Loãng xương sau sinh, vì đâu?
Trong suốt thai kỳ, mẹ sẽ mất đi một lượng canxi đáng kể để nuôi dưỡng bào thai, kèm theo đó là nồng độ estrogen trong cơ thể người phụ nữ sẽ tăng lên vào thời điểm này nên ảnh hưởng đến sự hoạt động của các cơ, gân, dây chằng, đặc biệt là vùng khớp cùng của xương chậu (biểu hiện là tình trạng đau lưng, mỏi khớp khi mang thai và kéo dài đến khoảng thời gian sau sinh)… Dĩ nhiên, một số chị em có nguy cơ hoặc đang bị loãng xương thì khả năng thiếu canxi dẫn đến loãng xương sau khi sinh hoàn toàn có thể xảy ra.
Dấu hiệu đặc trưng
Dấu hiệu đặc trưng của chứng loãng xương sau sinh là phụ nữ sau kỳ vượt cạn khoảng 1- 2 tháng bắt đầu cảm thấy bị đau nhức khắp người, nhất là ở lưng, vai và bàn chân. Tuy nhiên, nhiều chị em lại không để ý những triệu chứng này vì cho rằng đó là hệ quả của việc không kiêng cữ khi “nằm ổ”, ngồi quá lâu hoặc mệt mỏi do chăm sóc con nhỏ.
Cách ngăn ngừa
Một điều đáng mừng là các chuyên gia thường cho rằng đa phần các trường hợp loãng xương ở phụ nữ sau sinh là hội chứng loãng xương sinh lý nên tình trạng này sẽ được cải thiện đáng kể sau 6 – 12 tháng ngừng cho con bú. Chỉ với những trường hợp nghiêm trọng thì bạn mới cần sử dụng thuốc giảm đau hoặc dùng các loại thuốc uống, thuốc bổ sung vitamin D, theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, bạn nên bổ sung đầy đủ canxi chế độ qua ăn uống vận động hợp lý.Hàm lượng canxi trong thời gian cho con bú luôn cao hơn bình thường, khoảng 1.500mg/ngày. Hãy chọn lựa những thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa, hải sản…không quá kiêng khem trong ăn uống. Tắm nắng cũng là cách giúp cơ thể bạn tổng hợp vitamin D tốt đồng thời cũng ngăn ngừa được tình trạng loãng xương.
Nếu các dấu hiệu đau nhức, mệt mỏi kéo dài và không được cải thiện thì bạn cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn.