Mẹ&Con – Hăm bảy tuổi, tôi lấy chồng. Tình yêu thương vô bờ bến của tôi dành cho anh – người đàn ông đã xấp xỉ tuổi 40 khiến tôi không hề đắn đo với chuyện anh đã từng có một đời vợ và một đứa con riêng.

Nhưng lấy nhau rồi, về sống chung, tôi mới biết làm mẹ kế là một thử thách không diễn tả bằng lời nổi!  

Tôi như “chiến đấu” giữa nhà chồng!

Thời điểm tôi kết hôn với anh, bé Chúc – con anh chỉ mới tròn 4 tuổi. Ý nghĩ chủ quan của một cô gái trẻ chưa từng va vấp, yêu anh là người đầu tiên trong đời khiến tôi cứ tự tin: Trẻ con mà, mình yêu nó thì nó yêu mình thôi. Mình sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì anh, thì giọt máu của anh, mình cũng sẽ yêu thương được!

Tôi bỏ ngoài tai tất cả sự cấm cản của gia đình. Thậm chí tôi còn phùng mang trợn mắt đấu lý với chính bố mẹ ruột của mình, quả quyết rằng đây là cuộc đời của con, do con chọn lựa. Con biết cái gì là hạnh phúc cho con! Tôi trách bố mẹ không hiểu mình, ngăn cấm mình. Sự ngăn cấm ấy càng khiến con bé bướng bỉnh là tôi lao vào “bụi rậm” sớm hơn.

Rốt cuộc thì tôi cũng đến được với anh, người đàn ông tôi yêu điên cuồng bằng cả trái tim. Ngày về với anh, tôi rạng rỡ mở rộng vòng tay, ôm bé Chúc vào lòng mỉm cười: “Chúng ta là một gia đình. Mẹ thương Chúc lắm!”. Đáp lại tôi, như một gáo nước lạnh, con bé… cắn cho tôi một phát rồi inh ỏi: “Bà nội ơi, dì ghẻ làm Chúc đau!!!”. Tôi chết sững cả người. Mẹ chồng từ đâu như đã “canh chừng”, lao ngay vào phòng, ẵm con bé đi ra, ném cho tôi cái nhìn không thiện cảm.

Mãi về sau tôi mới biết, chồng tôi hục hặc với vợ trước rồi chia tay vì tính đào hoa bay bướm của anh. Nhưng gia đình chồng anh thì vẫn xem trọng cô vợ “danh chính ngôn thuận” được mẹ anh chấm chọn từ xưa. Chị lại có lợi thế về kinh tế, giúp đỡ gia đình chồng tôi khá nhiều nên chẳng trách họ vẫn quý con dâu cũ. Trong khi đó, tôi lại chỉ là một cô gái xuất thân trong gia đình bình thường, về với nhà chồng bằng hai bàn tay trắng, lương ba cọc ba đồng chẳng đủ tiêu dùng.

Mẹ anh vẫn bảo hàng xóm, rằng tôi chỉ là một trong số những đứa “rù quến” anh, để anh bỏ vợ bỏ con. Trong thâm tâm, bà vẫn luôn nghĩ đến ngày vợ chồng anh đoàn tụ. Việc anh quả quyết yêu tôi, đến với tôi (dù là sau khi đã ly hôn vợ) vẫn chỉ được xem như một trong những chọn lựa “nông nổi” của anh.

Có lẽ bé Chúc đã được “nhồi nhét” khá nhiều những tư tưởng ấy vào đầu, dù con bé chỉ mới 4 tuổi vào thời điểm đó. Bà nội, các cô các chú, đến cả mẹ ruột của bé cũng thường xuyên đặt ra những câu hỏi: “Dì ghẻ có làm gì con không? Có đánh con hay dọa gì con không? Con có bị đau thì nhớ nói cho mọi người biết ngay nhé…!”. Con bé gọi tôi bằng “dì ghẻ” ngay từ ngày đầu tiên tôi về chung sống. Nó không hề muốn tôi lại gần. Nó cảnh giác nhìn những món đồ chơi tôi mua cho và không hề thích tôi động vào nó, dù chỉ là chải tóc hay thắt cho một cái nơ.

