Mẹ&Con – Chín tháng thai kỳ với biết bao mệt nhọc, khó khăn rồi cũng sắp qua. Bạn sắp đi đến đích của cuộc “hành trình” ấy bằng một cuộc “vượt cạn”. Vậy bạn đã sẵn sàng chưa?

Làm thử bài trắc nghiệm nhỏ này xem bạn đã chuẩn bị đến đâu và hiểu biết như thế nào về cơ thể mình trong chặng đường cuối nhé.

1. Bạn có cần kiêng cữ hoàn toàn chuyện gần gũi vợ chồng trong giai đoạn cuối?

a. Nên kiêng.

b. Không cần thiết phải kiêng.

c. Kiêng trong một số trường hợp nhất định, còn lại có thể gần gũi nhưng với tư thế phù hợp và động tác thật nhẹ nhàng.

Đáp án đúng: Câu c

Thai phụ ở 3 tháng cuối vẫn có thể gần gũi vợ chồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu nên tránh, ví dụ như đang bị ra máu, ra nước (nghi do tổn thương màng ối), nhiễm khuẩn âm đạo, đau bụng do có cơn co.

Nếu gần gũi vợ chồng, bạn cũng cần chọn tư thế phù hợp (có thể nằm nghiêng chẳng hạn), tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng. Nhớ là không được quá mạnh bạo, kích thích quá mức, cũng như cần tránh hẳn việc kích thích khu vực hai đầu ngực vì những động tác này có thể dẫn đến những cơn co thắt dễ gây sinh non. Trong vài tuần lễ gần đến ngày dự sinh, vợ chồng bạn nên ngưng hẳn việc gần gũi để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến “vượt cạn”.

 2. Những tháng cuối của thai kỳ, nếu thấy tăng cân nhanh từ 2kg mỗi tuần trở lên thì bạn nên…

a. Vui mừng vì như thế là em bé phát triển tốt, tăng cân nhanh, con sinh ra sẽ khỏe mạnh.

b. Cẩn trọng tìm gặp bác sĩ ngay, đặc biệt là trong trường hợp mắt sưng húp nhiều.

Đáp án đúng: Câu b

Việc tăng cân và sưng mí mắt, mặt trở nên múp míp trong những tháng cuối thai kỳ không có gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy mắt mình sưng húp nhiều đến mức khó khăn khi mở mắt và độ tăng cân lên đến 2kg mỗi tuần thì chắc chắn phải gặp bác sĩ vì như vậy là bạn có dấu hiệu giữ nước quá nhiều, bị phù. Tình trạng này cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là nếu có kèm theo cao huyết áp, để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.

3. Khoảng 2 – 3 tháng cuối thai kỳ, tóc bạn đột nhiên có vẻ dày lên, đồng thời lông mọc nhiều trên cơ thể, nhất là ở tay chân. Đây là hiện tượng…

a. Bình thường

b. Không bình thường

Đáp án đúng:  Câu a

Về cuối thai kỳ, tóc sẽ ít rụng, đột nhiên có vẻ dày hơn. Ở một số người, nhất là những người vốn có nhiều lông trên cơ thể, lông sẽ càng mọc nhiều hơn, rõ rệt nhất là ở mặt và các chi. Hiện tượng này là bình thường và sẽ nhanh chóng mất đi sau khi sinh. Bé chào đời xong, bạn sẽ thấy hiện tượng ngược lại, rụng tóc sau sinh rất nhiều trong khoảng 6 – 12 tuần. Bạn nên cắt sẵn tóc ngắn từ trước lúc sinh để có thể giữ vệ sinh dễ dàng và ít “choáng váng” với tình trạng rụng tóc (tóc dài, yếu sẽ càng dễ rụng). Vài tháng sau đó, mọi thứ sẽ trở lại bình thường như trước khi bạn mang thai.

