Mẹ&Con – Tính được ngày dự sinh tương đối chính xác, bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho con và cho chính bản thân mình trong ngày vượt cạn

Cách tính ngày dự sinh – Thông thường, để xác định ngày dự sinh, các bác sĩ sẽ dựa vào việc siêu âm đoán tuổi thai, đo chiều cao tử cung, thời điểm thai cử động và tim thai, v.v.. Nhưng thật ra, chính bản thân các bà bầu trong giai đoạn chín tháng thai kỳ cũng có thể tự tính được ngày sinh của mình bằng một vài cách đơn giản.

Cách tính ngày dự sinh – Bạn sẽ sinh vào ngày nào? 

Việc tính toán này không khó lắm nếu như bạn đã có sự theo dõi chặt chẽ chu kỳ của mình từ trước lúc thụ thai. Quy tắc này được gọi là quy tắc 9 tháng 10 ngày, tức bạn sẽ lấy tháng của kỳ kinh cuối đếm đến tháng thứ 9, rồi cộng thêm 10 vào ngày của kỳ kinh. Ví dụ, ngày đầu kỳ kinh cuối của bạn là ngày 1/1/2010 thì ngày dự sinh sẽ là ngày 11/10/2010.

Cách tính này cũng có nơi thực hiện bằng phương pháp đếm tuần thai. Một chu kỳ mang thai của phụ nữ bình thường là 280 ngày, tức 40 tuần. Bạn có thể lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối xem nó là thứ mấy (ví dụ thứ hai), sau đó đếm đủ 40 tuần, như thế sẽ có được ngày dự sinh.

Một số công thức tính ngày dự sinh khác có thể được áp dụng (có khác biệt kết quả chút ít), ví dụ như công thức đếm ngược lại 3 tháng từ ngày đầu của kỳ kinh cuối, sau đó lấy ngày của kỳ kinh cộng thêm 7. Ví dụ: kỳ kinh cuối của bạn bắt đầu vào ngày 11/4/2010, thì bạn sẽ sinh vào tháng 1 (4-3=1) năm 2011, vào khoảng ngày 18 (11+7=18).

Cũng cần nói thêm để bạn yên tâm, bác sĩ sẽ thực hiện một số việc kiểm tra, có thể giúp bạn xác định được ngày dự sinh chính xác hơn.

Ví dụ như bác sĩ sẽ ghi lại kích cỡ tử cung của bạn khi bạn thực hiện việc khám thai ban đầu. Kích cỡ này sẽ tương ứng trong từng giai đoạn thai nghén, giúp bác sĩ “đoán” ra bạn đã có thai bao lâu, ngày dự sinh có thể là ngày nào.

Bên cạnh đó, còn có một số biện pháp phối hợp khác như việc bắt đầu nghe thấy nhịp tim thai (khoảng từ 10 đến 12 tuần bằng thiết bị nghe Doppler), khi bạn bắt đầu thấy bé máy (khoảng 20 đến 22 tuần), chiều cao của đáy tử cung (đỉnh tử cung) trong mỗi lần đi khám thai.

Tuy nhiên, bạn cần biết rằng việc tính toán theo công thức này chỉ mang tính tương đối, tức sẽ có những xê xích ít nhiều. Nhiều người không nhớ được ngày đầu tiên kỳ kinh cuối của mình là ngày nào.

Nhiều người khác lại sinh sớm hơn hoặc muộn hơn một chút. Việc này là bình thường vì một thai kỳ không nhất thiết phải là 40 tuần mà có thể dao động từ khoảng 38-42 tuần, không có gì quá nghiêm trọng cả.

Nhiều khảo sát trên thế giới cho thấy chỉ có 1/20 đứa trẻ sinh đúng vào ngày dự sinh. Điều này nghĩa là việc chuẩn bị của bạn cho việc sinh nở nên được bắt đầu từ sớm và luôn trong tư thế sẵn sàng, để nếu việc chuyển dạ xảy ra thì bạn cũng không hốt hoảng, bất ngờ và sẽ có thể trải qua một cuộc vượt cạn bình yên nhất.

cách tính ngày dự sinh

(Ảnh minh họa)

Chuẩn bị cho ngày trọng đại

Như đã nói, khi đã bước qua tuần thứ 38, bạn nên luôn trong tư thế sẵn sàng, lắng nghe từng dấu hiệu thay đổi của cơ thể. Vào khoảng thời gian này, bạn sẽ có thể thấy xuất hiện những cơn co thắt nhẹ, cổ tử cung sẽ mỏng và ngắn lại, sau đó bắt đầu dãn nở.

Bạn nên xin nghỉ sinh (nếu có đi làm) từ cách đó 1 – 2 tuần. Nhiều thai phụ ỷ y vào sức khỏe của mình và cũng muốn cố gắng chu toàn công việc bận rộn nên nỗ lực đợi đến sát ngày dự sinh mới xin nghỉ.

Điều này sẽ ổn nếu như bé chào đời đúng ngày đúng tháng, nhưng trong trường hợp bạn sinh sớm hơn một chút thì đúng là sẽ gây nên một sự hốt hoảng không đáng có cho cả bạn lẫn gia đình khi một ngày đẹp trời nào đó, bạn vẫn bì bạch đi làm và đến cơ quan thì đột nhiên… chuyển dạ.

Bạn cũng cần lưu ý và biết rõ những dấu hiệu báo động đến giây phút lâm bồn. Trong giai đoạn này, nếu chỉ cần có cảm giác sa bụng, không thấy rốn nữa (rốn không còn lồi ra) thì có thể bạn đã sắp đến ngày chuyển dạ.

Một số dấu hiệu khác sẽ xuất hiện cận sát ngày sinh hoặc trong ngày sinh như bạn tiểu nhiều lần, vùng lưng dưới có cảm giác đau, dây chằng ở xương chậu và tử cung căng ra.

Thật ra, nếu như lần đầu tiên bạn thấy những dấu hiệu có vẻ như chuyển dạ và bé là con so thì bạn đừng quá hốt hoảng. Vì thường đây sẽ là cơn chuyển dạ giả, và chỉ khi những cơn chuyển dạ giả này ngày một dồn dập thì cơn đau bụng sinh thật sự mới đến.

Cùng với những dấu hiệu hơi khó nhận biết này, có một vài dấu hiệu rõ rệt hơn như bạn sẽ ra dịch âm đạo có màu trắng đục giống như lòng trắng trứng gà hoặc có chất nhầy màu hồng.

Thông thường, khi việc tiết dịch âm đạo bắt đầu thì bạn cũng nên vào nhập viện sớm để bác sĩ tiện theo dõi và ở tư thế sẵn sàng cho việc giúp bé chào đời.

Dấu hiệu quan trọng nhất của việc lâm bồn là vỡ ối. Nếu vỡ ối, cuộc vượt cạn của bạn xem như đã chính thức bắt đầu. Trong một vài trường hợp đặc biệt, thai phụ bị vỡ ối sớm. Lúc này, bác sĩ cũng sẽ có những biện pháp chăm sóc kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé.

Đừng quá lo lắng, vì sau những thời khắc quyết định này, giai đoạn chín tháng thai kỳ của bạn sẽ kết thúc, thay vào đó là niềm hạnh phúc được đón bé chào đời.

> 9 nguyên nhân sảy thai không phải mẹ bầu nào cũng biết

Tags:

Bài viết liên quan