Mẹ&Con – Kiểm tra lại những kiến thức nho nhỏ của mình, để chuẩn bị thật chu đáo cho một hành trình dài chín tháng…

Me da biet nhung viec nay chua

(Ảnh minh hoạ)

1. Sau khi sinh mổ, bạn có thể có thêm bao nhiêu lần sinh kế tiếp?

a. 1 lần.

b. 2 lần.

c. Tùy ý.

>> Đáp án đúng là: Câu a.

Dù sinh thường hay sinh mổ, bác sĩ cũng khuyến khích bạn chỉ nên có từ 1-2 con để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ cũng như chăm sóc tốt nhất cho bé yêu. Thực tế, mỗi đợt sinh nở là cả một thử thách lớn với sức khỏe người mẹ. Đặc biệt, khi sinh mổ, sự ảnh hưởng này còn lớn hơn. Sinh mổ là một phẫu thuật lớn, sẽ tác động đến nhiều cơ quan trong ổ bụng và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người mẹ trong lúc mổ và sau khi mổ. Do vậy, một khi tử cung có vết mổ cũ thì sẽ có liên quan mật thiết với việc sinh lần sau.

Nếu khoảng cách sinh lần sau quá gần, hoặc sinh thêm quá nhiều lần sẽ có nhiều nguy cơ cho mẹ và con, vì vết mổ cũ có thể nứt hoặc bung gây chảy máu. Ngoài ra, còn có nhiều biến chứng khác sau mổ. Do đó, lời khuyên với bạn là sau khi sinh mổ, bạn chỉ nên sinh thêm tối đa 1 lần nữa, với khoảng cách lần sinh sau cách lần sinh đầu tối thiểu 2-3 năm. Trong trường hợp trước khi sinh mổ, bạn đã từng có được một lần sinh thường (tức đã có hai bé) thì không nên cố gắng sinh thêm lần nữa.

2. Theo bạn, bé phải chào đời bằng phương pháp sinh mổ sẽ chịu những thiệt thòi nào so với bé sinh thường?

a. Trẻ sinh mổ thích nghi kém hơn với cuộc sống ngoài bào thai mẹ, thường bị ốm nhiều hơn.

b. Bé có thể bị trầm cảm sơ sinh – lờ đờ, chậm chạp, đôi khi còn không thể bắt đầu tự thở được.

c. Bé sẽ mất đi lượng sữa non quan trọng để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, không qua đường sinh tự nhiên, bé không nuốt những vi khuẩn có ích. Kết quả trẻ sinh mổ thường hay bị dị ứng và rối loạn đường tiêu hóa hơn.

d. Tất cả các câu trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: Câu d.

Bé sinh mổ luôn chịu những thiệt thòi nhất định so với bé sinh thường. Ví dụ như nếu mẹ phải dùng thuốc gây mê tổng thể, thuốc có thể ảnh hưởng một phần đến thai nhi, dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm sơ sinh – lờ đờ, chậm chạp, đôi khi còn không thể bắt đầu tự thở được, cần đến sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ và thích nghi với những điều kiện bên ngoài kém hơn.

Bé sinh mổ cũng thường phải tách mẹ trong khoảng từ 6 đến 24 tiếng đồng hồ (sau ca mổ). Trong thời gian đó, bé sẽ phải làm quen với sữa bột thay vì sữa mẹ. Ngược lại, nếu bé sinh thường thì ngay sau khi sinh, mẹ có thể cho bé bú sữa non – vốn rất giàu dưỡng chất và các chất giúp tăng sức đề kháng cho bé.

Bé cũng có được cảm giác gần gũi bên mẹ, được mẹ ôm ấp nên sẽ “yên tâm” hơn. Bạn cũng cần biết rằng trẻ không trải qua “stress” của ca sinh nở tự nhiên thì khả năng thích nghi với cuộc sống ngoài bào thai mẹ khó hơn.

Do đó, nếu không vì yếu tố bệnh lý và không có lời khuyên cụ thể từ bác sĩ, bạn hoàn toàn không nên chọn cách sinh mổ. Trong trường hợp bắt buộc phải sinh mổ, hãy để ý chăm sóc bé tốt hơn, để có thể “bù đắp” lại cho con những “thiệt thòi” mà bé không có được.

3. Để phòng tránh trĩ khi mang thai, bạn nên…

a. Uống nhiều nước.

b. Ăn nhiều rau quả.

c. Tập thể dục nhẹ nhàng.

d. Các câu trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: Câu d.

Khi bào thai phát triển sẽ gây áp lực lên bụng dưới của mẹ. Áp lực này gây căng các tĩnh mạch gần trực tràng, dẫn tới bệnh trĩ. Bà bầu rất dễ bị trĩ, nhất là trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. Để tránh trĩ, bạn cần hạn chế tối đa tình trạng phải đứng trong thời gian dài, phòng tránh táo bón, gây áp lực lên trực tràng.

