Mẹ&Con - Nếu như vài năm trước, chuyện sinh con bằng phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) chỉ được xem như giải pháp cuối cùng cho bệnh nhân hiếm muộn thì giờ đây, một cách không công khai, đã có nhiều đôi vợ chồng điều kiện kinh tế khá giả tìm đến phương pháp này như một cách sinh con cho… khỏe!

Không vô sinh vẫn… tìm đến

Một bác sĩ chuyên điều trị về hiếm muộn (đề nghị được giấu tên) cho biết: “Có những trường hợp, vợ chồng đồng lòng… qua mặt bác sĩ. Ngay trong buổi khám tư vấn đầu tiên, họ đã kể lể hoàn cảnh rằng vợ chồng xa cách, mỗi năm chỉ có ít tuần gần nhau nên xin bác sĩ cho sử dụng biện pháp hiện đại nhất để nhanh chóng có con.

Hoặc có khi, bệnh nhân khai rằng đã gần gũi nhau trên 2 năm mà không thấy gì, sợ hiếm muộn nên đến để xin được làm TTTON. Tuy nhiên, khi xác minh trở lại, thì một tỷ lệ không nhỏ các đôi vợ chồng này hoàn toàn bình thường, không hề phải xa cách hay hiếm muộn gì như lời họ nói.

Chẳng qua, vì họ có điều kiện kinh tế, và tin rằng sinh con bằng phương pháp TTTON thì chủ động hơn, chọn được thời điểm tốt hơn và… đỡ mất công hồi hộp chờ đợi, canh ngày canh giờ như việc gần gũi tự nhiên bình thường!”.

Ðặc biệt, với những người làm ăn, kinh doanh lớn, chuyện có con tuổi nào (có hợp tuổi, thuận tuổi với cha mẹ hay không) là điều khá quan trọng. Như vợ chồng anh Ð. – chị L. (Q.2) là một ví dụ. Chị bộc bạch chân thành: “Bố mẹ chồng rất coi trọng chuyện tụi mình sinh con tuổi nào, vì gia đình làm ăn lớn và anh Ð. lại là con trưởng. Vì vậy, tụi mình phải sử dụng biện pháp TTTON để có con đúng năm, đúng tuổi như mong muốn của ông bà.

Ðứa con đầu đã trót lọt và quả thật sau khi sinh bé, gia đình trúng được vài hợp đồng lớn nên ông bà càng tin. Mình dự tính giữa năm nay sẽ lại đi ra nước ngoài, làm TTTON để có bé thứ hai. Hiện tại, ông xã mình đã… để dành, lưu trữ sẵn luôn tinh trùng khỏe mạnh để chờ đến lúc cần rồi đó chứ!”.

Lam dung sinh con bang thu tinh ong nghiem

(Hình minh họa)

Không vì lý do sinh con hợp tuổi như anh Ð. – chị L., nhưng vợ chồng chị Trúc Ng. (Q.6) lại chủ động chọn phương pháp TTTON vì… sốt ruột. Chồng chị là con trai duy nhất của gia đình, và là đứa cháu trai độc nhất của họ tộc. Vì là “hàng hiếm” như vậy nên vừa kết hôn xong, chỉ mới qua 3 tháng chưa thấy “động tĩnh” gì là cả gia đình chồng, bố mẹ chồng đã xúm vào thuyết phục ngay đi làm TTTON.

“Vợ chồng mình chọn khám tại một phòng khám tư. Ðể bác sĩ đồng ý cho làm liền, cả mình lẫn anh xã phải… khai gian, nói là đã kết hôn và gần gũi nhau đều đặn 2 năm mà không thấy gì. Chứ nói mới kết hôn 3 tháng, bác sĩ… đuổi về là cái chắc!”, chị Ng. lắc đầu giải thích.

