Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến thể chất, nhận thức và tinh thần gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày. Khi gặp áp lực, nhiều người tìm cách đối phó với nó, song lại có một số thói quen tưởng rằng có thể giúp giải tỏa căng thẳng nhưng thực chất lại làm mọi thứ trở nên khó kiểm soát. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu những việc làm sai lầm khi giải quyết stress dưới đây nhé!
Nếu không kịp thời giải tỏa căng thẳng, hậu quả sẽ ra sao?
Mỗi khi gặp áp lực, mệt mỏi, điều tốt nhất bạn có thể làm chính là giải tỏa tất cả mọi thứ. Bởi lẽ, căng thẳng như một liều thuốc độc, ngấm dần vào đời sống của bạn và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Khi bạn luôn phải đối diện với áp lực, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, chán nản, không còn muốn ăn uống gì hay chọn cách ăn nhiều hơn để giải tỏa áp lực. Có người lại vì stress mà thức trắng đêm, không ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon. Điều này sẽ tác động đến sức khỏe thể chất của bạn.
Không chỉ như vậy, những phiền muộn chồng chất càng khiến bạn lo lắng, tâm trạng không được thoải mái. Nếu liên tục suy nghĩ về những vấn đề này, bạn sẽ có nguy cơ trầm cảm, cảm thấy chán nản với cuộc sống, không còn tha thiết gì với cuộc sống này và chọn cách giải quyết tiêu cực. Một số người lại chọn cách cãi nhau với những người xung quanh, trút giận lên người khác để tạm thời nguôi ngoai những nỗi lo trong lòng mình. Và chúng ta đã vô hình đẩy những người thân yêu ra xa, khiến họ có thêm khoảng cách với chúng ta.
Những thói quen sai lầm khi giải tỏa căng thẳng
Né tránh những điều khiến bản thân lo lắng
Bề ngoài sự né tránh có vẻ như là một phản ứng hữu ích đối với sự lo lắng. Ví dụ như khi gặp khó khăn về tài chính, cách tạm quên đi muộn phiền là tránh xem các hóa đơn và tài khoản ngân hàng. Nhưng đây chắc chắn không phải là cách triệt để vì khi vấn đề tài chính ngày càng gia tăng, sự lo lắng cũng càng lớn hơn bởi bạn không thể tránh mãi được.
Thực tế là bạn càng tránh những căng thẳng thì càng bị kích động mối lo lắng. Hơn thế nữa, khi cố gắng né tránh sẽ khiến bạn mất đi tự tin và giảm khả năng đương đầu với những nỗi sợ hãi tương tự sau này. Chính vì thế, mặc dù việc né tránh có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng nhanh chóng, nhưng lại càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Hút thuốc giảm căng thẳng
Nicotin trong thuốc lá nếu được sử dụng ở liều thấp sẽ tạo ra sự sảng khoái nhẹ, làm dịu cơn đói và bớt mệt mỏi. Do đó, người hút thuốc ban đầu sẽ cảm thấy đầu óc tỉnh táo, bớt căng thẳng và dễ tập trung suy nghĩ hơn. Tuy nhiên, nếu dùng lâu dài sẽ gây lệ thuộc và độc hại cho cơ thể. Một số chất khác trong thuốc lá làm bộ não và cơ thể căng thẳng, tăng lo lắng và stress lại thêm stress.
Xem điện thoại trước khi đi ngủ
Đêm buông xuống là thời điểm con người bắt đầu suy nghĩ nhiều về những lo lắng thường nhật. Với nỗ lực xua đi những âu lo này, nhiều người chọn cách lướt điện thoại trước khi ngủ để thư giãn hơn. Mặc dù vài phút đầu bản thân bị cuốn vào màn hình và tạm quên đi muộn phiền, nhưng nếu nhìn chằm chằm quá lâu sẽ cản trở giấc ngủ và dẫn đến lo lắng tăng cao hơn.
Một thí nghiệm năm 2018 với những tình nguyện viên không sử dụng điện thoại thông minh trước khi ngủ, kết quả sau một tuần các cá nhân cho biết sự lo lắng của họ đã giảm đi, chất lượng giấc ngủ và sức khỏe cải thiện hơn.
Trao đổi với bạn bè và gia đình
Khi trải qua một ngày khó khăn, bạn mong muốn được chia sẻ cùng bạn bè và gia đình về những gì đã xảy ra để cảm thấy tốt hơn. Thực chất bạn càng nói nhiều những điều khiến bản thân đau khổ, căng thẳng, sẽ càng gây ra phản ứng ngược lại, đặc biệt với những người có khuynh hướng cầu toàn thì chỉ khiến lo âu tăng cao. Tốt nhất mọi người nên tập trung vào những khía cạnh tích cực trong ngày của mình để cải thiện tâm trạng và giải tỏa căng thẳng.
