Mẹ và Con - Dù bên ngoài xã hội có thét ra lửa, được nhiều người tôn trọng nhưng có nhiều người vẫn không thể trò chuyện với con cái của mình... Có lẽ, đây cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều phụ huynh hiện nay...

Trên thực tế là không có quá nhiều bố mẹ có thể trò chuyện với con cái của mình. Những đoạn hội thoại thường chỉ vỏn vẹn vài câu rồi kết thúc khiến bố mẹ chẳng thể hiểu được con cái, con cái thì ngày càng xa cách với bố mẹ…

Tranh thủ thời gian trò chuyện với con, nhưng không thể…

Chị T. có con đang học lớp 7 tại 1 trường trung học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm học, con gái của chị hầu như ở trường cả ngày. Sáng thì đi học chính quy, chiều học thêm, tối lại tham gia các lớp năng khiếu khiến những cuộc trò chuyện của chị với con chỉ dừng lại ở việc ngày mai con học môn gì, lần kiểm tra trước điểm như thế nào, sắp đến ngày đóng học phí.

Vì vậy, chị tranh thủ những ngày con nghỉ hè ở nhà, có nhiều thời gian rảnh hơi để trò chuyện với con nhưng cứ mỗi lần mẹ mở lời là con gái chị lại có biểu hiện lảng tránh. Lúc thì con mở điện thoại lên chơi game, lúc thì con đi tắm, lúc lại bảo muốn ra công viên chạy bộ,… Thậm chí nhiều lúc chị thấy con mình đang bấm điện thoại nhưng khi chị vào phòng, con lại giả vờ ngủ khiến chị chẳng thể nào có cuộc trò chuyện với con nghiêm túc.

Chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội, chị T. cho biết, mình là trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp cũng tầm cỡ, nhân viên nghe lời răm rắp. Ấy thế mà con cái thì lại chẳng thể nói được một vấn đề nghiêm túc với con.

Và khi chia sẻ câu chuyện trên, chị T. nhận được nhiều sự đồng cảm bởi có rất nhiều phụ huynh hiện nay không thể trò chuyện với con. Chị B.A ở Biên Hòa để lại bình luận: “Thằng con trai đang học lớp 8 của em cũng vậy thôi. Mẹ hỏi gì là lại gắt lên. Riết em không thèm hỏi nữa.”

Và có rất nhiều phụ huynh không thể trò chuyện, tâm sự và làm bạn với con của mình. Liệu có cách nào để “gỡ rối” trong trường hợp này?

Trò chuyện với con

Vì sao con cái thường tránh né khi bố mẹ trò chuyện với con?

Một hiện thực dễ thấy hiện nay chính là những đứa trẻ luôn không hợp tác khi bố mẹ ngỏ ý muốn trò chuyện với con. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân như:

Bố mẹ độc đoán

Trong nhiều gia đình, bố mẹ quen với suy nghĩ mình là người lớn nên mình luôn đúng, còn trẻ con thì không biết gì và không có quyền ý kiến. Vì vậy, mỗi lần trẻ đặt vấn đề thì bố mẹ đều bác bỏ và không đồng tình với trẻ. Tình trạng này xảy ra nhiều lần khiến trẻ nghĩ rằng, mình có nói chuyện với bố mẹ của mình thì cũng không thể giải quyết được vấn đề gì, vì vậy không cần phải nói nữa.

Khi cảm thấy bố mẹ quá độc đoán, chỉ thích mọi người và đặc biệt là con cái theo suy nghĩ của mình thì khi bố mẹ muốn trò chuyện với con, trẻ sẽ từ chối.

Muốn có không gian riêng

Điều này thường gặp ở trẻ đã bước vào độ tuổi dậy thì. Lúc này, con ý thức mạnh mẽ về những vấn đề cá nhân, riêng tư và không muốn chia sẻ quá nhiều cảm xúc của mình với bất cứ ai.

Nếu bạn liên tục “hỏi cung” con những vấn đề như con có bạn trai/bạn gái chưa, con có còn chơi với bạn A không, con có thích bạn B không,… thì trẻ sẽ cảm thấy khó chịu vì mình bị xâm phạm không gian riêng tư, từ đó không muốn nói chuyện với bố mẹ của mình.

Đề cập đến những vấn đề trẻ không thích

Một lý do khiến bạn khó nói chuyện với con chính là bạn cứ liên tục đề cập đến những vấn đề mà trẻ không thích, chẳng hạn như sao dạo này con lại học kém đến thế. Khi bạn cứ nói những vấn đề mà con không thích nghe, không thích thảo luận thì con sẽ không nói chuyện với bạn. Đây là tâm lý chung của mọi người và cũng là một vấn đề mà bạn cần tránh đấy nhé!

