Mẹ&Con – Nghe những người khác thuật lại hoặc từng chứng kiến chị em trong nhà sinh nở, nhiều thai phụ đến tháng cuối lục tục rủ nhau đi hỏi bác sĩ cách… đẻ không đau. Có biện pháp đẻ không đau không? Câu trả lời là: Có! Tuy nhiên, ai nên áp dụng phương pháp này và áp dụng như thế nào lại không phải là chuyện ai cũng biết

Đau đẻ: Không còn là ám ảnh

(Ảnh minh hoạ)

Đẻ nào mà đẻ… không đau?

Cụm từ “đau như đau đẻ” vốn ám ảnh người phụ nữ từ nhiều thế kỷ nay. Ai đã trải nghiệm qua rồi luôn bảo chẳng có cái đau nào trong đời sánh bằng… đau đẻ. Nghe kinh khủng thế nên chỉ cần vừa loáng thoáng biết tới kỹ thuật đẻ không đau là nhiều chị em đã mừng rơn, mong muốn được áp dụng ngay với hi vọng nhanh chóng thoát khỏi cơn đau đẻ vẫn thấy trong phim ảnh hay nghe nhiều người “tường thuật”.

Thực tế, đẻ không đau là phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tức là tiêm thuốc gây tê vào vùng cột sống ở thắt lưng (vùng này chứa các dây thần kinh chi phối các cảm giác đau từ vùng bụng trở xuống). Nhờ tác dụng của thuốc tê, các cơn co tử cung vẫn xảy ra đều đặn và thúc đẩy cuộc chuyển dạ nhưng sản phụ sẽ không có cảm giác đau đớn nữa. Tất nhiên, chỉ cần nghe đến đó, bạn cũng đủ hình dung ra những ưu điểm tuyệt vời của đẻ không đau. Đó là giảm bớt sự mất sức không cần thiết, giảm bớt những cơn lả người, thay vào đó, người mẹ có thể dùng sức để rặn đẻ tốt hơn. Về mặt an toàn cho em bé thì đẻ không đau cũng hoàn toàn an toàn, vì thuốc tê không thông qua nhau thai nên thai nhi không bị ảnh hưởng gì cả.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nên sử dụng kỹ thuật đẻ không đau. Bạn cần tham khảo những lời khuyên dưới đây trước khi quyết định chọn hay không chọn phương pháp ấy.

Ai nên “đẻ không đau”? 

Chắc hẳn đến từng tuổi này, bạn đã qua nhiều trải nghiệm để biết rằng mỗi cái thuận lợi đều có mặt “hại” ở đằng sau. Đẻ không đau cũng vậy. Muốn thực hiện một ca đẻ không đau, bác sĩ sẽ phải kiểm tra rất chi tiết mọi tình trạng bệnh lý, tình trạng chuyển dạ, sức khỏe… của thai phụ, để xem có phù hợp với phương pháp này hay không.

Thông thường, đẻ không đau phù hợp với các sản phụ có các bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch. Nhưng tuyệt đối không được áp dụng cho các sản phụ có bệnh lý liên quan đến cột sống, rối loạn đông máu hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng. Do đó, sẽ có trường hợp bác sĩ từ chối trước “đòi hỏi” xin được đẻ không đau của bạn, và bạn đừng ngạc nhiên, cũng đừng khăng khăng cho rằng bác sĩ này không “thương” bệnh nhân gì cả, cứ muốn bạn phải đau đẻ kinh khủng mới thôi!

Một chuyện quan trọng khác: Sau khi sinh, bạn có chịu tác dụng phụ nào từ việc đẻ không đau không? Rất tiếc nhưng phải trả lời bạn rằng có đấy! “Bù” lại cho việc né được cơn đau đẻ, bạn có thể gặp phải những trạng thái chóng mặt, ớn lạnh, buồn nôn, nhức đầu nhẹ, có cảm giác như kiến bò ở vùng mông, và nhất là rất dễ đau lưng sau khi vượt cạn. Những triệu chứng này không gây nguy hiểm, có thể tự hết.

Tuy nhiên, bạn cần biết thêm một chuyện nữa là nếu trình độ chuyên môn của bác sĩ non kém thì việc đẻ không đau có thể ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ nếu bác sĩ thờ ơ, kinh nghiệm ít. Sở dĩ nghe “kinh dị” như thế là vì trong kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, khó nhất là đưa kim tiêm (kèm ống dẫn nhựa) vào đúng khoang ngoài màng cứng. Việc này phải được thực hiện đúng lúc. Nghĩa là khi đứa trẻ có dấu hiệu quẫy đạp đòi được chào đời.

