Dù chỉ là một giấc ngủ ngắn vào ban ngày, nhưng những lợi ích và giá trị của giấc ngủ trưa mang đến cho bé lại rất nhiều. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tất cả những hoạt động của con, bao gồm cơ thể và hệ thần kinh trung ương đều phụ thuộc nhiều vào chu trình của giấc ngủ. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con nhắc bố mẹ tìm hiểu tầm quan trọng của giấc ngủ trưa và thiết lập một lịch trình ngủ nghỉ, sinh hoạt khoa học cho con ngay từ những năm tháng đầu đời nhé.
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với bé yêu
Giúp con tăng cường khả năng ghi nhớ
Ngủ trưa đủ giấc sẽ giúp con tăng cường sự lưu thông máu lên não cũng như cải thiện được khả năng tập trung cao độ. Sau giờ ăn trưa, bố mẹ hãy cho bé chơi khoảng 45 phút và cho bé đi ngủ, tập luyện thói quen ngủ đúng giờ sẽ giúp bé tăng cường trí nhớ. Nhờ vậy, khả năng học tập của con sau này cũng sẽ vượt trội hơn bạn bè đồng trang lứa.
Những bé không được ngủ đúng giờ ngay từ nhỏ, khoảng 3 tuổi sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến nhận thức. Tình trạng này kéo dài còn có nguy cơ ảnh hưởng đến kỹ năng đọc và những môn tính toán. Vì thế, để cho con có được một bộ não minh mẩn, rèn luyện khả năng ghi nhớ tốt, mẹ nên ý thức về tầm quan trọng của giấc ngủ trưa đối với con.
Giấc ngủ trưa giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng
Ngủ trưa đúng cách, sâu giấc sẽ thúc đẩy trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của bé yêu. Đặc biệt, ngủ ở một không gian thoáng mát, sạch sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ ở những vùng chức năng khác của não bộ và nâng cao khả năng tuần hoàn máu.
Khi con ngủ, những thông tin bé học được trong ngày sẽ được não bộ đưa vào xử lý nhanh chóng. Các nơ-ron thần kinh của con sẽ kết nối chúng với trí tưởng tượng tuyệt vời của trẻ. Rèn luyện trí tưởng tượng, nâng cao khả năng sáng tạo sẽ giúp con thông minh vượt trội hơn.
Não bộ xử lý thông tin nhanh chóng
Trẻ được ngủ trưa đúng giờ và đủ giấc sẽ có khả năng tư duy logic, khả năng kết hợp và xâu chuỗi những thông tin, sự việc khác nhau cũng như sắp xếp chúng vào não bộ nhạy bén hơn những đứa trẻ không đảm bảo được chất lượng giấc ngủ trưa.
Bé còn có thể xử lý những dữ liệu nhanh chóng và chia những sự việc, sự kiện khác nhau và đưa ra kết luận vào vấn đề nào đó rất hợp lý. Tư duy này rất quan trọng và cần thiết trong suốt quá trình phát triển cũng như con đường học tập của con. Mẹ sẽ nhanh chóng thấy được hiệu quả của giấc ngủ trưa cho bé rõ nhất là khi con bắt đầu đi học.
Tầm quan trọng của giấc ngủ với bé trong hỗ trợ trao đổi chất
Bố mẹ nên hiểu được rằng tầm quan trọng của giấc ngủ trưa không kém gì với những giấc ngủ ban đêm, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời của trẻ. Giấc ngủ trưa sẽ giúp cơ thể của con được nghỉ ngơi, thư giãn, đây được xem là “thời điểm vàng” cho sự trao đổi chất được diễn ra nhanh hơn. Từ đó, chúng sẽ tạo tiền đề cho bé phát triển tốt về cả chiều cao, nâng nặng và sức khỏe nhờ vậy cũng được ổn định hơn rất nhiều.
Đối với những đứa trẻ không đảm bảo được chất lượng của giấc ngủ trưa hoặc không ngủ trưa thường xuyên sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất. Điều này ảnh hưởng đến việc giải phóng năng lượng khiến trẻ trở nên trì trệ, gây khó khăn cho việc tiêu hao calo trong cơ thể. Về lâu dài, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng kém dần đi, đồng nghĩa với việc ăn được nhưng không lớn nhanh và phát triển tốt.
Giúp bé nhanh nhẹn hơn
Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ trưa sẽ giúp con phát triển nhanh hơn trong việc học các kỹ năng cầm, nắm đồ vật. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ học được kỹ năng cầm, nắm nhanh và sớm càng chứng tỏ não bộ và hệ thần kinh của con đang phát triển rất tốt. Đây được xem là một trong những dấu hiệu rất quan trọng trong những năm tháng đầu đời.
Khả năng cầm, nắm sẽ giúp bé yêu hoàn thiện hơn trong hệ thần kinh trung ương, nâng cao các giác quan (xúc giác, thị giác, thính giác) và phòng tránh được rất nhiều những căn bệnh hội chứng khuyết tật về tâm thần, trí tuệ.
