Mẹ và Con - Một trong những vấn đề khiến các nàng dâu mới lo lắng nhất chính là làm sao để chung sống hòa thuận với gia đình chồng, để mọi người đều thoải mái, không xảy ra xung đột, hiềm khích.

Để nàng dâu và cả gia đình chồng không xảy ra xung đôt, có thể chung sống thuận hòa với nhau không phải là điều dễ dàng. Đôi khi, các bên đều phải học cách nhún nhường, lùi một bước để cuộc sống gia đình thoải mái hơn.

Các vấn đề nào có thể xảy ra khi về sống tại nhà chồng?

Khi quyết định sống với gia đình chồng, sống với bố mẹ chồng thì nàng dâu phải đối mặt một số vấn đề phổ biến như sau:

  • Bị can thiệp vào cuộc sống riêng quá nhiều: Mẹ chồng đã quen với việc chăm lo cho căn nhà này theo ý của bản thân rất ngăn nắp, đâu vào đấy… Cho nên việc nàng dâu làm sai ý, làm mọi thứ lộn xộn lên thậm chí không dọn dẹp phòng ngủ của hai vợ chồng cũng khiến mẹ can thiệp, trách mắng…
  • Mâu thuẫn với mẹ chồng: Nói về tuổi tác thì rõ ràng mẹ chồng và nàng dâu là hai thế hệ, hai suy nghĩ khác biệt ở hai thời điểm khác biệt nhau nên sẽ không tránh được mâu thuẫn khi sống với gia đình chồng. Chưa hết, nếu mẹ nào quá cưng và chiều con trai, khi thấy con trai bị con dâu phân chia công việc nhà thì rất dễ xót xa và trách móc con dâu.
  • Không có sự tự do: Sống với gia đình chồng rồi không còn được đi chơi về khuya, rủ bạn bè về nhà ăn uống như ngày xưa nữa…
  • Mâu thuẫn khi phân công việc nhà với anh, chị em chồng: Khi sống ở nhà chồng không chỉ có mẹ chồng mà anh chị em chồng cũng có thể là đối tượng gây xích mích. Chẳng hạn như vì ở nhà hầu như mẹ chồng nuông chiều họ nên họ không biết giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa mà chỉ đổ hết lên đầu nàng dâu và coi đó như là nghĩa vụ.
  • Anh chị em chồng không tôn trọng: Có nhiều trường hợp bị anh chị em chồng, chị em dâu bắt nạt, không coi trọng…
  • Không có không gian riêng tư: Ví dụ như trước lấy vợ, mẹ vẫn thường xuyên tự do vào phòng con trai để dọn dẹp, mang đồ đi giặt… Sau khi lấy vợ, mẹ không những không bỏ thói quen đó mà thường ra vào không gõ cửa khiến hai vợ chồng cảm thấy không thoải mái.

gia đình chồng

Bí quyết giúp bạn có cuộc sống thoải mái cùng gia đình chồng

Sống chung với gia đình chồng có thể chỉ là lựa chọn cuối cùng của nhiều nàng dâu. Thay vì đối phó với các tình huống, vấn đề mâu thuẫn theo cách chống đối tiêu cực, các nàng dâu hãy thử tìm cách vun vén, bồi dưỡng tình cảm để chung sống thuận hòa với gia đình chồng hơn. 

Nhận biết mục tiêu của mình

Thực tế nhiều người không thích việc sống chung với gia đình chồng, nhưng vẫn chọn cách làm dâu vì nhiều lý do khác nhau. Mỗi người mỗi mục đích, nếu bạn biết mục tiêu của bản thân là gì thì cũng tự hình dung được thái độ cần có khi ở chung.

Có những người sống với gia đình chồng bởi cần sự hỗ trợ của ông bà trong việc chăm cháu thay vì phải thuê người giúp việc hoặc bạn phải nghỉ hẳn việc để chăm con cái. Ở nhà chồng cũng sẽ giúp bạn có thêm người hỗ trợ trong những trường hợp như con bệnh, bản thân mệt, về trễ chưa nấu cơm…

Nếu chồng là người chịu trách nhiệm chăm sóc bố mẹ thì bạn nên cân nhắc việc này trước khi muốn chung tay xây dựng gia đình. Bởi vì chắc chắn sau khi kết hôn bạn chỉ có lựa chọn sống chung với gia đình chồng. Nhiều trường hợp sống chung với nhà chồng chỉ là giải pháp tạm thời của hai vợ chồng để ổn định tài chính, chăm lo cho con nhỏ trước khi ra ở riêng. 

Khi đã xác nhận rõ những mục tiêu của mình thì bạn sẽ tích cực và chủ động hơn khi giải quyết những mâu thuẫn hoặc cảm giác mệt mỏi, căng thẳng vì gia đình chồng.

bà và cháu

Xác định rõ ranh giới

Những cuộc cãi vã giữa nàng dâu với mẹ chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình chồng thường liên quan đến những xung đột về quyền lợi và quyền tự do cá nhân. Để giải quyết vấn đề này bạn cần thảo luận cụ thể, rõ ràng với gia đình chồng về giới hạn của mỗi người.

Phải luôn nhớ rằng chăm con là nghĩa vụ của bố mẹ. Ông bà, cô chú có thể thương cháu nhưng không có nghĩa là bạn có thể thoái thác hoàn toàn trách nhiệm. Bạn chỉ nên nhờ vào một số thời điểm nhất định, nếu không hãy tự mình bên con và giáo dục bé. Việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc bất đồng quan điểm dạy dỗ có thể dẫn tới những mâu thuẫn không đáng có, làm rạn nứt quan hệ với gia đình chồng. 