Bạn đã sẵn sàng “vượt cạn”

(Ảnh minh họa)

4. Những biểu hiện nào sau đây là không bình thường trong những tháng cuối thai kỳ và bạn cần quan tâm…

a. Đi tiểu rất nhiều lần.

b. Thở gấp, hơi thở ngắn.

c. Xuất hiện một vài cơn co thoáng qua.

d. Không có dấu hiệu nào trên đây bất thường.

Đáp án đúng Câu d

Bạn sẽ phải đối mặt với tất cả những triệu chứng có vẻ “nghiêm trọng” đó, song kỳ thực tất cả đều bình thường và là sự chuẩn bị cho em bé chào đời. Lúc này, tử cung đã rất to, đè vào nhiều cơ quan như bàng quan, thận, dạ dày, ruột, cơ hoành, các mạch máu lớn trong ổ bụng, khiến bạn cảm thấy thoáng qua các triệu chứng khó thở, hơi thở gấp, ngắn, đi tiểu nhiều lần, đôi khi thoáng qua cả những cơn co. Bạn chỉ cần bình tĩnh theo dõi tất cả các dấu hiệu đó. Nếu muốn yên tâm hơn thì nên có số điện thoại liên lạc của một bác sĩ đáng tin cậy để có thể tư vấn cho bạn thường xuyên mỗi ngày. Đừng quá lo lắng, bạn chỉ cần nghỉ ngơi nhiều hơn, giảm tối đa áp lực công việc và cẩn thận với từng di chuyển, bước đi của mình là được.

5. Dấu hiệu nào sau đây xuất hiện vào giai đoạn cuối thai kỳ là không bình thường, đáng ngại…

a. Đột nhiên trở nên hơi vàng da.

b. Buồn nôn và nôn.

c. Mất khẩu vị.

d. Ngứa rất nhiều.

Đáp án đúng Câu d

Trong giai đoạn những tháng cuối thai kỳ, chức năng gan có biến đổi theo nên có thể bạn sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như buồn nôn, nôn, mất khẩu vị, vàng da, v.v.. Nếu những dấu hiệu này chỉ ở mức độ vừa phải thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nếu bạn xuất hiện hiện tượng ngứa rất nhiều đến mức bứt rứt, khổ sở, khó chịu thì nên báo ngay cho bác sĩ biết để kiểm tra chức năng gan. Song, nói vậy chứ bạn cũng không nên lo lắng quá vì bác sĩ sẽ có những biện pháp (dùng thuốc an toàn) để giúp bạn mà không gây ảnh hưởng gì đến thai nhi.

6. Những vết rạn, vết dãn da xuất hiện ở những tháng cuối thai kỳ sẽ…

a. Biến mất sau khi sinh nên không có gì đáng lo.

b. Thường sẽ nhạt đi nhưng không thể biến mất, vì vậy bạn nên chăm sóc tốt da bằng một số loại kem an toàn, phù hợp.

Đáp án đúng:  Câu b

Rất tiếc nhưng chuyện này là thật. Bạn sẽ thấy xuất hiện trên da vào những tháng cuối thai kỳ một số vết rạn màu đỏ tía, nhất là vùng bụng, ngực, cánh tay, mông và đùi. Nguyên nhân một phần vì bạn tăng cân, một phần khác là da bị căng dãn trong khi độ đàn hồi lại bị yếu đi dưới tác động của các hocmon. Các vết rạn này nên được chăm sóc cẩn thận từ lúc này thay vì chờ đến sau khi sinh mới mong cứu vãn tình hình. Đa phần, chúng không thể biến mất hoàn toàn, nhưng chúng sẽ nhạt màu đi. Bạn cũng cần lưu tâm là bất cứ loại mỹ phẩm nào dùng trong giai đoạn chín tháng thai kỳ đều cần hỏi qua bác sĩ và được sự cho phép của bác sĩ mới sử dụng nhé.

Tags:

Bài viết liên quan