Vậy bạn đã biết mâm cỗ cúng như thế nào, giờ cúng ra sao và những điều cấm kỵ khi thực hiện nghi thức cúng ông Táo là gì để cả năm được sung túc, gặp nhiều may mắn chưa? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Ý nghĩa của nghi thức cúng ông Táo
Theo tín ngưỡng dân gian, các Táo quanh năm sẽ ở trong bếp, nên họ sẽ tường tận hết mọi chuyện của gia chủ và các thành viên trong gia đình. Cứ mỗi năm, hai vị thần này sẽ về chầu trời một lần vào dịp cuối năm âm lịch, nhằm báo cáo với Ngọc Hoàng mọi chuyện đã và đang xảy ra trong nhà, bao gồm cả chuyện tốt và xấu.
Vì thế, cứ đến ngày 23 tháng Chạp mỗi năm, các gia đình Việt Nam đều làm lễ tiễn ông Táo về trời rất chu đáo, trọng thể. Nghi thức cúng ông Táo được thực hiện để bày tỏ lòng cảm ơn những gì hai ông đã che chở, giúp dỡ cho gia đình trong một năm qua, và mong ông Táo sẽ báo cáo những chuyện tốt đẹp của gia đình mà bỏ qua những chuyện xấu.
Nghi thức cúng ông Táo cần chuẩn bị những gì?
Lễ vật truyền thống
Thông thường, lễ vật dùng trong nghi thức cúng ông Táo truyền thống sẽ bao gồm:
- Mũ dành cho các ông Táo nên có hai cánh chuồn, còn mũ của Táo bà không có cánh chuồn. Những loại mũ này thường được trang trí với các gương nhỏ hình tròn lấp lánh và những dây kim tuyến có màu sắc sặc sỡ.
- Những đồ “vàng mã” như mũ, áo, hia, và một số vàng thỏi bằng giấy được thay đổi và bày trí sao cho phù hợp theo ngũ hành hàng năm. Chúng sẽ được đốt sau lễ cúng ông Táo cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta sẽ lập bài vị mới cho Táo Công.
- Đối với những nhà có trẻ con, mọi người thường cúng thêm cho Táo quân 1 con gà luộc. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chọn gà luộc phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn). Ngụ ý của điều này là nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên, trưởng thành và có nhiều nghị lực, sinh khí hiên ngang, mạnh mẽ như con gà cồ.
- Bên cạnh đó, một lễ vật không thể thiếu là 1 con cá chép trong nghi thức cúng ông Táo. Đây được xem là một phương tiện “truyền thống” của các ông và các Táo bà có thể về chầu trời. Ở miền Bắc, các gia đình còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long”, tức cá chép sẽ hóa thành rồng lớn để đưa ông Táo về trời. Thông thường, con cá chép này sẽ được phóng sinh sau khi cúng, có thể thả ra ao, hồ, sông suối.
- Ở miền Trung, mọi người còn chuẩn bị thêm 1 con ngựa bằng giấy, có cả yên, cương đầy đủ.
Mâm cỗ theo nghi thức cúng ông Táo
Tùy thuộc vào từng gia cảnh, bên cạnh những lễ vật chính kể trên thì trong nghi thức cúng ông Táo, người Việt Nam thường sẽ thêm hoặc chỉ cúng theo một mâm cỗ cúng, có thể là lễ cúng với những món mặn (xôi gà, chân giò luộc, măng…) hoặc là lễ cúng chay (trầu cau, hoa, quả,…) để tiễn Táo quân.
Mâm cỗ theo nghi thức cúng ông Táo truyền thống bao gồm những món tương đối cơ bản như sau:
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 5 lạng thịt vai luộc
- 1 bát canh mọc
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa giò
- 1 đĩa xôi gấc
- 1 đĩa chè kho
- 1 đĩa hoa quả
- 1 ấm trà sen
- 3 chén rượu
- 1 quả bưởi
- 1 quả cau, lá trầu
- 1 lọ hoa đào nhỏ
- 1 lọ hoa cúc
- 1 tập giấy tiền, vàng mã.
- Món cá chép (sống hoặc rán).
Nên bày mâm cúng giờ nào là đúng nhất?