Suy nghĩ về vấn đề của bạn
Né tránh vấn đề không phải là cách giải tỏa căng thẳng nhưng suy nghĩ nhiều cũng không khiến mọi thứ tốt lên, thậm chí khiến tâm trạng trở nên tệ đi và suy nghĩ tiêu cực hơn. Thay vào đó, hãy cho bộ não nghỉ ngơi và sau đó có thể giải quyết và đưa ra phương hướng tốt nhất cho bạn.
Ăn vặt để xả stress
Khi bị stress, chúng ta có xu hướng làm những gì mình thích và ăn những gì mình muốn mà không quan tâm về mặt dinh dưỡng cũng như sự lành mạnh của thực phẩm. Đặc biệt, người bị căng thẳng càng thích ăn những món ăn chứa đường và chất béo. Thực tế ăn vặt không giúp bạn giải tỏa căng thẳng (hoặc chỉ là cảm giác suy tan mệt mỏi giả và sẽ biến mất ngay lập tức) mà còn khiến bạn gặp các vấn đề về sức khỏe khác như béo phì, tiểu đường, tim mạch.
Giải tỏa căng thẳng với 6 câu hỏi tự vấn
Mình đã chăm sóc tốt cho bản thân chưa?
Trước khi làm tốt trách nhiệm với bất kỳ ai, bất kỳ điều gì, bạn cần đối xử công bằng với chính mình, yêu thương và chăm sóc bản thân để thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn và tự khắc có thể giải tỏa căng thẳng.
Có phải mình đã có quá nhiều những thứ không cần thiết?
Ngày nay, con người có thói quen mua sắm theo cảm xúc khiến không gian sống trở nên bí bách và có nhiều “tạp vật” cản trở. Việc mỗi ngày phải đối mặt với một căn phòng chật hẹp và toàn đồ vật thì có thể đem đến áp lực tâm lý cho bạn đấy.
Điều mình quan tâm nhất là gì?
Trước những mơ hồ, vô định hoặc tâm trạng xuống dốc, hãy tự hỏi bản thân điều gì là quan trọng nhất, là gia đình, sức khỏe, công việc hay những thứ khác. Việc tự vấn này sẽ giúp bạn hiểu rõ mức độ nặng nhẹ của từng khía cạnh, từ đó liên kết với vấn đề đang hiện hữu và đưa ra cách giải quyết phù hợp. Như vậy có thể giải tỏa căng thẳng dễ dàng.
Các mối quan hệ xã hội có khiến mình cảm thấy vui vẻ?
Tạo thói quen rà soát và làm rõ mối quan hệ xung quanh bạn. Nếu những người bên cạnh là nguyên nhân khiến bạn ngày càng trì trệ và tụt hậu thì hãy tránh xa. Bên cạnh đó, nên kết giao và duy trì quan hệ với những người bạn giúp bản thân vui vẻ và hoàn thiện hơn.
Chuyện gì khiến mình không buông xuống được?
Luôn có những chuyện khiến chúng ta lo lắng, sợ hãi như công việc không hài lòng, không đủ quan tâm gia đình, gia đình mâu thuẫn… Đây là những việc khó có thể buông xuống được. Tuy nhiên, tại mỗi thời điểm, chỉ cần bản thân mỗi người làm hết sức mình và không hổ thẹn với những người mà bạn quan tâm là được.
Mình có chìm trong quá khứ?
Sẽ có những kỷ niệm, sai lầm, nuối tiếc trong quá khứ khiến bạn không thoát ra được. Quá khứ không thể thay đổi nhưng hiện tại lại có thể thay đổi và tạo nên tương lai. Việc bạn cần làm để giải tỏa căng thẳng chính là làm rõ những gì bạn đang mang trong lòng và tìm cơ hội buông xuống, thậm chí biến đó thành sức mạnh để phấn đấu nhiều hơn.
Giải tỏa căng thẳng trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại nhiều áp lực này. Tất nhiên, “mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng nếu nhìn thấu những gì bản thân cần và muốn thì chắc chắn có thể vững bước mà không lo lắng những muộn phiền ảnh hưởng tới. Mẹ và Con chúc các bạn luôn có một tinh thần khỏe mạnh!