Thử thách từ trên trời rơi xuống!
Tôi lấy chồng sớm, có con sớm nên suốt khoảng thời gian ấy, dù cũng có đi làm nhưng thực tế tôi chỉ làm việc cầm chừng. Lương của tôi còn không đủ cho chính tôi sống, nói gì đến nuôi con. Mọi việc đều dồn lên chồng tôi. Anh là trụ cột kinh tế gia đình. Anh lo chu toàn mọi thứ nên thậm chí tôi không bao giờ rõ anh kiếm được bao nhiêu, kế hoạch dành dụm thế nào.
Đùng một cái, anh phát hiện mình bệnh nặng. Thật nghiệt ngã! Tôi giống như đang sống trong cuộc sống bình yên, đầy hạnh phúc bỗng bị xô ngã xuống một hố sâu hun hút. Chới với là từ có thể mô tả tốt nhất tình cảnh tôi lúc ấy. Suy sụp cùng cực trước bệnh của chồng, hoảng loạn với chuyện con còn bé dại, tôi thật sự không biết mình nên làm gì, vượt qua ngày tháng khốn đốn bằng cách nào.
Có những buổi sớm mai, giật mình tỉnh dậy, khoảng vài phút đầu tiên giữa ranh giới của ngủ và thức, tôi cứ mong tất cả chỉ là cơn ác mộng, và chỉ cần ngồi dậy thôi thì mọi việc lại trở về bình thường. Nhưng không có phép màu nào cả. Chúng tôi có kiệt quệ, có khóc lóc, có quỳ lạy khắp các chùa để cầu xin thì mọi việc vẫn y nguyên là thế.
Ba tháng sau ngày chồng phát bệnh, chúng tôi sống trong những ngày dài hoảng loạn. Con hình như cảm nhận được sự bất an của mẹ nên cũng liên tục giật mình, quấy khóc, ít ăn ít chơi. Nhìn những giọt nước mắt lặng lẽ và đau đớn của chồng, tôi không biết tương lai mình ra sao đây, không biết tại sao tất cả những điều này lại ập xuống với gia đình mình.
Chồng tôi trong những lúc tuyệt vọng cứ vuốt tóc tôi và bảo: “Hay em lấy chồng khác đi!”. Tội nghiệp anh, tâm trạng của một người đàn ông đang mạnh khỏe bỗng dưng mang bệnh nan y, lại từ người trụ cột gia đình biến thành người hoàn toàn không còn đủ khả năng lao động, thành gánh nặng cho vợ thì bảo anh chịu đựng làm sao nổi.
Nhưng khóc chán rồi thì cũng phải lau nước mắt đứng lên. Tôi vật vã không chịu tin thì tất cả vẫn là sự thật. Mất thêm vài tuần lễ để khóc than, cuối cùng tôi cũng đủ bình tâm để ngồi lặng một mình và hiểu rằng trước mắt mình là một cuộc chiến. Cuộc chiến này, tôi phải “dẫn đầu”, phải là người chính yếu lo toan, để có thể vượt qua được cơn sóng gió.
Tôi ngồi xuống với chồng, lần đầu tiên sau mấy tháng trời chúng tôi không khóc nữa. Tôi hỏi anh xem nhà mình còn được bao nhiêu tiền dành dụm. Trời ạ, con số anh nói ra khiến tôi lại thấy như mình bị thêm một cú đập của số phận. Lẽ ra anh để dành được nhiều, nhưng vì cứ xoay vòng làm ăn, giờ đổ bệnh thế này mất đi rất nhiều vì chẳng ai trông nom được công việc nữa. Chúng tôi chỉ còn lại trong tay một khoản đủ cho gia đình sống tối đa là 1 năm. Nhà thì hiện tại vẫn đi thuê, tài sản ngoài chiếc xe máy và vài thứ linh tinh như tủ lạnh, tivi thì chẳng còn gì nên hồn cả.
May mắn duy nhất của chúng tôi là bệnh của anh nằm trong nhóm được bảo hiểm y tế chi trả rất nhiều, nên phần còn lại để điều trị chúng tôi vẫn còn kham nổi. Tôi nói với chồng, giờ mà cứ như vầy thì chúng ta không thể nào cầm cự. Cách duy nhất là tôi sẽ mở ra buôn bán. Phải cố xoay, chứ nếu không rồi đến lúc hết sạch tiền, chúng tôi còn khốn đốn hơn nữa.
Chồng lo. Tôi cũng lo không kém. Còn quá trẻ và chưa bao giờ buôn bán trước đó, tôi biết làm cách nào để có tiền đây? Kiếm tiền không hề dễ! Tôi biết thế. Không khéo, nếu làm ăn thua lỗ thì tôi còn làm mất luôn cả khoản tiền chắt chiu còn lại của gia đình mình dành cho 1 năm sắp tới!
Lối thoát cho chúng tôi!
Mang câu hỏi: “Làm cái gì để có tiền bây giờ?” đi hỏi mẹ, mẹ tôi nghĩ mấy ngày trời rồi bảo: “Con không phải là người giỏi bon chen bên ngoài, không giỏi giao đãi ngọt ngào, cũng không giỏi tính toán chi li. Nhưng con rất khéo tay. Con làm bánh rất ngon. Mẹ nghĩ con mở một tiệm bánh có thể được!”.