Cách giúp con yêu có chất lượng giấc ngủ tốt hơn
Sau khi đã nắm được tầm quan trọng của giấc ngủ trưa đối với bé yêu, chắc hẳn mẹ cũng sẽ muốn tìm cách giúp con yêu có được một giấc ngủ trưa chất lượng và đầy đủ. Hãy tham khảo và áp dụng một số mẹo sau đây nhé:
Giúp con xác định thời gian ngủ trưa
Trong những lần đầu tiên chưa nắm được chu trình ngủ của con, mẹ cần sắp xếp cho bé đi ngủ khi con có những dấu hiệu như ngáp, mắt hơi “híp”, dụi mắt, cáu gắt… Với những lần sau, mẹ nên lưu ý những dấu hiệu này cũng như thời gian ngủ để nắm được chu kỳ giấc ngủ. Từ đây, mẹ sẽ xác định được khoảng thời gian ngủ trưa lý tưởng của bé. Tốt nhất là mẹ nên cho trẻ lên giường sớm hơn thời gian trẻ có dấu hiệu buồn ngủ khoảng 20 phút.
Tập cho con có thói quen tự ngủ
Với những bé sơ sinh, mẹ cần phải nắm rõ hơn tầm quan trọng của giấc ngủ trưa. Vì trẻ trong độ tuổi nhũ nhi thường sẽ ngủ thiếp dần đi trong khi bú. Việc này sẽ hình thành cho bé thói quen chỉ ngủ sau khi được bú no. Bố mẹ nên tập cho con thói quen tự ngủ bằng cách tách biệt việc bú và ngủ bằng những hoạt động khác như cho bé nằm chơi, đọc sách cho con nghe… Để giúp con hình thành được thói quen tự ngủ mà không cần phải lúc nào cũng có mẹ cũng không nên bế bé mãi trên tay khi ru ngủ.
Cân đối thời gian ngủ cho con
Mỗi đứa trẻ sẽ có những thời lượng giấc ngủ cũng như chu kỳ thức – ngủ khác nhau. Vì thế, bố mẹ không nên so sánh giấc ngủ của con với những bé khác. Để cho con có được một chất lượng giấc ngủ đầy đủ, ổn định, con yêu cần những giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Tùy theo độ tuổi và thói quen của mỗi bé sẽ có những quãng thời gian ngủ khác nhau. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ ngủ nhiều vào ban ngày, càng lớn hơn, trẻ sẽ ngủ nhiều hơn vào ban đêm và thời gian ngủ ngày cũng sẽ được giảm xuống. Giấc ngủ ban đêm sẽ kéo dài hơn khi con được 6 tháng tuổi.
Tuy nhiên, bạn chỉ cần hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ và cân đối thời gian ngủ ổn định cho con là được. Nếu trẻ có chu kỳ giấc ngủ khác với những đứa trẻ khác, bố mẹ cũng không cần quá lo lắng.
Xây dựng thời gian ngủ cho con
Để trẻ đi ngủ đúng giờ giấc cố định mỗi ngày, bạn nên tập cho con ngủ ngắn vào buổi trưa. Mẹ có thể để trẻ ngủ ở những vị trí quen thuộc như cũi, nôi, giường… Ngoài việc cho trẻ tự đi ngủ vào một khung giờ cố định trong ngày, bạn cũng tạo thói quen ra hiệu cho trẻ biết rằng khi được đặt vào đây là đã đến giờ đi ngủ. Xây dựng thời gian biểu cho giấc ngủ sẽ giúp con tránh được tình trạng rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức chơi.
Một số lưu ý khi xây dựng thói quen ngủ trưa cho con
- Khi đã hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ trưa, mẹ hãy tạo cho trẻ một không gian yên tĩnh, mát mẻ và thoải mái, giúp con đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
- Bên cạnh đó, vị trí ngủ của trẻ cũng phải được đảm bảo an toàn, con có thể ngủ duỗi thẳng tay, chân. Đồng thời, để tránh những nguy hiểm không lường trước được, bố mẹ nên cho con ngủ ở những nơi thoải mái như cũi, nôi, giường…
- Để trẻ được ngủ lâu hơn, cha mẹ cũng có thể tìm hiểu những lý do tại sao con hay giật mình tỉnh giấc. Ví dụ như kiểm tra nhiệt độ phòng, con có bị con gì đốt/cắn hay không, tã của con có đầy không… Từ đây khắc phục cho những lần sau, giúp con ngủ được trọn vẹn hơn.
- Khi bé đang ngủ, mẹ tuyệt đối không nên đánh thức trẻ. Đồng thời, mẹ luôn phải quan sát, để mắt tới trẻ khi con đang ngủ tạm thời ở một ví trí nào đó.
- Nếu như trẻ đang không buồn ngủ, mẹ đừng ép trẻ đi ngủ. Bởi lẽ, những giấc ngủ trưa trong tâm lý không “đồng tình” này thường dễ làm trẻ cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy.
- Một giấc ngủ trưa vừa đủ sẽ giúp cải thiện tâm trạng, khởi động lại tinh thần và sức khỏe. Tuy nhiên mẹ không nên cho trẻ ngủ quá nhiều vì sẽ làm con mất ngủ vào ban đêm.
Mẹ thấy đấy, giấc ngủ trưa cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của con yêu. Vì thế, hãy xây dựng cho con thói quen tự ngủ trưa đúng giờ. Chỉ cần là một giấc ngủ ngắn thôi cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho con rồi đấy!
Hy vọng qua bài viết trên, Mẹ và Con đã giúp mẹ hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ trưa đối với bé yêu. Chúc mẹ áp dụng thành công và bé yêu luôn phát triển khỏe mạnh nhé!