Độ tuổi 0-6 là giai đoạn vàng định hình sự phát triển cả đời của trẻ. Não của các em bé sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên nếu được kích thích phù hợp thì con sẽ phát huy được tối đa tiềm lực của mình. Toán tư duy là một trong các bài tập hiệu quả giúp rèn luyện trí thông minh từ sớm cho bé.
Toán tư duy cho trẻ mầm non giúp bé mạnh dạn, tự tin hơn trong việc khám phá thế giới xung quanh. Tư duy toán học hay tư duy logic luôn là kỹ năng hàng đầu mà bất kỳ ai cũng cần được trang bị. Cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu và cùng con làm các dạng toán tư duy khác nhau để kích thích trí não bé phát triển.
Toán tư duy là gì?
Nghe tên thì bạn hẳn cũng có thể hình dung được tương đối về môn học này. Toán tư duy tập trung rèn luyện tư duy logic thông qua các bài tập liên quan đến số, phương trình, tính toán, hình học…
Mục tiêu chính là giúp trẻ suy nghĩ có hệ thống, hợp lý, biết cách tìm hiểu vấn đề, có tư duy giải quyết vấn đề hiệu quả. Toán tư duy cho trẻ mầm non không chỉ là các con số khô khan mà được kết hợp với các dụng cụ dạy nhiều màu sắc, hình ảnh, âm thanh sống động. Đây cũng là điều bạn nên chú ý để giúp bé phát triển cân đối ca bán cầu não trái lẫn phải một cách toàn diện.
Các dạng toán tư duy cho trẻ mầm non
Hiện nay có rất nhiều bài tập tư duy cho trẻ mầm non, có thể tạm chia thành các nhóm bài tập như sau:
Bài tập toán tư duy hình khối, màu sắc
Phát triển khả năng quan sát, ghi nhớ và phân biệt các chi tiết, màu sắc với nhau. Bé nhận biết được các hình khối cơ bản và cần phân biệt được to – nhỏ, cao – thấp, béo – gầy cũng như phân biệt được các màu sắc thường gặp.
Dạng bài toán tìm quy luật
Đối với toán tư duy cho trẻ mầm non thì nên cho bé làm quen với các quy luật quen thuộc trong đời sống. Chẳng hạn quy luật về các mùa, về sự chuyển động của mặt trời, về giờ phút, tháng năm…
Bạn cũng có thể cùng bé khám phá thiên nhiên, tìm quy luật màu sắc của cây cỏ, các loại lá cây, hoa trái…
Bài toán mê cung
Tìm đường trong mê cung sẽ rèn cho trẻ tính kiên nhẫn, tư duy nhanh nhạy cũng như có năng lực dự đoán tốt hơn. Bài tập này rất phù hợp cho các bé thiếu tính kiên nhẫn.
Bài tập so sánh, tìm số lớn nhất
Nhận biết con số là việc đầu tiên để bắt đầu học toán. Dùng số, đồ chơi, que đếm… để giúp con tập đếm. Sau đó dạy bé cách so sánh, tìm số lớn hơn, số bé hơn. Nên dùng ví dụ trực quan, sinh động như số bánh, kẹo, trái cây… thay vì số liệu khô khan.
Dạng bài khoanh tròn số đúng, số lớn nhất là dạng bài rèn luyện tư duy cực tốt. Để tìm được đáp án đúng bé phải có khả năng quan sát, nhận định và kiến thức để so sánh các số.
Nối hai vật liên quan, nối hai nửa đồ vật
Nối một đồ vật ở cột bên trái với một vật ở cột bên phải và nói lý do vì sao con lại chọn nối như thế. Đôi khi bạn sẽ ngạc nhiên vì sự sáng tạo và góc nhìn độc đáo của các bé. Ngoài ra nối hai nửa đồ vật cũng là bài tập thường gặp, giúp phát triển khả năng nhận biết, tưởng tượng cho trẻ.
Bài tập ghép tranh
Các bài tập tìm mảnh ghép còn thiếu, ghép các mảnh rời thành tranh hoặc tìm bóng của đồ vật. Bài tập này tăng cường khả năng quan sát và cảm nhận không gian cực kỳ tốt cho bé.
Có nên cho trẻ học toán tư duy từ sớm?
Mỗi dạng bài tập bên trên sẽ giúp phát triển những kỹ năng, kiến thức khác nhau nhưng đều cực kỳ quan trọng với mọi đứa trẻ. Việc cho bé tiếp xúc sớm với các bài tập này là rất cần thiết. Cha mẹ không cần lo lắng con gặp áp lực học tập bởi hầu hết các bài toán tư duy được thiết kế nhưng một trò chơi thú vị. Bé vừa chơi vừa học chính là cách tốt nhất để kiến thức được nạp tự nhiên vào não. Một số lợi ích thiết thực từ môn toán tư duy cho trẻ mầm non có thể kể đến là:
- Rèn luyện tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề: Bé được tiếp xúc với nhiều chất liệu, màu sắc, kiến thức mới và phải sáng tạo để tìm cách giải được bài toán.
- Phát triển năng lực quan sát: Trẻ có thể tập trung chú ý tìm đặc điểm giống nhau, tìm được các mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh. Kỹ năng này rất quan trọng vì sẽ giúp bé rèn khả năng tập trung cao độ làm việc, học tập sau này.
- Xây dựng nền tảng logic: Học toán là cách nhanh nhất để học được tư duy logic, lý tính, rõ ràng đâu ra đấy.
Nguyên tắc khi dạy toán tư duy cho trẻ mầm non
Khi dạy học cho trẻ, đặc biệt là trẻ mầm non, bạn cần chú ý những nguyên tắc quan trọng sau:
- Học phải vui, tuyệt đối không ép con học mà cần rèn ý thức học cũng như tính tích cực học tập ở bé.
- Các bài tập cần phù hợp với trình độ phát triển của trẻ.
- Đảm bảo tính khoa học, chính xác.
- Phải có sự trực quan, màu sắc, hình ảnh, sự vật để trẻ cầm nắm, thực hành.
- Đảm bảo các bài tập có tính hệ thống và theo trình tự phù hợp với trẻ nhỏ.
Có thể thấy toán tư duy cho trẻ mầm non góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của trẻ. Các bài tập, sách vở, dụng cụ học tập đều có sẵn hoặc có thể tự làm tại nhà. Điều quan trọng mà cha mẹ nên lưu ý là không ép con học bằng được. Hãy để trẻ tự khám phá và học hỏi theo cách mà con thấy thoải mái, thích thú nhất.