Mẹ và Con - Về quê ăn Tết bên cạnh gia đình thân yêu sau 1 năm dài là mong muốn của hàng triệu người Việt đang làm việc và học tập tại các thành phố lớn. Tuy nhiên trước tình trạng dịch bệnh tăng mạnh gần đây, rất nhiều người đã chọn ở lại.

Những ngày cuối năm, đường phố Sài Gòn, Hà Nội và nhiều đô thị lớn khác bắt đầu đón những cơn gió se lạnh của mùa Đông. Không khí rộn ràng của dịp tết Dương lịch đã qua. Tất cả như nhắc nhở những người con xa quê rằng chỉ hơn 1 tháng nữa là đến Tết Âm Lịch.

Đó là thời điểm ai cũng muốn được trở về nhà và đón năm mới đầm ấm, yên vui bên cạnh gia đình thân yêu của mình. Tuy nhiên hiện tại, đang có rất nhiều người gác lại mong muốn nói trên và lựa chọn ở lại các thành phố lớn. Tình trạng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp là lý do dẫn tới quyết định này.

Sợ về quê ăn Tết vì lo dịch bệnh

Thông thường mọi năm đến tháng 12, Hồng Nhung – cô nhân viên văn phòng công tác tại Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã đặt xong vé xe để về quê ở Lâm Đồng để đón Xuân. Các món quà dành cho bố mẹ và các anh chị em ở quê cũng đã sắm sửa chu đáo vào dịp Black Friday. Cô chỉ đợi ngày 24 tháng Chạp là lên xe thẳng tiến về quê ăn Tết cùng gia đình.

Thế nhưng năm nay, dù quà đã mua xong nhưng cô vẫn chưa lên mạng để tìm thông tin về giá vé và chọn thời gian khởi hành. Nhìn xa xăm với ánh mắt vô vọng, cô nói: “Năm nay em không dám về quê vì ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng. Làm việc tại thành phố lớn và có tỉ lệ lây nhiễm cao, em sợ mình sẽ nhiễm bệnh và có thể lây lan cho mọi người”.

lo lắng

Nhung cho biết thêm tòa nhà nơi cô gái 27 tuổi đang làm việc gần đây liên tục xuất hiện ca nhiễm mới. Đa phần là các ca bệnh nhẹ do người mắc còn trẻ và đã tiêm vaccine covid đủ 2 mũi. Tuy nhiên ở quê nhà của Nhung là bố mẹ và họ hàng đã cao tuổi. Hoạt động tiêm chủng dù được thực hiện gấp rút vẫn bị đình trệ vì nhiều khó khăn. Do vậy cô gần như chắc chắn sẽ không về quê ở dịp Tết năm nay.

Tương tự như Nhung, vợ chồng anh Quang Tình, chủ một cửa hàng sửa máy tính nhỏ tại Thành Phố Thủ Đức cho biết năm nay anh cũng cho vợ con đón tết xa quê. “Tại Hà Tĩnh quê tôi, thời gian cách ly từ các thành phố lớn tới 7 ngày. Nhà tôi lại kinh doanh tới cận Tết mới đóng cửa. Nên về sẽ không có thời gian đi thăm họ hàng. Chưa kể tôi và vợ cũng lo ngại mình có thể lây nhiễm cho người thân và cộng đồng. Nên thôi đành ở lại vậy” – Anh Tình buồn bã cho hay.

Chưa xoay sở được cách ở lại trong 3 ngày Tết

Trường hợp của Nhung và anh Tình là rất phổ biến hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM hoặc Đà Nẵng. Họ chấp nhận gác lại mong muốn được về quê ăn Tết để bảo vệ cộng đồng và người thân trước chủng virus tai ác. Dù vậy do có công việc và thu nhập ổn định nên việc ở lại đón Tết cũng không quá khó khăn.

cặp đôi

Tuy nhiên với Minh và Hà, 2 sinh viên quê ở Lạng Sơn đang theo học tại một trường cao đẳng nghề ở Đà Nẵng thì việc ở lại đón Tết là một bài toán khó. Cả 2 chỉ có hợp đồng thuê nhà trọ đến hết tháng 1/2022. Việc phải chi nhiều tiền cho 2 chiếc laptop mới để học trực tuyến đã khiến họ “cạn túi”.

