Mẹ&Con – Cũng vẫn là mang bầu, vẫn là sinh con nhưng lần sinh thứ hai này vẫn có những vấn đề khác biệt bạn cần biết và lưu tâm, để tiếp tục một lần nữa “mẹ tròn con vuông”
Mang thai lần hai, bạn điềm tĩnh hơn, không vội vàng vui quá mức hoặc lo lắng quá nhiều trước những khác biệt của cơ thể mình. Đã có kinh nghiệm nên bạn khá tự tin và sẽ khám phá thai kỳ mới của mình với những cảm xúc dễ chịu hơn lần thứ nhất.

Những khác biệt của “tập 2”

  • Bụng

Bụng bạn sẽ to nhanh hơn. Nguyên nhân vì trong lần mang thai đầu tiên, tử cung của bạn đã phát triển và cơ bụng cũng mất đi độ căng một chút. Bạn sẽ cần đến chiếc áo bầu khá sớm và nhận ra các dấu hiệu “bầu bì” của mình dường như xuất hiện nhanh hơn, rõ rệt hơn.

  • Nghén

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra các dấu hiệu nghén của mình rất khác với lần mang thai thứ nhất. Chẳng hạn lần đầu bạn thèm chua thì lần sau bỗng thèm ngọt, lần đầu bạn nghén dữ dội thì lần sau lại ít đi, hoặc ngược lại lần đầu chẳng hề hấn gì thì lần sau lại vật vờ với những trận buồn nôn, những cơn “đừ” dai dẳng.

> 5 bữa ăn dinh dưỡng cho bà bầu giúp mẹ vượt cạn thành công ngoạn mục

  • Cử động của thai nhi

Do đã có nhiều kinh nghiệm nên bạn cảm nhận được những cử động của bé thứ hai nhanh hơn nhiều so với bé đầu lòng. Điều đó khiến bạn tưởng chừng như bé thứ hai phát triển “sớm” hơn. Kỳ thực, chính do bạn đã dễ dàng hiểu và lắng nghe được bé yêu của mình rồi.

  • Mệt mỏi

Khá nhiều bầu cho rằng lần mang thai sau mệt mỏi nhiều hơn lần mang thai đầu. Nguyên nhân thật sự không phải bạn bị thai “hành” nhiều hơn đâu, mà chẳng qua bạn vất vả hơn nhiều so với lần thứ nhất, vừa đóng vai trò của một bà bầu vừa phải làm mẹ chăm sóc cho đứa con nhỏ của mình. Để khắc phục điều này, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân, tăng cường nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.

  • Sinh nở

Những ám ảnh của cơn đau đẻ “con so” hẳn vẫn còn khiến bạn rùng mình khi nhớ đến. Hãy hít một hơi thật sâu, sau đó thở ra nhẹ nhàng nào! Bạn yên tâm đi, lần sinh thứ hai này, đa phần bạn sẽ thấy thời gian sinh ngắn hơn, việc sinh nở có phần dễ dàng hơn.

> Chuẩn bị sinh mổ, mẹ ơi có biết?

  • Cảm xúc

Những cảm xúc của lần đầu làm mẹ quá lớn và đặc biệt, đến nỗi không gì khác thay thế được trong đời khiến bạn lo lắng mình sẽ thương bé thứ hai ít hơn. Song thật kỳ diệu khi khám phá ra mỗi thiên thần bé bỏng là một phép màu khác nhau, chúng sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc hoàn toàn mới mẻ và khiến bạn nhận ra mình không thể phân biệt thương đứa con nào “nhiều hơn” được.

Nếu lần mang thai đầu có những biến chứng

Hãy theo dõi thật kỹ thai kỳ lần hai, trao đổi với bác sĩ để kiểm soát thai kỳ chặt chẽ hơn. Một số biến chứng của lần mang thai đầu có khả năng ảnh hưởng đến lần 2 của bạn. Bạn cần tìm hiểu cặn kẽ cả những biện pháp phòng ngừa, nhằm giảm nguy cơ tái phát các biến chứng kia.

Mang thai lần 2, mẹ cần…

Ăn đủ các chất: đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu), tinh bột (cơm, xôi, bánh mì, bắp, khoai), chất béo (dầu thực vật, phô mai, sữa), vitamin và chất khoáng (các loại rau xanh, củ, quả). Nên chọn thực phẩm tươi và nấu chín trước khi ăn.

Cần bổ sung sắt, canxi và axit folic, cụ thể sắt 30-60 mg/ngày, axit folic 400-800 mcg/ngày, canxi 1000–1500 mg/ngày.

Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm dù lần mang thai đầu bạn đã khám kỹ rồi. Các xét nghiệm bạn cần làm là: huyết đồ, HBsAg, HIV, đường huyết khi đói, nhóm máu, Rhesus, Rubella, nước tiểu; xét nghiệm sàng lọc hội chứng Down; xét nghiệm dung nạp đường thai kỳ (thực hiện với các đối tượng đã sinh con lần đầu nặng trên 4kg, đã có lần sinh thai lưu lớn không rõ nguyên nhân, mẹ hoặc chị em ruột bị đái tháo đường, thai kỳ này tăng cân nhanh).

Ba điều mẹ cần lưu ý

Xung quanh chuyện làm “tập 2” có vô số vấn đề cần quan tâm, nhưng có 3 điều sau bạn cần biết trước hết.

  • Làm gì khi chờ mãi không thấy có thai?

Bạn đã sẵn sàng chờ đón thiên thần thứ hai ra đời nhưng chờ mãi mà không thấy tin vui. Đó có thể là biểu hiện của vô sinh thứ phát (tức vô sinh sau khi đã có bé đầu), vốn dễ xảy ra với những người đã từng có thai ngoài tử cung, sẩy thai. Ngoài ra, đôi khi nguyên nhân là do ở lần sinh đầu, tử cung của bạn bị can thiệp bằng các biện pháp từ bên ngoài như tác động vào cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng. Cũng có thể do bạn stress, căng thẳng với việc chăm sóc bé đầu, cộng thêm nỗi mong ngóng có đứa con thứ hai tạo thành yếu tố tâm lý bất ổn, tác động vào.

  • Làm gì khi lần sinh trước bạn từng bị trầm cảm sau sinh?

Trung bình có khoảng 10% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Nếu lần sinh đầu bạn bị trầm cảm sau sinh thì hãy chờ tối thiểu 2 năm sau hãy mang thai lần hai. Việc mang thai lần 2 quá sớm dễ khiến bạn bị trầm cảm lại vì những vất vả của việc nuôi con nhỏ cộng thêm tình trạng mệt mỏi khi mang thai. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt, ở lần mang thai thứ hai, nhờ đã có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm vượt qua trầm cảm nên người mẹ dễ dàng tự giải tỏa tâm lý cho mình, cảm thấy yêu đời hơn hẳn.

Kiến thức cần biết cho lần sinh thứ hai

Ảnh minh họa

  • Làm gì khi bạn từng có tiền sử sinh non?

Nếu bạn đã từng có tiền sử sinh non thì cần hết sức cẩn thận vì nó có nguy cơ tái diễn trong lần sinh thứ hai. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về tiền sử ấy, tăng cường nghỉ ngơi và hạn chế tối đa hoặc kiêng hẳn “quan hệ” vợ chồng vào những tháng cuối thai kỳ. Có thể xin nghỉ làm sớm hơn trong trường hợp bạn thu xếp ổn công việc. Ngoài ra, bạn cũng cần trao đổi với bác sĩ khi bị viêm nhiễm âm đạo – là yếu tố tăng nguy cơ chuyển dạ sớm. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của chuyển dạ sớm như đau bụng, tăng tiết dịch vùng kín, bạn nên nhanh chóng tới bệnh viện.

Có “bầu trộm”: nên giữ hay nên bỏ?

Mang thai “trộm”, có “bầu trộm” là cách nói dân gian chỉ những người mẹ sau sinh, trong giai đoạn cho con bú, chưa có kinh nguyệt lại đã… mang thai bé thứ hai nhưng không biết cho đến khi thai lớn.

Người có “bầu trộm” thường xuất hiện đột ngột các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, tiểu nhiều lần, buồn ngủ. Việc giữ lại thai trong trường hợp này khá nguy hiểm, vì thời gian nghỉ ngơi, hồi phục của cơ thể mẹ chưa có cộng thêm tâm lý chưa ổn định vì sự vất vả khi chăm sóc bé đầu lòng.

Tuy nhiên, việc bỏ thai, đặc biệt những thai lớn hơn 10 tuần cần phải cân nhắc kỹ. Vì trong những tháng đầu sau sinh, tử cung còn mềm, cơ tử cung còn yếu nên khi thực hiện thủ thuật nạo hút thai dễ xảy ra tai biến cho mẹ như: thủng tử cung, băng huyết, sót nhau, nhiễm trùng gây vô sinh sau này.

> 9 nguyên nhân sảy thai không phải mẹ bầu nào cũng biết

Tags:

Bài viết liên quan