Mẹ và Con - Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai dễ bị viêm nướu hơn người bình thường? Vì sao lại thế? Viêm nướu (viêm lợi) khi mang thai có nguy hiểm hay không?

Nếu bị viêm nướu khi mang thai, bạn có thể bị chảy máu chân răng, sưng nướu răng, đau nướu,… Làm sao để có thể khắc phục tình trạng này bạn nhỉ?

Nguyên nhân gây viêm nướu khi mang thai

Các yếu tố sau đây có thể gây ra tình trạng viêm nướu khi mang thai:

  • Ít chăm sóc răng miệng: Mang thai có thể dẫn đến mệt mỏi kiệt sức và nhiều phụ nữ có thể bỏ qua việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa vào ban đêm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tích tụ mảng bám và vi khuẩn, gây ra các vấn đề về sức khỏe răng miệng, trong đó có tình trạng viêm nướu khi mang thai. 
  • Thay đổi nội tiết tố: Giảm chuyển hóa estrogen hoặc estrogen có thể dẫn đến những thay đổi về sức khỏe nướu khi mang thai.
  • Hút thuốc: Hút thuốc khi mang thai có thể dẫn đến các bệnh nha chu, trong đó có viêm nướu.
  • Bệnh tiểu đường: Nguy cơ mắc bệnh nha chu ở những người mắc bệnh tiểu đường cao gấp 3 đến 5 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể dễ bị tiểu đường hơn. Và khi bị tiểu đường, bạn sẽ có nguy cơ bị viêm nướu khi mang thai cao hơn.
  • Chế độ ăn uống: Cảm giác thèm ăn khi mang thai có thể khiến bạn ăn vặt nhiều hơn, đặc biệt là các loại thức ăn ngọt và nhiều đường. Tuy nhiên, những loại thực phẩm này có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng và có thể dẫn đến viêm nướu và các vấn đề khác như sâu răng/

Dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng viêm nướu khi mang thai

Tình trạng viêm nướu khi mang thai có thể dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Nướu răng đỏ hoặc sưng
  • Có cảm giác đau nướu
  • Chảy máu nướu răng
  • Răng nhạy cảm, dễ ê buốt
  • Khó nhai

triệu chứng của tình trạng viêm nướu khi mang thai

Cần làm gì khi bị viêm nướu trong thai kỳ?

Một số thói quen chăm sóc răng miệng tại nhà có thể giúp kiểm soát tốt tình trạng viêm nướu khi mang thai. Bạn có thể áp dụng các giải pháp bao gồm:

Chăm sóc răng miệng

Đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách có thể đẩy lùi tình trạng viêm nướu khi mang thai:

  • Đánh răng bằng bàn chải lông mềm hoặc bàn chải điện có thể giúp loại bỏ mảng bám một cách nhẹ nhàng. Bạn có thể kết hợp với việc đánh răng bằng kem đánh răng có chất florua cũng có thể giúp ngăn ngừa sâu răng.
  • Ngoài ra, nên dùng chỉ nha khoa để giúp loại bỏ mảng bám và vi khuẩn.

Sử dụng nước súc miệng không chứa cồn cũng có thể giúp giảm lượng vi khuẩn trong khoang miệng. Hoặc bạn cũng có thể súc miệng bằng dung dịch muối biển và nước theo tỷ lệ 1:1 để giúp giảm viêm nướu và chữa lành nướu.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin

Ăn thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, rau bina, khoai lang, xoài, quả mơ, phô mai, trứng, sữa, sữa chua,… có thể  giúp bạn cải thiện sức khỏe răng miệng, đẩy lùi tình trạng viêm nướu khi mang thai. Vitamin A giúp bạn chống lại các bệnh về nướu. Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ chính là phải theo dõi lượng vitamin A hấp thụ vì dùng quá liều vitamin A có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển.

Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C như chanh, ớt, cam, bưởi, dâu tây, bông cải xanh và cải bruxen vì những loại thực phẩm này cũng giúp kiểm soát sự tích tụ vi khuẩn và kiểm soát tình trạng viêm nướu khi mang thai của bạn vô cùng hiệu quả.

thực phẩm giàu vitamin C

Biến chứng viêm nướu khi mang thai

Viêm nướu không được điều trị có thể dẫn đến viêm nha chu, nhiễm trùng xương và dẫn đến rụng răng. Ngoài ra, viêm nướu cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả thai kỳ, bao gồm trẻ sinh non và nhẹ cân. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chính xác vì sao viêm nha chu lại dẫn đến những biến chứng này.

Khi nào cần phải gặp nha sĩ?

Bạn phải liên hệ với nha sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng sau.

  • Răng đau nghiêm trọng không thuyên giảm
  • Nướu sưng đau
  • Hôi miệng dai dẳng
  • Răng lung lay
  • Tê miệng

Khi đến gặp nha sĩ, đừng quên thông báo về tình trạng mang thai của bạn để nha sĩ có cách chăm sóc phù hợp nhất.

Điều trị viêm nướu khi mang thai

Nếu chăm sóc tại nhà không đủ và không giúp chữa khỏi viêm nướu, bạn có thể đến gặp nha sĩ. Lúc này, tùy theo tình trạng viêm nướu của bạn mà bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp như:

  • Lấy cao răng: Lấy cao răng giúp làm sạch sâu, loại bỏ mảng bám trên răng. Tuy đây là một phương pháp chăm sóc nha khoa an toàn ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ nhưng thường phương pháp này sẽ an toàn nhất trong tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên, nha sĩ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ sản phụ khoa nếu việc lấy cao răng là cần thiết.
  • Sử dụng thuốc: Đối với những trường hợp viêm nướu khi mang thai nặng, nha sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc kháng sinh an toàn. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể làm tê vùng nướu đang bị viêm, giúp ngăn ngừa cơn đau. Những loại thuốc này thường an toàn trong thai kỳ.

viêm nướu khi mang thai

Phòng ngừa viêm lợi khi mang thai

Các biện pháp sau đây có thể giúp ngăn ngừa viêm nướu trong thai kỳ:

  • Tránh đồ uống quá nhiều đường như nước trái cây và trà có đường.
  • Tránh tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt .
  • Ăn nhẹ những thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau, trái cây, sữa chua, quả hạch hoặc các loại hạt để chống đói vào ban đêm hoặc đói giữa các bữa ăn.
  • Không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn.
  • Tránh hút thuốc.
  • Súc miệng hay đánh răng ngay sau khi ăn.
  • Khám nha khoa định kỳ mỗi năm, kể cả lúc chưa mang thai. 
  • Đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày. Sử dụng bàn chải có lông mềm, chất liệu tốt. Có thể sử dụng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng. 
  • Thường xuyên thay mới bàn chải.
  • Không đánh răng ngay sau khi bị nôn để tránh axit dạ dày bám vào bàn chải và ăn mòn men răng trong các lần đánh răng tiếp theo. Tốt nhất nên đợi ít nhất 30 phút.
  • Ăn các loại thực phẩm giàu dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng.

Phòng ngừa viêm lợi khi mang thai

Viêm nướu khi mang thai khiến nướu răng sưng đau, chảy máu khiến bạn vô cùng khó chịu. Hãy thử thay đổi cách chăm sóc răng miệng để khắc phục tình trạng này bạn nhé!

Bài viết liên quan