Mẹ và Con - Khám sức khỏe sinh sản được xem là hình thức sàng lọc sức khỏe quan trọng dành cho các cặp đôi có dự định kết hôn và sinh con. Đây là bước đệm quan trọng để xây dựng hạnh phúc gia đình và nâng cao chất lượng dân số.

Khám sức khỏe sinh sản còn khá mới với nhiều người. Chính vì vậy nhiều chị em còn rất lăn tăn khi chuẩn bị khám sức khỏe tiền hôn nhân. Cùng Mẹ và Con lưu ngay những lưu ý quan trọng trước khi thực hiện sàng lọc sức khỏe sinh sản nhé!

Sàng lọc sức khỏe sinh sản gồm những gì?

Theo các bác sĩ, cặp đôi nên lên kế hoạch khám sức khỏe trước khi cưới hay trước khi sinh con khoảng 3 – 6 tháng. Khám sức khỏe sinh sản thường bao gồm:

  • Khám sức khỏe tổng quát
  • Xét nghiệm mẫu máu: Tổng phân tích tế bào máu; Xác định nhóm máu ABO, Rh; Sinh hóa máu (Glucose, GOT, GPT, Ure, Creatini, Cholesterol, Triglycerid)
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Xét nghiệm HIV, HBsAg
  • Khám phụ khoa, nam khoa
  • Xét nghiệm dịch âm đạo
  • Xét nghiệm dịch niệu đạo
  • Tinh dịch đồ
  • Siêu âm ổ bụng
  • Siêu âm vú
  • Siêu âm tinh hoàn
  • Nội tiết tố sinh dục
  • Sàng lọc gen, sàng lọc di truyền

Lợi ích khi khám sức khỏe sinh sản

Kết quả khám sẽ cho phép các cặp đôi nhìn nhận rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình. Trường hợp có những bệnh cần điều trị, bệnh nhân sẽ được bác sĩ khuyến cáo kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sinh sản. Bên cạnh đó, nếu có những bệnh nhẹ hoặc cần lưu ý về những vấn đề khác bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ hoặc nam giới.

Đối với trẻ sơ sinh khám sức khỏe trước khi sinh chính là nền tảng để đánh giá và phát hiện những bệnh lý, dị tật bẩm sinh có thể mắc trong tương lai. Từ đó sẽ đưa ra hướng xử lý tốt nhất. 

sức khỏe sinh sản

Thời gian khám sức khỏe trước khi sinh sản phù hợp

Đối với những cặp đôi đang trong độ tuổi sinh sản thì nên thực hiện khám sàng lọc sức khỏe sinh sản khoảng 1 – 2 năm một lần. Đối với những người đang ở độ tuổi 40 trở lên thì nên đi khám sức khỏe khoảng 6 tháng/ lần. Bởi độ tuổi này các cơ quan sinh sản sẽ có nhiều thay đổi nhất là phụ nữ. Và đặc biệt, khi gặp các hiện tượng đau bụng dưới, khí hư, huyết trắng, chảy máu âm đạo bất thường… thì nên đi khám càng sớm càng tốt để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Những lưu ý trước khi khám sức khỏe tiền sinh sản

Việc chuẩn bị cũng như sẵn sàng về tâm lý trước khi khám sinh sản sẽ giúp chị em có một buổi khám bệnh suôn sẻ với kết quả chính xác nhất.

Chọn địa chỉ uy tín

Hiện nay có rất nhiều cơ sở thăm khám phụ khoa, chính vì vậy các bạn cần chọn những địa chỉ thăm khám chuyên môn uy tín. Bạn có thể chọn những địa chỉ nhận được nhiều phản hồi và đánh giá tốt. Để đảm bảo an toàn nhất các bạn nên chọn khám sức khỏe sinh sản tại những bệnh viện sản khoa lớn và uy tín như: bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, MeKong, bệnh viện phụ sản Trung Ương, bệnh viện Bạch Mai…

sức khỏe sinh sản

Chú ý đến thời gian kinh nguyệt

Chắc hẳn trước khi khám phụ khoa hay sức khỏe sinh sản các bạn sẽ được bác sĩ hỏi rất kỹ vấn đề kinh nguyệt. Tuyệt đối không khám phụ khoa khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt. Việc này vừa không đảm bảo vệ sinh lại không mang đến kết quả không chính xác. Thời điểm tốt nhất để khám phụ khoa là khoảng 3 – 5 ngày sau khi sạch kinh và nên khám vào buổi sáng.

