Từ những con số biết nói…
Theo cuộc “Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019” đã mang đến những con số không ngờ. Điều tra chỉ ra rằng, cứ 3 phụ nữ thì có đến 2 phụ nữ (chiếm gần 63%) bị 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục, kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Trong đó có gần 32% phụ nữ bị bạo hành trong 12 tháng qua.
Với khoảng 6.000 phụ nữ (15 – 64 tuổi) trong cuộc khảo sát chỉ ra rằng ở Việt Nam bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra.
…đến những ảnh hưởng trực tiếp về tinh thần và cả thể xác
Bạo hành phụ nữ chính là một trong những dạng của bạo lực gia đình phổ biến mà phụ nữ chính là nạn nhân của người chồng. Họ có thể trải qua những nỗi đau cả thể xác và tinh thần.
Bạo hành thể chất
Đây là dạng bạo hành phụ nữ phổ biến, khi đó phụ nữ sẽ bị đánh đập, lạm dụng tình dục từ chính người chồng của họ. Nỗi đau mà họ chịu chính là những tổn thương về thể chất, những vết sẹo, vết bầm… hằn theo thời gian. Trên thực tế đã có rất nhiều vụ nạn nhân bị bạo hành ảnh hưởng rất lớn đến thể xác không thể phục hồi, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Bạo hành tinh thần
Nạn nhân của bạo hành tinh thần thường ít khi nhận thức được mình đang bị bạo lực gia đình. Khi rơi vào tình trạng bạo hành này, phụ nữ thường bị chửi bới, xúc phạm danh dự… tổn thương rất lớn đến tâm lý và thường sẽ là nỗi ám ảnh đi theo họ suốt cuộc đời.
Tại sao khi phụ nữ bị bạo lực gia đình thường nhẫn nhịn?
Tuy đã có không ít nạn nhân của bạo lực gia đình đã chịu đứng lên đấu tranh để giành quyền tự do cho mình, nhưng con số phụ nữ nhẫn nhịn lại lớn hơn rất nhiều…
Chúng ta, những người ngoài cuộc, thường nhìn vào tình trạng bạo lực gia đình với thái độ bất bình. Chúng ta cũng thường mạnh dạn khuyên người thân, bạn bè… đang là nạn nhân của bạo hành phụ nữ nên “ly hôn với tên vũ phu” để tìm một con đường mới tốt hơn. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ dũng cảm đứng lên đấu tranh hay tìm cách thoát khỏi bạo hành gia đình. Thay vào đó sẽ là những câu trả lời “Em không dám anh/ chị”, “Tao không đủ dũng cảm mày ơi”… Vì không chỉ bị sự quản lý của người chồng, mà phụ nữ còn vướng phải những rào cản tâm lý sau đây:
Nỗi sợ hãi khi bỏ đi
Một sự thay đổi rất lớn sau khi phụ nữ kết hôn chính là bạn sẽ trở nên kiên nhẫn hơn khi đối diện với các xung đột với chồng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đã trưởng thành hơn, nhưng suy nghĩ cũng dần mong manh hơn khi bạn đã quá quen thuộc và sợ hãi khi phải rời bỏ căn nhà quen thuộc.
- Sợ cô đơn một mình khi ra đi
- Sợ đánh mất tình cảm vợ chồng đã xây dựng bấy lâu nay
- Sợ mọi người xung quanh gièm pha
- Tình yêu dành cho con cái
Con cái được xem là nguồn sống của người mẹ. Vì vậy, khi phụ nữ đã có con thường sẽ rất khó để dứt khoát chấm dứt một cuộc hôn nhân. Bởi lẽ, họ mong muốn con mình sẽ có một gia đình trọn vẹn. Do đó, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nghĩ rằng quyết định tìm con đường mới cho bản thân sẽ tốt hơn một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Sự phụ thuộc về tài chính
Cùng với những tâm lý lo sợ cô đơn, gièm pha của những người xung quanh… thì sự phụ thuộc vào tài chính của chồng cũng cản bước phụ nữ không dám tìm con đường mới. Đặc biệt khi áp lực tài chính nuôi dưỡng con cái lại càng khiến phụ nữ chùn bước và nhẫn nhịn ở lại dù đang chịu đựng bạo lực gia đình.
Ám ảnh đổ lỗi cho bản thân
Đây được xem là biểu hiện tâm lý của người phụ nữ đã chịu cảnh bạo hành gia đình trong một thời gian dài. Họ thường tự đổ lỗi cho bản thân, cho rằng chính mình là nguyên nhân khiến chồng bực tức, nóng giận… thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng “mình đáng bị như vậy”.
Nỗi ám ảnh đổ lỗi cho bản thân có xu hướng xuất hiện nhiều ở phụ nữ cảm thấy mình lép vế hơn chồng về gia đình, thu nhập và địa vị.
Hy vọng sẽ thay đổi đối phương
Người xưa có câu “Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai” nhằm nói rằng phụ nữ sống rất tình cảm nên rất dễ mềm lòng. Họ sẵn sàng tha thứ cho người đàn ông đánh đập mình hôm qua nhưng hôm nay lại tỏ vẻ chăm sóc, nói lời yêu thương với mình. Cứ như vậy người phụ nữ lại kẹt vào vòng tròn “Bạo hành – Xin lỗi”, từ đó họ sẽ bị cầm tù với mối quan hệ đầy giông tố.
