Mẹ và Con - Văn hóa ứng xử sau ly hôn của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và tâm lý của con cái. Vì thế, những người làm bố, làm mẹ cần chọn cho mình cách ứng xử phù hợp nhất để tránh làm tổn thương trẻ sau khi đường ai nấy đi...

Những ngày đầu chung sống, ai cũng muốn có một cuộc hôn nhân thiên trường địa cửu. Tuy nhiên, đôi khi cuộc sống lại chẳng như những gì chúng ta mong đợi. Vì một lý do nào đó, bạn và người bạn đời của mình chẳng còn chung chí hướng, chung chí tưởng và buộc phải cho nhau lối đi riêng. Dĩ nhiên, khi chia tay, bạn và người ấy đều ít nhiều chịu tổn thương. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phớt lờ những nguyên tắc ứng xử sau ly hôn, đặc biệt là với con cái của mình. Bởi lẽ, trong chuyện hợp tan này, những đứa trẻ hoàn toàn vô tội và đừng vì chuyện tình cảm chẳng thành mà bỏ rơi chính những giọt máu của mình…

Bố mẹ cần có nguyên tắc ứng xử sau ly hôn

Những đứa trẻ không phải là “công cụ” để trả thù nửa kia…

Sau khi đưa đơn ly hôn, Tòa án sẽ dựa theo điều kiện kinh tế và các yếu tố khác như sức khỏe của bố hoặc mẹ, nguyện vọng của con, độ tuổi của con,… để quyết định con sẽ ở với bố hay với mẹ. Và cho dù trẻ có ở với ai đi chăng nữa, đừng bao giờ ngăn cản con gặp người còn lại hay không nhận phụ cấp, cấm đoán con nhận bố/mẹ.

Chúng ta xem đây như một cách để trả thù đối phương. Đặc biệt với những người ly hôn do đối phương phản bội mình, làm mình tổn thương thì việc giành quyền nuôi con và ngăn cấm con gặp bố hoặc mẹ của chúng chính là một cách để khiến đối phương phải ân hận.

Nhưng liệu đây có phải là một cách ứng xử sau ly hôn phù hợp? Dĩ nhiên, câu trả lời là không… Trẻ con không phải công cụ để chúng ta có thể sử dụng cho việc trả thù của mình. Hơn nữa, chúng chẳng có lỗi để phải sống thiếu bố hoặc mẹ. Chúng hoàn toàn có quyền được biết, được gặp mặt và được yêu thương, được chăm sóc bởi đáng sinh thành của mình. Việc mang con ra để trả thù chẳng khác nào bạn đang tự tay giết chết tuổi thơ và niềm vui của con cả.

ứng xử sau ly hôn như thế nào

Việc gieo vào đầu con những ý nghĩ xấu chưa bao giờ là cách ứng xử sau ly hôn văn minh

“Bố mày là một người chẳng ra gì, bỏ vợ con để theo người thứ 3.”

“Mẹ con có yêu thương gì con đâu, con không cần phải gặp mẹ.”

“Sao phải nhớ đến người phụ nữ tệ bạc đó, cô ta đã bỏ bố con mình mà đi.”

Đây là những câu nói vô cùng quen thuộc của những đôi vợ chồng đã đường ai nấy đi khi trò chuyện cùng con của mình. Bạn có thể chọn cho bản thân cách ứng xử sau ly hôn phù hợp, là bạn hoặc là người dưng đều được. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn thoải mái gieo vào đầu con những ý nghĩ, khái niệm xấu về bố hoặc mẹ của chúng.

Trẻ con là một tờ giấy trắng. Và con lớn lên với sự ngưỡng mộ đối với những người đã sinh ra mình. Do đó, việc bạn nói xấu đối phương trước mặt con sau khi ly hôn sẽ khiến con cảm thấy thất vọng và tổn thương khi chính phụ huynh của mình, chính người mà mình ngưỡng mộ lại không hoàn hảo như mình vẫn nghĩ. Vốn dĩ, việc bố mẹ chia tay đã để lại trong con quá nhiều nỗi đau, đừng để nỗi đau đó lại tăng lên thêm nữa bạn nhé!

Và xin hãy nhớ rằng, cho dù đối phương có làm gì có lỗi với bạn đi chăng nữa thì điều này không có nghĩa là họ không yêu thương con cái của mình. Do đó, hãy ứng xử sau ly hôn một cách đúng đắn và đừng gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực này vào đầu con bạn nhé.

