Khi hai người thuộc các tôn giáo khác nhau kết hôn, việc xảy ra xung đột trong hôn nhân là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong hôn nhân khác đạo, có nhiều vấn đề cần giải quyết như việc nên giữ tín ngưỡng của mình hay chuyển sang tôn giáo của người kia, việc quyết định xem con mình được nuôi dưỡng theo tôn giáo nào và cách giáo dục con về cả hai tôn giáo,…
Hôn nhân khác đạo có thật sự là một cản trở của các đôi vợ chồng?
Trong hầu hết các trường hợp, hôn nhân khác đạo (hôn nhân khác tôn giáo) là cuộc hôn nhân giữa hai người có nền tảng tôn giáo khác nhau. Nghĩa là một người theo một tôn giáo nhất định và ngược lại, người kia có thể không theo bất kỳ tôn giáo nào hoặc có thể là thành viên của một tôn giáo khác.
Trong những năm gần đây, số lượng các cuộc hôn nhân khác đạo đã tăng từ khoảng 4/10 (42%) lên gần 6/10 (58%). Có nhiều lý do khác nhau khiến mọi người chọn kết hôn với một người có đức tin khác với mình. Đôi khi, đơn giản chỉ vì họ yêu một người khác tôn giáo.
Trong những trường hợp khác, mọi người có thể bị thu hút bởi một người có đức tin khác vì họ đang tìm kiếm điều gì đó ngoài tôn giáo của mình. Và trong một số trường hợp, mọi người có thể kết hôn với người có đức tin khác như một cách để mở rộng niềm tin tôn giáo của mình.
Dù lý do là gì đi nữa, hôn nhân khác đạo có thể dẫn đến một số thách thức đặc biệt. Sự khác nhau về tín ngưỡng, niềm tin, các phong tục theo tôn giáo,… có thể khiến vợ chồng cãi nhau. Nhưng bằng cách nói chuyện với nhau và sẵn sàng nhượng bộ, các đôi vợ chồng hoàn toàn có thể tìm ra vấn đề của mình và giải quyết trong êm đẹp.
Điều quan trọng là trước khi kết hôn, bạn cần nhìn nhận được những vấn đề có thể xảy ra đối với những cuộc hôn nhân khác đạo để có thể chuẩn bị tinh thần đối mặt với các vấn đề này khi thật sự bước vào cuộc sống hôn nhân.
8 vấn đề thường gặp ở những cuộc hôn nhân khác đạo
Không sớm nói về sự khác biệt tôn giáo
Các cặp đôi không cùng tôn giáo có thể tránh thảo luận về sự khác biệt tôn giáo của họ trong thời gian hẹn hò để ngăn ngừa xung đột tiềm ẩn. Vào thời điểm bạn và người ấy đang quen nhau, bạn có thể chìm đắm trong sự phấn khích của mối quan hệ tình cảm và không muốn đối mặt với bất kỳ vấn đề nào trong thế giới thực.
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến rắc rối khi hai bạn cùng nhau quyết định về tương lai của mình. Nếu không sớm thảo luận về niềm tin tôn giáo của mình thì sau này có thể khó tìm được điểm chung.
Điều này dẫn đến việc sau khi kết hôn, bạn và người ấy đều chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những khác biệt về niềm tin, tín ngưỡng, quan điểm… do khác tôn giáo, khiến vợ chồng cãi nhau và thấy mệt mỏi vì nhau.
Bố mẹ hai bên cố gắng áp đặt niềm tin tôn giáo của gia đình lên thành viên mới
Ở các cuộc hôn nhân khác đạo, dù là bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ thì việc bắt đầu áp đặt niềm tin tôn giáo của bố mẹ lên vợ chồng bạn hoặc con cái của bạn có thể tạo ra rất nhiều căng thẳng.
Trong một số trường hợp, bố mẹ có thể gây áp lực buộc một bạn phải chuyển sang tôn giáo của họ. Đây có thể là nguồn xung đột đáng kể, khiến bạn cảm thấy bị thiếu tôn trọng khi buộc phải thay đổi tín ngưỡng của mình.
Nhưng nếu bạn cứng rắn không thay đổi thì điều này sẽ làm phật lòng bố mẹ của người ấy và làm mối quan hệ giữa gia đình chồng và nàng dâu hoặc gia đình vợ và chàng rể trở nên căng thẳng, khó hòa thuận.
Áp lực từ gia đình và bạn bè
Một trong những vấn đề phổ biến nhất trong hôn nhân khác đạo là áp lực từ gia đình và bạn bè. Nếu gia đình người ấy phản đối mạnh mẽ đám cưới khác đạo của bạn, họ có thể cố gắng thuyết phục bạn thay đổi quyết định. Và dĩ nhiên, điều này cũng có thể xảy ra với gia đình người ấy.
Tương tự như vậy, bạn bè của hai bạn cũng có thể cố gắng thuyết phục bạn tổ chức một đám cưới truyền thống phù hợp với niềm tin tôn giáo của mình. Áp lực này có thể khó giải quyết, đặc biệt nếu bạn đang cảm thấy bất an về quyết định kết hôn với một người không cùng tôn giáo.
Bạn cảm thấy áp lực trong việc phải thay đổi
Trong hôn nhân khác đạo, dù bạn không cần phải theo đạo của người ấy nhưng bạn cũng sẽ vô cùng áp lực trong việc phải thay đổi để làm hài lòng bạn đời hoặc gia đình bạn đời. Chẳng hạn như trước đây bạn chưa từng ăn chay nhưng hiện nay phải làm quen với việc này hoặc bạn phải đến Nhà thờ cùng người ấy vào cuối tuần dù bạn chỉ muốn dành ngày này để nghỉ ngơi.
