Mẹ và Con - Ngày Tết Trung thu, có thể làm gì để tạo nên những ký ức đẹp khó quên cho tuổi thơ của con bạn? Cùng khám phá ngay những hoạt động ý nghĩa và không kém phần hấp dẫn cho ngày Tết đoàn viên này.

Không khí mát mẻ của mùa thu và ánh trăng tròn đẹp đẽ luôn gợi nhắc chúng ta về Tết Trung thu – Tết đoàn viên. Và Tết Trung thu cũng là dịp để trẻ thỏa sức sáng tạo, khám phá và trải nghiệm.

Hãy cùng khám phá 10 hoạt động ý nghĩa và vui nhộn mà bạn có thể cùng bé thực hiện trong ngày Tết Trung thu, tạo nên những ký ức đẹp khó quên cho tuổi thơ của con bạn nhé.

Ý nghĩa của Tết Trung thu

Tết Trung thu được diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch hằng năm. Vào ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ dâng lên ông bà tổ tiên và sau đó, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần ăn uống với nhau. Vì thế, Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.

Bên cạnh đó, ngày này cũng được gọi là Tết thiếu nhi, là dịp trẻ em được phá cỗ, rước đèn, tham gia các hoạt động ăn mừng ngày trăng rằm. 2 hình ảnh quen thuộc với trẻ trong ngày Tết Trung thu chính là chú Cuội và chị Hằng.

ý nghĩa tết trung thu

Các hoạt động trong ngày Tết Trung thu

Làm đèn Trung thu

Ngày Tết Trung thu có thể tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động gì? Vào buổi chiều, bạn có thể cùng trẻ làm đèn trung thu để rước đèn vào buổi tối. Hoạt động làm đèn trung thu sẽ thử thách sự khéo tay và cả tính sáng tạo của trẻ.

Rước đèn lồng

Trong ngày trung thu thì không thể nào thiếu được hoạt động rước đèn lồng.

Ngày trước đèn lồng thường được làm bằng tre và giấy gió, có trang trí nhiều hoa văn bên ngoài. Đèn lồng có đa dạng hình dán như hình ngôi sao, cá chép, bươm bướm, con thỏ, hoa sen,… Hiện nay còn có các loại lồng đèn pin, có phát những bài nhạc trung thu vui nhộn.

Các hoạt động trong ngày Tết Trung thu

Ngắm trăng

Dù trẻ em hay người lớn thì vào ngày Tết Trung thu cũng có thể cùng nhau ngắm trăng đấy nhé. Vì Tết Trung thu cũng là ngày rằm tháng 8 âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm nên bạn có thể cùng trẻ ngắm trăng, kể cho con nghe về sự tích về chú Cuội, chị Hằng hoặc hướng dẫn con kể lại sự tích này – một cách để rèn luyện khả năng nói, kể chuyện của con.

Phá cỗ

Đêm trung thu thì không thể nào thiếu được hoạt động phá cỗ. Mâm cỗ cho ngày Tết Trung thu thường gồm các loại hoa quả như bưởi, thanh long, lựu, dưa hấu, hồng,… cùng với bánh trung thu. Thậm chí, nhiều gia đình còn khéo léo cắt tỉa thành hình các con vật ngộ nghĩnh.

Mâm cỗ trung thu dùng để tế trời đất, dâng tổ tiên, mong cho mùa màng bội thu, gia đình yên lành. Việc cả gia đình cùng nhau phá cỗ sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ với trẻ trong ngày Tết Trung thu.

trò chơi trung thu

Biểu diễn văn nghệ

Nếu gia đình đông trẻ con hoặc muốn tổ chức hoạt động cho trẻ trong khu phố, bạn có thể tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ để trẻ có thể hát, múa những bài hát liên quan đến ngày trung thu. Hoặc trẻ cũng có thể hóa thân thành chú Cuội, chị Hằng để biểu diễn các vở kịch cũng là một ý tưởng thú vị mà bạn có thể thử trong dịp Tết đoàn viên.

Một số bài hát trong ngày Tết Trung thu mà bạn có thể tập cho bé như: Thằng Cuội, Đêm Trung thu, Ông trăng xuống chơi, Chiếc đèn ông sao, Rước đèn tháng tám, Vầng trăng cổ tích,…

Xem múa Lân

Xem múa Lân cũng là hoạt động mà bạn nên cho bé tham gia trong ngày Tết Trung thu. Múa Lân được xem là một hoạt động truyền thống không thể thiếu trong những ngày lễ, ngày tết của dân tộc.

Kỳ Lân là biểu tượng của sự nguy nga, trường thọ. Trong bộ tứ linh (Long – Lân – Quy – Phụng), Kỳ Lân mang nhiều ý nghĩa tốt lành và múa lân chính là hoạt động cầu mong sức khỏe, an lành đến mọi người, mọi nhà.

Làm và thưởng thức bánh trung thu

Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc tự làm bánh trung thu? Thay vì mua những chiếc bánh làm sẵn thì việc tự làm bánh trung thu cũng rất thú vị đấy nhé. Hình tròn của bánh trung thu chính là biểu tượng của sự viên mãn, tròn đầy, gửi gắm thông điệp vô cùng ý nghĩa.

Bạn có thể cho trẻ cùng tham gia hoạt động này để con có thể hiểu hơn về ngày trung thu cũng như cách làm bánh trung thu, những công đoạn làm bánh.

Và bên cạnh đó, vào ngày Tết Trung thu, bạn có thể cho trẻ tham gia cùng gia đình, vừa ăn bánh uống trà, vừa chia sẻ những câu chuyện, những tâm sự,… để thêm thấu hiểu và gắn kết với nhau.

Xem thêm: 4 cách làm bánh trung thu chay đơn giản cho mùa trăng ấm áp

làm bánh trung thu

Nắn đất sét

Vào ngày Tết Trung thu, bạn có thể chuẩn bị đất sét với nhiều màu sắc khác nhau và tổ chức cuộc thi nắn đất sét để bé có thể thỏa sức sáng tạo, tạo hình đất sét thành những con vật hay biểu tượng có liên quan đến chủ đề trung thu. Trò chơi trung thu này không chỉ có ý nghĩa mà còn là một cách để giúp con rèn luyện sự khéo léo cũng như sáng tạo.

Dạ hội hóa trang

Một trò chơi tập thể vui nhộn trong ngày Tết Trung thu đó chính là trò dạ hội hóa trang. Bạn có thể chuẩn bị các vật dụng cần thiết như bìa cứng, bọc ni lông, báo, màu, hồ dán, kim băng… Mỗi người hoặc mỗi đội (2-3 người) sẽ phải thiết kế mặt nạ/trang phục liên quan đến chủ đề trung thu. Đội đẹp nhất/sáng tạo nhất sẽ có thưởng.

Tết Trung thu luôn mang đến cho chúng ta những hình ảnh đẹp về đêm trăng thanh, lồng đèn lung linh và tiết trời se lạnh dần chào đón mùa thu. Đối với trẻ em, đây là dịp để thỏa sức vui đùa, hòa mình vào không khí rộn ràng của ngày Tết thiếu nhi.

Vậy trong dịp này, chẳng có lý do gì để không cùng bé thực hiện các hoạt động vui nhộn và ý nghĩa để Tết Trung thu trở nên khó quên phải không nào?

Bài viết liên quan