Trẻ em đánh nhau ở các cấp tiểu học, trung học có khác nhau hay không? Liệu người lớn chúng ta có cần can thiệp sớm để ngăn chặn tình trạng này không, hay cứ để trẻ tự giải quyết những mâu thuẫn của chúng với nhau theo bản năng? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Lí do trẻ em đánh nhau là gì?
Trẻ em đánh nhau trong trường là vấn đề mà hầu hết các bậc phụ huynh và thầy cô đều quan tâm, nhưng không phải ai cũng hiểu được thực hư câu chuyện 100%. Dưới góc độ tâm lý, khi các vụ bạo lực học đường xảy ra, chúng ta cần xác định mức độ cụ thể để có những biện pháp ngăn cản phù hợp. Một số mức độ cụ thể như sau:
- Trẻ em đánh nhau ngẫu nhiên do nô đùa quá trớn, xô ngã, phản ứng tư vệ…
- Khởi nguồn từ tranh cãi nhất thời, sau đó to tiếng và dẫn đến đánh nhau do thiếu kiềm chế.
- Đánh nhau do bị chế giễu, bị trêu chọc.
- Hành vi đánh nhau để làm hại bạn học có mục đích, có tổ chức như lên kế hoạch chặn đường, ghi hình đe dọa, tống tiền…
- Đánh bạn học như một loại tâm lý khoái cảm với những lý do “bé tẹo”, lãng xẹt.
- Đánh mạnh vào bạn, hành hạ theo kiểu nhục hình…
Trong các nhóm mức độ phía trên, 3 nhóm đầu tiên có thể chỉ bị giáo viên nhắc nhở, phê bình… nhưng với những trường hợp này sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả mọi chuyện đi quá xa. Bên cạnh đó, 3 nhóm còn lại cần phải giúp cho học sinh phải biết lỗi của mình một cách tự giác, biết xin lỗi thật tâm và biết chuộc lỗi với người bị tổn thương.
Làm gì khi trẻ đánh bạn trong trường?
Cho con biết hậu quả của bạo lực
Nếu trẻ bắt đầu ném các đồ vật vào người bạn, hãy đưa con ra ngoài và nhắc nhở, phạt nhẹ con. Nói với trẻ rằng con chỉ được quay lại chơi cùng bạn khi con bình tĩnh, chịu xin lỗi và không đánh bạn nữa.
Giữ bình tĩnh
Khi đến đón con tan trường, bạn vô tình thấy trẻ đang đánh nhau với những đứa trẻ khác, đừng vội tức giận mà đánh mắng trẻ vì điều này chỉ làm cơn tức giận của con trở nên dữ dội hơn mà thôi.
Khi trẻ đang tức giận và đánh một đứa trẻ khác đang đứng “chịu trận”, bạn lại càng phải cần bình tĩnh, xin lỗi phụ huynh trẻ bị đánh và đưa con về. Sau đó bạn hãy hỏi con lý do vì sao con lại đánh bạn, dạy trẻ kiểm soát cảm xúc để làm chủ được cảm xúc của bản thân.
Can thiệp ngay khi thấy trẻ em đánh nhau
Khi nhìn thấy trẻ em đánh nhau, đặc biệt là con mình và bạn học đang dùng bạo lực để “trừng trị” nhau, hãy can thiệp ngay lập tức, vì đây không phải là chuyện riêng của trẻ nữa rồi. Hãy kéo con ra khỏi cuộc tranh chấp đó và răng đe trẻ ngay lập tức.
Ngoài ra, nếu phát hiện ra khi đến trường trẻ cũng thường xuyên sử dụng bạo lực với bạn học, bạn cũng nên can thiệp ngay và không chờ đợi, không được nghĩ là chuyện “con nít” hoặc nghe trẻ hứa hẹn sẽ thay đổi đến khi chuyện lớn lên bạn mới “vào cuộc”.
Đừng để con quen thói dùng bạo lực, đặc biệt là đối với bạn bè trong trường hoặc chỗ con học, con chơi.
Rèn cho con biết cách thảo luận, giải quyết vấn đề
Trẻ em đánh nhau do bất đồng ý kiến và không biết cách giải quyết như thế nào nên cứ lao vào đánh nhau để phân thắng thua. Trong những trường hợp này, cha mẹ cần dạy trẻ cách đưa ra các đề nghị, thảo luận và tìm dạy trẻ cách giải quyết xung đột và kỹ năng ra quyết định.
