Chọn một người đàn ông, đừng tin vào những gì họ nói mà hãy nhìn những thứ mà họ làm. Lời nói có thể thốt ra miệng bất cứ lúc nào còn hành động chỉ thực sự được thực hành khi tâm người đủ quyết, tim người đủ yêu.
Tôi là một cô gái có nhan sắc. Cách đây mười năm về trước, biết bao anh trồng cây si nhưng tôi lại đem lòng yêu Tuân – chàng trai nghèo mồ côi chỉ làm công ăn lương ở khu công nghiệp với mức lương trung bình. Sự lựa chọn lúc bấy giờ của tôi làm mẹ khóc ròng, ba thẳng tay đánh con gái cưng không thương tiếc.
Gia đình giới thiệu (hay đúng hơn là ép buộc ) Nam – một phi công trẻ đẹp trai, tài giỏi và cũng là con của giám đốc ngân hàng tỉnh cho tôi. Hai bên gia đình đều mong chúng tôi sớm kết hôn, sinh con nhưng ngược lại, tôi không hề thích Nam dù ở người đàn ông ấy hội tủ gần như đầy đủ những tiêu chuẩn cần thiết của một người chồng.
Tuân của tôi cục mịch, không biết nói những lời ngọt ngào mà thường thể hiện bằng hành động. Ví dụ như khi tôi buồn, nói rằng muốn đi mua sắm… Dù chưa tới ngày lãnh lương anh cũng chạy khắp nơi vay tiền người này, mượn tiền người kia chiều theo ý người yêu.
Đừng tin những gì đàn ông nói, hãy nhìn những thứ đàn ông làm – Ảnh minh họa
Nam thì không vậy. Dù giá trị những món đồ mà anh ta tặng tôi gấp hàng chục lần so với Tuân nhưng khi tôi “gợi ý” (mà thực chất chỉ để thử lòng), Nam thường mất rất lâu thời gian mới đua ra quyết định. Câu cửa miệng của người đàn ông lắm tiền nhiều của này thường là: “Đợi đến cuối tháng đi em, ở cửa hàng X chỉ cuối tháng mới được giảm giá 20% lận”.
Tuân là người nhà quê, anh chỉ có thể đem biếu bố mẹ tôi những món quà quê đơn giản. Nam hay đi công tác nước ngoài nên anh thường mua biếu bố mẹ tôi những món quà cao cấp, nhiều thứ trị giá cả ngàn đô. Có lần, bạn tôi đi du học mới về ghé nhà chơi. Mẹ tôi vừa mang đống mỹ phẩm đắt tiền “con rể tương lai” tặng ra khoe, con bé đã cười típ mắt: “Bác ơi, mấy thứ này bên đó chỉ vài chục đô thôi. Liệu anh Nam bị “chặt chém” hay cố ý nâng giá lên mấy trăm đô lấy lòng “mẹ vợ tương lai” không biết?” Tôi, mẹ và bạn tôi không ai bàn tán thêm chuyện tiền bạc gì sau đó nhưng hơn ai hết, chúng tôi đều ngầm hiểu có những không hề thành thực ở con người này.
Nam có trí tưởng tượng tuyệt vời. Anh ta có thể vẽ ra viễn cảnh cuộc sống sau kết hôn của chúng tôi toàn màu hồng: Ngôi biệt thự 500 mét vuông, thảm cỏ xanh mướt trải dài từ nhà ra ngõ, kẻ hầu người hạ túc trực 24/24… Thế nhưng anh lại quên mất rằng mình chưa bao giờ tưới cây, không bao giờ bỏ ra một đồng tiền lẻ mua vé số giúp người nghèo chứ đừng nói tới những việc xa xôi, mơ hồ như tưởng tượng.
Đỉnh điểm là hôm bà nội tôi bị ngã cầu thang. Tôi vẫn nhớ rất rõ buổi chiều hôm ấy Tuân có cuộc họp vô cùng quan trọng, nó có thể quyết định giúp anh nâng mức lương của mình lên gấp 3 lần nhưng cũng có thể, mức lương hàng tháng của anh chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi. Còn Nam, chỉ là anh chưa hết giờ làm việc nên vẫn ở văn phòng công ty. Vậy mà sau hàng tá cuộc gọi dồn dập của tôi, cuối cùng Tuân vẫn là người chạy tới nhà đưa bà đi bệnh viện.
Ở hiền, gặp lành. May mắn thay sếp anh lại là người quen của bà nội tôi nên hiểu rõ ngọn nghành câu chuyện, ông không chút suy nghĩ mà quyết định vẫn giữ nguyên đề xuất tăng mức lương gấp 3 lần cho Tuân. Khỏi phải nói chúng tôi mừng rỡ thế nào, vượt qua mọi rào cản cuối cùng tôi và anh cũng chính thức trở thành vợ chồng trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Sống với nhau hơn chục năm trời, chồng vẫn giữ nguyên tính ít nói của mình nhưng hơn ai hết, là vợ nên tôi hiểu những điều thầm lặng chồng đã làm cho mình, cho con. Vậy đấy bạn ạ! Chọn một người đàn ông, đừng tin vào những gì họ nói mà hãy nhìn những thứ mà họ làm. Lời nói có thể thốt ra miệng bất cứ lúc nào còn hành động chỉ thực sự được thực hành khi tâm người đủ quyết, tim người đủ yêu.