Mẹ&Con – Tuần thứ 36 trong số 40 tuần thai kỳ là thời điểm mẹ nên dần chuẩn bị đồ đạc, vào bệnh viện sinh con…

Tuần 36 của thai kỳ

Ngày thai thứ 246 – 252 (ngày 260 – 266 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Ở tuần thai thứ 36 trong số 40 tuần thai kỳ, em bé vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và có thể tăng trung bình 28g/ ngày nhưng mẹ sẽ không nhận thấy sự thay đổi trọng lượng bản thân mình đâu. Mẹ chỉ cảm thấy rất mệt mỏi vì chiếc bụng quá khổ, nhưng hãy nhớ rằng bé ở trong bụng càng gần tới ngày sinh dự càng tốt.

Chuyện gì đang diễn ra với em bé của bạn?

Lông tơ và vernix caseosa – lớp chất gây bảo vệ da của em bé khi nằm trong nước ối đã biến mất. Cả hai thứ này đều bị bé nuốt vào bụng, tạo ra phân su.

Tuần thứ 36 trong số 40 tuần thai kỳ, thông thường em bé sẽ nằm với tư thế dần chúc đầu xuống dưới khung xương chậu. Tuy nhiên, nếu ở tuần này mẹ vẫn chưa thấy bé chuyển sang tư thế này, đừng vội hoảng sợ. Qua tuần, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn các bác sĩ sẽ sử dụng một số phương pháp, giúp kích thích thai nhi quay đầu sang ngôi thuận phụ vụ cho việc sinh nở dễ dàng hơn.

Kích thước của em bé

Ở tuần thai thứ 36 trong số 40 tuần thai kỳ, bé dài khoảng 44,5 – 48cm và cân nặng trung bình từ 2,6 – 3kg.

Nhật ký mang thai: 40 tuần thai kỳ khỏe mạnh (Phần 35) 3

Ở tuần này, em bé trong bụng mẹ có thể tăng trung bình 28g/ ngày. (Ảnh minh họa)

Những việc mẹ nên làm lúc này

Ở tuần này, khi tới gặp bác sĩ mẹ nên chuẩn bị cho việc:
• Kiểm tra cổ tử cung, đặc biệt là kiểm tra GBS (liên cầu khuẩn nhóm B).
• Thảo luận về việc xoay đầu thai nhi (ECV) nếu có dấu hiệu ngôi thai ngược.
• Đẻ mổ hay đẻ thường, có sử dụng thuốc gây tê, gây mê không?…

Chuẩn bị đồ đạc đi sinh là điều không hề đơn giản. Nhiều khả năng trong quá trình chuẩn bị, mẹ sẽ thiếu sót và phải bổ sung nhiều lần khi bất chợt nhớ ra. Vì vậy tốt nhất hãy chuẩn bị sớm, ngay từ tuần thứ 36 trong số 40 tuần thai kỳ.

Cụ thể đồ đạc mà mẹ cần chuẩn bị:

  1. Các giấy tờ cần thiết

– Tất cả các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Khi thai còn nhỏ, siêu âm tuổi thai sai số chỉ chênh lệch 3-5 ngày nhưng khi thai to, siêu âm tuổi thai có thể chênh lệch so với thực tế tới 3 tuần. Lưu trữ giấy tờ ngay từ lần đầu khám thai sẽ giúp bác sĩ đánh giá đúng hơn tuổi cũng như các tình trạng khác của thai, các bệnh lý của mẹ…

– Các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm y tế (nếu có)… Nên photocopy sẵn hai bản, không cần thiết phải công chứng, tuy nhiên khi đi sinh nhớ mang theo bản gốc.

Sản phụ nên để sẵn các loại giấy tờ này ở nơi dễ lấy, để người nhà có thể lấy hộ trong trường hợp đang đi chợ, đi chơi… thì có dấu hiệu sinh, không thể về nhà lấy kịp.

– Tiền để đóng phí tạm ứng.

  1. Đồ dùng cho mẹ

– Trang phục: Nên mang áo mở có nút và váy rời. Khi sinh, các sản phụ sẽ mặc trang phục của bệnh viện nhưng sinh xong, mẹ được phép mặc váy của mình mang theo.