Theo các chuyên gia phong thủy, nghi thức cúng ông Táo cần được thực hiện trước khi các ông bay về trời để báo cáo cho Ngọc Hoàng, tức là phải dọn mâm và cúng trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Vì thế, để trả lời cho câu hỏi nên cúng ông Táo vào giờ nào, tùy theo điều kiện và thời gian của từng nhà, bạn có thể lựa chọn thực hiện nghi thức cúng bái theo những khung giờ như sau:
5 – 7 giờ sáng ngày 23 tháng Chạp: Giờ Mão – giờ Đại An
Cúng ông Táo vào khung giờ này, ngụ ý nhờ Táo quân mang đi những mâu thuẫn, xung đột trước giờ trong gia đình, giúp gia đạo được hưng vượng, bình an. Ngoài ra, tiến hành nghi lễ cúng vào giờ này còn mang đến sức khỏe tốt lành, sự bình an trong tâm trí của các thành viên trong gia đình.
9 – 11 giờ ngày 23 tháng Chạp: Giờ Tỵ – giờ Tốc Hỷ
Tiễn Táo quân chầu trời vào khung giờ này cũng với mong muốn Táo quân sẽ mau chóng mang về những chuyện may mắn, vui vẻ và đầy hứa hẹn trong năm mới. Giúp gia đình có một năm nhiều niềm vui, hạnh phúc, kịp thời hóa giải được những điều không may mắn có thể gặp phải.
Những điều cấm kỵ khi thực hiện nghi thức cúng ông Táo
Không nên cúng lễ ở dưới bếp
Do ông Táo là các vị thần bếp, nên có một số gia đình cho rằng nên làm mâm cơm và đồ lễ cúng ông Táo ở dưới bếp mới đúng phong tục. Tuy nhiên, quan niệm này chưa thực sự đúng và thuyết phục được nhiều người, trong đó là các chuyên gia về tâm linh, phong thủy nổi tiếng.
Theo những phân tích chuyên sâu của các chuyên gia phong thủy, khi thực hiện nghi thức cúng ông Táo về trời, bạn nên thắp hương trên bàn thờ của gia đình, Nếu như bàn thờ Táo quân được đặt ở gần bếp, bạn nên thực hiện nghi lễ cúng tại bàn thờ này. Còn trường hợp những gia đình không lặp bàn thờ riêng, buộc phải thắp hương tại bàn thờ thần linh hoặc gia tiên, tuyệt đối không nên cúng và đặt đồ lễ ở dưới bếp.
Xét theo ý nghĩa tâm linh, bàn thờ được xem là nơi kết nối giữa hai thế giới âm và dương, giữa người bình thường và các vị thần linh. Vì thế, khi tiến hành làm các nghi thức thờ cúng, bạn chỉ được phép dâng đồ lễ và cầu thỉnh tại chính bàn thờ của gia đình.
Ngoài ra, mâm cúng cũng không cần quá cầu kỳ, phức tạp, người cúng nên tùy theo gia cảnh của mình, dành nhiều sự tôn kính cho thần linh là đủ. Trong khi thực hiện nghi thức cúng ông Táo bạn cũng nên lưu ý bật bếp lên để có ngọn lửa cháy rực, bày mâm cỗ đề huề để tỏ lòng mong muốn gia đình có một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Không nên làm nghi thức cúng ông Táo quá 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp
Lí do là vì vào đúng 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các vị thần Táo sẽ cưỡi cá chép và bay về trời để trình báo cho Ngọc Hoàng. Vì thế, nghi thức cúng ông Táo nên được diễn ra tốt nhất là vào khung giờ mà Mẹ và Con đã gợi ý phía trên.
Nếu cúng lễ sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, ý nghĩa của lễ cúng cũng không còn trọn vẹn, các ông Táo đã bay về trời mà chưa kịp nhận được sự thể hiện lòng thành kính của gia chủ.
Nếu hai khung giờ trên không tiện đối với những gia đình phải đi làm cả ngày, không có điều kiện về thời gian để thực hiện nghi lễ cúng thì bạn cũng có thể thực hiện cúng vào trưa hoặc tối ngày 22 tháng Chạp.
Không nên cầu xin quá nhiều khi cúng ông Táo
Trên thực tế, có nhiều người đến bây giờ vẫn hiểu sai về ý nghĩa của nghi thức cúng ông Táo mà vô tư bày tỏ quá nhiều nguyện vọng của mình.
Bạn cần phải lưu ý, ngày lễ cúng này được diễn ra nhằm mục đích tiễn các vị thần Táo về chầu trời, các vị Táo quân canh giữ cuộc sống của gia đình cả năm qua sẽ tâu với Ngọc Hoàng về tất cả những chuyện của các thành viên trong gia đình, bao gồm cả chuyện tốt và xấu chứ không đề cập đến vấn đề tài lộc.
Chính vì thế, khi cầu khẩn trong nghi lễ, bạn nên tránh xin ban phước tài lộc để tránh làm phật lòng các vị thần linh. Tốt hơn, bạn nên cầu xin Táo quân vui vẻ báo cáo những chuyện tốt nhiều hơn, những chuyện xấu nên giảm nhẹ lại.
