1. Sai lầm: Không khám thai sớm vì sợ… dễ sẩy thai!
Mặc dù hiện nay, các phương tiện truyền thông rất phong phú, mọi người có thể tham khảo, làm giàu kiến thức bằng cách truy cập trên internet hoặc tham khảo các chuyên gia qua các chương trình giao lưu trực tuyến nhưng vẫn có những thai phụ không biết khi có thai là phải đi khám thai ngay. Nhiều chị em cho rằng siêu âm đầu dò âm đạo để phát hiện thai sớm có thể gây sẩy thai! Điều này dẫn đến việc thai phụ tự ý tránh đi khám thai sớm, chờ cho đến khi thai to khoảng 15-16 tuần mới bắt đầu đi khám thai. Bạn biết hậu quả của chuyện này là gì không? Khám thai muộn nghĩa là bạn đã tự bỏ qua cơ hội để được tầm soát sớm những bất thường của mẹ và thai nhi.
>> Cần nhớ:
Khi mang thai, điều quan trọng nhất là thai phụ phải đi khám thai định kỳ để được theo dõi, phát hiện và điều trị sớm những bệnh có liên quan đến thai nghén như tiền sản giật, vết mổ lấy thai cũ hoặc những bệnh nội khoa có sẵn sẽ nặng thêm khi mang thai như bệnh tim, bệnh lao phổi, đái tháo đường, cường giáp… Nếu bệnh lý không cho phép mang thai vì ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ thì có thể chấm dứt thai kỳ bằng nạo hút thai hay phá thai nội khoa sớm.
Đối với những người chu kỳ kinh nguyệt không đều, tuổi thai xác định chính xác là dựa vào lần siêu âm đầu tiên sớm nhất. Nếu để thai lớn mới siêu âm thì chẩn đoán tuổi thai qua siêu âm sẽ có sai lệch. Do đó, ngày sinh dự kiến sẽ không đúng.
Hãy biết rằng: Siêu âm đầu dò âm đạo thực chất không thể gây sẩy một thai khỏe mạnh. Trong khi khám thai, bác sĩ có thể phát hiện thai bất thường (dị tật bẩm sinh) nhờ vào các phương tiện chẩn đoán như siêu âm, xét nghiệm máu, chọc ối làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ. Qua đó, có thể tham vấn cho bà mẹ có nên chấm dứt thai kỳ sớm đối với những thai bất thường nặng hay để chuẩn bị sẵn sàng khi trẻ vừa sinh ra đời sẽ chuyển điều trị chuyên khoa ngay. Khám thai sớm theo quy định chính là cách bảo vệ tốt sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Vì vậy, bạn đừng vì những tin đồn rỉ tai rằng để thai “bám vững” mới nên đi siêu âm sẽ gây ảnh hưởng cho chính mình.
2. Sai lầm: Vắt bỏ sữa non vì lo… con tiêu chảy!
Một sai lầm khác cũng khá quan trọng là bà mẹ vắt bỏ sữa non sau khi sinh vì sợ con bú sữa này có thể bị tiêu chảy.Thật ra, sữa non là nguồn dinh dưỡng rất tốt. Mặc dù khối lượng ít, nhưng sữa non có nồng độ dinh dưỡng cao, đặc sánh, màu vàng nhạt, rất giàu chất đạm (nhiều gấp 10 lần trong sữa trưởng thành), chứa nhiều kháng thể giúp cho trẻ sơ sinh chống nhiễm khuẩn và dị ứng, giúp bé đỡ vàng da, chứa vitamin A chống bệnh khô mắt và bạch cầu.
>> Cần nhớ:
Đối với những bà mẹ sinh thường thì có thể cho con bú ngay trong vòng nửa giờ đến 1 giờ sau sinh.Đối với những bà mẹ phải mổ lấy thai thì thời gian bắt đầu cho con bú sẽ chậm hơn (khoảng 6 giờ sau mổ sinh).
Cho trẻ bú muộn thì trẻ không nhận được sữa non. Ngoài ra, cho trẻ bú muộn sẽ làm chậm sự tiết sữa của mẹ. Chính động tác mút vú mẹ của trẻ sẽ kích thích sự tiết chất Oxytocin ở não mẹ. Đó là chất làm cho sữa trong vú chảy ra, đồng thời cũng có tác dụng làm co cơ tử cung giúp giảm sự chảy máu sau sinh.
Cho con bú là biện pháp tối ưu nhất để kích thích tuyến sữa và duy trì nguồn sữa mẹ. Bé bú mẹ càng nhiều thì sữa tiết ra càng nhiều. Hãy cho bé bú thường xuyên dù sữa mẹ ít hay nhiều hay thậm chí mẹ không có sữa.
Rất nhiều bà mẹ quan niệm sữa mẹ ít, con bú không đủ no nên chủ động cho con bú sữa thay thế. Trong khi đó, cho trẻ bú bình thì trẻ dễ có tình trạng không dung nạp chất protein trong sữa nhân tạo nên dễ bị dị ứng, bị chàm. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có nghĩa là trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ mà không ăn hoặc uống thêm bất cứ một loại thức ăn hay chất lỏng nào khác, kể cả nước. Không nên cho trẻ uống thêm nước nhằm giúp trẻ tận dụng tối đa nguồn sữa mẹ.
