt, ăn khoai lang còn giúp mẹ tiêu hóa tốt hơn, không bị táo bón trước và sau khi sinh.

Trứng vịt lộn

Tuy không phải ai cũng ăn được trứng vịt lộn nhưng đây lại là một trong những món ăn đặc biệt giàu dưỡng chất và tốt cho thai nhi đấy nhé. Chỉ 1 trứng vịt lộn có 600mg cholesterol, 12,4gram lipid, 82mg calci, 13,6gram protein, 182 kcal năng lượng, 212mg phospho. Vì thế, nếu có thể, mẹ hãy ăn 2-3 trứng/tuần để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho con mà không lo tăng cân nhé!

Thịt bò

Bổ sung khoảng 200g thịt bò mỗi ngày vào tháng cuối thai kỳ có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé để bé tăng cân nhanh, mẹ đủ sức khỏe vượt cạn thành công mà vẫn giữ dáng đẹp, không bị béo bụng sau khi sinh.

thịt bò

Vài lưu ý cho mẹ khi bổ sung dinh dưỡng trong tháng cuối thai kỳ

Để quá trình vượt cạn nhẹ nhàng hơn, con có thể khỏe mạnh, tăng cần đều, mẹ cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

  • Uống nhiều nước: Mất nước có thể khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, không đủ năng lượng để hoạt động. Hơn nữa, việc uống đủ nước giúp mẹ hạn chế táo bón sau sinh. Do đó, mẹ nên chú ý uống đủ 2 lít nước/ngày nhé!
  • Chia nhỏ các bữa ăn: Khi mang thai, đặc biệt là tháng cuối cùng, mẹ không nên ăn một lần quá nhiều để tránh bị khó tiêu. Hãy chia nhỏ các bữa ăn ra, cách 3-4 tiếng ăn 1 lần. Việc này giúp mẹ dễ tiêu hơn, không bị đầy hơi, khó chịu.
  • Không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn như rượu, bia, trà, cà phê… Các loại thức uống này sẽ ức chế thần kinh, khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ, sinh con.
  • Bên cạnh việc ăn các món ăn nhiều dinh dưỡng, mẹ bầu có thể bổ sung thêm các loại thuốc bổ, viên uống vitamin để đầu đủ dưỡng chất, đảm bảo sức khỏe cho lần vượt cạn.

tháng cuối thai kỳ

Tháng cuối thai kỳ là một giai đoạn rất căng thẳng cho cả mẹ và cả gia đình. Vì thế, việc ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết khi đi sinh,… sẽ giúp mẹ phần nào an tâm hơn, đỡ lo lắng hơn. Nhờ vậy, khi đi sinh cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý thường xuyên đến kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng hiện tại của mẹ, giúp mẹ biết cần phải bổ sung những nhóm thực phẩm nào. Hy vọng những chia sẻ của Tạp chí Mẹ và Con sẽ có cuộc sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông!

Bài viết liên quan