Các bác sĩ luôn khuyên thai phụ cần có một chế độ dinh dưỡng nhiều chất xơ, uống nhiều nước lọc, đi vệ sinh vào giờ cố định trong ngày cũng như vào lúc bạn cảm thấy bị kích thích. Việc “nhịn” lại có thể khiến tình trạng táo bón sẽ nặng nề hơn.

Ngoài ra, tập thể dục nhẹ nhàng cũng là cách giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Bạn cũng cần lưu ý thêm là không nên để tăng cân quá nhiều vì việc này sẽ gây áp lực lên bụng dưới và trực tràng.

Trong trường hợp phòng tránh rồi mà vẫn bị, bạn nên vệ sinh hậu môn bằng nước ấm, giữ cho khu vực này sạch sẽ. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trong trường hợp trĩ nghiêm trọng, tránh để tình trạng viêm nhiễm xảy ra.

4. Vì sao bà bầu cần uống đủ nước trong thai kỳ?

a. Thiếu nước dễ dẫn đến những cơn chóng mặt.

b. Nước giúp hấp thu tốt hơn những chất dinh dưỡng vào cơ thể mẹ và bào thai.

c. Mẹ uống nước đủ giúp tăng lượng nước ối quanh bào thai; giúp mẹ đi tiểu đều, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu; đảm bảo nhu cầu máu tăng cao trong cơ thể mẹ và tránh mất nước khi mẹ đổ mồ hôi.

>> Đáp án đúng là: Tất cả các câu trên.

Bà bầu cần liên tục bổ sung nước cho cơ thể, không để tình trạng khát mới uống. Bởi lẽ, thiếu nước sẽ dẫn đến hàng loạt các nguy cơ như đã được nhắc đến trong các đáp án trên. Không chỉ thế, nhiều bác sĩ còn đánh giá rằng uống không đủ nước có thể làm tăng nguy cơ ngôi ngược, dây rốn quấn cổ và tăng nồng độ của phân su trong chất lỏng.

Bạn nên uống mỗi ngày 2,5 lít nước trở lên, chia thành 7-8 lần uống trong ngày. Ngoài nước lọc, “bầu” nên bổ sung thêm các món canh, nước rau luộc, nước ép trái cây không cần cho thêm đường nhằm cung cấp thêm lượng vitamin cho cơ thể.

Đặc biệt, những ngày gần đây thời tiết nắng nóng rất dữ dội, việc bổ sung nước cho cơ thể càng cần được chú ý và thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn không được khuyến khích uống các loại nước ngọt có ga, các loại nước đóng chai (kể cả những loại được cho là “trà xanh”, “thức giải khát bổ dưỡng”…). Với nước ép trái cây, cũng chỉ nên giới hạn từ 300-500ml/ngày để tránh làm tăng lượng đường trong cơ thể.

5. Những xét nghiệm nào sau đây cần có trong thai kỳ:

a. Đo độ mờ da gáy.

b. Siêu âm 3 chiều/4 chiều vào tuần thứ 18-22.

c. Siêu âm Doppler màu.

d. Xét nghiệm lượng đường trong máu.

>> Đáp án đúng là: Tất cả các câu trên.

Những xét nghiệm trên là những xét nghiệm mang tính “không-thể-bỏ-qua” để đảm bảo bé chào đời được khỏe mạnh, không dị tật. Bạn lưu ý, đã có không ít trường hợp, mẹ còn trẻ tuổi, không thuộc nhóm nguy cơ, đã từng có con đầu lòng khỏe mạnh nên đã… chủ quan tự ý bỏ luôn một số xét nghiệm mà bác sĩ yêu cầu! Điều này có thể dẫn đến việc khi em bé chào đời, bé lại có những dị tật mà bác sĩ đã không thể tầm soát được.

Một lời nhắc nhở không thừa rằng các xét nghiệm nói trên cũng chỉ có giá trị khi được thực hiện đúng vào thời điểm bác sĩ chỉ định. Ví dụ như việc đo độ mờ da gáy chỉ cho kết quả chính xác nhất vào tuần thứ 12 của thai kỳ, nhằm phát hiện rủi ro bị hội chứng Down ở thai nhi. Nếu mẹ tự ý để sang tuần thứ 14-15 mới đi xét nghiệm thì kết quả sẽ không còn đảm bảo chính xác nữa.

Tương tự, những tầm soát vào giai đoạn tuần thứ 18-22 sẽ giúp phát hiện những bất thường nếu có về thần kinh, những dị tật bất thường… Siêu âm Doppler màu lại được thực hiện trong giai đoạn cuối thai kỳ để đảm bảo rằng thai nhi nhận được đầy đủ máu và chất dinh dưỡng.

Cũng đừng quên xét nghiệm lượng đường trong máu vì bà bầu rất dễ bị đái tháo đường thai kỳ và nếu bạn không kiểm soát tốt lượng đường, không chỉ sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng mà chính bé yêu trong bụng cũng sẽ dễ gặp phải những nguy cơ trong quá trình chào đời cũng như giai đoạn sau đó.

> Xem kỳ 10 tại đây

Tags:

Bài viết liên quan