Diễn biến tâm lý của trẻ nhỏ sẽ thay đổi và phát triển theo từng độ tuổi. Đặc biệt, khi trẻ bước vào môi trường học đường hoàn toàn xa lạ thì sẽ có khuynh hướng diễn biến tâm lý tiêu cực và tích cực. Để hiểu rõ điều này hơn hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về tâm lý trẻ 6 tuổi nhé!
Tâm lý trẻ 6 tuổi và những thay đổi khi con vào lớp 1
Ngày nay mặc dù 6 tuổi không phải giai đoạn bắt đầu tới trường của trẻ nhưng lại là khởi điểm cho vấn đề học tập nhiều hơn thay vì chỉ vui chơi như trước. Do đó, sẽ có những thay đổi về mặt tâm lý liên quan tới sự thay đổi môi trường học đường này.
Tự tin và tự ti
Trẻ ở độ tuổi này luôn rất tò mò và muốn khám phá thế giới xung quanh. Đặc biệt khi chuyển giao sang một môi trường mới thì bé càng háo hức muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa những điều mới lạ. Bên cạnh đó, so với môi trường mẫu giáo chơi là chính thì ở lớp 1 việc học đã bắt đầu được xem xét nghiêm túc hơn trước. Nếu biết dạy dỗ đúng cách, thường xuyên khích lệ, trẻ sẽ nhanh chóng “phá kén”, hòa nhập, thích nghi và tự tin phát triển bản thân.
Ngược lại, nếu bé quá rụt rè, hướng nội thì việc thúc ép, so sánh với bạn khác hoặc la mắng chỉ khiến bé cảm thấy áp lực. Ngoài ra, nếu bố mẹ không kịp thời hỗ trợ khi bé gặp các vấn đề khó khăn trong học tập, mối quan hệ bạn bè, thầy cô thì bé có thể cảm thấy tự ti và thu mình.
Hiếu động và thụ động
Trẻ hiếu động là bởi bản tính tò mò của lứa tuổi. Nếu muốn kiềm chế bớt sự hiếu động này thì bố mẹ nên khéo léo và cho bé thời gian điều chỉnh. Hướng trẻ từ tò mò, hiếu kỳ sang ham học hỏi, khám phá khoa học…
Tuy nhiên, dù bé có hiếu động tới đâu nhưng khi đột ngột bước vào một môi trường lạ với nội quy, kỷ luật, nề nếp thì cũng dễ cảm thấy bối rối, từ đó dẫn tới rụt rè và thụ động. Bố mẹ cần quan tâm tới trạng thái tâm lý này ở trẻ 6 tuổi, tâm sự nhiều hơn và khuyến khích bé tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. Nếu bé trở nên thụ động thì trước tiên bố mẹ cần tìm nguyên nhân sau đó tìm cách cổ vũ, động viên hàng ngày để bé cảm thấy có động lực hơn.
Vâng lời và ương bướng
Trẻ 6 tuổi vâng lời, ngoan ngoãn và dễ thương nhưng đôi khi lại cứng đầu, ương bướng đến khó hiểu. Hơn nữa, ở độ tuổi này cái tôi của trẻ rất lớn, bé sẵn sàng chống đối để đòi quyền lợi của bản thân. Đây được coi là giai đoạn trưởng thành mà bé cần phải có để nhận biết đúng sai cũng như điều chỉnh thái độ của mình phù hợp với từng hoàn cảnh. Do đó, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh để hỗ trợ và chỉ bảo con.
Ích kỷ và vị tha
Trong quá trình phát triển, về mặt tâm lý trẻ 6 tuổi sẽ dần hình thành trạng thái xung đột hai chiều, đó là hai mặt của tính cách ích kỷ và vị tha. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng chính vì sự biến đổi về tâm lý cũng như tác động của môi trường bên ngoài khiến bé có những diễn biến cảm xúc như vậy. Đôi khi trẻ giàu lòng trắc ẩn, thương người nhưng sẽ có lúc ích kỷ, không muốn chia sẻ bánh kẹo hoặc đồ chơi cho ai.
Nếu trẻ có những hành động ích kỷ kể trên, thay vì quát mắng, giận dữ, bố mẹ mẹ nên từ từ giảng giải, dạy con chia sẻ và biết cách bày tỏ cảm xúc như thế nào là hợp lý nhất trong tình huống như vậy. Thêm vào đó, khi bé có những hành động tốt, cần khen ngợi và khuyến khích con nhé!
Bố mẹ nên làm gì để giữ ổn định tâm lý trẻ 6 tuổi?
Tâm lý trẻ 6 tuổi luôn có hai cực đối kháng tồn tại song song khiến trẻ phản ứng và cư xử rất cảm tính và khó hiểu. Do đó, để rèn luyện và giữ cho tâm lý của bé trở nên ổn định hơn thì bố mẹ cần có những phương pháp “uốn nắn” phù hợp.
