Nuôi dạy con cái là một trong những hành trình đầy thử thách với những người làm bố, làm mẹ. Đôi khi, các phương pháp nuôi dạy con mà bạn đang áp dụng lại khiến mọi người chỉ trích, phê bình, góp ý,… Và bạn cần phải xử lý những tình huống này một cách duyên dáng và quyết đoán.
Tại sao mọi người chỉ trích các phương pháp nuôi dạy con cái của người khác?
Khi ai đó chỉ trích cách nuôi dạy con cái của bạn, điều đó có thể xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau.
Đôi khi, đó là vấn đề về quan điểm hoặc giá trị khác nhau, đặc biệt là khi các bậc phụ huynh khác đánh giá các phương pháp nuôi dạy con của bạn dựa trên kinh nghiệm của chính họ.
Trong một số trường hợp, người bạn đời của bạn có thể phê bình hay chỉ trích cách nuôi dạy con cái của bạn vì lo lắng hoặc mong muốn được tham gia vào quá trình nuôi dạy con này. Hoặc cũng có thể là do bất đồng quan điểm trong cách dạy con. Đơn giản chỉ là họ cũng quan tâm đến con cái nhưng chưa biết làm sao để góp ý một cách mang tính xây dựng và không làm bạn cảm thấy tổn thương.
Đôi khi, một cá nhân có thể phóng chiếu sự bất an hoặc tổn thương trong quá khứ của mình lên người khác, khiến họ chỉ trích các phương pháp nuôi dạy con của bạn. Hoặc họ cũng có thể chê bai cách dạy con của bạn để cảm thấy tốt hơn, dễ chịu hơn. Cảm giác cùng làm bố, làm mẹ nhưng người khác lại không biết dạy con tốt như mình có thể khiến họ cảm thấy vui vẻ và hưng phấn.
Điều quan trọng là phải nhận ra mục đích đằng sau lời chỉ trích, vì những lời góp ý hay phê phán này có thể bao gồm sự quan tâm thực sự đến phán xét sai lầm hoặc thậm chí là thiếu hiểu biết về hoàn cảnh riêng của bạn.
Phải làm gì khi ai đó chỉ trích các phương pháp nuôi dạy con cái của bạn?
Nuôi dạy con cái là một hành trình mang tính cá nhân sâu sắc. Và có thể bạn đã gặp, trong hành trình bạn nuôi dạy con cái của mình, thường đầy rẫy những lời khuyên và lời chỉ trích, góp ý về các phương pháp nuôi dạy con cái dù rằng bạn chẳng xin lời khuyên từ họ hay bạn và người phê phán không hề có mối quan hệ thân thiết.
Lắng nghe và phân tích
Khi ai đó chỉ trích cách nuôi dạy con cái của bạn, điều đó có thể giống như một cuộc tấn công vào những giá trị và bản năng sâu sắc nhất của bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xử lý những lời phê bình này một cách đĩnh đạc và tự tin.
Trước khi phản ứng, hãy tích cực lắng nghe những gì được góp ý, dù rằng lời góp ý đó có vẻ dễ nghe hay không. Đôi khi, những lời chỉ trích có thể đưa ra một góc nhìn mới hoặc cái nhìn có giá trị tích cực về các phương pháp nuôi dạy con cái mà bạn đang áp dụng.
Chúng ta không phải là một người hoàn hảo, do đó vẫn có thể có sai sót khi nuôi dạy con. Vì thế, cứ hãy nghe một cách cởi mở và trung thực nhìn lại cách nuôi dạy con của mình xem có gì có thể thay đổi hay không.
Ngoài ra, bạn nên xem xét ai là người đưa ra lời chỉ trích về các phương pháp nuôi dạy con cái của bạn. Đó có phải là người có kinh nghiệm và trí tuệ hay không? Hay đây chỉ là những nhận định một cách vô căn cứ và không dựa trên bất kỳ lý thuyết hoặc kinh nghiệm thực tiễn nào?
Bạn nên cố gắng hiểu ý định đằng sau lời chỉ trích và phê bình về cách nuôi dạy con của mình là gì. Liệu những lời góp ý này nhằm mục đích tốt cho bạn và con của bạn hay chỉ đơn giản là sự đố kỵ, chán ghét?
Tin vào những quyết định của mình
Khi nghe góp ý về các phương pháp nuôi dạy con mà mình đang áp dụng, bạn nên nhắc nhở bản thân về những điểm mạnh và thành công trong bí quyết dạy con của bạn. Đừng để những lời chỉ trích làm lu mờ thành tích của bạn.
Và là một người bố, người mẹ, bạn cần hiểu rằng bạn sẽ là người hiểu rõ con mình cũng như hoàn cảnh của gia đình mình nhất. Do đó, dù cho cởi mở trong việc lắng nghe những lời nhận xét, góp ý nhưng bạn cũng nên dành chút thời gian để suy ngẫm xem liệu những lời góp ý đó có phù hợp với con của bạn hay không.
Các phương pháp nuôi dạy con cái sẽ phù hợp với những đứa trẻ có tính cách khác nhau. Do đó, đừng vội nghĩ mình thất bại trong việc nuôi dạy con khi mình bị người khác góp ý. Có thể có những phương pháp tưởng chừng tốt và hiệu quả nhưng không thể áp dụng cho con của bạn vì không thích hợp với tính cách của trẻ.
Đưa ra ý kiến cá nhân
Và nếu bạn chọn cách phản hồi, đáp trả những lời góp ý, hãy làm một cách bình tĩnh và quyết đoán. Hãy cho đối phương biết bạn đã lắng nghe toàn bộ góp ý của họ và sẽ cân nhắc về những phương pháp phù hợp.
Nếu đối phương liên tục đưa ra sự chỉ trích không đúng và điều này khiến bạn hay trẻ tổn thương, hãy yêu cầu đối phương dừng lại và không can thiệp vào quyết định của bạn. Lúc này, cần có thái độ cương quyết để đối phương hiểu được bạn nghiêm túc “cảnh cáo” họ về những lời góp ý chưa phù hợp này.
Và dĩ nhiên, nếu lời chỉ trích không mang tính xây dựng hoặc xuất phát từ nguyên nhân tiêu cực, bạn có thể yêu cầu đối phương dừng lại cũng như gạt bỏ những lời nói đó ra khỏi đầu và tiếp tục với những quyết định của mình.
Tham khảo thêm nhiều ý kiến khác
Còn nếu bạn băn khoăn về các phương pháp nuôi dạy con của mình sau khi nghe góp ý và khoogn biết mình đang làm đúng hay sai, bạn có thể nói chuyện với người mà bạn tin tưởng về những lời chỉ trích. Họ có thể đưa ra một quan điểm khác hoặc cho bạn sự trấn an cần thiết.
Nuôi dạy con cái là một hành trình chứa đầy sự học hỏi và trưởng thành, và sai lầm là một phần không thể tránh khỏi của quá trình này. Khi ai đó chỉ trích các phương pháp nuôi dạy con cái của bạn, điều đó có thể làm bạn tổn thương hay nản chí. Nhưng điều quan trọng là hãy cân nhắc và chắt lọc những góp ý đúng cũng như xem đây như những cơ hội để cải thiện khả năng nuôi dạy con cái của mình bạn nhé!