Không đề cập đến những vấn đề trẻ không thích

Sự xa cách giữa bố mẹ và con cái

Trò chuyện với con thường xuyên sẽ giúp bố mẹ và con cái gần gũi với nhau hơn và ngược lại, bố mẹ càng thân thiết với con thì càng dễ trò chuyện với con. Vì thế, nếu từ trước bố mẹ và con cái đã ít nói chuyện với nhau, không có sự quan tâm hay thân thiết với nhau thì sẽ thật khó để bắt đầu một câu chuyện mới với con.

Tâm lý chống đối

Đây là một tâm lý thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì. Lúc này, do đang trong giai đoạn hoàn thiện tính cách nên trẻ dễ xảy ra tâm lý chống đối, làm ngược lại những gì mà bố mẹ nói. Lúc này, bạn càng cố trò chuyện với con thì con sẽ càng phản ứng ngược lại, tránh xa bạn.

Bí quyết để bố mẹ trò chuyện với con dễ dàng hơn

Làm bạn với con, trò chuyện với con, nghe thật dễ nhưng lại thật khó. Nhiều người có thể kết bạn, ngoại giao rất tốt, nhưng lại chẳng thể cùng con cái của mình tâm tình dù chỉ là vài câu. Vậy, nếu muốn trò chuyện với con thì cần có “bí quyết” gì?

Tạo những hoạt động trước cuộc trò chuyện với con

Trước khi mở lời với con, bạn có thể tạo những hoạt động như cùng con xem phim, đọc sách, tham gia các hoạt động khác để có sự liên kết nhất định với con. Việc này giúp bạn trò chuyện với con dễ dàng hơn rất nhiều.

Bí quyết để bố mẹ trò chuyện với con dễ dàng

Không công kích cá nhân – nguyên tắc cần nhớ khi trò chuyện với con

Cho dù đó là sự công kích đối với bé hay bạn bè của bé thì cũng tuyệt đối không nên bạn nhé! Khi trò chuyện với con, thay vì đưa ra những lời nói mang tính xúc phạm hoặc công kích như “sao con học ngu thế”, “không có đứa trẻ nào lười như con cả”, “đám bạn của con toàn là những đứa trẻ hư”,… thì hãy đưa ra những lời nói có tính xây dựng và cổ vũ hơn.

Trẻ em rất dễ tiêu cực hóa mọi thứ. Khi bị bố mẹ công kích, trẻ sẽ bị tổn thương lòng tự trọng của mình cũng như mất đi sự tự tin. Lâu dần, trẻ không còn nhu cầu nói chuyện với bố mẹ và cũng không còn tin vào khả năng của bạn nữa.

Xem thêm:

Vì thế, thay vì hỏi “Sao con suốt ngày cứ ủ dột như vậy, không vui lên được sao?”, bạn có thể tìm cách nói nhẹ nhàng hơn như là “Trông con hôm nay có vẻ buồn thế, bố mẹ có thể chia sẻ điều gì với con không?” hay đơn giản chỉ là “Trông con đang buồn, nếu có gì hãy nói với bố mẹ nhé, bố mẹ luôn ở bên con”.

Thay vì vội vã kết luận, đưa ra những câu nói công kích thì việc tìm ra nguyên nhân hay đơn giản là chia sẻ, an ủi, thể hiện sự lắng nghe với trẻ sẽ có hiệu quả hơn, giúp bạn dễ dàng trò chuyện với con hơn.

Không áp đặt trong những cuộc trò chuyện với con

Vì là người lớn nên chúng ta thường có tâm lý áp đặt lên con cái của mình vì cho rằng những điều bố mẹ làm cũng chỉ vì muốn tốt cho con. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho con chính là trò chuyện với con, lắng nghe con, hiểu được con đang cần gì, muốn gì, gặp vấn đề gì.

Với mỗi cuộc trò chuyện, hãy dạy trẻ sự tôn trọng và đừng áp đặt con phải làm theo điều a hay điều b mà hãy hỏi suy nghĩ của con về vấn đề này như thế nào, theo con thì nên giải quyết làm sao. Nếu bạn muốn góp ý với trẻ, hãy cẩn thận trong việc dùng từ ngữ bởi trẻ rất nhạy cảm và dễ cho rằng bố mẹ ép mình phải làm điều này điều kia.