Cách thoát khỏi bạo lực gia đình
Hành trình thoát khỏi bạo lực gia đình không hề dễ dàng với bất kỳ ai! Nếu bạn đang là nạn nhân của vấn nạn này, hãy cùng Mẹ và Con áp dụng ngay những cách sau đây để thoát khỏi bạo lực gia đình nhé!
Tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài
Khi đã bất lực với người đàn ông mất hết tình nghĩa, đã đến lúc bạn cần sự giúp đỡ từ bên ngoài đặc biệt là gia đình và pháp luật. Trước hết bạn nên chia sẻ chuyện này với bạn bè, vì bạn bè sẽ vẫn giữ được “cái đầu lạnh” khi nghe tin bạn là nạn nhân của bạo hành gia đình so với bố mẹ của bạn. Sau đó, bạn nên tìm các bằng chứng để chứng minh mình bị bạo hành:
- Chụp ảnh, quay phim, ghi âm (đặt camera lén) khi bạn bị bạo hành
- Đi giám định sức khỏe để xác định tình trạng bạo hành
Sau khi đã có đủ bằng chứng, các bạn nên báo với cơ quan chức năng nơi bạn đang sống hay có thể liên hệ với bạn bè để nhờ sự giúp đỡ. Trong quá trình chờ hướng giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền các bạn nên về nhà bố mẹ, người thân… và kể cho họ biết những gì bạn đã trải qua.
Suy nghĩ về tương lai của con
Thay vì cố gắng cam chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần để mong con có đủ ba lẫn mẹ thì bạn nên tự trả lời câu hỏi: “Liệu con mình có thật sự hạnh phúc khi chứng kiến ba đánh mẹ một cách không thương tiếc?”. Hơn nữa nhiều cuộc bạo hành người chồng cũng đánh luôn cả con.
Mẹ và Con chỉ muốn nhắc nhở bạn rằng, tâm lý của trẻ không hề đơn giản như chúng ta nghĩ. Mỗi hành động đánh đập, lời mắng chửi, sỉ nhục… mà trẻ vô tình nghe thấy được cũng sẽ hằn sâu vào ký ức của trẻ đến sau này. Hơn nữa, con bạn cũng có thể là nạn nhân tiếp theo của bạo lực gia đình vì trẻ đã dần quen với hành động đó và không có tâm lý phản kháng.
Chuẩn bị tài chính thời gian lâu dài
Tài chính luôn là một rào cản tâm lý rất lớn khiến bạn không dám vùng vẫy thoát ra khỏi bạo hành gia đình. Chính vì vậy, các bạn nên chuẩn bị nguồn tài chính sớm từ khi chồng đã có những dấu hiệu đầu tiên của bạo hành. Nhưng tốt nhất, bạn nên chuẩn bị ngay cả khi đời sống vợ chồng hòa thuận.
Bạn nên tìm kiếm một công việc ổn định như: bán hàng online, kinh doanh nhỏ, mở một quán trà sữa nhỏ… để có một nguồn thu nhập ổn định trang trải cho những nhu cầu thiết yếu. Nếu được các bạn nên mở một tài khoản tiết kiệm dành riêng cho chuyện học hành của con.
Dành thời gian khám phá bản thân
Yêu bản thân hơn cũng là cách để bạn có đủ dũng cảm chấm dứt một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Thông qua quá trình khám phá bản thân bạn sẽ nhận thấy rằng mình xứng đáng để được yêu thương và trân trọng, bạn sẽ không để bản thân mình chịu đựng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần.
Bạn có thể đăng ký một khóa học mới, đi mua sắm, chăm sóc da, tóc… để nhận thấy rằng không ai trân trọng bạn hơn chính bạn.
Đặt ra giới hạn với người bạo hành
Nếu bạn vẫn còn đang “nuôi” một chút hy vọng rằng người đàn ông của mình sẽ trở lại là chàng trai đã từng yêu thương mình hết mực thuở hẹn hò thì hãy đặt ra một giới hạn để ngăn chặn việc bạo hành phụ nữ. Mặc dù khả năng này là rất hiếm, song chồng bạn có thể đang trải qua một cú sốc tâm lý lớn nên nhát thời nóng nảy.
Khi chồng bày tỏ sự ân hận và xin lỗi, bạn cần kiên định đặt ra giới hạn là “anh không bao giờ được làm như vậy nữa”. Nếu anh vi phạm quá 2 lần thì chúng ta sẽ ly hôn.
Bạn có thể may mắn nhận được những món quà, đóa hoa vào ngày 8-3 hay 20-10 thay lời cảm ơn và bày tỏ trân trọng phái đẹp, nhưng bạn cũng có thể là một nửa còn lại khi chỉ nhận được những giọt nước mắt, vết bầm trên cơ thể mỗi ngày. Cuộc sống thường không cho ta biết trước kết quả của một con đường đã chọn, nhưng không hề ngăn cấm bạn chọn con đường phù hợp. Vì vậy, nếu không may bạn là nạn nhân của bạo hành gia đình… Mẹ và Con luôn đồng cảm và muốn được chia sẻ với bạn.
Cuối cùng, lời khuyên hữu ích nhất dành cho bạn chính là “Đừng ngại tìm con đường mới, vì bạn hoàn toàn xứng đáng được hạnh phúc”.