Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu sự thay đổi tâm lý ở người cao tuổi để chăm sóc bố mẹ, người thân một cách tốt nhất bạn nhé!
Sự thay đổi tâm lý ở người cao tuổi diễn ra như thế nào?
Cảm thấy mình vô dụng
Người cao tuổi thường có suy nghĩ mình vô dụng do không còn đi làm và không còn tự lo về mặt kinh tế mà phụ thuộc vào con cháu của mình. Hơn nữa, do không đủ sức khỏe, ít phụ giúp được con cháu, một số việc cũng không thể tự làm như xưa khiến người cao tuổi thay đổi tâm lý, thường xuyên buồn rầu và chán nản, thể hiện sự bất lực.
Cho rằng mình bị bỏ rơi và quên lãng
Khi con cái ngày một trưởng thành, mải mê mưu sinh và khám phá thế giới thì thời gian của bố mẹ và con cái ở gần bên nhau sẽ ngày một ít đi. Hơn nữa, những người ở tuổi xế chiều sẽ có khoảng cách thế hệ nhất định với con cháu của mình. Vì thế, họ dễ trở nên tủi thân khi ở một mình và cho rằng mình đang bị con cháu bỏ rơi, quên lãng.
Dễ tự ái
Một diễn biến thay đổi tâm lý ở những người cao tuổi rất thường gặp chính là họ nhạy cảm hơn và dễ tự ái hơn. Cũng chính vì cảm giác mình vô dụng, thường xuyên thấy bất lực và cho rằng mình bị quên lãng mà chỉ cần một câu nói thiếu tinh tế hay một hành động phật ý cũng dễ khiến người cao tuổi bị ‘phật lòng” và tự ái, cho rằng con cái và những người xung quanh xem thường mình.
Sợ cô đơn
Khi còn trẻ, đôi lúc chúng ta chỉ ước được ở một mình và thấy cô đơn là một điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sự thay đổi tâm lý khiến những người bước qua tuổi trung niên dần sợ cô đơn hơn.
Tại các nước phát triển, con cái khi trưởng thành hầu như không sống cùng bố mẹ mà sẽ gửi bố mẹ đến các trung tâm dưỡng lão, giao phó cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Tại Việt Nam, hầu hết con cái đều sẽ tìm đến những thành phố lớn để mưu sinh còn bố mẹ lại muốn ở những vùng quê thanh bình để dưỡng già. Hoặc dù có sống cùng một nhà thì những đứa con cũng thường bận rộn nên ít quan tâm đến bố mẹ của mình.
Vì thế, một trong những điều mà người già mong mỏi nhiều nhất đó chính là được ở gần con cháu, được quan tâm và chia sẻ. Họ rất sợ cô đơn và luôn mong muốn con cái, người thân sẽ ở bên mình nhiều hơn, chia sẻ với mình.
Mong muốn được quan tâm chăm sóc
Bất kể ai cũng muốn được yêu thương, quan tâm và chăm sóc. Tuy nhiên với người cao tuổi thì mong muốn này lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Vì tâm lý cho rằng mình bị quên lãng, mình không tạo ra giá trị gì, chỉ là một người vô dụng không phụ giúp được cho con cháu mà người cao tuổi càng khao khát được con cháu chú ý nhiều hơn.
Có người sẽ chia sẻ sự thay đổi tâm lý này với con cái của mình nhưng cũng có người thể hiện qua hành động, dù đôi lúc có phần tiêu cực, chẳng hạn như quấy phá hay chửi bới. Cốt yếu cũng chỉ là mong muốn được con cháu để mắt đến nhiều hơn mà thôi.
Sợ phải đối mặt với cái chết
Tuy không phải tất cả người lớn tuổi đều như vậy nhưng một số người càng lớn tuổi lại càng nghĩ đến chuyện sinh tử và sợ phải đối mặt với cái chết. Có nhiều cách phản ứng cho sự thay đổi tâm lý này, chẳng hạn như chủ động nhắc đến chuyện hậu sự của bản thân với con cháu, viết trước di chúc hoặc lảng tránh nhắc đến cái chết.
Xem thêm:
- Nguyên tắc dinh dưỡng, vận động giúp bảo vệ người cao tuổi có bệnh tim mạch
- Rung nhĩ: Bệnh lý gây suy tim, đột quỵ phổ biến ở người cao tuổi
Hay hoài niệm về quá khứ
Những người bước vào độ tuổi xế chiều có nhiều sự thay đổi tâm lý. Trong đó, dễ thấy nhất chính là tình trạng hoài niệm về quá khứ. Họ thường ít để tâm đến hiện tại mà chỉ nghĩ về tuổi trẻ của mình.
Vì thế, bạn sẽ thường nghe ông bà và bố mẹ kể nhiều về kinh nghiệm sống của họ và những trải nghiệm mà họ có được. Đây cũng là lý do mà nhiều người trẻ cho rằng ông bà, bố mẹ đã lỗi thời, cổ hủ, làm cho khoảng cách thế hệ ngày một nghiêm trọng hơn.
Điềm tĩnh hơn
Vì đã trải qua quá nhiều sóng gió nên người cao tuổi thường điềm tĩnh hơn với những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Họ thường không còn lo lắng hay nóng vội mà luôn giữ được sự bình tĩnh của mình để đối mặt với những vấn đề mà bản thân gặp phải, chẳng hạn như khi nghe một thông tin sốc nào đó.
Vì sao người cao tuổi dễ thay đổi tâm lý?
Nguyên nhân cho sự thay đổi tâm lý của người cao tuổi xuất phát từ việc thay đổi nồng độ nội tiết tố trong cơ thể. Điều này thường xảy ra với phụ nữ do lượng estrogen suy giảm đáng kể trong thời kỳ mãn kinh, khiến tâm trạng thay đổi.
Ngoài ra, yếu tố môi trường sống cũng rất quan trọng. Người cao tuổi sống một mình, ít gần gũi với con cháu và bạn bè cũng sẽ dễ suy nghĩ nhiều, cảm thấy buồn bã và có những ý nghĩ tiêu cực hơn.
Trải qua những đau buồn, mất mát cộng với việc không còn được làm việc, người cao tuổi cũng dễ rơi vào trạng thái buồn bã, cho rằng mình vô dụng. Và các vấn đề về sức khỏe thể chất cũng góp phần tác động đến sự thay đổi tâm lý này, khiến người cao tuổi trở nên khó chịu, cáu kỉnh hơn.
Rất khó để tránh được thay đổi tâm lý sau khi bước qua giai đoạn tuổi trung niên. Vì thế, hy vọng thông qua bài viết bạn có thể hiểu thêm về những diễn biến tâm lý này để dành nhiều thời gian ở bên bố mẹ, ông bà của mình hơn và có cách chăm sóc, động viên tốt hơn bạn nhé.