Mẹ&Con - Chắc hẳn đã không ít lần, bạn mở tivi và nghe những câu quảng cáo: “Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Thế nhưng, kỳ thực không phải người mẹ nào cũng hiểu hết giá trị thiêng liêng của dòng sữa quý báu này. Tăng nguồn sữa cho con Làm sao để bầu hấp thu được sữa? Uống sữa bầu thế nào mới tốt?

Vô số bà mẹ trẻ, làm các công việc có liên quan đến giữ gìn sắc vóc, ngoại hình một chút đã quyết tâm cho con bú sữa ngoài ngay từ đầu, với lời giải thích chung chung là “sữa của tôi không mát”, “tôi ít sữa quá sợ con không đủ bú”, “phải đi làm lại chỉ 1-2 tháng sau khi sinh nên cho con bú sữa ngoài sẽ thuận tiện hơn”.

nang-niu-nguon-sua-me

Kỳ thực, nguyên nhân sâu xa trong quyết định đó hầu hết chính là vì sợ… mất dáng, sợ sẽ tăng cân, xấu ngực, sợ phải ăn thật nhiều để đủ sữa cho con bú trong khi thân hình cứ xồ xề hết cả ra! Những nỗi ám ảnh này khiến không ít bà mẹ trẻ, nhất là những người làm các công việc cần đến sắc vóc một chút đã đành lòng hi sinh luôn chuyện được bú sữa mẹ của con mình, mà không biết bé sẽ phải chịu thiệt thòi đến thế nào vì điều đó.

Không gì có thể thay sữa mẹ!

Nếu con bạn đang được bú sữa mẹ, hãy biết rằng bạn đã mang đến cho con một tài sản vô giá nhất cuộc đời này: Đó chính là sức khỏe, sự phát triển hoàn thiện những năm tháng đầu đời, cũng như sự gắn kết mẫu tử thiêng liêng. Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất và phù hợp nhất đối với trẻ mà đến lúc này, ngay cả những nhãn sữa đắt giá nhất trên thế giới vẫn không thể nào sánh kịp. Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết, từ đạm, đường, chất béo, đến vitamin, chất khoáng theo tỷ lệ phù hợp nhất cho sự hấp thụ và tốc độ phát triển của bé. Tất cả những trẻ được bú sữa mẹ đều có sức khỏe và sự phát triển tốt hơn những trẻ cùng cân nặng, cùng nền tảng sức khỏe ban đầu nhưng bú sữa ngoài.

Một nguyên nhân khác khiến sữa mẹ thành tặng vật quý báu cho trẻ năm tháng đầu đời, đó là sữa mẹ cũng đồng thời là một dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều chất kháng khuẩn, như một hình thức “vắc-xin” trong lành, an toàn tuyệt đối để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, chống chọi lại bệnh tật. Sữa mẹ có những yếu tố đặc biệt quan trọng như các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng nên biết rằng khi cho trẻ bú sữa ngoài, một số trẻ sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng nhất định, hoặc dễ bị tiêu chảy, nôn trớ, táo bón… Trong khi đó, sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng và giúp hạn chế đến mức tối đa được mọi triệu chứng này.

nang-niu-nguon-sua-me

Khi cho con bú sữa mẹ, gia đình của bạn cũng sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều, cả về kinh tế lẫn về giờ giấc sinh hoạt. Giá sữa hiện nay không hề thấp. Một em bé bú sữa ngoài có thể tiêu tốn đến một phần lớn trong ngân sách gia đình. Trong khi nếu dùng sữa mẹ, bạn hoàn toàn không phải bận tâm đến điều này. Một thuận lợi khác là bạn không bao giờ phải rối rít canh giờ để pha sữa, đun nấu dụng cụ pha chế sữa, tất bật với những chuyện như giữ cho sữa ấm, sợ con bị bỏng vì sữa…

Đó là về thể chất. Còn về yếu tố tinh thần, việc cho bé bú sữa mẹ chính là cách kỳ diệu để gắn bó mẹ con với nhau, khiến trẻ cảm giác gần mẹ, được âu yếm yêu thương. Đây là điều rất quan trọng, giúp ích rất nhiều cho sự phát triển hài hòa của đứa trẻ. Nếu bạn quan sát một chút, sẽ nhận ra những đứa trẻ lúc nhỏ được bú sữa mẹ lớn lên sẽ linh hoạt, nhanh nhẹn, thông minh và giàu tình cảm hơn những đứa trẻ bị cách ly với nguồn sữa mẹ quá sớm hoặc hoàn toàn không được bú sữa mẹ những năm tháng đầu đời.