3. Sai lầm: Mang thai cần… ăn cho hai người!
Khi mang thai, nhiều người thường được khuyên phải ăn uống gấp đôi ngày thường, phải ăn cho hai người (cho mình và cho bé trong bụng). Chính vì thế, không ít thai phụ nỗ lực ăn thật nhiều và thậm chí thấy rất tự hào khi mình tăng cân quá nhanh, nghĩ rằng như thế là tốt cho con, giúp con có nhiều dưỡng chất để lớn nhanh hơn bé khác.
>> Cần nhớ:
Sự thật cơ thể mẹ không cần nhiều lượng calo hơn để hỗ trợ cho sự phát triển của bào thai cho đến khi bước vào giai đoạn 2 (từ tháng thứ tư). Thậm chí, khi bước vào giai đoạn 2, mẹ cũng chỉ cần bổ sung thêm khoảng 300 calo/ngày. Ăn quá nhiều và vô tội vạ sẽ khiến mẹ tăng cân quá mức cần thiết, sẽ không tốt vì làm tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ và sản giật.
Bạn chỉ cần ăn đầy đủ các nhóm chất, không bỏ bữa, có thể chia nhỏ những bữa ăn ra để cơ thể dễ hấp thụ là được. Thậm chí, nếu bạn cảm thấy ngán sữa bầu thì không nhất thiết phải ép mình uống cho bằng được mà chỉ cần thay thế bằng sữa tươi, sữa chua, bằng chế độ ăn đầy đủ chất.
4. Sai lầm: Chậm xuống giường sau sinh!
Rất nhiều người cho rằng, sản phụ có thể trạng yếu, cần được tĩnh dưỡng, nằm trên giường cả ngày, thậm chí cả khi ăn. Kỳ thực, điều này hại nhiều, lợi ít. Nếu không hoạt động trong thời gian dài, sản phụ dễ bị tắc tĩnh mạch ở chân do máu luôn ở trạng thái ngưng tụ.
>> Cần nhớ:
Sau khi sinh, khi được các bác sĩ và nữ hộ sinh hướng dẫn việc xuống giường sớm, đi lại thật chậm, nhẹ nhàng, bạn nên làm theo dù có cảm giác đau đi chăng nữa. Việc sớm ra khỏi giường và hoạt động nhẹ sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng, các cơ bụng được rèn luyện, sớm khôi phục lại khả năng co giãn vốn có, từ đó bảo vệ được tử cung, trực tràng và bàng quang.
Trừ trường hợp đặc biệt có những chỉ định riêng, thông thường sau khi sinh 24 tiếng, sản phụ đã có thể ngồi dậy tựa lưng vào giường; ngày kế tiếp đã có thể xuống giường, đi lại được.
5. Sai lầm: Kiêng… gội đầu, tắm rửa!
Từ những kinh nghiệm truyền miệng, rất nhiều sản phụ tin rằng phải ráng kiêng đến lúc hết 1-2 tuần mới được gội đầu, tắm rửa. Thậm chí nhiều sản phụ chấp nhận kiêng cho đến khi ra tháng. Điều này rất phản khoa học. Khi sinh nở, sản phụ ra nhiều mồ hôi, sau khi sinh vẫn thường đổ mồ hôi, lại thêm mùi sữa nên thân thể dễ bứt rứt, khó chịu. Môi trường cơ thể bẩn lại tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Việc giữ vệ sinh lúc này thực tế là vô cùng quan trọng.
>> Cần nhớ:
Bạn chỉ cần chọn nơi kín gió, tắm nhanh bằng nước ấm là được. Sau khi sinh 2-3 ngày, sản phụ đã có thể tắm nhanh với vòi sen, bằng nước ấm. Sau 4-5 ngày đã có thể gội đầu bằng nước ấm.
Nếu đau và bất tiện trong việc tự gội đầu có thể nhờ người thân giúp. Việc được tắm gội sớm, cơ thể sạch sẽ khiến sản phụ ngủ ngon giấc, dễ chịu, thoải mái, tâm lý ít stress và đảm bảo vệ sinh cho chính mình cũng như cho bé.
6. Sai lầm: Chỉ chân giò và… chân giò!
Nhiều bà mẹ sau khi sinh xong được thúc ép chỉ ăn chân giò với hi vọng có nhiều sữa cho con. Ăn không nổi vẫn cố ăn. Ăn từ ngày này sang ngày khác đúng món chân giò! Điều này hoàn toàn không đúng.
>> Cần nhớ:
Giai đoạn sau khi sinh nở là thời kỳ hồi phục về cấu tạo và chức năng của cơ quan sinh sản, với thời gian 42 ngày. Sản phụ cần có chế độ dinh dưỡng phong phú (khoảng 3.500 calo/ngày), thành phần cân đối để phục hồi sức khỏe và giúp cho quá trình tạo sữa được tốt.
Khẩu phần ăn có thể chia làm nhiều bữa, ăn nhiều rau xanh để tránh táo bón, uống nhiều nước (2-2,5 lít/ngày). Bữa ăn của người mẹ cần đủ thịt, cá, trứng, sữa… để cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng quý dễ hấp thu như protein và canxi. Nhưng cũng không quên các thức ăn giàu chất protein thực vật như các loại họ đậu (đậu tương, đậu xanh, đậu đen) lạc hạt, vừng.
Chân giò là món ăn cổ truyền ở nước ta có tác dụng kích thích sữa tiết nhanh và nhiều. Tuy nhiên, không cần thiết phải cố ăn và ăn liên tục vì sẽ tạo cảm giác ngán, dẫn đến kém ăn.