1. Vệ sinh cho mình khi chăm bé
Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả phòng nhiễm trùng sơ sinh. Mẹ nhớ phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé.
2. Tắm bé đúng cách
Trước khi tắm bé mẹ cần phải chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn lau, khăn tắm, xà phòng, nước ấm (đổ nước lạnh trước rồi pha nước nóng vào sau), phấn thoa, thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi, bông ráy tai. Nơi tắm bé phải kín gió, ấm áp. Chọn xà phòng có độ kiềm thấp, dùng cho sơ sinh.
Tắm bé từng phần. Dùng khăn mềm thấm nước ấm lau mắt bé trước, sau đó lau mặt, gội đầu, lau khô đầu. Sau đó tắm nửa người trên cho bé, chú ý các nếp gấp cổ, nách, sau gáy, sau đó lau khô. Tắm tiếp phần dưới cơ thể, chú ý nếp bẹn, vùng hậu môn, sinh dục, lau khô bé. Mặc quần áo sạch, thoáng, ấm, nhỏ mắt, mũi và lau tai cho bé. Sơ sinh không nhất thiết phải tắm hàng ngày. Khi trời quá lạnh, bé không dơ quá thì có thể lau cho bé. Điều quan trọng là mẹ tránh bé bị lạnh khi tắm.
3. Chăm sóc rốn cho con
Rốn là nơi dễ gây nhiễm trùng sơ sinh. Mẹ chăm sóc rốn hàng ngày với nước muối sinh lý hoặc dùng alcohol 700. Nhưng việc dùng dung dịch sát trùng như cồn sẽ làm rốn lâu rụng hơn nước muối sinh lý. Sau khi chăm sóc rốn, mẹ nên để hở rốn sẽ làm rốn mau khô, dễ rụng. Quấn tả dưới rốn.
4. Vệ sinh mắt cho bé
Lau mắt bằng khăn mềm, thấm nước ấm. Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
5. Bảo vệ làn da mong manh
Mẹ nhớ nên luôn giữ phòng ấm, thoáng khí, mặc cho bé quần áo sạch, thoáng, thay tả khi ướt và tắm trẻ sạch sẽ giữ da trẻ sạch, không nhiễm trùng.
6.Giữ môi trường tốt
Mẹ nhớ phải tạo môi trường sống ấm áp, sạch sẽ cho con, tránh trẻ lui tới nơi đông người, khói thuốc lá, người bị bệnh nhiễm trùng hô hấp. Luôn giữa phòng ấm áp, thoáng khí, các đồ dùng phải sạch để tránh lây nhiễm cho trẻ. Nên cho trẻ nằm đầu cao, nằm ngữa xen kẻ nằm nghiêng.
Những dấu hiệu cần đưa bé đi khám gấp:
– Bú kém, bỏ bú
– Thở nhanh hơn 60 lần/phút hoặc thở rút lõm ngực nặng
– Li bì.
– Sốt hoặc hạ thân nhiệt
– Tiêu máu, ói máu
– Vàng da
– Rốn đỏ chảy máu, mủ
– Khóc thét bất thường.