Đây có thể là một quyết định khó thực hiện và dẫn đến nhiều bất ổn nội tâm. Bạn sẽ cảm thấy mình không còn được sống đúng là chính mình và muốn được giải thoát khỏi tình yêu và hôn nhân này.
Cảm giác như người ngoài cuộc
Một vấn đề phổ biến khác mà các cặp vợ chồng bắt đầu hôn nhân khác đạo phải đối mặt là cảm giác như mình là người ngoài cuộc. Bạn có thể cảm thấy mình không hòa hợp với bạn bè và gia đình của người ấy trong những buổi gặp gỡ vì mọi người đều cùng tôn giáo và khác biệt với bạn.
Đây có thể là một trải nghiệm rất cô lập, vì bạn có thể cảm thấy như mình không có ai để nhờ hỗ trợ và không ai thật sự quý trọng bạn. Trong một số trường hợp, sự cô lập này có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng, khiến bạn cảm thấy bị tổn thương.
Khó tìm được điểm chung
Tìm được điểm chung là một trong những thách thức đối với hôn nhân khác đạo . Vì bạn và người ấy có nguồn gốc tôn giáo khác nhau nên việc tìm kiếm các hoạt động và sở thích mà cả hai bạn yêu thích có thể mất thời gian và công sức nhiều hơn.
Điều này có thể dẫn đến căng thẳng và tranh cãi, vì một bên có thể cảm thấy như họ phải luôn thỏa hiệp, hy sinh vì đối phương. Đôi khi, các cặp vợ chồng có thể phải từ bỏ một số niềm tin và nguyên tắc tôn giáo để tìm ra điểm chung.
Quyết định nuôi dạy con theo tôn giáo nào?
Chọn tôn giáo nào để nuôi dạy con cái là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà các cặp vợ chồng có hôn nhân khác đạo phải đối mặt. Đối với nhiều cặp vợ chồng, có thể cho tiếp xúc với cả hai tôn giáo và cho phép con lựa chọn con đường của mình khi đến tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, điều này có thể khó khăn nếu bạn hoặc người bạn đời của bạn hay gia đình hai bên có quan điểm mạnh mẽ về tôn giáo của mình. Trong một số trường hợp, bạn hoặc người ấy có thể rất quan tâm đến việc nuôi dạy con cái theo đức tin của mình và có thể dẫn đến tranh cãi. Nếu không thể thỏa hiệp thì khi trẻ lớn lên, trẻ sẽ cảm thấy khó xử khi không biết mình phải hành xử theo tôn giáo của bố hay của mẹ.
Tranh luận về tôn giáo
Đây là một trong những vấn đề phổ biến nhất trong hôn nhân khác đạo vì rất khó tìm được điểm chung giữa hai tôn giáo. Mỗi tôn giáo có niềm tin và những nguyên tắc riêng và thường điều này sẽ không tương thích với tôn giáo khác.
Sự khác biệt có thể dẫn đến tranh cãi khi thảo luận về những quan điểm, nguyên tắc và niềm tim trong tôn giáo. Trong một số trường hợp, bạn có thể quyết định không nói gì về tôn giáo để tránh tranh chấp và cãi vã. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến căng thẳng, vì người bạn đời của bạn có thể cảm thấy như niềm tin của họ đang bị phớt lờ.
Làm thế nào để vượt qua vấn đề hôn nhân khác tôn giáo?
Hôn nhân khác đạo có thể khó khăn nhưng không phải là không thể vượt qua. Bạn và một nửa của mình có thể làm một số điều để cố gắng vượt qua sự khác biệt này. Hai điểm quan trọng mà bạn cần nhớ chính là:
- Giao tiếp với đối phương: Giao tiếp là một trong những công cụ quan trọng của một mối quan hệ thành công. Khi đối mặt với những vấn đề trong hôn nhân khác đạo, bạn cần phải trao đổi với người bạn đời về những lo lắng của mình. Hãy cố gắng cởi mở và trung thực với nhau và thảo luận về những thách thức mà cả 2 đang trải qua. Điều này sẽ giúp người ấy hiểu được quan điểm của bạn và ngược lại để tìm ra cách vượt qua những khó khăn mà hai bạn đang gặp phải.
- Tìm sự thỏa hiệp: Một điều cần thiết khác cần làm khi đối mặt với các vấn đề hôn nhân khác đạo là tìm ra sự thỏa hiệp. Vì bạn và người ấy có các nền tảng tôn giáo khác nhau nên việc tìm ra một nền tảng trung gian mà cả hai có thể đồng ý là điều cần thiết để duy trì cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Hôn nhân khác đạo dễ dẫn đến ly hôn hơn. Điều này là do những mối quan hệ này thường có nhiều vấn đề và thách thức hơn. Các cặp vợ chồng trong hôn nhân khác đạo có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp và kết nối, có thể tranh cãi về tôn giáo và phải đối mặt với áp lực từ gia đình, bạn bè.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là mỗi mối quan hệ đều khác nhau và không phải tất cả các cuộc hôn nhân khác đạo đều kết thúc bằng ly hôn, quan trọng nhất vẫn là bạn và người ấy có sẵn sàng vượt qua hay không.