Mỗi tuần, bà nội bé Chúc vẫn sắp xếp để vợ trước của chồng tôi đến chơi nhà, thăm con. Những bữa cơm gia đình như thế thật gượng gạo. Tôi không hề có ý kèn cựa hơn thua. Tôi rất muốn được yêu thương bé Chúc, sống tốt với gia đình chồng, làm một người vợ hiền của chồng và dành trọn vẹn những chăm sóc cho anh ấy. Nhưng tôi cũng là người mà. Lại là phụ nữ! Có người phụ nữ nào không nổi điên trong lòng khi thấy một người phụ nữ khác ung dung trong bếp nhà mình, được mẹ chồng mình ngọt ngào gọi mẹ xưng con, trong khi họ lại đối xử với tôi lạnh nhạt?

Có lần, tôi nhỏ nhẹ nói với mẹ chồng những suy nghĩ chân thành của mình. Không ngờ, bà nổi giận ngay. Bà bảo: “Cô còn bày đặt ghen ngược nữa hả? Tôi chỉ có một đứa con dâu thôi. Còn thằng con trai tôi nó lăng nhăng với người này, người kia thì nó tự rước về, tôi chịu nhịn để cô sống cùng đã là may. Mẹ con người ta đến thăm nhau có gì mà không phải? Mẹ bé Chúc có làm gì cô không? Lúc nào nó cũng lịch sự, nhẹ nhàng, cũng quan tâm đến mọi người. Vậy mà cô còn dạy tôi cách đối xử với nó như thế nào à?”

Lam me ke

(Ảnh minh hoạ)

Con chồng quay ngược lại… gây sự với tôi!

Đáp lại lời mẹ chồng, tôi chỉ còn biết nín lặng.

Tôi trở thành chiếc bóng lặng lẽ trong ngôi nhà đó. Khoảng cách của tôi với bé Chúc xa dần. Có những bữa cơm, tôi nghe bà cháu, bố con tíu tít với nhau: “Bà ơi gắp cho cháu món kia!”, “Bố chan canh cho con với…” mà cảm thấy như mình là kẻ bị bỏ “ra rìa”, hoàn toàn xa lạ trong những vui đùa âu yếm của gia đình ấy.

Chồng tôi bận rộn nhiều. Anh đi suốt, đến khi về nhà thì dành thời gian cho gia đình, cho con gái. Đôi lúc tôi “đòi hỏi” anh dành thời gian cho mình, tôi cáu kỉnh muốn anh hiểu cảm giác stress đang đè nặng trong lòng thì anh lại cho rằng tôi là người lớn mà sao chẳng biết bao dung, chẳng biết rộng lòng thương con trẻ.

Ba năm trôi qua.

Những xích mích nho nhỏ cứ tăng dần, tăng dần như giọt nước tràn ly. Tôi có thai, rồi sảy hai lần vì tâm lý bất an, những bực bội dồn nén trong người. Rồi thì chồng tôi ngựa quen đường cũ, anh lại tiếp tục loáng thoáng chuyện lăng nhăng với cô gái nào khác ở bên ngoài.

Tôi khóc lóc, vật vã thì mẹ chồng tôi lại cứ dửng dưng làm ra vẻ như “đáng đời”, như thể tôi đã “giật chồng” người ta thì giờ bị lại thế là… phải lắm! Không có ai đứng về phía mình, tôi muốn hóa điên. Bé Chúc thì càng lớn càng trở nên kỳ quái trong cách cư xử với tôi. Một đôi lần, tôi nghe mẹ bé mát mẻ dặn dò (cố tình để tôi nghe), rằng: “Có ai đánh con hay làm gì con, thì con phải méc với bà nội hoặc bố nhé! Mẹ không sống cùng nhà với con thôi, nhưng ai mà đụng đến con của mẹ là biết tay mẹ ngay đấy!”.

