Nếu quá trình sinh thường gặp khó khăn, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp hỗ trợ sinh như sử dụng giác hút. Cũng như các thủ thuật y tế khác, sinh con bằng giác hút cũng có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe mẹ và bé.

1. Tại sao phải sử dụng phương pháp sinh giúp bằng giác hút?

Sinh giúp là sự hỗ trợ giúp sức cho sản phụ sinh trong giai đoạn sổ thai, bởi nhiều nguyên nhân mà trong giai đoạn này sản phụ rặn sinh không chuyển hoặc vì sức khỏe của người mẹ có bệnh lý đi kèm. Đây là một thủ thuật nhằm hỗ trợ trong lúc sinh ngả âm đạo. Sinh giúp gồm có hai phương pháp đó là sinh giác hút và sinh forceps.

Phương pháp sinh giác hút: hay còn gọi là sinh vacuum bằng cách đặt một lực kéo lên đầu thai nhi qua trung gian một cái chén kim loại hay chén bằng silastic bám chặt lên đầu thai nhi dưới áp lực chân không. Dùng áp lực chân không bằng máy hút hay máy bơm bằng tay. Bác sĩ sản khoa sẽ dùng tay kéo nhẹ nhàng theo cơn gò tử cung kết hợp với sức rặn của người mẹ để kéo bé ra. Trong điều kiện đầu thai nhi đã lọt thấp, khi xác định đầu lọt +2 đến +3, khi mà ta nhìn mắt thường thấy tóc em bé lúc ta đưa tay vào khám âm đạo. Thời điểm kéo thai nhi khi đầu đã sổ ra hoàn toàn ta khóa máy hút lại, nắp đặt lên đầu thai nhi tự động bong ra và lúc đó tiếp tục cuộc đỡ sinh vai, sinh thân và chi dưới ra một cách dễ dàng.

trường hợp sinh con bằng giác hút

2. Rủi ro có thể gặp phải khi sinh con bằng giác hút

Sinh con bằng giác hút là phương pháp giúp sinh thường được áp dụng cho những ca sinh khó, tuy nhiên thủ thuật này có thể gây ra một số rủi ro cho mẹ và bé.

Rủi ro có thể xảy ra với sản phụ bao gồm:

  • Đau ở đáy chậu- mô giữa âm đạo và hậu môn của bạn- sau khi sinh.
  • Rách đường sinh dục dưới.
  • Khó tiểu trong thời gian ngắn hoặc làm trống bàng quang.
  • Tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.

Những rủi ro có thể xảy ra với em bé bao gồm:

  • Tổn thương da đầu: Đây là tổn thương thường gặp khi đỡ đẻ bằng giác hút. Thậm chí khi sinh thường, bạn cũng có thể thấy vết sưng nhỏ trên da đầu bé. Trong quá trình sinh nở, cổ tử cung và đường dẫn sinh gây áp lực lớn lên phần đầu của em bé bởi đây là bộ phận đầu tiên đi qua đường dẫn sinh. Vết sưng có thể nằm ở một bên đầu em bé nếu đầu bé nghiêng sang một bên trong khi sinh.

Tình trạng sưng này thường biến mất trong vòng một đến hai ngày sau khi sinh. Đỡ đẻ bằng giác hút cũng có thể gây ra những vết xước nhỏ trên da đầu bé. Những vết thương này có nhiều khả năng xảy ra trong quá trình sinh nở khó khăn kéo dài hoặc liên quan đến việc sử dụng giác hút nhiều lần. Trong hầu hết các trường hợp, các vết thương là bề ngoài và nhanh chóng lành mà không để lại bất kỳ dấu vết lâu dài nào.

  • Tụ máu: khối máu tụ là sự hình thành máu dưới da. Nó thường xảy ra khi tĩnh mạch hoặc động mạch bị tổn thương, khiến máu thấm ra khỏi mạch máu và đi vào các mô xung quanh. Hai loại khối máu tụ có thể xảy ra là kết quả của việc sinh nở có sự trợ giúp của giác hút là tụ máu đầu (cephalohematoma) và tụ máu dưới cân Galeal (Subgaleal hematoma).

Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng giác hút bằng nhựa mềm đã làm giảm tỷ lệ mắc các chấn thương này. Mặc dù khối máu tụ dưới cân Galeal khá hiếm gặp, nhưng nó lại là một tình trạng đe dọa tính mạng.

  • Xuất huyết nội sọ: Xuất huyết nội sọ hay chảy máu bên trong hộp sọ, là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của việc hỗ trợ sinh bằng giác hút. Lực hút được áp dụng cho đầu bé của bạn có thể làm tổn thương các tĩnh mạch, gây chảy máu trong hộp sọ của bé. Mặc dù xuất huyết nội sọ là rất hiếm, nhưng khi nó xảy ra, nó có thể dẫn đến mất trí nhớ, mất khả năng ngôn ngữ hoặc mất khả năng di chuyển tại vùng bị ảnh hưởng.
  • Xuất huyết võng mạc: đây là tình trạng chảy máu ở phía sau mắt, tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và biến mất nhanh chóng mà không gây biến chứng. Nguyên nhân chính xác của chảy máu võng mạc chưa được xác định. Tuy nhiên, nó có thể là kết quả của áp lực đặt lên đầu bé của bạn khi bé đi qua đường dẫn sinh.
  • Vàng da ở trẻ sơ sinh: Vàng da sơ sinh có thể có nhiều khả năng phát triển ở trẻ sơ sinh được sinh ra bằng phương pháp hỗ trợ sinh có giác hút. Vàng da, vàng mắt, là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nó xảy ra khi em bé có nồng độ bilirubin cao trong máu. Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phá vỡ các tế bào hồng cầu. Khi giác hút được sử dụng, một vết bầm rất lớn có thể hình thành trên da đầu hoặc đầu của bé. Bầm tím xảy ra khi có tổn thương của mạch máu, khiến máu rỉ ra và tạo thành một vết đen hoặc xanh.Cơ thể cuối cùng sẽ hấp thụ máu từ vết bầm tím. Máu này bị phá vỡ và tạo ra nhiều bilirubin, bilirubin thường được gan loại bỏ khỏi cơ thể.

tổn thương khi sinh con bằng giác hút

Tuy nhiên, nếu gan con của bạn có thể chưa phát triển hoặc không thể loại bỏ bilirubin một cách hiệu quả thì lượng dư thừa bilirubin trong máu có thể lắng đọng trong da. Điều này gây ra sự đổi màu vàng của da và mắt. Mặc dù vàng da thường tự hết trong vòng hai đến ba tuần, một số trẻ mắc bệnh này có thể phải điều trị bằng liệu pháp ánh sáng. Trong quá trình trị liệu bằng ánh sáng, em bé của bạn được giữ dưới ánh sáng cường độ cao trong một đến hai ngày.

ảnh hưởng của sinh con bằng giác hút

Sinh con bằng giác hút là phương pháp phổ biến được áp dụng để giúp sức cho sản phụ trong quá trình sinh con qua ngả âm đạo. Tuy nhiên, cũng như các thủ thuật y tế khác, sinh con bằng giác hút có thể gây ra một số rủi ro nhất định cho cả mẹ và bé. Vì vậy, các nguyên tắc thực hiện thủ thuật phải đúng chỉ định, đủ điều kiện mới được thực hiện để nhằm tránh những tai biến do thủ thuật gây ra cho mẹ và thai nhi.

Bài viết liên quan