*Các bạn có thể vệ sinh vùng kín trước khi đi khám để có thể tự tin hơn.

Chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý

Tại Việt Nam, việc khám phụ khoa được xem là khá mới và còn tạo sự e ngại cho nhiều chị em vì sẽ thực hiện trực tiếp ở vùng kín. Chính vì vậy trước khi muốn khám phụ khoa các bạn nên lên lịch từ sớm và cụ thể thời gian để kịp chuẩn bị tâm lý. Bạn hãy nghĩ đơn giản đây là bước kiểm tra sức khỏe bình thường để “hiểu” bản thân hơn.

Không quan hệ tình dục trước ngày khám 

Trước thời gian khám phụ khoa các bạn không nên quan hệ tình dục 2 ngày, bên cạnh đó không được đặt bất kỳ loại thuốc âm đạo nào. Vì những việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả và giảm độ chính xác của quá trình khám phụ khoa.

Không vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh

Trước khi đi khám phụ khoa khoảng 3 ngày các bạn không nên dùng bất kỳ sản phẩm vệ sinh vùng kín nào để thụt rửa âm đạo. Vì những sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến độ pH cũng như tiêu diệt các vi khuẩn trong âm đạo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả của quá trình khám phụ khoa.

*Bạn có thể vệ sinh bằng nước ấm.

khám sức khỏe sinh sản

Không dùng rượu bia, đồ ăn ngọt hay nhiều dầu mỡ

Cũng giống với các hình thức khám sức khỏe khác, các bạn không nên dùng thức uống có cồn hay đồ ăn nhiều dầu mỡ, quá ngọt… vì sẽ ảnh hưởng để nhiệt độ khu vực vùng kín. Bên cạnh đó, các nhóm thực phẩm này còn tăng lượng dịch tiết ra trong âm đạo. Từ đó, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhiều hơn bình thường, ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra và kết quả sẽ không chính xác nữa.

*Nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước khi thực hiện các xét nghiệm. Với một số xét nghiệm đặc biệt, bạn có thể được yêu cầu nhịn ăn lâu hơn.

Chuẩn bị các trang phục thoải mái

Một điều rất quan trọng khi khám sức khỏe sinh sản chính là hãy chuẩn bị một trang phục thoải mái nhất cơ thể. Bạn có thể chọn các loại váy, quần rộng không bó sát, hạn chế mặc quần jean…

Ghi nhớ những triệu chứng thường gặp

Tuy rằng việc thăm khám phụ khoa sẽ cho bạn kết quả về tình hình sức khỏe của cơ quan sinh sản. Tuy nhiên để giúp việc “bắt bệnh” chính xác và dễ dàng hơn các bạn hãy chia sẻ với bác sĩ về những triệu chứng bạn thường gặp trong thời gian gần đây.

Không dùng lăn, xịt khử mùi

Nếu trong danh mục khám có chụp X-quang ngực, bạn không nên sử dụng các sản phẩm khử mùi vùng dưới cánh tay. Nguyên nhân là do các hợp chất trong sản phẩm khử mùi có thể hiển thị dưới dạng những đốm trắng trên phim chụp, dễ gây hiểu nhầm là những nốt vôi hóa do bệnh ung thư gây ra.

khám tiền hôn nhân

Khám sức khỏe sinh sản là tiền đề để bạn hiểu hơn về cơ thể của bản thân cũng như ngăn chặn những dị tật bẩm sinh trên thai nhi. Chính vì vậy, ngay từ hôm nay các bạn hãy lên lịch khám sức khỏe sinh sản nhé!

Bài viết liên quan

tâm trạng của mẹ bầu

Tâm trạng của mẹ bầu có ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?

Mẹ và Con - Tâm trạng của mẹ bầu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm hồn và cả thể chất của thai nhi. Một tâm hồn lạc quan, sẻ chia, và tình yêu thương sẽ là nguồn năng lượng vô tận, giúp bé yêu phát triển toàn diện, khỏe mạnh từng ngày trong bụng mẹ.