Mẹ&Con – Tiền sản giật chiếm tỉ lệ từ 6-8% phụ nữ mang thai. Bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Bị tiền sản giật, người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ). Còn với thai nhi, sẽ làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí thai bị chết lưu trong tử cung.

Bạn biết gì về tiền sản giật?

Các khảo sát của bệnh viện cho thấy chỉ một tỉ lệ rất ít thai phụ có nhận thức đúng về bệnh tiền sản giật. Trong khi đó, tiền sản giật lại là bệnh nhiễm độc thai nghén thường gặp, chiếm tỉ lệ đến khoảng 8% (một tỉ lệ khá cao).

Trước khi tìm hiểu tiền sản giật là gì, thai phụ cần biết rõ về huyết áp trong thai kỳ và cao huyết áp trong thai kỳ vì điều này có liên quan mật thiết đến tiền sản giật. Ở một phụ nữ bình thường khi mang thai, huyết áp nếu lớn hơn hoặc bằng mức 140/90mmHg được gọi là cao huyết áp (mức thông thường là 120/80).

Với những phụ nữ bình thường có huyết áp thấp hơn, nhưng đến khi mang thai, huyết áp tâm thu tăng ít nhất 30mmHg và huyết áp tâm trương tăng ít nhất 15mmHg so với huyết áp lúc chưa mang thai thì cũng bị coi là cao huyết áp.

tiền sản giật

Tiền sản giật là hội chứng xuất hiện do các cơ quan bị giảm tưới máu vì mạch máu co thắt và nội mạch phù dày, thường xảy ra ở con so (nhất là khi quá trẻ tuổi hoặc quá lớn tuổi). Tiền sản giật xuất hiện với 3 triệu chứng: Cao huyết áp (sau tuần 20 của thai kỳ), nước tiểu có Albumin, cơ thể bị phù.

Trường hợp nặng, bên cạnh 3 triệu chứng trên còn xuất hiện thêm một trong các triệu chứng như: Huyết áp cao vượt ngưỡng 160/110mmHg, lượng nước tiểu trong 24 giờ ít hơn 400ml, có hơn 5 gam Albumin trong nước tiểu trong 24 giờ, thai phụ nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau thượng vị, cảm giác ngộp thở, nặng ngực.

Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể chuyển thành sản giật – tức biến chứng cấp tính của tiền sản giật, có kèm co giật và hôn mê. Sản giật có thể xuất hiện từ 1 cơn đến 20 cơn giật. Không cấp cứu kịp, sản phụ có thể co giật liên tiếp cho đến khi chết.

Nguy hiểm nghiêm trọng như vậy, nhưng nhiều thai phụ vẫn hết sức “ngơ ngác” khi nghe nói đến biến chứng này. Nhiều người nhầm lẫn rằng hễ đã mang thai thì đương nhiên bị phù. Vì thế, dấu hiệu phù mặt, tay của tiền sản giật thường rất dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng phù nề do xuống máu.

Thai phụ cần biết rằng nếu là phù nề bình thường thì sẽ chỉ cần được điều trị để tuần hoàn máu tốt hơn nhưng nếu là một biểu hiện của tiền sản giật thì sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, khi có dấu hiệu bị phù, cần để ý thêm các yếu tố khác như có bị cao huyết áp không, báo với bác sĩ để kiểm tra xem nước tiểu có nhiều đạm hay không…

Tiền sản giật có thể “hỏi thăm” ai?

Câu trả lời là bất kỳ ai. Vì thế, khi mang thai, thai phụ nhất thiết phải khám thai định kỳ thường xuyên, chú ý trao đổi với bác sĩ mọi dấu hiệu bất thường (trung bình trong quá trình thai nghén thai phụ cần khám 7 lần). Đặc biệt, các bác sĩ ghi nhận một số yếu tố có thể góp phần trong sự xuất hiện của tiền sản giật.

Đó là khi thai phụ có con so dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi; thai phụ mang đa thai (sinh đôi, sinh ba); dinh dưỡng kém trong thời kỳ mang thai, ăn uống thiếu thốn; thai phụ phải làm việc nặng nhọc, căng thẳng, không được nghỉ ngơi đầy đủ; thai phụ có bệnh lý nội khoa trước đó như tiểu đường, cao huyết áp, thận, nhược giáp; thai phụ có tiền căn thai kém phát triển, bị thai lưu những lần trước…

Để phòng ngừa tiền sản giật, mọi người mẹ khi mang thai cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình xem có rơi vào trường hợp đặc biệt nào không. Phải theo dõi khám thai thật đều đặn. Không nên có con quá sớm hoặc quá muộn. Suốt thời gian có thai, nên sắp xếp để giảm bớt công việc, có đủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhất là không nên ăn quá mặn.

Nếu người phụ nữ trước khi mang thai từng bị cao huyết áp thì cần trao đổi với bác sĩ, để được tư vấn cẩn thận suốt quá trình chuẩn bị làm mẹ. Tốt nhất là trước khi mang thai, nên thay đổi chế độ ăn uống (giảm mặn tối đa), tập thể dục đều đặn để giúp giảm cân, tránh béo phì, có chỉ số BMI phù hợp.

Một khi đã được xác định là có các dấu hiệu tiền sản giật thì nên nhập viện, điều trị theo sự hướng dẫn, chăm sóc của bác sĩ và nữ hộ sinh, tránh để chuyển sang dấu hiệu tiền sản giật nặng.

Tiền sản giật để lại hậu quả trên thai nhi và người mẹ khá nặng nề. Đối với thai nhi, có thể suy dinh dưỡng rồi suy thai, non tháng vì chuyển dạ tự nhiên hoặc buộc phải sinh sớm vì bệnh của mẹ. Đối với người mẹ, nếu không đuợc điều trị kịp thời có thể diễn tiến đến biến chứng nhau bong non, co giật, hôn mê, phù phổi cấp, suy tim cấp, xuất huyết não gây rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong.

Nhiều trường hợp tiền sản giật, sau khi sinh người mẹ bị tai biến mạch máu não hoặc tổn thương thận nặng gây bệnh thận mạn tính hết sức đáng tiếc.

Nhiều người nhầm lẫn rằng hễ đã mang thai thì đương nhiên bị phù. Vì thế, dấu hiệu phù mặt, tay của tiền sản giật thường rất dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng phù nề do xuống máu.

Trường hợp tiền sản giật nhẹ có thể điều trị tại nhà, ăn nhạt, nghỉ ngơi với tư thế nằm nghiêng để giúp máu qua thai nhi dễ dàng hơn. Khám thai hai lần/tuần để kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi.

Nếu bị tiền sản giật nặng, phải chấm dứt ngay bệnh bằng việc sinh thai nhi ra, ngay cả khi thai nhi còn non tháng để tránh nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cho mẹ.

Tags:

Bài viết liên quan

uống thuốc trị mụn

Bác sĩ giải đáp: Uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không?

Mẹ và Con - Hiện nay trong lĩnh vực làm đẹp đã xuất hiện nhiều phương pháp trị mụn và gây ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, ngăn ngừa sự tái phát của mụn. Trong đó, có nhiều chị em chọn cách uống thuốc trị mụn, tuy nhiên uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!