Thêm một hoàn cảnh “đẩy đưa” khác đến với tình trạng không hiếm muộn vẫn muốn sinh con bằng phương pháp TTTON. Ðó là vì nhiều đôi vợ chồng có điều kiện kinh tế dư giả muốn chắc ăn rằng đứa con mình sinh ra phải khỏe mạnh, tránh được những bệnh tật thông thường. Và họ tin rằng sinh con bằng phương pháp TTTON, bác sĩ chọn lọc từng “con” tinh trùng chất lượng nhất thì sẽ an toàn hơn.

Như trường hợp khá trớ trêu của một đôi vợ chồng ở Q.3. Người chồng đã từng có một đứa con với đời vợ trước. Nhưng do mầm sống này là kết quả vỡ kế hoạch từ một đêm say bí tỉ của chồng, vợ lại đang giai đoạn đau bệnh nên đứa con sinh ra bị dị tật, hơi ngờ ngệch, kém thông minh.

Quá sợ với chuyện này nên sau khi chia tay và kết hôn lần thứ hai với một cô vợ trẻ măng, người chồng dứt khoát lúc “vui vẻ” bình thường đều dùng biện pháp bảo vệ. Còn muốn có con thì chỉ sử dụng biện pháp TTTON, thực hiện tại nước ngoài, để đảm bảo con sinh ra phải khỏe mạnh, thông minh, chứ không chịu để chuyện vô tình vỡ kế hoạch lặp lại nữa.

TTTON – có nên lạm dụng?

Thực tế, dù khá nhiều đôi vợ chồng có điều kiện kinh tế tốt hiện nay muốn tìm đến TTTON như một cách để có con chủ động, dễ dàng, theo kiểm soát và mong muốn của bố mẹ thì các bác sĩ chuyên về điều trị hiếm muộn đều khẳng định không nên lạm dụng chuyện này.

TTTON là một phương pháp điều trị vô sinh có hiệu quả, đem lại hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, khi đã dùng đến một biện pháp can thiệp, thì chắc chắn ít nhiều cũng mang đến những ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và em bé sau khi đã chào đời.

Một chu kỳ TTTON thường bao gồm các bước: kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, thụ tinh giữa trứng và tinh trùng, nuôi cấy phôi trong môi trường và chuyển phôi vào buồng tử cung. Tuy những bước này được xem là một kỹ thuật tương đối an toàn nhưng người phụ nữ vẫn có thể gặp một số nguy cơ như quá kích buồng trứng, đa thai hay thai ngoài tử cung.

Nếu mang đa thai, em bé chào đời có thể bị sinh non, thiếu tháng. Việc nhẹ cân và đẻ non có thể làm trẻ mắc các bệnh liên quan đến trẻ sinh thiếu tháng, chủ yếu là các bệnh lý về đường hô hấp. Trường hợp trẻ sinh non quá khi não bộ chưa phát triển đầy đủ còn có thể ảnh hưởng phát triển về trí tuệ. Ðó là chưa kể đến các bệnh về mắt, võng mạc chưa phát triển đầy đủ nên gây bệnh lý về võng mạc và trẻ có thể bị mù.

Bác sĩ Ðặng Quang Vinh, một người rất tâm huyết với việc điều trị cho bệnh nhân hiếm muộn khẳng định: “Nếu như chỉ mới lập gia đình dưới một năm, điều kiện sức khỏe của cha mẹ tốt, tuổi của mẹ dưới 34 thì vợ chồng nên kiên nhẫn để có thể có con bằng phương pháp tự nhiên.

Không nên nghĩ rằng hễ có tiền thì có thể thay thế cả tự nhiên, sinh con đúng tuổi, đúng năm, theo ý nguyện của mình. Hãy nghĩ đến tâm lý căng thẳng cũng như những nguy cơ có thể xảy đến với người phụ nữ. Việc kích thích buồng trứng, chọc hút trứng không hề là chuyện êm ái, dễ dàng, chỉ cần có tiền là xong hết như nhiều đôi vợ chồng có điều kiện kinh tế cao vẫn nghĩ!”.

Tags:

Bài viết liên quan