Câu nói của mẹ khiến tôi “tỉnh” ra rất nhiều. Người ta nói không ai hiểu con bằng mẹ thật đúng. Làm một tiệm bánh nhỏ thì không tốn kém quá nhiều. Ngoại trừ một số vật dụng, chúng tôi chỉ cần thuê một mặt bằng nhỏ để mở tiệm mà thôi.
Những ngày sau đó thật vất vả. Tôi loay hoay một mình chạy đi tìm mặt bằng, nhờ vả bạn bè để có thể bắt đầu gửi giấy “quảng cáo” đến các nhà hàng, quán ăn, nhờ họ đặt bánh của mình. Rồi thì chọn nguyên liệu, làm bánh. Con gửi sang cho bà ngoại trông, có những ngày tôi phải làm việc 15 tiếng đồng hồ, xoay từ việc nhỏ đến việc lớn để tìm khách hàng.
Nhờ bạn bè giới thiệu, thật may mắn là tôi cũng bắt đầu tìm được những khách đầu tiên. Nhiều người nghe chuyện, thương hoàn cảnh nên cũng muốn thử một ít xem sao. Nhưng ăn thấy ngon, bán trong nhà hàng được nên họ đồng ý đặt tiếp. Tôi vừa làm bánh để bán lẻ ngay tại tiệm của mình, vừa làm bánh để giao đều đặn hàng ngày cho những nhà hàng, quán ăn lớn.
Suốt những ngày tháng đó, chúng tôi vẫn phải đối diện với nguy cơ về căn bệnh của chồng. Vừa làm việc, tôi vừa phải cố tìm cách động viên anh thường xuyên, giữ cho tinh thần anh lạc quan, vui vẻ, chịu kiên trì theo quá trình điều trị của bệnh viện. Thật sự nhìn lại, tôi cũng không biết mình đã vượt qua được tất cả bằng cách nào. Bằng cách nào nhỉ? Có lẽ trong mỗi con người đều có một khả năng chịu đựng và một sức bật rất lớn mà chỉ khi nào bị dồn đến “bước đường cùng”, tất cả khả năng ấy mới hiện hết ra.
Bốn giờ sáng mỗi ngày tôi đã thức dậy để lao vào công việc. Có những ngày, làm miệt mài đến trưa thì hoa mắt muốn xỉu. Vậy mà ăn vội một chút, không kịp nghỉ là lại phải lao vào làm tiếp. Về đến nhà thì chỉ kịp hôn con khi con đã ngủ, chứ chẳng kịp làm gì cho con cả. Con quen bà ngoại còn hơn quen mẹ. Nhìn con ngủ mà bao nhiêu nước mắt cứ muốn ứa ra, thấy tội cho tuổi thơ của con quá đỗi.
Hai vợ chồng cần mẫn đếm từng ngày như thế. Chúng tôi ráng động viên nhau. Từng chút, từng chút… Bệnh tình của anh dần dần có tiến triển tốt hơn, vượt khỏi sự nguy kịch ban đầu. Tiệm bánh thì nhờ trời, ngày một đông khách thêm. Tôi bắt đầu thuê người làm ở quê, rồi tìm cách để bán được bánh cho các suất ăn của những trường bán trú, những căn-tin trường học.
Công việc của chúng tôi cứ quần quật, quần quật, nhưng nụ cười bắt đầu trở về dần. Trời đất không cho ai tất cả, nhưng cũng không lấy đi của ai tất cả. Hơn hai năm kể từ thời điểm ấy, tôi đã mở được tiệm bánh thứ hai, rồi thứ ba. Không lớn như những tiệm bánh tên tuổi, nhưng chúng tôi vẫn có khách hàng riêng của mình. Bệnh tình của chồng đỡ nhiều. Con bắt đầu đi học nhà trẻ, về đến nhà tôi cũng đã có thời gian dành cho con, vì đã có thêm người giúp việc.
Tất nhiên, chúng tôi vẫn chưa hẳn đã trở về được như ban đầu, vì bệnh của chồng vẫn phải điều trị suốt đời. Nhưng mọi thứ đã qua đi cơn ngặt nghèo. Chồng khỏe hơn nên cũng đã bắt đầu phụ giúp tôi trông coi tiệm. Nhiều người khen: “Hai vợ chồng vậy mà giỏi! Đau bệnh thế mà còn mở được tiệm bánh, kinh doanh thấy rôm rả, ổn định quá chừng!”. Chỉ có chúng tôi mới thấm thía rằng mình đã vượt qua những cơn thắt ngặt thế nào, hoàn cảnh ra sao, để có thể có được một cuộc sống như hiện tại.
Căn bệnh của chồng đã khiến tất cả chúng tôi đều “lột xác”.
Nhưng bỏ qua hết những rủi ro, rõ ràng vẫn phải biết ơn cuộc sống này, khi đã cho tôi được trưởng thành hơn, được cứng cỏi, vững vàng, từ một người vợ hầu như phụ thuộc kinh tế vào chồng thành một người đã cùng chồng chèo chống qua được phần nào những tháng ngày thử thách…