Suốt quá trình mang thai, mẹ bầu thường xuyên phải đối mặt với những thay đổi về thể chất. Trong đó, sự tăng trưởng đột ngột về hormone, kích thước bào thai…khiến làn da của thai phụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới mụn, nám, rạn da…Điều này không chỉ ảnh hưởng tới vẻ ngoài, mà cả tâm lý của mẹ bầu. Vì thế, cần bỏ túi những bí quyết chăm sóc da cho bà bầu an toàn và hiệu quả để luôn rạng ngời bạn nhé!
Cách chăm sóc da cho bà bầu hiệu quả
Chăm sóc da nám
Khi lượng hormone thai kỳ estrogen và progesterone trong cơ thể tăng cao sẽ tạo cơ hội cho các tế bào hắc tố phát triển, gây ra các đốm đen trên da, hay còn gọi là nám.
Nám da không chỉ xảy ra trong quá trình mang thai, mà có thể kéo dài đến giai đoạn sau sinh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ ngoài, cũng như tâm lý của phụ nữ mang thai.
Tình trạng nám da sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu mẹ bầu tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt. Theo các chuyên gia, cường độ tia UV mạnh có khả năng kích thích các tế bào hắc tố sản sinh ra melanin, khiến da bị nám nặng nề hơn.
Do đó, trong suốt thời gian trước và sau khi mang thai, mẹ bầu mẹ bầu nên hạn chế tối đa việc di chuyển ngoài trời vào khoảng từ 10 giờ đến 15 giờ. Vì đây là thời điểm cường độ tia UV mạnh nhất.
Khi phải ra ngoài, mẹ bầu nên chú ý sử dụng các biện pháp chống nắng, thoa kem chống nắng mỗi ngày (thoa lại sau mỗi hai tiếng).
Khi mang thai, làn da sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Do đó, cách chăm sóc da cho bà bầu là ưu tiên lựa chọn những sản phẩm không chứa cồn, không hương liệu để tránh gây kích ứng da.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể cải thiện tình trạng nám da bằng cách sử dụng phương pháp tẩy tế bào chết bằng tinh thể, loại bỏ các tế bào da chết, sau đó sử dụng kem dưỡng tăng cường độ ẩm cho làn da mới tái tạo.
Làm gì để mụn không còn là nỗi lo?
“Hung thủ” gây ra tình trạng mụn thai kỳ chính là sự gia tăng hàm lượng progesterone. Cụ thể, khi mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ sản sinh ra rất nhiều progesterone nhằm duy trì niêm mạc tử cung khỏe mạnh. Điều này vô tình làm tăng tiết dầu từ các tuyến dầu, lâu dần gây tích tụ bã nhờn, tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn tới mụn.
Theo đó, để kháng viêm, kiềm dầu, ngăn ngừa mụn trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên ưu tiên sử dụng những sản phẩm làm dịu da có chứa thành phần thiên nhiên như: rau má (centella asiatica), tràm trà, oải hương, hoa cúc, vỏ bí ngô với tác dụng làm bong tróc tế bào chết, hay vỏ trà xanh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn đồng thời làm sáng da.
Đối với những mẹ bầu sở hữu làn da nhạy cảm hoặc đang trong giai đoạn cho con bú, để cải thiện tình trạng mụn trứng cá, có thể tìm đến các sản phẩm dịu nhẹ, có chứa lưu huỳnh, một thành phần tự nhiên với khả năng kháng khuẩn và chống viêm, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành của làn da.
Sau khi cho con bú, các mẹ có thể thể sử dụng các thành phần mạnh hơn như acid salicylic, benzoyl peroxide để điều trị mụn trứng cá một cách triệt để nhất. Ngoài ra, mẹ bầu còn có thể sử dụng phương pháp lột mụn tại nhà trong các đợt bùng phát mụn. Không chỉ giảm mụn, mà phương pháp này có giúp làm mờ sẹo hiệu quả.
Chăm sóc da rạn
Theo thống kê, 90% mẹ bầu xuất hiện tình trạng rạn da khi mang thai ở tháng thứ ba của thai kỳ. Nguyên nhân chính là do sự phát triển kích thướng của thai nhi, khiến da bị kéo căng và lượng hormone trong cơ thể thay đổi.
Theo đó, ở giai đoạn này, các mẹ sẽ thấy những vệt rạn tím đỏ trên bụng, đùi, ngực, mông hoặc thậm chí trên tay. Những mẹ bầu có người thân từng bị rạn da sẽ dễ gặp phải tình trạng này hơn. Tuy nhiên, các mẹ đừng nên lo lắng vì theo thời gian, những vết rạn này sẽ mờ dần đi.
