Xuất phát từ những nỗi ám ảnh đeo đẳng tâm trí của khán giả xem phim mà các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về tình trạng này và đặt tên cho chúng là Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh.
Liệu đây có phải là những bất ổn về tâm lý và có cách nào để hóa giải chúng một cách hiệu quả? Cùng tìm hiểu với Tạp chí Mẹ và Con qua bài viết sau đây, mẹ nhé!
Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh là gì?
Theo các chuyên gia tâm lý học hiện đại, Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh (có tên tiếng Anh là Post Movie Depression Syndrome, viết tắt là PMDS), là tình trạng buồn bã, đau khổ sau khi người xem hoàn tất một bộ phim.
Đó có thể là cảm giác tiếc nuối khi bộ phim kết thúc, cảm giác buồn bã khi phim có kết cục không như mong muốn của bạn… Nhiều người cảm thấy rất đau khổ vì điều này, một số khác cảm thấy hụt hẫng, thậm chí chúng mang đến cảm giác đau khổ tương tự như một cuộc chia tay tạm thời và dẫn đến những hành động bất thường.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này
Rất nhiều chuyên gia tâm lý và các nhà nghiên cứu về chứng lo âu giải thích rằng: Phim ảnh dựng nên một thế giới mới mẻ, đầy thú vị, tách rời với đời sống hiện thực. Ở đó, người xem có cảm giác mình hóa thân vào chính nhân vật trong phim (thường là nhân vật chính hoặc nhân vật có đặc điểm tính cách, số phận tương đồng). Khi đã “nhập tâm” vào nhân vật, người xem bắt đầu xem mình là một phần của thế giới mới vừa được dựng nên đó và phát triển những cảm xúc, suy nghĩ, hành động như chính nhân vật trong phim.
Do đó, hệ quả của diễn biến tâm lý này là bạn sẽ cảm thấy đau khổ, buồn bã và đôi khi như lạc lõng khi bộ phim khép lại, thế giới tưởng tượng tan biến kéo bạn về với thực tại. Ngoài ra, nhiều người còn có biểu hiện: không muốn làm một việc gì cả, muốn quay lại với thế giới tưởng tượng bằng cách dành thời gian xem lại phim, các sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn…
Quá trình phát triển của Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh giải thích cho nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Những ai dễ gặp Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh?
Một số cá nhân có những đặc điểm sau đây dễ mắc hội chứng này hơn:
- Người có những bất ổn nhất định về tâm lý đã/chưa được phát hiện
- Người chưa điều trị khỏi những vấn đề tâm lý đã có
- Người gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người
- Người cô đơn và bị giới hạn khả năng kết nối với xung quanh
- Người không hài lòng với hiện thực nên phải tìm tới thế giới ảo
Ảnh hưởng của Hội chứng PMDS
Khi mắc Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh, bạn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung là những biểu hiện như chán nản, buồn bã, thất vọng và một số người có thể:
- Xem lại bộ phim đã xem để sống lại cảm giác từng có
- Tham gia các cộng đồng viết nên “ngoại truyện” do chính mình tưởng tượng ra
- Không thể tiếp tục cuộc sống bình thường như đã có trước đây
- Trở nên quá khích và có những lời nói, cảm xúc khó hiểu như với người, sự vật, hiện tượng nào đó từng có trong phim
Cách thoát khỏi Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh
Để cắt đứt dòng suy nghĩ và sự quan tâm đối với bộ phim đã được thưởng thức, việc đầu tiên của bạn là ngừng nghĩ về chúng. Bạn nên bắt đầu lại với những công việc thường nhật, mục tiêu đã đề ra và người cần bạn quan tâm ngay tại thời điểm này. Việc tách mình ra khỏi thế giới tưởng tượng bằng cách quay về với thực tại sẽ khó khăn hơn bạn nghĩ, nhưng hoàn toàn là có thể khi bạn mong muốn và đủ nghị lực.
Thứ hai là việc ngăn những ảnh hưởng tiêu cực từ bộ phim đối với bạn. Để làm được điều này, bạn nên tránh xa bộ phim hiện đang say mê và cả thể loại phim tương tự. Nếu được, hãy ngừng xem phim một thời gian và chọn hình thức giải trí khác như đọc sách, nghe nhạc, tập thể dục, khiêu vũ… Hãy nhớ, phim ảnh có khuynh hướng phản ánh những khiếm khuyết trong thực tế. Vì thế, trọng tâm của việc vượt qua Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh là nhìn ra đây là chỉ là ước mơ và “tỉnh mộng” kịp thời.
Cuối cùng, bạn nên tự tạo ra nhiều việc làm hơn cho mình. Khi bận rộn, bạn sẽ ít có thời gian cho những suy nghĩ mông lung, thiếu thực tế và dần dần tách ra khỏi những cảm xúc đã có với bộ phim đã xem.
Bạn ạ, việc bạn yêu thích phim ảnh, thưởng thức nghệ thuật và cả sống trọn vẹn cho cảm xúc của một bộ phim không có gì là sai. Nhưng để Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, gia đình thì điều đó là không nên nhé.