Mẹ&Con – Kiểm tra lại những kiến thức nho nhỏ của mình, để chuẩn bị thật chu đáo cho một hành trình dài chín tháng…

me da biet nhung viec nay chua

(Ảnh minh hoạ)

1. Phụ nữ mang thai và phụ nữ bình thường, đối tượng nào dễ bị nhiễm cúm hơn?

a. Khả năng nhiễm cúm là như nhau, không phụ thuộc vào chuyện có mang thai hay không.

b. Phụ nữ bình thường.

c. Phụ nữ mang thai.

>> Đáp án đúng là: câu c.

Phụ nữ mang thai dễ bị lây nhiễm cúm hơn bình thường (nếu không chích ngừa), và nếu bị cũng sẽ thường bị nặng hơn, kéo dài hơn phụ nữ bình thường. Nguyên nhân là do khi mang thai, cơ thể có sự giảm sút khả năng miễn dịch nên dễ bị vi-rút tấn công hơn. Bạn cần biết rằng một trường hợp mắc bệnh cúm thường kéo dài khoảng 3-4 ngày thì với phụ nữ mang thai, có thể kéo dài đến cả tuần lễ hoặc hơn. Để phòng tránh cho mình không rơi vào trường hợp này, bạn nên chích ngừa cúm từ trước thời điểm mang thai, luôn chú ý bổ sung cho mình sữa chua, nước cam… những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ cảm cúm.

2. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bạn nên tăng…

a. 1-2kg.

b. Tăng càng nhiều càng tốt.

c. 3-4kg.

>> Đáp án đúng là: câu a.

Trong suốt chín tháng thai kỳ, mẹ cần tăng từ 9-12kg, trong đó 3 tháng đầu tăng 1-2kg, 3 tháng giữa tăng 3-4kg, 3 tháng cuối tăng 5-6kg. Nếu mẹ tăng cân tốt theo đúng mức như thế thì khi sinh ra, thai nhi sẽ đạt khoảng trên 3kg. Nếu mẹ lười ăn, tăng cân không đủ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, đồng nghĩa với việc thể chất và tinh thần của trẻ sẽ không được tốt.

Ngược lại, nếu ăn uống quá mức cần thiết, tăng cân nhanh và quá nhiều cũng không hẳn tốt, vì có thể gây nên các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, tim mạch… Bạn cần lưu ý thêm là bữa ăn của thai phụ cần đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm chất bột  gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn… Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu… Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc… Nhóm vitamin chất khoáng và chất xơ gồm: rau xanh và quả chín.

3. Sau khi biết mình mang thai, niềm vui đột nhiên dần dần giảm đi, thay vào đó là sự nhạy cảm, lo lắng, bồn chồn, dễ buồn bã, dễ tủi thân với chồng. Theo bạn, hiện tượng này là…

a. Chẳng có gì nghiêm trọng, ai mà chẳng thế.

b. Nên quan tâm đến hiện tượng này, vì rất có thể đó là triệu chứng của chứng trầm cảm thai nghén.

>> Đáp án đúng là: câu b. 

Không nên bỏ qua trạng thái buồn bã, mệt mỏi, chán nản khi mang thai. Hãy biết rằng có ít nhất 10% thai phụ bị trầm cảm trong giai đoạn này. Nguyên nhân chính là do sự tăng giảm của hormon thai kỳ, đưa đến việc thai phụ sẽ nhạy cảm hơn.

Những nguyên nhân khác về mặt tâm lý là sự lo lắng khi mang thai, lo lắng về tình hình tài chính, mâu thuẫn với gia đình chồng, có thai ngoài ý muốn, lo lắng về sự phát triển của thai nhi… Tất cả những điều này đúc kết lại, tạo nên trạng thái trầm cảm cho thai phụ.

Các biểu hiện của trầm cảm thai kỳ là khả năng tập trung giảm sút, lo lắng, cáu kỉnh, dễ khóc, dễ hoảng sợ, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi thường xuyên, không hứng thú với bất cứ điều gì, không muốn ăn, thậm chí với một số người còn nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực như bỏ thai, tự tử. Gặp phải tình trạng ấy, bạn nên chia sẻ với người thân. Có thể trao đổi với bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Ngoài ra, cần tăng cường nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn…

4. Biểu hiện nào sau đây chứng tỏ bạn có nguy cơ nhiễm độc thai nghén?

a. Chân bị phù nề, tăng cân nhanh và nhiều (0,5-1kg/tuần).

b. Huyết áp tăng.

c. Xét nghiệm nước tiểu thấy có albumin niệu.

d. Tất cả các câu trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: câu d.

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng bệnh lý diễn ra trong thời kỳ mang thai, đặc biệt vào tháng thứ 5 và những trường hợp mang thai con so, đa thai, đa ối… Các biểu hiện nhiễm độc thai nghén là các dấu hiệu như đã kể ở trên. Nếu bị nhiễm độc nhẹ thì không ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi. Nhưng nếu bị nhiễm độc nặng mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới co thắt mạch toàn thân, bị sản giật, thai nhi sẽ bị thiếu oxy và dinh dưỡng…

Để tránh bị nhiễm độc thai nghén, thai phụ cần kiểm tra và khám thai định kỳ, không làm việc quá sức khi mang thai; cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý (bổ sung đường, đạm, vitamin, các chất vi lượng, uống bổ sung viên sắt, axid folic…), có chế độ nghỉ ngơi đúng mức. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường như kể trên, cần phải báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

5. Theo bạn, táo bón ở phụ nữ sau khi sinh có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng nào:

a. Trĩ.

b. Sa trực tràng.

c. Sa dạ con.

d. Tất cả các câu trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: câu d.

Sau kỳ vượt cạn, hầu hết sản phụ đều phải đối diện với tình trạng táo bón, do thường hạn chế đi lại, nằm nghỉ trên giường nhiều nên vận động của ruột yếu đi, phân khô, cứng, chế độ ăn lại ít chất xơ (do kiêng cữ không đúng cách) dễ gây táo bón.

Nếu kéo dài, táo bón sẽ có thể dẫn đến trĩ, sa trực tràng, sa dạ con, gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Giải pháp cho bạn là sau khi sinh, cần chịu khó ăn uống đầy đủ chất xơ, ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước, ăn canh… Cố gắng thiết lập phản xạ đi ngoài bình thường, đúng giờ, để tránh tình trạng bị táo bón ban đầu sẽ dễ tái đi tái lại.

Tags:

Bài viết liên quan