– Quần lót, băng vệ sinh: Nên mang theo khoảng 5-6 cái, tốt nhất là loại bằng giấy, sử dụng một lần.

– Các đồ dùng để vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, khăn rửa mặt, lược chải đầu…

  1. Đồ dùng cho bé

– Khăn bông quấn em bé

– Vài bộ quần áo trẻ sơ sinh . Các bé sinh tại bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM khi mới chào đời sẽ được mặc quần áo của bệnh viện. Bé trai mặc màu xanh lam, bé gái mặc màu hồng. Đến ngày thứ hai, các bé sẽ được mặc quần áo mà gia đình mang theo. Mẹ nên mang áo cài để dễ mặc cho bé.

– Tã giấy (tầm 20 cái, có thể mua bổ sung)

– Băng rốn (tầm 4 – 5 cái, có thể mua bổ sung)

– Khăn sữa (khoảng 20 cái để lau cho bé và lau vú cho mẹ)

– Bao tay chân (tầm 3 – 4 bộ). Khi mua bao tay chân cho bé, về nhà mẹ nhớ lộn trái, cắt hết những sợi chỉ thừa. Đã từng xảy ra trường hợp bé bị chỉ thừa trong bao tay bao chân quấn quanh, siết chặt ngón tay ngón chân dẫn đến hoại tử.

– Rơ lưỡi

– Dụng cụ lấy ráy tai em bé

– Ly nước nhỏ và muỗng inox dành cho trẻ sơ sinh. Lưu ý: Không dùng loại muỗng quá mỏng vì nó có thể làm rách miệng bé.

Tất cả đồ dùng của bé phải được giặt sạch sau khi mua về để tránh dị ứng da cũng như viêm nhiễm. Tuyệt đối không cho bé mặc ngay những bộ quần áo, khăn quấn… vừa mua ở siêu thị về còn chưa bóc tem.

4 . Những đồ dùng không nên mang theo

– Kim băng. Không sử dụng kim băng để cài, nếu sơ suất rất nguy hiểm cho bé. Nên thay thế bằng các miếng dán.

–  Báo: Nhiều sản phụ có thói quen mang theo báo cũ để lót, thực tế báo cũ rất mất vệ sinh, chứa nhiều vi trùng cũng như có chì trong mực in, có thể gây nhiễm trùng da cho bé hoặc nhiễm trùng hậu sản cho mẹ.

– Cam thảo: Theo thói quen dân gian, nhiều ông bà nội, ngoại thường pha nước cam thảo cho trẻ sơ sinh mới chào đời uống. Tuy nhiên, làm như vậy rất nguy hiểm bởi có thể khiến bé bị suy hô hấp.

– Sữa uống đối với sản phụ sinh mổ. Nếu sinh thường, sản phụ có thể ăn uống bất kỳ món gì nhưng khi sinh mổ, bác sĩ khuyến cáo sản phụ không nên uống sữa. Trên thực tế, rất nhiều sản phụ uống sữa xong bị tiêu chảy. Sản phụ uống sữa có thể khiến bác sĩ khó phân biệt nhiễm trùng từ đâu, do uống sữa hay do vết mổ.

– Đặc biệt, tránh mang theo những món đồ đắt tiền, những trang sức cầu kỳ khi đến bệnh viện sinh con.

Lời khuyên giúp việc mang thai tốt hơn

Nếu ở tuần thứ 36 trong số 40 tuần thai kỳ này, mẹ thấy khó chịu, đau nhức bầu ngực vào ban đêm thì hãy mặc loại áo ngực được thiết kế riêng cho phụ nữ ở những tháng cuối thai kỳ và khi cho con bú nhé.

Lời khuyên cho các ông bố

Hãy cùng vợ chuẩn bị những thứ cần thiết mang vào bệnh viện. Đồng thời, bạn cũng nên chuẩn bị đồ dùng cho bản thân trong trường hợp cần ở lại để chăm sóc vợ. Máy ảnh, máy quay phim nếu bạn định quay và chụp lại quá trình sinh nở của vợ cũng như hình ảnh của bé từ lúc bắt đầu chào đời…

Bài viết liên quan