Nghiêm khắc với trẻ
Trẻ đi học lớp 1 là giai đoạn đầu tiên bé được tiếp xúc với những nội quy, quy định nghiêm khắc hơn trước. Bé có thể cảm thấy khủng hoảng, áp lực và dẫn tới tâm lý phản kháng, chống đối, nhất là với bố mẹ. Trẻ có thể giả bộ hoặc lờ đi những lời nhắc nhở của bố mẹ (dân gian hay gọi là “Bụt nhà không thiêng”) nên bố mẹ cần nghiêm khắc hơn để con nghiêm túc làm theo những chỉ dẫn.
Tốt nhất hãy lập ra một thời khóa biểu kèm theo những quy định rõ ràng. Chẳng hạn bé được xem tivi bao lâu trong một ngày, khi nào phải lên giường ngủ… Bạn cũng cần cho bé biết hành vi nào được chấp nhận và hành vi nào là không được phép.
Tâm sự với con nhiều hơn
“Cú sốc” đi học đầu đời này khiến bé bị áp lực. Những biểu hiện dễ thấy như lấy tay vân vê tóc, giẫm chân, dễ bực bội, hay khóc… Bố mẹ nên trò chuyện và tìm hiểu những suy nghĩ cũng như cảm nhận của bé nhiều hơn.
Hãy nói chuyện với con về trường lớp, bạn bè và những thứ trẻ mơ ước về tương lai chẳng hạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo ra các hoạt động chung vào cuối tuần để gia đình có thời gian vui vẻ bên nhau như xem phim, chơi trò chơi, nấu cơm, đọc sách, tham gia các hoạt động ngoài trời…
Nếu trẻ biết đọc sách rồi, bố mẹ nên cổ vũ con đọc cho mình nghe hoặc cùng đọc cho nhau nghe và giải thích những điều không hiểu nhé!
Khen và chê đúng cách
Không riêng gì người lớn, trẻ con cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi trước những lời nói chê trách của bố mẹ. Về khen ngợi, bố mẹ nên tập trung khen khi trẻ có hành vi tốt. Tốt nhất là tập trung khuyến khích nhiều vào những điều trẻ làm thay vì những đặc điểm không thể thay đổi hoặc chung chung. Ví dụ, nên nói “con đã rất chăm chỉ hoàn thành bảng số này” thay vì nói “con thật thông minh” nhé!
Song song với đó, với tâm lý trẻ 6 tuổi dễ tự ti thì bố mẹ cần sử dụng kỷ luật thật khéo léo để hướng dẫn và bảo vệ trẻ chứ không phải trừng phạt khiến con cảm thấy bản thân thật tệ và yếu kém.
Phát triển ý thức trách nhiệm
Lúc này trẻ cũng thích bắt chước bố mẹ làm việc nhà, chăm sóc bản thân, do đó bạn có thể yêu cầu bé giúp đỡ các việc vặt như dọn bàn, bày đồ ăn…để nuôi dưỡng thói quen cũng như phát triển ý thức trách nhiệm với gia đình.
Ngoài ra, hãy giúp bé thiết lập các mục tiêu có thể đạt được. Làm điều này trẻ sẽ học cách biết tự hào về bản thân, có ý thức trách nhiệm với việc làm của mình hơn và ít bị ảnh hưởng, phụ thuộc vào những lời khen chê của người khác.
Xây dựng tính kiên nhẫn
Trẻ nhỏ thường khó có thể kiên nhẫn chờ đợi hoặc làm một việc gì đó trong một thời gian dài. Tâm lý trẻ 6 tuổi bắt đầu có những sự xung cực xuất hiện do đó bạn cần rèn luyện nhiều hơn để bé có thể nghiêng về “thái cực” kiên nhẫn. Rèn luyện tính kiên nhẫn cho con bằng cách yêu cầu bé nhường người khác làm gì trước hoặc bé phải hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trước khi đi chơi. Khuyến khích bé nghĩ về hậu quả có thể xảy ra trước khi hành động gì đó.
Khuyến khích con tự giải quyết vấn đề
Điều này không có nghĩa khi bé tâm sự về một vấn đề nào đó thì bố mẹ sẽ ngó lơ làm như chưa nghe thấy. Bố mẹ nên ủng hộ trẻ chấp nhận những thử thách mới, khuyến khích con tự giải quyết các vấn đề dưới sự tư vấn của bố mẹ.
Ví dụ trong vấn đề chơi cùng bạn bè của bé, khi hiểu được tâm lý trẻ 6 tuổi thì bố mẹ không nên tự tay can thiệp vào những mâu thuẫn mà chỉ nên phân tích và đề xuất cách giải quyết cho bé.
Tham gia các hoạt động ở trường lớp
Việc tham gia các hoạt động ở trường lớp hoặc đội nhóm như thể thao, tình nguyện cũng có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định tâm lý trẻ 6 tuổi. Do đó, bố mẹ cổ vũ con tự tham gia hoặc cùng bé tham gia nhé!
6 tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu phát triển về ngôn ngữ hơn, kỹ năng viết và hiểu vấn đề một cách sâu sắc hơn. Đây là tiền đề cho sự phát triển của các tâm lý trẻ theo từng độ tuổi sau này. Vậy nên, việc trang bị kiến thức tâm lý trẻ 6 tuổi là rất hữu dụng và cần thiết cho các bậc cha mẹ để con phát triển đúng hướng hơn sau này.