Để cải thiện và ngăn ngừa tình trạng rạn da, cách chăm sóc da cho bà bầu là hãy tìm kiếm những sản phẩm chứa các thành phần siêu dưỡng ẩm, hoặc các mẹo đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà như:
- Thoa lòng trắng trứng: Trong lòng trắng trứng có chứa nhiều protein và acid amin tốt cho da. Sau khi tách một lượng lòng trắng vừa đù, các mẹ đánh nhẹ và sau đó thoa nhẹ hỗn hợp lên vùng da nhiều vết rạn. Khi lòng trắng khô đi, các mẹ đi xả sạch lại với nước lạnh, sau đó thoa một ít dầu olive lên vùng da này và massage đều để giúp giữ ẩm cho da.
- Thoa nước ép khoai tây: Vitamin và khoáng chất trong khoai tây có khả năng thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi các tế bào da. Các mẹ chỉ cần ép khoai tây lấy nước, sau đó thoa nhẹ lên vùng da bị rạn vài phút. Khi nước khoai tây khô lại, các mẹ đi rửa sạch lại với nước và sau đó dưỡng ẩm thêm cho làn da của mình.
Cải thiện viêm da không đặc hiệu
Theo các chuyên gia, tình trạng viêm da không đặc hiệu ở phụ nữ mang thai xảy ra do sự thay đổi trong nội tiết tố, gây ra các mảng đỏ bong tróc trên mặt.
Để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng này, các mẹ bầu có thể cân nhắc sử dụng những sản phẩm được bào chế điều trị bệnh trứng cá đỏ. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể lựa chọn những loại kem dưỡng ẩm có khả năng chống nắng, giảm tổn thương được chiết xuất từ rễ cam thảo và có chứa SPF 15+…
Nhện Angiomas
Việc rối loạn nội tiết tố có thể khiến mẹ bầu tăng cân, kéo theo áp lực trong các tĩnh mạch tăng lên làm cho các mạch máu ở bề mặt to ra gây ra hiện tượng nhện Angiomas.
Theo giải thích từ các chuyên gian, đây là tình trạng các mạch máu nhỏ giãn nở, tụ lại rất nhiều sát trên bề mặt da và để lại một vết đỏ giống như mạng nhện. Hiện tại, không có loại kem bôi ngoài da nào giúp loại bỏ hay cải thiện tình trạng này.
Để điều trị nhện Angiomas, mẹ bầu có thể sẽ được bác sĩ tư vấn sử dụng chùm tia laser với bước sóng 1.064 nanomet đi qua da để làm nóng, đông máu và phá vỡ chúng trong vài giây.
Những thành phần mỹ phẩm mà mẹ bầu nên tránh
Cơ thể nói chung và làn da của phụ nữ mang thai nói riêng là vô cùng nhạy cảm. Do đó, các mẹ cần tuyệt đối cẩn trọng trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da.
Theo các chuyên gia chăm sóc da cho bà bầu, bạn nên ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên và tránh sử dụng những mỹ phẩm có chứa các thành phần sau:
Vitamin A/retinol: Nhiều nghiên cứu kết luận rằng, retinol là chất có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sinh nở và thậm chí, khiến trẻ có nguy cơ bị dị tật sau khi sinh.
Trong khi đó, vitamin A sẽ tăng tốc độ sản sinh các tế bào, làm cho da nhạy cảm hơn dưới ánh nắng mặt trời, dễ gây nám. Do đó, hãy tuyệt đối tránh xa các sản phẩm chứa vitamin A/ retinol để không gây nguy hiểm trong quá trình mang thai.
Phthalates/formaldehyde/toluene: Đây là các thành phần hóa học ảnh hưởng không tốt đến thai phụ, thường được tìm thấy trong nước hoa và sơn móng tay.
Ammonia: Chất này thường được tìm thấy nhiều sản phẩm thuốc nhuộm.
Dihydroxyacetone: Tuy không gây ảnh hưởng khi thẩm thấu qua da, nhưng việc hít loại khí này có thể gây nguy hiểm cho thai nhi
Một số loại tinh dầu: Các chuyên gia về chăm sóc da cho bà bầu cho rằng, nhiều loại tinh dầu có khả năng làm tăng độ nhạy cảm của da đối với tia cực tím, tăng nguy cơ nám da khi mang thai. Thậm chí, một số loại tinh dầu từ hương thảo, cây bách xù, hoa nhài, cây bách, hoa cúc xanh, long não, chiết xuất bạc hà và bạc hà sẽ dễ gây sảy thai. Mẹ bầu cần tuyệt đối tránh sử dụng.