Với riêng bản thân người mẹ, bạn cũng được hưởng những quyền lợi rất lớn trong việc cho con bú sữa mẹ này. Việc cho con bú sữa mẹ sẽ khiến tuyến yên tiết ra prolactin ức chế rụng trứng, khiến chuyện “vỡ kế hoạch”, có con thứ hai quá sớm thường không xảy ra. Cho trẻ bú sữa mẹ còn giúp giảm tỷ lệ ung thư vú ở người mẹ sau này. Bạn thấy đấy, rõ ràng bạn và bé yêu nhận được rất nhiều lợi ích từ chính việc nuôi con bằng sữa mẹ này đấy chứ.

Bảo vệ nguồn sữa mẹ thế nào?

Một số bà mẹ than rằng thời buổi bâu giờ sao dễ mất sữa quá. Biết sữa mẹ đáng giá là vậy, nhưng chỉ cần stress một chút, căng thẳng một chút thôi đã mất sữa rồi. Mà đâu phải dễ để tránh chuyện stress hay áp lực công việc, nhất là trong nhịp sống tất bật ở thành phố, với bao nhiêu mối quan hệ, bao nhiêu xung đột có thể nảy sinh như thế này!

Thật ra, chuyện bảo vệ giữ gìn nguồn sữa mẹ không đến nỗi quá khó như bạn tưởng. Bạn cần thực hiện việc chăm chút cho nguồn sữa mẹ ngay từ giai đoạn chín tháng thai kỳ. Cần cố gắng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tranh thủ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, thu xếp công việc để đừng phải làm việc quá sức. Bạn cần tăng được khoảng 10-12kg suốt giai đoạn thai kỳ để dự trữ mỡ, hỗ trợ cho việc sản xuất sữa sau khi sinh.

Khi bé yêu chào đời, nên đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống của mẹ. Mẹ phải được ăn uống, bồi bổ đầy đủ, khẩu phần ăn cao hơn mức bình thường. Ví dụ thường khi bạn ăn 2 chén cơm mỗi bữa thì bây giờ nên ráng ăn thêm thành 3 chén. Thức ăn nên bao gồm đủ thịt cá, trứng. Cố gắng uống thêm sữa dành cho mẹ, hoặc các loại sữa tươi đảm bảo chất lượng. Ngoài các bữa ăn chính, bạn cũng cần ăn thêm các lại quả chín, rau đậu để tăng cường lượng vitamin và uống nhiều nước (mỗi ngày phải uống khoảng 2 lít nước). Tuyệt đối không ăn kiêng, ăn chay trong giai đoạn này. Đừng quá lo chuyện mất dáng mà vội vàng kiêng cữ đến nỗi có thể gây mất sữa cho con.

nang-niu-nguon-sua-me

Một điều đặc biệt quan trọng cần chú ý để bảo vệ nguồn sữa mẹ là không được uống thuốc bừa bãi. Tất cả các loại thuốc bạn uống vào trong giai đoạn này đều cần được bác sĩ kiểm tra chặt chẽ vì thuốc có thể theo đường sữa gây ngộ độc cho bé, hoặc thuốc cũng có thể khiến bạn dễ bị mất sữa ngay.

Trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, hãy cố gắng cho con bú thường xuyên, đúng cách (kể cả khi thấy sữa có vẻ ít). Việc cho bú thường xuyên sẽ kích thích bài tiết sữa. Bạn cũng cần vận động người nhà, để nhờ mọi người hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn đầu chăm sóc bé. Nếu bé hay quấy, khóc đêm, bạn đừng xót con đến nỗi không dám giao con cho ai và thức trắng theo bé. Việc lo âu, mất ngủ sẽ khiến bạn rất dễ bị mất sữa. Hãy mạnh dạn giao con cho người thân để phụ dỗ bé ở phòng khác, còn lại thì giữ yên tĩnh cho bạn có thể có được giấc ngủ đầy đủ.

Nếu làm được những việc này và nỗ lực cho con bú hoàn toàn khoảng 6 tháng đầu đời, sau đó tiếp tục cho bé bú mẹ trong quá trình ăn dặm đến khoảng 18 tháng sẽ rất tốt cho con. Quả là có cực đấy, nhưng kết quả sau những tháng ngày nuôi con bằng sữa mẹ cực nhọc, vất vả, bạn sẽ thấy bé yêu của mình phát triển vượt trội, khỏe mạnh, ít bệnh vặt và khiến bạn đỡ mệt hơn rất nhiều trong những năm tháng tiếp theo… 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược) 

Các món ǎn cổ truyền như cháo chân giò, ý dĩ thường có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các thức ǎn gia vị như ớt, hành, tỏi có thể qua sữa gây mùi khó chịu, khiến trẻ dễ bỏ bú.

Tags:

Bài viết liên quan