Theo đó, đưa chưa chạm không có tác dụng; đưa quá khoang, chọc thủng màng cứng vào tủy sống không chỉ vô dụng mà còn làm nước tủy chảy ra khiến bệnh nhân bị bệnh đau đầu di chứng, hoặc chọc vào mạch máu gây tụ máu, nếu đám máu tụ chèn dây thần kinh (gây run tê chân) thì phải phẫu thuật để “bóc” đi, hoặc chạm đám rối sẽ gây những tổn thương không đáng có.

Do đó, cho đến lúc này, việc đẻ không đau vẫn rất được các bác sĩ cân nhắc. Thay vì dùng đến những kỹ thuật gây tê như thế, các bác sĩ vẫn chú trọng vào việc giúp thai phụ… tập thở, để có thể có được một kỳ vượt cạn dễ dàng, thuận lợi, nhẹ nhàng hơn.

Khi chuẩn bị “vượt cạn”, hãy trấn an và động viên chính mình bằng câu “thần chú” này: “Cố gắng lên, chỉ ít phút nữa thôi, mình sẽ gặp được thiên thần bé bỏng!”. Bình tĩnh, hít thở sâu, bạn sẽ dễ chịu hơn và nhanh chóng qua được cơn… đau đẻ!

Thở sao cho đúng?

Công thức cơ bản cho việc thở trong quá trình vượt cạn là tránh thở đột ngột. Giai đoạn đầu, khi cổ tử cung mở 2-6cm, cơn co diễn ra trong khoảng 20-25 giây, tần số thưa, khoảng cách giữa các cơn co dài, 4-5 phút/cơn, bạn cần thực hiện việc thở ngực chậm. Thở chậm là cách khi vừa bắt đầu cơn co, bạn sẽ hít thật sâu không khí qua mũi vào tận đáy phổi và thở ra bằng miệng đẩy hết không khí ra. Bạn có thể thở 18-20 lần/phút, giúp không khí được nạp vào cơ thể nhiều hơn, lại vừa giữ sức, lấy nhiều oxy cho mẹ và thai nhi.

Sau thở chậm là đến giai đoạn thở nông (tức là thở nhanh dần, chậm dần). Thở nông được thực hiện khi cổ tử cung mở 6- 8cm cơn co lúc này mau hơn, mạnh hơn, kéo dài hơn 40-50 giây/cơn khoảng cách khoảng 3 phút/lần. Khi thấy bắt đầu cơn đau, bạn hít một hơi thật sâu qua mũi rồi thở ra bằng miệng. Sau đó thở ngắn qua miệng, nhịp thở ngắn dần theo mức tăng của cơn đau. Khi cơn đau đạt đỉnh điểm, hơi thở nhanh, gấp, nối tiếp nhau. Khi cơn đau giảm, chuyển thở ngắn giống ban đầu. Hết cơn đau, hít thật sâu rồi thổi ra và cân bằng khí: Lấy hai tay chụm lại đặt dọc trước mũi miệng thổi dài hơi và hít không khí trong tay mình.

Giai đoạn kế tiếp là thở ngắn, nhanh, nông. Khi cổ tử cung đã mở 8-10cm, đầu thai nhi tụt xuống, làm chèn ép vào bàng quang, trực tràng nên cảm giác đầu tiên của bạn là muốn rặn. Cơn đau lúc này rất dồn dập, 2-3 phút/cơn, cơn co kéo dài 50-55 giây. Bạn cần hết sức bình tĩnh, khoan rặn mà cố gắng thở để tránh rặn non có thể gây phù nề cổ tử cung gây khó khăn cho cuộc đẻ. Khi bắt đầu cơn co, bạn thở 1, 2, 3 hơi thở ngắn, hơi thở thứ 4 thổi mạnh. Thực hiện nhiều lần như vậy và kết thúc bằng cách hít vào, thổi ra từ từ 1 lần rồi cân bằng.

Và giai đoạn cuối cùng chính là thở trong lúc rặn đẻ. Khi bắt đầu cơn co, bạn hít một hơi thật dài, nín thở ngậm hơi trong miệng và nhẩm đếm chậm trong đầu từ 1 đến 7, đưa hơi xuống kênh đẻ. Bạn nên tì cằm xuống ngực để không khí không thoát ra phía trên mà dồn ép xuống dưới, giúp đẩy thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn. Nếu tập trung thở đúng cách như thế này thay vì gào thét kêu la làm mất sức, cổ tử cung phù nề vì rặn sớm, bạn sẽ nhanh chóng vượt cạn dễ dàng hơn rất nhiều.

Tags:

Bài viết liên quan