Tư tưởng mẹ ghẻ con chồng, trách làm sao được! Tôi nghĩ, nếu mình là một người mẹ có con nhỏ sống với vợ sau của chồng, chắc tâm lý mình cũng thế thôi.

Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện chia tay, kết thúc, giải thoát cho mình, chấp nhận để anh quay lại với vợ cũ, hoặc tìm đến một cô gái nhẹ dạ nào đó khác. Nhưng vào thời điểm ấy thì may sao, tôi lại có thai. Dồn hết yêu thương vào đứa con này, tôi cố dưỡng thai cho thật tốt.

Rồi con gái tôi cũng chào đời. Bé nặng 3,2kg, xinh xắn, kháu khỉnh…

Chồng tôi dẫn bé Chúc vào thăm em. Ngay khi tôi vừa mới quay đi trong vài giây, bé Chúc đã ngắt hay nhéo gì con bé, để con tôi khóc thét lên. Sự sốt ruột của một người mẹ khiến tôi quát lên: “Con làm gì em bé thế?”. Bé Chúc (lúc ấy đứng sát cạnh nôi) òa lên khóc, giậm tay giậm chân. Chồng tôi bảo tôi trẻ sơ sinh khóc là chuyện bình thường, làm sao con bé mới 7 tuổi hơn biết “làm gì” em được.

Tôi đưa con về nhà, sau 4 tháng chăm con, phải gửi con lại nhà chồng cho mẹ chồng chăm sóc để đi làm. Đó bắt đầu là những ngày như cực hình của tôi. Người giúp việc lén mách với tôi, ở nhà em bé cứ hay bị chị “đánh lén”. Mà bà nội thì cứ bênh chằm chặp Chúc. Những vết thương không nặng, những cái đánh không đến mức độ “nghiêm trọng” gì, nhưng nó luôn khiến một người mẹ phải bất an và xót xa, đau đớn.

Tôi rầy la Chúc, tôi nói với chồng thì không khí trong nhà lại càng căng thẳng hơn.

Từ chỗ luôn nhắc mình thương yêu Chúc, giờ đây, tôi phải xem nó như một đứa sẵn sàng gây hại đến con mình. Tâm lý bất ổn, những cư xử của tôi càng lúc càng tệ hơn. Tôi khóc lóc, giận dữ, tôi không kiềm chế được đã hét toáng lên với chồng khi thấy một vết bầm trên tay con: “Anh xem cái này là cái gì? Anh bênh con bé cho nhiều vào… Đứa nào cũng là con anh mà anh đối xử như vậy hả?”.

Chúng tôi căng thẳng ngày một nhiều. Rồi cuối cùng cái gì đến cũng đến. Ngày con được 1 tuổi, tôi ly thân, dọn ra khỏi nhà chồng…

Mới đó mà cũng đã được hơn năm. Giờ đây, mỗi lần ngắm con, tôi vẫn xót xa bởi mình đã không cho con được một mái gia đình trọn vẹn. Làm mẹ kế quả thật là một chuyện vô cùng khó. Nó khó không phải phát xuất từ việc chăm bẵm, thương yêu một đứa trẻ, mà khó vì định kiến của mọi người. Có lẽ tôi cần nhiều hơn nữa những chín chắn, cần nhiều hơn nữa những bình tĩnh, bao dung, cần nhiều hơn nữa những yêu thương và nhẫn nại, hi sinh mới có thể vượt qua nổi những định kiến kia, để xây dựng nên một mối quan hệ mẹ ghẻ – con chồng có hậu!

Tôi chỉ tiếc, mình đã đơn độc trên con đường đó…

Nếu không, không chỉ con gái tôi có được một người cha, mà bé Chúc kia biết đâu cũng đã có thêm một người mẹ nữa… 

Tags:

Bài viết liên quan