Mẹ&Con - Khi con là nạn nhân của bạo lực học đường hiện nay, bố mẹ nên xử trí thế nào để bảo vệ trẻ một cách tốt nhất? Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Bạo lực học đường hiện nay thường xảy ra ở trẻ từ 11-18 tuổi. Bởi lúc này tâm sinh lý các em đang có nhiều thay đổi theo xu hướng: thích được thể hiện cá tính, thích được mọi người chú ý, tò mò và thích thử nghiệm những điều mới, đặc biệt là những điều cấm….Vậy nên, các em thường dễ sa lầy, nổi loạn và thực hiện các hành vi bạo lực học đường. Con cái chúng ta lúc nào cũng có thể trở thành người thực hiện hành vi hoặc là nạn nhân của bạo lực học đường. Sẽ ra sao nếu bé nhà bạn là nạn nhân? Đâu là những dấu hiệu để phát hiện ngay từ sớm?

Nạn bạo lực học đường

Dấu hiệu nhận biết con là nạn nhân của nạn bạo lực học đường hiện nay?

Khi là nạn nhân của bạo lực học đường trẻ thường không tự mình nói ra mà có xu hướng chịu đựng. Vì vậy, bạn nên quan sát thật kỹ những biểu hiện của trẻ. Cụ thể như:

– Điểm số giảm rõ rệt

– Không muốn đến trường

– Thay đổi đường đến trường

– Xuất hiện các vết thương, bầm tím không rõ nguyên nhân

– Sợ hãi mạng xã hội

– Quần áo, sách vở, đồ dùng học tập bị mất, rách, hư hỏng

– Sinh hoạt bất thường, kém ăn, khó ngủ hoặc ngủ li bì

– Sức khỏe thay đổi, dễ bị hoảng loạn (la hét, ác mộng, giật mình)

– Từ chối chia sẻ về bạn bè hay các hoạt động diễn ra tại trường lớp

– Từ chối tham gia các hoạt động của gia đình, nhà trường, cô lập bản thân 

– Buồn bã, tức giận, lo âu, sợ hãi sau khi nhận được một cuộc điện thoại, email hoặc tin nhắn

– Xin nhiều tiền tiêu hơn quy định mà không giải thích rõ lý do

– Tự làm đau bản thân hoặc đề cập đến việc muốn tự tử

Làm gì khi phát hiện con là nạn nhân của bạo lực học đường?

Khi đã khẳng định con là nạn nhân của bạo lực học đường hiện nay, bố mẹ thường dễ mất bình tĩnh, tức giận. Nhưng bạn cần bình tĩnh để suy xét mọi việc và giải quyết tận gốc rễ. Đầu tiên, bạn nên nói chuyện với trẻ. Hãy tìm một không gian yên tĩnh, thân thuộc và cho con cảm giác an toàn để nói chuyện. Tuyệt đối đừng chọn quán cà phê, trước cổng trường, ở nhà ông bà, chỗ đông người…

Bố mẹ không nên sử dụng những câu hỏi như “Con có bị đánh không? Có phải bạn A đánh con không?” thay vào đó là các câu hỏi gợi mở để con chia sẻ thông tin như là “Sự việc xảy ra từ khi nào? Sự việc diễn ra như thế nào? Con cảm thấy ra sao? Những gì con muốn làm để giải quyết sự việc? Làm thế nào để bố mẹ giúp con?”…

Nạn bạo lực học đường hiện nay: Làm sao để biết con có là nạn nhân hay không?

Khẳng định với con rằng, con sẽ không phải đương đầu một mình:

Khi phát hiện tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra với chính con của mình, bố mẹ cần khẳng định với con rằng người lớn sẽ luôn bên con. Đây là điều quan trọng để ổn định nỗi sợ trong bé, từ đó con sẽ dễ dàng mở lòng hơn. Giải thích cho con về hệ thống bảo hộ trường học, những mức phạt đối với những hành vi bạo lực học đường để có thể hỗ trợ ngay khi con thông báo cho thầy cô.

Trao đổi với giáo viên:

Nếu trình trạng này vẫn tiếp diễn, hãy nói chuyện với giáo viên để họ lưu tâm tới tình trạng của con bạn. Từ đó, nhà trường mới có thể kịp thời can thiệp và giúp đỡ trẻ. Lưu ý khi nói chuyện với thầy cô cần cung cấp chính xác diễn biến sự việc với thái độ bình tĩnh. Đừng vội vàng đổ lỗi cho giáo viên hay nhà trường vì chính họ cũng chưa hẳn là  biết rõ sự việc và đang cần những thông tin đầu tiên từ phía gia đình.

Trực tiếp nói chuyện với phụ huynh của trẻ bắt nạt:

Sau khi phát hiện ra vấn đề của trẻ, bố mẹ nên cùng trao đổi với phụ huynh của trẻ bắt nạt con bạn để thông báo sự việc và tìm hiểu nguyên nhân để cả 2 gia đình đưa ra phương án thích hợp nhất. Bạn nên tránh vội vàng chuyển trường, chuyển lớp…vì đây không phải giải pháp tận gốc mà còn gây ám ám ảnh tâm lý cho trẻ sau này.

Dành nhiều thời gian bên con hơn, dạy con cách tự vệ:

Tình trạng bạo lực học đường hiện nay diễn ra ở nhiều trường học khác nhau. Cho nên, cách tốt nhất chính là bố mẹ nên dạy con cách tự vệ để thoát khỏi nguy hiểm. Bởi lẽ, kể cả trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường hay khi trưởng thành thì trẻ cũng sẽ ít nhiều gặp chuyện không như ý, tình huống bất lợi cho bản thân. Vậy nên việc dạy trẻ tự vệ, cứng cỏi và bản lĩnh cả thể xác và tinh thần mới là điều cần thiết nhất. 

Không ai muốn con cái trở thành nạn nhân của bạo lực học đường nhưng hãy luôn dạy trẻ cách tự vệ, rắn rỏi và mạnh mẽ. Đồng thời, bạn cũng cần phải quan tâm, chăm sóc và dành nhiều thời gian cho con hơn để phát hiện nhanh chóng khi có bất thường xảy ra nhé. 

Bài viết liên quan