Tham gia các lớp học tiền sản
Tham gia lớp học tiền sản mang lại cho mẹ bầu nhiều lợi ích (Ảnh minh họa)
Việc tham gia vào các lớp học tiền sản sẽ giúp mẹ chuẩn bị được tâm lý, tinh thần cũng như sức khỏe khi bước vào quá trình lâm bồn sắp tới. Hơn nữa, đến lớp học còn giúp mẹ có cơ hội trò chuyện, trao đổi những vấn đề về sinh nở, chăm sóc con cùng các ông bố, bà mẹ khác. Đây có thể coi là nguồn kinh nghiệm thực tế nhất, không phải ai cũng biết được.
Lên kế hoạch sinh con
Xây dựng kế hoạch sinh con nghĩa là mẹ cần phải tìm hiểu và lựa chọn một số việc trước khi sinh con. Chẳng hạn như tìm hiểu và lựa chọn bệnh viện, phương tiện di chuyển an toàn, nhanh chóng hoặc chế độ dinh dưỡng sau khi sinh. Các mẹ có thể chia sẻ những dự định, kế hoạch này của mình cùng với anh xã và gia đình để đưa ra quyết định hợp lý và đúng đắn nhất.
Chuẩn bị đồ sẵn trước khi sinh
Một túi đồ đựng các vật dụng cần thiết của mẹ, bé và người chăm sóc sẽ giúp bạn đỡ bối rối hơn khi rơi vào trường hợp sinh sớm hơn dự kiến. Đồ dùng trước khi sinh có khá nhiều nên bạn cần chuẩn bị dần ngay từ lúc mới bắt đầu mang thai cho đến gần ngày sinh. Việc làm này giúp bạn không bỏ sót vật dụng cần thiết nào và có thể yên tâm hơn khi vượt cạn.
Chuẩn bị phòng ngủ
Chuẩn bị phòng ngủ cho cả mẹ và bé trước khi sinh cũng rất quan trọng (Ảnh minh họa)
Sinh con vào mùa hè, việc chuẩn bị phòng ngủ cho cả mẹ và bé cũng rất quan trọng. Trước khi sinh, mẹ hãy dọn dẹp cho phòng ngủ sạch sẽ, gọn gàng, trang trí đơn giản và có đèn đầy đủ. Nếu có thể, mẹ hãy để ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào phòng tạo không gian thoáng đãng, tránh sự bí bách cho mẹ và bé. Tuy nhiên, phòng ngủ của sản phụ và em bé mới sinh không được để gió vào. Ngoài ra, phòng ngủ còn phải lựa chọn chỗ yên tĩnh, tránh tiếng ồn để bé có thể ngủ đủ giấc và sản phụ không cảm thấy mệt mỏi thêm.
Ăn no trước khi sinh
Tâm lý chung của nhiều bà mẹ trước khi sinh là luôn cảm thấy căng thẳng và sợ sệt chẳng còn tâm trạng ăn uống nữa. Tuy nhiên, điều này lại không giúp ích được gì cho mẹ mà chỉ tạo thêm nhiều áp lực và mệt mỏi. Vì thế, trước khi sinh mẹ cần phải ăn đầy đủ các thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất, tránh để bụng đói sẽ dẫn đến kiệt sức, do việc sinh nở tiêu hao rất nhiều năng lượng.
Vệ sinh cơ thể trong những ngày hè
Tiết trời nóng oi ả của những ngày hè tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, mẹ cần phải chú ý vệ sinh sạch sẽ cơ thể sau khi sinh vài ngày. Nhiều nơi thường có quan niệm, sản phụ không được gội đầu hay tắm rửa khi chưa đầy tháng. Điều này không những phản khoa học mà còn gây mất vệ sinh. Bởi, trong thời gian “nằm ổ” cộng thêm tiết trời hè nóng mẹ sẽ ra rất nhiều mồ hôi và thường xuyên đi tiểu, nếu không được vệ sinh sẽ gây ngứa ngáy, tạo mùi cơ thể khó chịu.
Trong những ngày này, mẹ còn phải đặc biệt quan tâm đến “vùng kín” để tránh bị viêm nhiễm. Mỗi ngày, mẹ nên làm sạch âm đạo bằng nước ấm khoảng 3 lần. Sau 6-8 tuần khi màng tử cung và âm đạo hồi phục.
Không cần “quấn” con quá kỹ
Nhiều mẹ thường nghĩ rằng, khi bé còn ở trong bụng thường được sưởi ấm ở nhiệt độ 37,5 – 38 độ C. Vì vậy, khi bé mới chào đời các mẹ thường “quấn” con kín mít. Việc làm này hoàn toàn sai lầm. Mùa hè nóng bức, bé đổ mồ hôi nhiều và khi không thoát ra ngoài được sẽ bị ngấm lại vào cơ thể dẫn đến cảm lạnh. Thêm vào đó, mặc nhiều quần áo còn làm bé khó khăn trong việc cử động về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Sinh bé vào mùa hè, mẹ chỉ cần mặc một lớp quần áo, đội mũ và đeo thêm bao tay, chân cho bé là được. Khi sử dụng điều hòa thì nhiệt độ tốt nhất trong phòng nên để khoảng 26 – 28 độ C.