Bên cạnh đó, dù cho bạn có trở thành một thành viên thân thiết trong gia đình chồng, nhưng chung quy vẫn không phải ruột thịt nên tốt nhất đừng can thiệp vào mâu thuẫn giữa các thành viên khác. Bởi vì bạn là “người đến sau” nên nếu cư xử không khéo sẽ dẫn tới nhiều điều không hay thậm chí bị hiểu lầm. 

Tự tìm cách giải quyết tình huống

Thực tế, dù là gia đình ruột thịt cũng khó tránh mâu thuẫn nên việc phát sinh xung đột khi đến sống chung với gia đình chồng cũng là điều dễ hiểu và các nàng dâu phải chuẩn bị tâm lý này. Tuy nhiên khi gặp vấn đề khó xử, bạn nên hiểu rằng bạn đang gần như là đại diện cho chồng, là “khách” của chồng nên hãy nghĩ cho tình thế của chồng. 

Khi xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng, đừng bắt chồng phải chọn ra bên đúng bên sai. Cả hai người phụ nữ đều là người anh yêu nhất trên đời, nếu nghiêng về bất cứ bên nào sẽ càng chỉ làm ngọn lửa tức giận ở bên kìa bùng lên mà thôi. Điều này có nghĩa là bạn đừng trông mong quá nhiều vào chồng sẽ bảo vệ mình vô điều kiện mà phải tự chủ động dàn xếp mọi bất hòa một cách trực tiếp không thông qua chồng. Nhớ rằng, thắng thua trong “cuộc chiến” với nhà chồng không quan trọng bằng việc kết quả đó giúp ta nhận ra được điều gì.

suy nghĩ

Cân bằng cảm xúc

Cuộc sống sau khi lấy chồng không giống như cuộc sống ở nhà mẹ đẻ. Bạn không còn tự do thậm chí không thể sống theo cảm xúc cá nhân của mình được nữa. Thay vào đó, bạn cần biết khi nào “làm ngơ” và lúc nào phải “đấu tranh”. 

Nếu có thể nhún nhường thì hãy lùi một bước để giữ hòa khí, không nhất thiết phải thắng. Đặc biệt tình huống có người khác ngoài gia đình thì bạn nên cho bố mẹ chồng thể diện, đừng cố gân cổ thậm chí lôi người ta vào trận để phân xử đúng sai.

Mặc khác, không phải cứ nhẫn nhịn là mọi chuyện sẽ êm đẹp và cuộc sống với gia đình chồng của bạn sẽ hạnh phúc. Nếu mẹ chồng muốn can thiệp vào đời sống hai vợ chồng hay không tôn trọng riêng tư vợ chồng bạn thì nhất định phải bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng. 

Tạo khoảng thời gian kết nối

Mâu thuẫn luôn hình thành từ sự xung đột, chưa thực sự thấu hiểu lẫn nhau. Do đó, bạn cần tạo kết nối cho các thành viên trong gia đình chồng với bản thân. Bạn có thể cùng mẹ chồng và các em chồng đi mua sắm và uống cà phê vào những dịp rảnh rỗi để hiểu nhau hơn và tìm hiểu một chút về sở thích của mỗi thành viên. Bên cạnh đó, các cuộc dã ngoại hoặc du lịch cũng khiến gia đình có nhiều kỷ niệm đẹp, trở nên khăng khít hơn và cũng là dịp tháo bỏ hiểu lầm về nhau. 

gia đình nhà chồng

Nghĩ về những điều tốt

Để bạn có thể chung sống thuận hòa cùng bất kỳ ai, bạn cần có tình cảm với họ, hoặc ít ra bạn không được để bản thân có ác cảm với họ. Khi về sống cùng nhà chồng cũng vậy. Thay vì chỉ chăm chăm vào sự khó tính của mẹ chồng, ánh mắt soi xét của cô em chồng, hãy tự nhủ với bản thân rằng họ cũng có những khía cạnh rất đáng yêu. Hãy cho phép bản thân chỉ nhớ đến những điểm tốt của các thành viên trong gia đình như mẹ chồng đã nấu cháo cho bạn khi bạn ốm, cô em chồng sau mỗi chuyến công tác đều mua quà cho các con của bạn hay chị chồng luôn tận tâm chỉ bạn cách nấu những món ăn ngon. Khi nghĩ đến những điều này, tâm trạng của bạn sẽ thoải mái hơn, bạn cũng sẽ đối xử với mọi người ôn hòa hơn.

Không phải gia đình chồng nào cũng khắt khe hay đối xử không tốt với con dâu. Vì thế, các nàng dâu mới không cần phải quá lo lắng, căng thẳng nếu cả hai quyết định về sống ở nhà chồng đâu nhé! Và nếu chẳng may có xảy ra vấn đề gì đi chăng nữa, hãy cứ bình tĩnh, giải quyết ôn hòa là được. Chúc bạn có cuộc sống êm ấm và hạnh phúc.

Bài viết liên quan

con riêng của chồng

9 cách giúp mẹ kế xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con riêng của chồng

Mẹ và Con - Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao con riêng của chồng lại ghét tôi ngay cả khi tôi cố gắng trở thành một người mẹ tốt?” Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mối quan hệ với con riêng của chồng lại gặp nhiều trục trặc đến vậy và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tích cực với con riêng của chồng bạn nhé!