Cả Minh và Hà dự định về quê ăn Tết và xin thêm hỗ trợ tài chính từ người thân rồi ra tết sẽ xin việc làm thêm để trả. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại Đà Nẵng thì họ nhiều khả năng phải ở lại đón xuân. “Ở đây rất khó xin các công việc làm thêm vào giai đoạn cuối năm. Tết thường hàng quán cũng đóng cửa. Chúng em chưa biết xoay sở thế nào nếu không về nhà Tết này” – Minh nghẹn ngào nói.

Giải pháp nào cho những người vẫn muốn về quê ăn Tết

Tết Âm lịch với người Việt không chỉ là một kỳ nghỉ dài ngày mà còn là một khoảng thời gian rất quý giá để chia sẻ với người thân và bè bạn. Vì thế dù đối mặt với rất nhiều thử thách trong thời điểm COVID-19 leo thang gần đây, không ít người vẫn quyết “về quê ăn Tết” bằng một kế hoạch rất dài hơi và tỉ mỉ.

Vợ chồng chị Lan Anh, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo cho biết: “Ngay từ khi miền Nam bùng dịch vào mấy tháng trước, mình và ông xã đã biết Tết này chuyện về quê ở Gia Lai sẽ rất gian nan. Tuy nhiên đó là truyền thống của cả 2 vợ chồng trong suốt 10 năm qua nên mình không thể bỏ lỡ”.

Và với mục tiêu đó, chị Lan Anh và chồng đã thông báo với đối tác và khách hàng sẽ “chốt đơn” sớm vào cuối tháng 12 dương lịch. Sau đó đầu tháng 1, cả 2 sẽ hoàn thành việc giao nhận hàng và tất toán công nợ và về quê sớm. Công việc kinh doanh và trông nom cửa hàng sẽ được giao lại cho một nhân viên thân tín với cả hai.

Chị chia sẻ: “3 tuần trước Tết, mình sẽ đóng cửa hàng và lên ô tô riêng để về quê ăn Tết. Em tôi ở Gia Lai cho biết người về từ TP.HCM sẽ phải cách ly 1 tuần. Do vậy chúng tôi chọn đi sớm để xong việc cách ly. Tuần trước khi đi cả nhà sẽ cố gắng thực hiện 5k triệt để và kiểm tra PRC cẩn thận rồi mới lên đường. Tới nơi nếu không may bị nhiễm thì cả nhà cũng còn 3 tuần để điều trị và kịp đón Tết với gia đình như truyền thống.”

sum họp gia đình

Không có điều kiện như chị Lan Anh, nhưng anh Lê Tín, một người chạy xe ôm công nghệ tại Quy Nhơn cũng đã có kế hoạch về quê đón Tết cùng vợ con. Anh nói: “Mình tranh thủ chạy xe thêm vào ban đêm phục vụ khách du lịch dịp Noel. Qua Tết Dương lịch khách vắng lại rồi mình định về quê sớm bằng xe máy. Tới nơi tự cách ly tại nhà 7 ngày là kịp ăn Tết với người thân. Một năm chỉ có 1 lần, nên khó mấy tôi cũng phải ráng thu xếp thôi.”

Đường về quê ăn Tết của người Việt xa xứ chưa bao giờ gập ghềnh và khó khăn như năm nay. Có người chọn cách ở lại vì an toàn của gia đình, người thân và cộng đồng. Cũng có người tìm cách sắp xếp để đón xuân nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và dù lựa chọn của ai là gì thì tất cả đều mong muốn đón một mùa Xuân mới bình an.

Bài viết liên quan

sự tự ti về bản thân

Tự ti về bản thân là cách bạn tự tay phá hủy thành tựu của mình

Mẹ và Con - Cảm giác tự ti về bản thân là một trạng thái tâm lý phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi điều này trở thành một trạng thái cảm xúc thường xuyên, bạn có thể ngày càng trở nên tiêu cực hơn. Vậy chúng ta có thể làm gì để khắc phục tình trạng tự ti về bản thân?