Đầu tiên, cha mẹ có thể cùng trẻ phân tích tình huống tranh chấp bắt nguồn như thế nào, sau đó gợi ý cho trẻ đưa ra một loạt các giải pháp tối ưu nhất, ưu nhược điểm của từng cái này chọn giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Chỉ bảo con cách làm sao để cả đôi bên đều có lợi.
Tiếp theo, bố mẹ cũng cần dạy con những quy tắc về những điều con không được làm, ví dụ như la hét, khóc lóc ăn vạ, đánh bạn… vì những điều này không mang lại lợi ích gì.
Trở thành tấm gương sáng cho trẻ
Nói trẻ là bản sao của cha mẹ là không sai, con cái luôn quan sát bạn mọi nơi mọi lúc, chúng học rất nhanh những lời nói, ngôn từ và hành động của cha mẹ. Trẻ em như trang giấy trắng, con sẽ không biết đến khái niệm mắng chửi và đánh nhau nếu như con được lớn lên trong tình yêu thương, chứng kiến cha mẹ được yêu thương.
Vì thế, nếu trong đời sống hàng ngày, cha mẹ thường xuyên có mâu thuẫn, to tiếng, mắng chửi nhau hoặc thậm chí là động tay động chân thì trẻ em rất dễ học theo. Con nhỏ thường để ý cách cha mẹ phản ứng và hành động đáp trả như thế nào mỗi khi chúng tức giận và bất đồng ý kiến với điều gì đó. Có thể nói, lời nói của cha mẹ rất ảnh hưởng đến trẻ.
Nhìn chung, bạn cần phải trở thành tấm gương sáng cho con học theo, nói không với to tiếng và bạo lực. Cha mẹ cần phải học cách kiểm soát cơn tức giận, bình tĩnh và giải quyết vấn đề hợp lý. Đồng thời cũng ngăn cản những gì trẻ tiếp tiếp được từ sách báo, tivi, mạng xã hội…
Duy trì những kỷ luật
Trẻ em đánh nhau đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ bé, nhưng với trẻ những điều mà con đấu tranh không hề nhỏ bé. Nhưng không vì thế mà bạn bỏ qua những kỷ luật nghiêm khắc với trẻ mỗi khi con dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề.
Luôn áp dụng các biện pháp kỷ luật đã thảo luận cùng con trước đó, duy trì điều này cho dù trẻ có đang ở nơi công cộng. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, nếu con đã nguôi giận, ngoan ngoãn và biết cách cư xử, con sẽ được quay lại chơi với mọi người.
Quan tâm con nhiều hơn
Có thể những hành vi bạo lực của con xuất phát từ việc bị cha mẹ bỏ lơ, không nhận được quan tâm nên phát sinh thành những vấn đề tâm lý khiến con bức bối và giải tỏa ngay khi có lý do. Vì thế, hãy luôn quan tâm và khen ngợi trẻ khi con làm được một việc tốt gì đó, điều này như khuyến khích trẻ hãy tích cực làm nhiều việc tốt hơn.
Trẻ cần học được cách yêu thương bản thân và yêu thương mọi người nhiều hơn, biết được cách kiểm soát cơn tức giận và làm nhiều việc tốt để thu hút được sự chú ý của bạn bè, cha mẹ thay vì dùng bạo lực với bạn học khác.
Nhận lời khuyên từ bác sĩ tâm lý
Nếu tình trạng trẻ em đánh nhau không chấm dứt mặc dù bạn đã hết mực làm mọi cách với con, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý. Có thể bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra lý do tại sao trẻ lại có những cư xử bạo lực như vậy, những hành vi này có khiến trẻ thoải mái hơn không hay đơn thuần trẻ chỉ nghĩ rằng nó sẽ giải quyết được vấn đề.
Từ đó bác sĩ sẽ đưa các phương pháp để giúp con không đánh mất lý trí mỗi khi tức giận và kiểm soát được nó.
Trẻ em đánh nhau không phải lúc nào lý do cũng bắt nguồn từ lỗi sai của con bạn, nhưng trừ khi con tự vệ với những bạo lực quá đáng trước, thì nếu con xuống tay trước với bạn, trẻ sẽ bị mặc định là sai hoàn toàn khi bị đưa ra xét xử. Hãy dạy trẻ dùng lý trí một cách khôn ngoan hơn là dùng nắm đấm bạn nhé!