Không thả cá vàng từ trên cao xuống
Tín ngưỡng phóng sinh cá vàng sau khi thực hiện nghi thức cúng ông Táo đang ngày một phổ biến hơn ở mọi gia đình Việt. Hầu hết mọi người đều mua cá vàng còn sống để cúng và sau lễ sẽ mang thả xuống sông, hồ với mong muốn các Táo có phương tiện để bay về trời.
Tuy mang một hàm ý tốt đẹp, nhưng khi thực hiện tục thả cá này, có những người không hiểu rõ mà thả từ trên cao xuống khiến cá vàng bị chết. Điều này thực sự không nên, nó vừa ảnh hướng đến môi trường, vừa ảnh hưởng đến tài phước của bạn.
Vì thế, để thể hiện lòng thành kính của mình với các vị thần linh một cách trọn vẹn, bạn nên thả cá ở những nơi có nguồn nước sạch và thả một cách nhẹ nhàng để cá có thể tự do bơi ra xa.
Bài khấn ông Công ông Táo
Khi thực hiện nghi thức cúng ông Táo, bạn có thể chọn 1 trong các bài khấn sau:
Bài khấn 1 trong nghi thức cúng ông Táo
“Nam mô a di đà Phật (3 lần)
Con xin lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là… ngụ tại…
Nhân ngày hôm nay, 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dân Tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.
Gia đình chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua mà gia chủ chúng con đã mắc phải sai phạm.
Xin Tôn thần rộng lòng, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ có được sức khỏe, mọi sự bình yên, thuận buồm xuôi gió.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật (3 lần)”.
Bài khấn 2 trong nghi thức cúng ông Táo
“Kính lạy Thượng Đế!
Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng đế.
Kính lạy Thượng đàm Thần Tướng Thiên Thiên Tướng
Trung đàm Thần Tướng Thiên Thiên Binh
Hạ đàm Thần Tướng Thiên Thiên Mã
Kính lạy Sơn Thần, Long Thần, Thổ Địa, Thổ Công Táo Quân, Thổ Kỳ lai sàng chứng giám
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm… Là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ
Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú…
Con có chút lễ vật, bày tỏ tấm lòng thành kính, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên ở cả trên trời và dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời.
Kính lạy Thổ Thần Thổ Địa, Thổ Công Táo Quân, Thổ Kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua, gia đình chúng con nhờ ân phúc của các ngài mà thân thể được khỏe mạnh, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn.
Nay con làm lễ, với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời, tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước, quê hương của con cùng gia tộc, gia đình con được mạnh khỏe, hạnh phúc, vượt qua được những khó khăn, thử thách.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của gia đình chúng con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài Thiên Thiên Tuế!
Con xin đa tạ (3 lần)”.
Bài khấn 3 trong nghi thức cúng ông Táo
“Hôm nay, ngày… tháng… năm
Tên con là…, cùng toàn gia ngụ tại…
Kính lạy đức “Đông Trù Tư mệnh, Táo phủ Thần Quân:
(Khấn thêm: Thỏ địa Long Mạch Tôn Thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc Đức chính Thần).
Hàng năm gặp tiết hết năm, tháng vừa cuối Chạp. Gia đình sửa lễ bạc dâng lên. Cảm tạ phúc dày nhờ thần phù hộ. Kính mong thần tâu bẩm giúp cho chúng con:
Bếp trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp. Cảm thông tin tấu thực thà. Cầu mong giúp đỡ lợi lạc. Người người ấm no, cả nhà thêm tiếng tốt. Việc việc thành cong, một cửa ngút khí lành man mác. Muôn trông ơn đức vô cùng.
Cẩn cáo (vái 4 vái)”.
Lưu ý:
Khi thực hiện lễ đưa ông Táo và đọc bài khấn ông Công ông Táo xong, bạn nên kính lễ 9 lần. Lễ xong đi lùi 3 bước mới được quay lưng đi. Tiếp theo, chờ nhang khoảng 1/3, bạn có thể mang vàng mã đi đốt cho các vị thần. Cuối cùng, bạn có thể mang cá chép thả ra ngoài sông, suối, ao, hồ có dòng chảy lưu thông. Tránh thả ở những hồ nước bẩn, ao tù.
Trên dây là những hướng dẫn về nghi thức cúng ông Táo để bạn có thể thực hiện lễ cúng một cách đầy đủ và chỉn chu. Và cần nhớ rằng, mâm cao cỗ đầy không bằng có tấm lòng thành. Hãy thành tâm khi thực hiện nghi thức truyền thống này bạn nhé!