Mẹ&Con – Không phải chỉ có trong thai kỳ “bầu” mới cần nắm vững kiến thức mang thai, ngay cả khi ngày chuyển dạ đã gần kề, “bầu” cũng phải tiếp tục cập nhật kiến thức để có thể sinh an toàn

Kết thúc 9 tháng 10 ngày mòn mỏi, giờ phút quyết định cũng đã đến. Bạn chuyển dạ! Cuộc chuyển dạ thành công sẽ kết thúc bằng tiếng khóc chào đời của một thiên thần bé bỏng. Nhưng trước đó, vẫn có hàng loạt điều bạn cần tìm hiểu.

Chuyen da

(Ảnh minh họa)

Phân biệt chuyển dạ thật và chuyển dạ… giả

Càng gần những tuần cuối, bạn càng thường xuyên thấy xuất hiện những cơn co mạnh hơn. Những cơn co này đôi lúc khiến mẹ bầu tưởng mình sắp chuyển dạ. Thực chất, rất có thể đây chỉ là cơn chuyển dạ giả, giống như một cách luyện tập an toàn của tử cung trước khi chuyển dạ thật.

Có 4 đặc điểm giúp bạn phân biệt “thật – giả”:

Tần suất xuất hiện:

Chuyển dạ giả: các cơn co xuất hiện không thường xuyên và không liên tiếp.

Chuyển dạ thật: các cơn co xuất hiện đều đặn và thường kéo dài 30 – 70 giây, càng lúc chúng càng dồn dập hơn.

Sự tăng giảm khi di chuyển:

Chuyển dạ giả: khi bạn đi lại, nằm nghỉ ngơi hay thay đổi tư thế, cơn co thường sẽ ngừng ngay.

Chuyển dạ thật: cơn co không dứt ngay cả khi di chuyển và thay đổi tư thế.

Cường độ:

Chuyển dạ giả: cơn co lúc đầu có thể dữ dội nhưng sau đó giảm dần đi.

Chuyển dạ thật: cơn co mỗi lúc một mạnh hơn.

Vị trí:

Chuyển dạ giả: xuất hiện ở phía trước của bụng hoặc vùng xương chậu.

Chuyển dạ thật: cơn co bắt đầu ở phía dưới của lưng và chuyển dần ra phía trước bụng.

Khi xuất hiện cơn chuyển dạ giả, bạn nên nằm yên, cố gắng thư giãn, nghỉ ngơi. Uống một ít nước lọc hoặc nước trái cây kết hợp hít thở nhẹ nhàng. Nếu những cơn co không ngừng lại, bạn cảm thấy đau lưng hay đau bụng dưới, hoặc cảm thấy đau hai bên sườn và bắp đùi, nên nghĩ đến cơn chuyển dạ thật. Đặc biệt, nếu dịch âm đạo tiết ra nhiều, có màu đỏ nhiều hơn là chất nhầy màu trắng thì bạn nên chuẩn bị sẵn sàng nhập viện ngay.

Những biến cố có thể xảy ra khi chuyển dạ

chuyen da 2

(Ảnh minh họa)

Không phải “bầu” nào cũng may mắn trải qua cuộc chuyển dạ “thuận buồm xuôi gió”. Có những biến chứng xảy ra trong quá trình bạn “vượt biển” có thể gây nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, nếu bạn tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của bác sĩ sẽ giảm thiểu nguy cơ cho hai mẹ con.

– Băng huyết: đây là một trong những nguyên nhân dễ gây tử vong cho thai phụ nhất ngay khi chuyển dạ và vừa sinh xong. Biến chứng này rất dễ xảy ra nếu thai phụ bị nhau tiền đạo, tức là hiện tượng bánh nhau bám che một phần hay toàn phần cổ tử cung. Khi thai phụ chuyển dạ, bánh nhau bị bong khỏi lớp cơ tử cung, gây chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như: bị rách đường sinh dục, cổ tử cung, âm đạo gây băng huyết mạnh, rách âm môn (tầng sinh môn), vỡ tử cung, v.v..

=> Khám thai đầy đủ để bác sĩ có thể nắm rõ các nguy cơ băng huyết (nếu có). Chọn bệnh viện và bác sĩ, nữ hộ sinh giỏi, nắm rõ tình hình sức khỏe của bạn trong suốt thai kỳ. Trong những tháng cuối thai kỳ, nếu xảy ra bất cứ hiện tượng chảy máu nào, dù rất ít cũng phải thông báo ngay với bác sĩ để kiểm tra.

– Suy thai: là tình trạng thai bị thiếu ôxy trong khi mẹ chuyển dạ. Lúc này, cần phải mổ gấp để lấy thai ra ngoài. Hậu quả của suy thai: trẻ có thể bị động kinh, đần độn, nói ngọng hoặc để lại di chứng do thiếu ôxy não.

Nguyên nhân gây suy thai có thể do mẹ đã mắc các bệnh trước đó như thiếu máu, suy tim, hay bị tăng hoặc tụt huyết áp. Ngoài ra, cũng có thể do thai kém phát triển, dị dạng, già hoặc quá non tháng, bị các trường hợp như nhau quấn cổ, nhau thắt nút, sa dây nhau, v.v.. Trường hợp nếu mẹ chuyển dạ quá lâu, tử cung co cứng thì hiện tượng suy thai cũng có thể xảy ra.