Xin hãy ngừng để con gánh chịu nỗi đau của mình

Nhiều người sau khi ly hôn thường cảm thấy tổn thương, buồn khổ và trút hết hoàn toàn nỗi đau này lên con cái bằng cách đánh đập, mắng nhiếc, ngược đãi con vì cho rằng con đang mang trong mình giọt máu của người ấy. Chuyện hôn nhân “cơm không lành, canh không ngọt” dẫn đến quyết định ly hôn là chuyện của bố mẹ và những đứa trẻ thì hoàn toàn vô tội.

bố mẹ ly hôn

Sẽ không có lý do gì để chúng ta chọn cách để con gánh chịu nỗi đau như một giải pháp ứng xử sau ly hôn để xoa dịu nỗi đau của người lớn. Chúng ta có quyền đau, có quyền tức giận, nhưng chúng ta không có quyền vì nỗi đau của mình mà gây nên tổn thương cho người khác.

Và chắc chắn rằng, việc trút giận lên con cũng sẽ không thể giúp bạn quên đi những vết thương mà cuộc hôn nhân này đã để lại. Càng ứng xử sau ly hôn một cách tiêu cực thì bạn càng trở nên khó chịu. Càng đánh con thì bạn càng tự xé toạc nỗi đau của mình ra và để những cảm xúc ngày một tồi tệ thêm mà thôi…

Đừng quên yêu thương con

Sau khi ly hôn, bố mẹ hoàn toàn có thể bước thêm một bước nữa, có người bạn đời mới và có một gia đình nhỏ cho riêng mình. Nhưng xin đừng vì vậy mà quên rằng, những đứa con thơ dại cũng rất cần được yêu thương, quan tâm và chăm sóc.

Trẻ con cũng có cảm xúc, cũng biết suy nghĩ, biết tủi thân. Việc lớn lên trong sự lạnh lùng, không quan tâm từ bố mẹ cộng với việc không có cuộc sống gia đình trọn vẹn sẽ khiến con mặc cảm với bạn bè của mình. Trẻ xứng đáng được bù đắp nhiều hơn, được yêu thương nhiều hơn, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của những người làm bố làm mẹ.

yêu thương con

Văn hóa ứng xử sau ly hôn của bố mẹ quyết định rất nhiều đối với cuộc sống của con trẻ

Nhìn chung, việc những người bố, người mẹ lựa chọn cách ứng xử sau ly hôn như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của những đứa trẻ. Sau khi đường ai nấy đi, việc bố mẹ chọn cách ứng xử như thế nào sẽ quyết định đời sống, thể chất và tâm lý của trẻ.

Việc không có một mái ấm trọn vẹn đã khiến những tâm hồn trẻ thơ non nớt phải gánh chịu nỗi đau khó quên. Nhưng nếu có thể chứng kiến bố mẹ làm bạn văn minh sau ly hôn, vẫn có thể cùng con đón những sự kiện quan trọng trong cuộc đời hay chí ít vẫn đồng ý cho con gặp đối phương, vẫn chào hỏi nhau như hai người bạn sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Và hơn hết, con cũng học được văn hóa ứng xử từ chính bố mẹ của mình, trở thành một người văn minh như chính bố mẹ của mình vẫn đang làm.

Ngược lại, nếu chúng ta xem nhau là kẻ thù sau khi ly hôn và trút hoàn toàn nỗi đau đó lên con bằng đòn roi, bằng sự chì chiết, bằng những hình thức cấm đoán hay bỏ mặc, tuổi thơ của trẻ sẽ chẳng thể hoàn thiện và lành lặn. Sẽ thật bất hạnh khi con sinh ra và sau đó hứng chịu những cảm xúc tức giận từ chính đấng sinh thành của mình. Hãy nhớ, trẻ con không có lỗi và chọn cách ứng xử sau ly hôn thật văn minh, không để trẻ phải có thêm bất kỳ tổn thương nào từ chính sự ích kỷ chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình từ người lớn.

gia đình

Trong quá trình chung sống, sự bất hòa có thể dẫn đến ly hôn. Đây là điều không ai muốn và việc trẻ tổn thương là điều khó tránh khỏi… Tuy nhiên, hãy chọn cách ứng xử sau ly hôn thật văn minh để con có thể lớn lên bên sự ấm áp và yêu thương của bố mẹ, dù cho mái nhà chung đã không còn trọn vẹn như trước bạn nhé!

Bài viết liên quan

con riêng của chồng

9 cách giúp mẹ kế xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con riêng của chồng

Mẹ và Con - Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao con riêng của chồng lại ghét tôi ngay cả khi tôi cố gắng trở thành một người mẹ tốt?” Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mối quan hệ với con riêng của chồng lại gặp nhiều trục trặc đến vậy và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tích cực với con riêng của chồng bạn nhé!