Mẹ và Con - Khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cần lưu ý những gì? Cùng tìm hiểu ngay các thông tin liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho người từ 60 tuổi trở lên để có thể chăm sóc ông bà, bố mẹ và người thân đúng cách bạn nhé!

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhóm người từ 60 tuổi trở được xếp vào nhóm người cao tuổi. Lúc này, sức khỏe bắt đầu có biểu hiện suy giảm, dễ gặp nhiều bệnh lý hơn do các cơ quan trong cơ thể đã bắt đầu quá trình lão hóa. Với những ai may mắn còn bố mẹ, ông bà, hãy lưu ý những vấn đề khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sau đây để người thân luôn khỏe mạnh và có thể ở với chúng ta lâu hơn bạn nhé. 

Người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện

Khi chúng ta già đi, nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, dinh dưỡng và những vấn đề sức khỏe khác ngày một cao hơn khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Nghiêm trọng hơn, nếu người cao tuổi không được chăm sóc sức khỏe cẩn thận, phát hiện và điều trị bệnh lý từ giai đoạn sớm thì các bệnh này còn có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng.

Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa hấp thu kém cũng khiến việc ăn uống của người cao tuổi gặp nhiều khó khăn, ít cảm thấy ngon miệng khiến người cao tuổi ăn ít hơn. Tuy nhiên, càng ăn ít thì càng khó đảm bảo cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết thì sức đề kháng càng suy giảm và càng dễ mắc nhiều bệnh lý hơn.

Ngoài ra, khi bước qua độ tuổi 60 trở lên, tâm sinh lý cũng có nhiều thay đổi. Người cao tuổi cũng ít được ở gần bên con cháu hay nhận được sự quan tâm từ phía gia đình nên dẫn đến việc tính cách trở nên thất thường, hay nóng nảy và có chiều hướng bi quan hơn, tiêu cực hơn. Người cao tuổi lúc này cũng dễ cảm thấy tủi thân vì cho rằng bản thân mình vô dụng, phải phụ thuộc vào con cháu. Họ sẽ cho rằng mình đang là gánh nặng của con cháu, của gia đình và cộng đồng.

Vì thế, khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ngoài việc áp dụng những kiến thức chăm sóc sức khỏe khoa học thì cũng cần quan tâm nhiều đến chế độ dinh dưỡng và đặc biệt là vấn đề tâm lý.

cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Điều quan trọng đầu tiên để có sức khỏe tốt chính là phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Với người cao tuổi, một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cần nhớ gồm có:

  • Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày: Thay vì ăn một bữa quá no, bạn nên hướng dẫn bố mẹ và người lớn trong gia đình chia nhỏ bữa ăn ra, mỗi ngày ăn từ 5-6 bữa để có thể hấp thụ dưỡng chất tốt hơn và khiến hệ tiêu hóa không bị “quá tải” khi làm việc.
  • Lựa chọn thực phẩm tươi mới: Với người lớn tuổi, tốt nhất nên sử dụng thực phẩm tươi mới, tránh tuyệt đối các loại thực phẩm để qua đêm, đã bảo quản nhiều ngày.
  • Không nêm nếm quá nhiều: Người cao tuổi có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm nên để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, khi chế biến thức ăn thì không nên nêm quá mặn hoặc quá ngọt. Ngoài ra, cũng nên hạn chế mua các loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh vì không thể tự nêm nếm thức ăn.
  • Không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ: Vế chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi, nên hạn chế sử dụng dầu mỡ khi nấu ăn hoặc ăn các loại thực phẩm có hàm lượng mỡ cao. Với các món cần dầu mỡ thì hãy chú ý chọn các loại dầu ăn tốt cho sức khỏe có nguồn gốc thực vật như dầu oliu, dầu hạt hướng dương,…
  • Thay đổi món ăn thường xuyên: Người cao tuổi thường dễ bị chán ăn, vì thế cần thay đổi món ăn thật đa dạng để kích thích cảm giác thèm ăn, giúp ăn ngon miệng hơn.
  • Đảm bảo 4 nhóm chất cần thiết: Một lưu ý đặc biệt quan trọng khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chính là phải đảm bảo bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Ăn nhiều chất xơ: Người cao tuổi có khả năng táo bón cao, hệ tiêu hóa hoạt động kém. Vì thế, nên chú ý bổ sung nhiều rau củ, trái cây tươi để cung cấp lượng chất xơ cần thiết.

chế độ dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Khi bạn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như ông bà hoặc bố mẹ thì một lưu ý quan trọng chính là đưa người thân của mình đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể sớm phát hiện và điều trị trong trường hợp có các vấn đề về sức khỏe. Việc điều trị bệnh lý cho người cao tuổi thường phức tạp hơn, khó hơn và mất nhiều thời gian hơn. Do đó, càng thăm khám và phát hiện sớm sẽ càng tăng hiệu quả trong điều trị.

Thường xuyên trò chuyện, hỏi han

Khi có tinh thần thoải mái, vui vẻ thì sức khỏe cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, người cao tuổi có tâm lý thay đổi, dễ cảm thấy buồn bã, tủi thân. Vì thế, bạn nên dành thời gian để trò chuyện, tâm sự, hỏi han nhiều hơn. Đây chính là liều thuốc tinh thần đặc biệt quan trọng để giúp người có tuổi trở nên lạc quan, yêu đời và sống vui vẻ hơn. Bên cạnh việc trò chuyện, bạn có thể cùng bố mẹ hoặc ông bà tham gia các hoạt động như cùng xem phim, đi chợ, đi dạo phố, tập thể thao,…

bí quyết chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Xem thêm:

Luôn có thuốc dự phòng

Tủ thuốc gia đình có người cao tuổi ngoài những thuốc cơ bản như thuốc giảm đau, hạ sốt,… thì cũng nên chuẩn bị thêm một số thuốc dự phòng cần thiết. Tùy theo tình trạng bệnh lý và sức khỏe mà có thể chuẩn bị các loại thuốc phù hợp. Có thể nhờ bác sĩ tư vấn để có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh trường hợp không có thuốc để sử dụng khi sức khỏe diễn tiến xấu đột ngột.

Khuyến khích tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ

Một lưu ý cực kỳ quan trọng để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chính là khuyến khích họ tham gia các hoạt động xã hội. Khi con cháu đi làm và không có nhiều thời gian ở bên thì việc tham gia những hội nhóm, câu lạc bộ sẽ giúp người cao tuổi có người trò chuyện. Tiếp xúc với nhiều người, có cơ hội được chia sẻ sẽ giúp người cao tuổi cảm thấy thoải mái, không còn những cảm xúc tiêu cực, chán nản.

người cao tuổi

Hơn nữa, việc tham gia các hoạt động xã hội cũng là một cách rèn luyện trí não và thể lực, giúp người cao tuổi tránh được nguy cơ bị lú lẫn, kém minh mẫn và các bệnh lý khác.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thường khó hơn và vất vả hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và hạnh phúc nhất vẫn luôn là được ở bên cạnh những người thân yêu. Vì thế, hãy cố gắng để cập nhật những kiến thức chăm sóc chuẩn nhất giúp ông bà, bố mẹ có nhiều thời gian ở bên chúng ta hơn bạn nhé!

Bài viết liên quan