=> Cần tuyệt đối tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ nếu chẳng may xảy ra bất thường. Không nên hoảng loạn. Ngoài ra, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức và chủ động phòng tránh ngay từ khi mang thai. Cách đề phòng tích cực là điều trị hết các bệnh mãn tính trước khi có thai, giữ cho mình không bị stress, ăn uống đủ chất (không để tăng cân quá nhiều hoặc quá ít trong những tháng cuối thai kỳ).

chuyen da 3

(Ảnh minh họa)

– Sa dây nhau: là biến chứng đảo lộn trật tự quá trình chuyển dạ vốn dĩ gồm 3 giai đoạn: cổ tử cung dần mở, rặn đẻ để đẩy em bé ra ngoài và xổ nhau. Nói rõ hơn là ngôi thai chưa xuống kịp mà túi nước ối đã vỡ do áp lực nước ối tăng, khiến dây nhau sa xuống có thể sờ thấy trong âm đạo. Nếu cấp cứu kịp thời sẽ cứu được cả mẹ lẫn con. Nhưng nếu không cứu kịp, sa dây nhau có thể làm thai chết trước khi ra được bên ngoài.

=> Phải khám thai thường xuyên. Khi khám thai, bác sĩ có thể phát hiện ra những trường hợp đa ối (nước ối quá nhiều), ngôi thai bất thường, có cơn co tử cung bất thường, v.v. để đề phòng trước việc sa nhau thai. Khi chẳng may gặp phải biến chứng này, cần tuân theo những yêu cầu của bác sĩ (như đổi tư thế nằm, phải lập tức nằm chổng mông) để có thể cấp cứu khẩn cấp cho thai nhi, nhằm đẩy dây nhau lên và làm giảm cơn co tử cung, cũng như phải mổ nhanh để cứu thai nhi.

– Vỡ ối non và vỡ ối sớm: vỡ ối non là tình trạng khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà túi ối đã vỡ. Vỡ ối sớm là khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở hết. Nước ối bảo vệ cơ thể bé khỏi những tác động bên ngoài trong suốt thời gian mang thai và giúp bé dễ chui ra trong khi sinh. Nếu bị vỡ ối non hoặc vỡ ối sớm, bé sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, gặp nguy hiểm khi chuyển dạ và cả sau khi sinh. Cả mẹ cũng có thể bị nhiễm khuẩn hậu sản nặng.

=> Sản phụ vỡ ối non và sớm cần được dùng kháng sinh ngay và can thiệp lấy thai ra sớm bằng phẫu thuật, không để chuyển dạ kéo dài vì nguy cơ tử vong rất cao cho cả mẹ và con.

Ngay khi thấy có triệu chứng vỡ túi nước ối, bạn phải nhanh chóng nhập viện để được bác sĩ cấp cứu khẩn cấp. Nếu bạn đến bệnh viện kịp thời, bác sĩ có thể giúp bạn đưa bé ra ngoài an toàn.

– Kiệt sức khi chuyển dạ: những cơn co thắt tử cung liên tiếp có thể khiến mẹ mệt mỏi và mất sức nhanh chóng. Thêm vào đó, nếu bị thiếu nước, không đủ năng lượng, lại có cảm giác cô đơn, sợ hãi, không có người nhà ở bên thì sản phụ càng dễ bị kiệt sức nhanh chóng hơn. Nó khiến nồng độ ôxy trong máu mẹ giảm, có thể gây suy thai hoặc ngạt thai, nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

=> Cần tham gia lớp học tiền sinh hoặc tìm hiểu qua sách báo, nhờ sự tư vấn của bác sĩ/ nữ hộ sinh để hiểu thật rõ quá trình chuyển dạ, cách rặn đẻ đúng cách, giúp bạn vượt qua những giờ phút khó khăn một cách dễ dàng. 

Để có một cuộc chuyển dạ dễ dàng

– Nên giữ thể lực tốt vì thai phụ khỏe mạnh sẽ có cơn chuyển dạ ngắn hơn. Ngay từ trước khi chuẩn bị mang thai, bạn nên chăm sóc sức khỏe bản thân, tập luyện thường xuyên. Trong 9 tháng thai kỳ cũng nên vận động nhẹ nhàng, tập các động tác thể dục.

– Tham gia lớp học tiền sản để bớt lo lắng và có thể học được những kỹ năng giúp quá trình chuyển dạ dễ dàng hơn.

– Nên có người thân bên cạnh để động viên, tạo cảm giác yên tâm.

– Hãy cố gắng thư giãn tinh thần. Cuộc chuyển dạ thường kéo dài. Nếu bạn cứ nằm đó mà… đếm từng cơn co thắt thì tâm lý sẽ rất hoảng sợ.

– Đi lại nhẹ nhàng có thể giúp ích cho bạn. Trừ trường hợp bác sĩ yêu cầu nằm yên, còn lại bạn nên đi lại nhẹ nhàng một chút vào lúc đầu, kích thích cổ tử cung dãn to hơn.

Tags:

Bài viết liên quan