Trong cuộc trò chuyện với con, hãy chọn cách nói kiểu theo bố/mẹ thì nên làm như thế nào và giải thích cho con biết lý do tại sao để con được thuyết phục mà không thấy bản thân mình phải miễn cưỡng làm theo mong muốn của người lớn.

Không áp đặt trong những cuộc trò chuyện với con

Lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn

Trong một buổi trò chuyện với con, hãy đóng vai một người lắng nghe thay vì một người nói. Tâm lý trẻ em khi trò chuyện với bố mẹ đều mong mỏi được nói ra cảm nghĩ, tâm tư nguyện vọng của mình thay vì đó chỉ là đoạn đối thoại một chiều, trẻ phải ngồi im và nghe bố mẹ trò chuyện.

Vì thế, nếu cảm thấy khó khăn trong việc trò chuyện với conc ái của mình, bạn có thể xem lại liệu bạn có thật sự lắng nghe con hay chưa, trong cuộc trò chuyện đó thì ai là người nói nhiều hơn và ai mới là người thật sự lắng nghe.

Xây dựng thói quen trò chuyện với con mỗi ngày

Nếu muốn trẻ thoải mái chia sẻ với bố mẹ thì trước tiên, phải tạo cho trẻ thói quen có thể nói chuyện và bày tỏ quan điểm cùng với bố mẹ của mình. Hãy cố gắng bằng việc mỗi ngày đều trò chuyện với con ít nhất 10 phút để con quen dần với việc cùng trao đổi với bố mẹ.

Xây dựng thói quen trò chuyện với con

Có thể trong thời gian đầu, trẻ sẽ còn rất ngượng ngùng, không muốn nói chuyện nhưng nếu bạn cứ kiên nhẫn làm điều này hằng ngày thì lâu dần sẽ tạo thành một thói quen và lúc này, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Hãy nhớ, “kiên nhẫn” chính là chìa khóa để bạn có thể chinh phục được chính những đứa con của mình.

Bắt đầu bằng những gì khiến con thấy thoải mái

Nếu bạn bắt đầu bằng câu hỏi “Hôm nay con kiểm tra được mấy điểm” thì chắc chắn kết quả của cuộc trò chuyện sẽ chẳng đi về đâu. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu bằng câu hỏi “Hôm nay mẹ thấy idol của con vừa ra MV ca nhạc mới, lát hai mẹ con mình cùng xem nhé!” thì mọi chuyện sẽ khác.

Việc nói về một chủ đề mà con quan tâm, một chủ đề khiến con cảm thấy thoải mái sẽ giúp bạn và con dễ dàng có sự kết nối với nhau hơn. Lúc đó, trẻ sẽ dễ mở lòng hơn để tâm sự cùng bố mẹ. Và khi có được sự thân thiết với con thì việc bạn đề cập đến những chủ đề khác cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều đấy nhé!

Không nổi nóng khi trò chuyện với con

Đã bao giờ bạn cảm thấy bực bội, khó chịu hay thậm chí là tức giận khi nghe con nói đến một vấn đề nào đó mà không đúng với ý mình hoặc bạn biết chắc rằng điều này là sai? Dĩ nhiên, việc này vô cùng dễ hiểu vì đây là tâm lý chung của chúng ta.

Tuy nhiên, việc bạn nổi nóng với con sẽ khiến khoảng cách giữa bạn và con ngày càng xa hơn. Trẻ sẽ sợ sệt việc trò chuyện cùng với bố mẹ của mình và tránh né những cuộc trò chuyện về sau.

Không nổi nóng khi trò chuyện với con

Để trò chuyện được với con cái thật sự cần cả một nghệ thuật bởi những đứa trẻ đang trong giai đoạn khôn lớn và trưởng thành có thế giới nội tâm vô cùng phong phú mà đôi khi chính bố mẹ cũng không thể nào hiểu được. Vì thế, hãy cứ kiên nhẫn và từ từ trò chuyện với con, đừng nôn nóng và cũng đừng cảm thấy khó hiểu nếu như con tỏ thái độ không hợp tác bạn nhé! Sẽ mất rất nhiều thời gian để một đứa trẻ đang trong “tuổi ăn tuổi lớn” mở lòng và tin tưởng vào bố mẹ của mình đấy.

Bài viết liên quan

con riêng của chồng

9 cách giúp mẹ kế xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con riêng của chồng

Mẹ và Con - Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao con riêng của chồng lại ghét tôi ngay cả khi tôi cố gắng trở thành một người mẹ tốt?” Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mối quan hệ với con riêng của chồng lại gặp nhiều trục trặc đến vậy và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tích cực với con riêng của chồng bạn nhé!